(Baothanhhoa.vn) - Dầu nhớt thải từ các điểm sửa chữa ô tô, xe máy là chất thải nguy hại cần được thu gom, phân loại, xử lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về “Quản lý chất thải nguy hại”. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý đối với nguồn chất thải này vẫn chưa được các cơ quan chức năng giám sát, thực hiện một cách chặt chẽ.

Phớt lờ quy định về quản lý chất thải nguy hại - nhiều điểm sửa chữa ô tô, xe máy vẫn cố tình vi phạm

Dầu nhớt thải từ các điểm sửa chữa ô tô, xe máy là chất thải nguy hại cần được thu gom, phân loại, xử lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về “Quản lý chất thải nguy hại”. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý đối với nguồn chất thải này vẫn chưa được các cơ quan chức năng giám sát, thực hiện một cách chặt chẽ.

Phớt lờ quy định về quản lý chất thải nguy hại - nhiều điểm sửa chữa ô tô, xe máy vẫn cố tình vi phạmCác chất thải từ hoạt động của các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy thẩm thấu trong lòng đất hoặc chảy ra môi trường xung quanh, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. (Ảnh minh họa).

Chị Nguyễn Thị Hoa, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Nhà ở gần gara ô tô H.N nên khó chịu vô cùng. Bởi, trong quá trình sửa chữa, tiếng ồn do đập gõ, động cơ gầm rú, mùi khét do hàn xì làm cho môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, mùi sơn phát tán ra môi trường xung quanh gây mùi khó chịu, độc hại... Khi hít phải, sẽ bị khó thở và gây những tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cho người dân ở xung quanh, đặc biệt là trẻ em. Cùng hoàn cảnh với chị Hoa, chị Lan, ở gần gara ô tô T.C, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cũng bức xúc cho biết: Ngoài việc sử dụng các thiết bị máy móc công nghiệp trong quá trình sửa chữa gây ra tiếng ồn vượt quá ngưỡng cho phép, thì việc nước thải lẫn bã sơn không qua xử lý được xả thẳng vào hệ thống nước thải ra môi trường đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân...

Qua trao đổi với một số chủ cơ sở sửa chữa xe máy, gara ô tô về vấn đề xử lý chất thải dầu, nhớt tại xưởng của mình, gần như tất cả vẫn đang thực hiện theo kiểu... “tiện đâu để đó”. “Dầu nhớt thải được công nhân gom lại để trong thùng phuy, lúc nào đầy thùng thì gọi người đến mua. Giá cả chẳng đáng bao nhiêu (1 thùng phuy dầu nhớt thải tương đương khoảng 200 lít được bán với giá xấp xỉ 1 triệu đồng), nhưng may mà bán được không thì cũng mất công đi đổ hoặc đi cho” – một chủ cơ sở sửa xe ô tô tại phường Phú Sơn cho biết.

Theo Thông tư 36, chỉ các cơ sở phát sinh chất thải nguy hại thường xuyên hay định kỳ trên 600 kg/năm thì mới phải đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại. Những cơ sở phát sinh chất thải nguy hại dưới 600 kg/năm vẫn phải thực hiện thu gom, phân loại, xử lý theo quy định. Thế nhưng, theo thông tin từ Sở TN&MT, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy nhưng hiện chỉ có vài chục cơ sở thực hiện báo cáo và được đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại... Tìm hiểu được biết, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do các chủ cơ sở còn xem nhẹ và chưa ý thức được nguy hại của các loại chất thải này đối với môi trường; một phần do toàn tỉnh hiện chỉ có 2 đơn vị hành nghề xử lý chất thải nguy hại trong lò nung tuynel được Bộ TN&MT cấp phép là Nhà máy Xi măng Nghi Sơn và Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn. Do đó, việc thu gom xử lý với số lượng ít là điều khó khăn đối với các điểm sửa chữa ô tô, xe máy.

Cũng theo quy định tại Thông tư 36 của Bộ TN&MT, để hoạt động các chủ cơ sở phải xây dựng cam kết bảo vệ môi trường, đăng ký nguồn chất thải nguy hại và có báo cáo giám sát môi trường hàng năm. Cùng với đó, phải hợp đồng với đơn vị chức năng để thu gom xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một chủ gara ô tô, hầu hết các cơ sở này đều không có bất kỳ một giấy tờ nào liên quan đến môi trường cũng như quy trình xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường. Do đó, lượng dầu thải thường được các đơn vị thu gom lại tại các thùng phuy, sau đó bán cho những người trực tiếp đến thu mua cũng khiến cho một lượng lớn loại chất thải nguy hại này khó được kiểm soát... Mặt khác, đại đa số các điểm sửa chữa này đều không có kho chứa chất thải, cũng như các thiết bị để xử lý chất thải dầu mỡ theo đúng quy định. Vì vậy, nước thải chứa dầu thải được xả thẳng ra các cống tiêu thoát nước dân sinh.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, từ hoạt động sửa chữa, rửa ô tô, xe máy, những chất thải độc hại như dầu nhớt thừa, giẻ lau dính dầu mỡ... được thải ra môi trường rất lớn. Đặc biệt là nước có lẫn dầu mỡ là chất thải độc hại nguy hiểm nếu bị thẩm thấu vào lòng đất, thải ra môi trường xung quanh sẽ có tác động không nhỏ đến nguồn nước cũng như sinh hoạt của người dân. Theo quy định, việc quản lý, xử lý chất thải nguy hại được thực hiện theo 3 công đoạn là: thu gom, bảo quản và xử lý. Vì vậy, các điểm sửa chữa ô tô, xe máy có chất thải nguy hại phải thực hiện đúng theo hướng dẫn, thu gom chất thải và bảo quản đúng quy định. Cụ thể, đối với các chất thải như giẻ lau dính dầu mỡ, dầu nhớt thừa... phải được bảo quản trong những thùng đảm bảo và bảo quản trong các kho an toàn đúng quy định, định kỳ 6 tháng có trách nhiệm báo cáo cho Sở TN&MT để hướng dẫn xử lý. Nước thải từ hoạt động của các cơ sở sửa chữa cần phải có biện pháp xử lý, không để thẩm thấu trong lòng đất hoặc chảy ra môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, để tiến hành hoạt động kinh doanh, chủ các cơ sở phải xây dựng cam kết, đề án bảo vệ môi trường, đăng ký nguồn chất thải nguy hại, những nội dung này phải được UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt, cấp phép. Tuy nhiên, đến nay chỉ có một số ít cơ sở thực hiện theo đúng hướng dẫn, còn lại hầu hết có dấu hiệu vi phạm trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nguyên nhân chủ yếu của việc vi phạm, phần lớn do nhận thức chủ quan của các chủ cơ sở, cũng có chủ cơ sở biết nhưng lại phớt lờ, bỏ qua.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm sửa chữa ô tô, xe máy, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, chủ các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh trong khu vực nhà xưởng, đồng thời phải phân loại các nguồn chất thải nguy hại, hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý các loại chất thải này.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]