(Baothanhhoa.vn) - Nghị định số 105/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-11-2017 quy định rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, việc hoạt động sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh hầu như đều không có phép, không nhãn mác, không kiểm định chất lượng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý rượu thủ công vẫn còn nhiều bất cập

Nghị định số 105/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-11-2017 quy định rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, việc hoạt động sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh hầu như đều không có phép, không nhãn mác, không kiểm định chất lượng...

Công tác quản lý chất lượng rượu thủ công còn gặp nhiều khó khăn.

Sản xuất rượu thủ công đang có ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở khu vực nông thôn. Rượu thủ công chủ yếu do các hộ dân tự làm, hầu hết chưa có quy chuẩn nhất định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghề nấu rượu đối với gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở làng Cầu Thôn, xã Cầu Lộc (Hậu Lộc) đã được truyền qua nhiều đời. Hiện nay, gia đình chị Hạnh vẫn đang phát triển nghề nấu rượu thủ công và rượu của gia đình chị được người tiêu dùng tin dùng. Bình quân mỗi ngày chị nấu 4 nồi, gần 60kg gạo, thu từ 40 - 50 lít rượu. Toàn bộ lượng rượu nấu ra đều có khách quen đến đặt mua tại nhà.

Theo chị Hạnh, nguyên liệu sử dụng hoàn toàn bằng gạo nếp được mua về đựng trong các bao ni lon buộc kín tránh ẩm mốc; men rượu do gia đình tự làm theo phương pháp gia truyền dùng bột gạo và 36 loại thuốc bắc; các dụng cụ dùng nấu rượu, từ chum sành ủ rượu cái, nồi nấu rượu được làm bằng đồng đỏ tránh không bị váng; dụng cụ chứa rượu bằng bình thủy tinh, can nhựa sạch... Không những vậy, chị Hạnh còn có hẳn một gian nhà để các chum sành cỡ lớn trữ rượu. Chị Hạnh tâm sự: Để duy trì và phát triển nghề nấu rượu phải giữ được cái tâm với nghề; sử dụng gạo, men bảo đảm chất lượng, vệ sinh sạch sẽ trong quá trình sản xuất... Xã Cầu Lộc có 1.712 hộ thì có tới 70% số hộ làm nghề nấu rượu, sản lượng rượu hàng năm ước khoảng 1,5 triệu lít.

Xã Nga Điền (Nga Sơn) có khoảng 30 hộ chuyên nấu rượu. Rượu Nga Điền cũng là thương hiệu dân gian khá nổi tiếng với người tiêu dùng. Mặc dù vậy, việc sản xuất, buôn bán rượu đều do các hộ tự thực hiện không qua kênh kiểm soát chất lượng của các cơ quan chức năng. Rượu được cung ứng ra thị trường được bảo đảm bằng niềm tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Bình quân mỗi hộ chỉ nấu khoảng vài chục lít rượu mỗi tháng; vừa nấu rượu vừa kết hợp sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi.

Hiện nay, sản xuất rượu thủ công đang có ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Bình quân mỗi xã có từ 5 - 10 hộ chuyên nấu rượu, có làng từ 30 - 40 hộ trở lên. Mặc dù vậy, cả tỉnh có chưa đến chục hộ đăng ký sản xuất và kinh doanh rượu bảo đảm chất lượng. Chính vì thế, chất lượng rượu nấu thủ công đang là vấn đề cần được quan tâm. Thực tế, chất lượng rượu thủ công được quyết định từ ngay nguồn nguyên liệu đầu vào là gạo và men. Nhưng hiện nay men nấu rượu có rất nhiều loại, cùng với men truyền thống có hộ sử dụng men nước, men bột... Theo những người biết về nghề nấu rượu, khi sử dụng men nước hay men bột cho nhiều rượu và nồng độ cao hơn. Tuy nhiên, khi uống những loại rượu không sử dụng men truyền thống sẽ khó uống hơn và dễ gây đau đầu, ngộ độc...

Trước thực trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu thủ công, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh hàng năm đều có văn bản tăng cường việc quản lý, bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, ban chỉ đạo yêu cầu các ngành thành viên và UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm các sản phẩm rượu đang lưu thông trên thị trường; phát hiện sớm, truy xuất triệt để nguồn gốc vi phạm; kiên quyết xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi làm giả, làm nhái, sử dụng nguyên liệu bị cấm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và công khai các vi phạm theo quy định của pháp luật. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của rượu; trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, nghiêm cấm những hành vi sản xuất rượu sử dụng nguyên liệu cấm, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu không bảo đảm an toàn. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm người bị ngộ độc do rượu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và phương án cấp cứu và xử lý triệt để nhằm giảm thiểu quy mô ảnh hưởng của ngộ độc rượu trên địa bàn.

Sở Công Thương cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 105/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, thực trạng việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công ở tỉnh ta vẫn còn tồn tại. Hiện các địa phương vẫn chưa thống kê, quản lý được các cơ sở sản xuất rượu, cũng như chưa có các động thái tích cực nhằm khắc phục hạn chế, thiếu sót trong sản xuất rượu thủ công. Nguyên nhân do phần lớn số hộ nấu rượu thủ công nằm rải rác trong các khu dân cư, nên khó thống kê số liệu dẫn đến việc quản lý của các cơ quan chức năng như giám sát, kiểm tra hàm lượng Etanol, Methanol... trong rượu và việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm khó thực hiện. Nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng sử dụng rượu thủ công chưa công bố chất lượng và chưa được kiểm tra chất lượng sản phẩm... Do vậy, để quản lý tốt chất lượng sản phẩm rượu thủ công, chính quyền các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những sai phạm.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]