(Baothanhhoa.vn) - Trong nhiều năm qua, mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và được các cấp, ngành trong tỉnh chỉ đạo sát sao, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo để phát huy được lợi thế của địa phương, thay đổi tư duy sản xuất của người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo.

Những mô hình giảm nghèo hiệu quả

Trong nhiều năm qua, mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và được các cấp, ngành trong tỉnh chỉ đạo sát sao, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo để phát huy được lợi thế của địa phương, thay đổi tư duy sản xuất của người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo.

Những mô hình giảm nghèo hiệu quả

Hộ gia đình bà Phùng Thị Quý xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) đã vươn lên thoát nghèo nhờ hỗ trợ của dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Gia đình chị Phùng Thị Quý, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) là một trong những hộ tiêu biểu vươn lên thoát nghèo. Chị Quý chia sẻ: “Bốn năm về trước, việc thoát nghèo của gia đình tôi tưởng chừng như rất xa vời, bởi đất sản xuất ít, ngoài làm nông hai vợ chồng không có việc làm thêm, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Thế rồi được hội nông dân, hội phụ nữ xã đứng ra tín chấp, gia đình tôi được vay vốn phát triển chăn nuôi, lại được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi trong xã, tôi đã có thêm kiến thức để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi của gia đình. Đến nay, ngoài nuôi đàn trâu, bò, gia đình còn nuôi thêm đàn lợn, gà, vịt. Vừa phát triển chăn nuôi vừa chú ý vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh, đàn lợn, gà phát triển ổn định cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm (sau khi đã trừ chi phí)... Đến năm 2020, gia đình tôi đã chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn". Hay như gia đình anh Lê Văn Nam, xã Cán Khê (Như Thanh) trước năm 2020 cũng thuộc diện hộ nghèo của xã. Bản thân anh Nam thường xuyên đau ốm, con trai vừa câm, vừa điếc. Thu nhập của gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và tiền công làm thuê ít ỏi của vợ nên rất bấp bênh. Năm 2019, anh được UBND xã Cán Khê hỗ trợ tham gia dự án chăn nuôi bò sinh sản để phát triển sản xuất. Do được tập huấn kiến thức chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc nên cặp bò của gia đình anh hiện phát triển tốt. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi thêm các loại gia cầm, trồng cây lâm nghiệp... cho thu nhập ổn định. Năm 2021 gia đình anh làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 222 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo (MHGN) với tổng kinh phí thực hiện trên 102 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 66 tỷ đồng, vốn đối ứng địa phương 283 triệu đồng, vốn đối ứng của hộ tham gia mô hình trên 35 tỷ đồng... Qua đó, toàn tỉnh đã triển khai được 47 mô hình trên địa bàn các huyện nghèo 30a, 16 mô hình tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, 65 mô hình trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 và 94 mô hình trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135, với hàng nghìn hộ là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; trong đó ưu tiên hộ có chủ hộ là nữ, hộ là người dân tộc thiểu số được tham gia...

Điểm nhấn mà dự án nhân rộng MHGN đem lại đó là việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi và luân chuyển vốn đã góp phần thay đổi ý thức của hộ gia đình từ việc trông chờ, ỷ lại đến tăng ý thức trách nhiệm, có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì phát triển nguồn vốn được hỗ trợ. Cụ thể, tùy vào điều kiện và khả năng huy động nguồn vốn hợp pháp khác mà dự án quyết định thu hồi một phần kinh phí (dưới dạng tiền mặt hoặc hiện vật) từ ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia dự án, luân chuyển trên địa bàn thực hiện dự án cho phù hợp với từng mô hình và điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo tại địa phương để nâng cao trách nhiệm của từng hộ nghèo, bảo đảm nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia thực hiện mô hình. Hình thức thu hồi, mức kinh phí thu hồi do cộng đồng và UBND xã thống nhất, được quy định rõ trong quyết định phê duyệt dự án. Mức thu hồi vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước tùy vào điều kiện cụ thể được khuyến nghị từ 30 - 70% bằng tiền mặt hoặc hiện vật (con giống) để đảm bảo các hộ được luân chuyển tiếp theo có cơ hội được tham gia dự án. Thời gian thu hồi vốn dựa theo chu kỳ của cây, con giống, vào điều kiện thực hiện của hộ gia đình hoặc vào năm kết thúc dự án. Vốn sau khi thu hồi sẽ được luân chuyển cho các hộ có đủ điều kiện thực hiện mô hình giúp cho nhiều hộ gia đình có cơ hội tham gia vào dự án. Đồng thời, các mô hình thường xây dựng cơ chế quy định hỗ trợ người dân mua cây, con giống khác khi gặp những rủi ro bất ngờ do lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Hoặc có biện pháp xử lý đối với hộ vi phạm quy chế của dự án. Hộ trong danh sách luân chuyển vốn trong chu kỳ tiếp theo tham gia với vai trò giám sát hộ đang thực hiện dự án... Việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi và luân chuyển vốn đã góp phần thay đổi ý thức của hộ gia đình từ việc trông chờ, ỷ lại đến tăng ý thức trách nhiệm, có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì phát triển nguồn vốn được hỗ trợ. Cùng với việc thực hiện các dự án nhân rộng MHGN, các địa phương đã phối hợp, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn lượt người. Theo đó, dự án đã giúp gần 8.000 người được tập huấn về kinh nghiệm phát triển sản xuất, cập nhật những kiến thức mới về khoa học - kỹ thuật cũng như kinh nghiệm phòng, chữa bệnh, chăm sóc vật nuôi, cây trồng, từ đó ứng dụng để phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 9 nghìn người; tạo việc làm tăng thêm cho hơn 6 nghìn người, góp phần giúp cho 2.005 hộ thoát nghèo. Trong đó có nhiều hộ vươn lên có điều kiện kinh tế khá, tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất, quay lại hỗ trợ hộ nghèo khác cùng tham gia phát triển kinh tế...

Theo kết quả rà soát hộ nghèo giai đoạn 2022-2025, hiện nay toàn tỉnh còn hơn 66.400 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,65%. Vì vậy bước vào giai đoạn mới với việc điều chỉnh bộ tiêu chí rà soát hộ nghèo sẽ giúp các cấp, ngành và các địa phương xác định cụ thể hơn về nguyên nhân cũng như giải pháp phù hợp, hỗ trợ vùng khó khăn, người nghèo vươn lên. Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả dự án nhân rộng MHGN giai đoạn 2022-2025, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo chung của tỉnh, thời gian tới, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, cận nghèo về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững tại các địa phương. Phối hợp tham mưu cho tỉnh đề xuất với các bộ, ngành Trung ương tăng định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho dự án để bảo đảm hiệu quả tham gia của các hộ, nhất là hộ nghèo; đồng bộ và quy định cụ thể về thực hiện cơ chế thu hồi, luân chuyển nguồn kinh phí hỗ trợ trong việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng MHGN. Có quy định cụ thể đối tượng được hỗ trợ khi tham gia dự án cho từng vùng tránh chồng chéo, trùng lắp. Đối với các địa phương, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp một cách quyết liệt đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững nói chung và việc thực hiện dự án nhân rộng MHGN nói riêng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo, coi đây là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững...

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]