(Baothanhhoa.vn) - Đối với những tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ, máy thủy chính là “trái tim” của con tàu, nó quyết định “sức khỏe” và năng lực đánh bắt của con tàu. Vì thế mà những người thợ máy thường được ngư dân yêu quý gọi là “bác sĩ” chuyên chăm sóc “nhịp đập trái tim” cho tàu cá.

Những “bác sĩ” chăm sóc “nhịp đập trái tim” cho tàu biển

Đối với những tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ, máy thủy chính là “trái tim” của con tàu, nó quyết định “sức khỏe” và năng lực đánh bắt của con tàu. Vì thế mà những người thợ máy thường được ngư dân yêu quý gọi là “bác sĩ” chuyên chăm sóc “nhịp đập trái tim” cho tàu cá.

Những “bác sĩ” chăm sóc “nhịp đập trái tim” cho tàu biểnTừ một người thợ làm thuê cho xưởng của anh trai, anh Lê Thành Vi, quê xã biển Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, đã mở được xưởng riêng cho mình tại xã Ngư Lộc (Hậu Lộc). Ảnh: Tăng Thúy

Chẩn bệnh cho tàu

Một ngày đầu tháng 3, tiết trời se lạnh, những cơn gió biển thổi bừng sắc thắm của mùa xuân. Dọc tuyến đê biển 6 xã Hưng Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Hoa Lộc, thợ sửa những chiếc máy tàu cá hiệu Yanma 450CV, 700CV miệt mài tay hàn, tay búa bên những khối sắt đen sì, chốc chốc chùm ánh sáng xanh, đỏ nhỏ li ti từ các mũi hàn lóe lên rồi tắt vụn. Lâu lâu lại có một vài câu pha trò cho không khí bớt trầm lắng.

Tỉnh ta có hơn 7.000 tàu, thuyền đánh cá có công suất từ 90CV đến 1.000CV với gần 26.000 lao động trực tiếp trên tàu cá. Với số lượng tàu cá lớn như vậy nên đội ngũ thợ máy tàu cá cũng khá đông đảo, tập trung ở các huyện, thị xã ven biển. Những chiếc tàu cá của ngư dân làm việc không ngừng nghỉ, cập bờ chuyến biển này bán sản phẩm xong là lấy chi phí mở ngay chuyến biển khác. Máy tàu hoạt động liên tục. Do vậy, nếu tàu nào mà “mắc bệnh” thì chắc hẳn làm ăn thất bát. Thậm chí, nếu đang đánh bắt trên biển Đông mà tàu bị hỏng máy, thả trôi tự do giữa biển thì sinh mạng của các thuyền viên trên tàu còn bị đe dọa. Do đó, sau mỗi chuyến biển, khi tàu cập cảng bán sản phẩm là các chủ tàu phải trông cậy vào đội ngũ thợ máy tàu cá trên bờ chăm sóc cho “trái tim” của con tàu. Có cầu ắt có cung, vậy là các địa phương miền biển nhanh chóng hình thành đội ngũ thợ chuyên sửa chữa máy cho các tàu cá.

Với địa thế eo vịnh biển êm nên số lượng tàu thuyền neo đậu tại huyện Hậu Lộc khá nhiều, thuận lợi để duy tu bảo dưỡng vào mùa bấc. Xã Ngư Lộc là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở sửa chữa máy tàu cá của huyện, mỗi xưởng sửa chữa ở đây có 2 đến 5 người thợ. Trong cửa hàng sửa máy tàu của anh Hoàng Văn Duyến, ở xã Ngư Lộc, các công nhân đang cặm cụi làm việc bên những cỗ máy cồng kềnh, ám mùi dầu nhớt với đủ loại linh kiện máy móc. Theo lời anh Duyến, nghề sửa chữa máy tàu làm không hết việc, mỗi năm sửa chữa cả trăm máy lớn nhỏ. Hầu hết thợ máy tàu cá đều không có bằng cấp, chỉ là người trước dạy nghề cho người sau. Điều quan trọng là chất lượng và uy tín, cơ sở nào có được 2 điều ấy thì khách hàng kêu làm không xuể.

Sinh ra và lớn lên tại làng quê biển, ông và bố đều là những thợ máy có tiếng tại địa phương, ngay từ nhỏ anh Duyến đã có niềm yêu thích đặc biệt với nghề này. Anh chia sẻ: “Ngày bé, mỗi lần đụng vào máy móc tàu, thuyền đều cho tôi cảm giác khám phá và hào hứng. Học hết cấp 3 cũng là lúc nghề cá phát triển, tàu to công suất lớn ngày càng nhiều. Kinh nghiệm của bố không đủ để duy trì nghề, tôi xin phép gia đình ra Nam Định học nghề, nâng cao nghiệp vụ sửa chữa tàu. Vừa học vừa làm 10 năm, tôi trở về quê mở xưởng”.

Chính nhờ lòng yêu nghề và tay nghề cao mà cửa hàng của anh Duyến ngày càng đông khách. Đặc biệt, có nhiều chủ tàu gắn bó với anh từ lúc anh mới bắt đầu lập nghiệp đến nay. “Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ câu nói mà bố tôi dặn khi tôi chia sẻ mong muốn được mở xưởng ra làm riêng. Ông bảo: “Làm người thợ sửa máy tàu phải có tâm, bởi máy tàu chính là “trái tim” quyết định sự sống còn cho cả con tàu. Khi sửa máy tàu cá, con đừng nghĩ đơn giản là sửa cho chủ tàu mà phải nghĩ đến mười mấy ngư dân đi trên tàu và cả gia đình của họ. Nếu sửa máy không đảm bảo thì khi sự cố xảy ra giữa biển, có thể cả con tàu lẫn ngư dân sẽ mất tăm trong lòng đại dương” - anh Duyến nhớ lại.

Cuộc nói chuyện đang dang dở thì điện thoại anh Duyến đổ chuông. Đầu dây bên kia truyền đến một giọng nói rất to, át cả tiếng gió biển. “Alo, anh Duyến có nghe rõ không? Tàu tôi đang chạy bỗng chết máy, anh em trên tàu đã cố gắng sửa chữa nhưng không thành công, anh chỉ tôi cách khắc phục với” - anh Đông, một thuyền trưởng đang lái tàu đánh bắt ở ngoài khơi xa cầu cứu. Hỏi qua về “bệnh tình” của máy tàu, anh Duyến “chẩn đoán” tàu anh Đông bị tụt côn số.

Kinh nghiệm truyền đời và rèn luyện mỗi ngày đã giúp anh Duyến có thể chẩn đoán khá chính xác những hỏng hóc của máy tàu, dù đôi khi chỉ nghe mô tả triệu chứng qua điện thoại. “Có những cuộc gọi lúc nửa đêm. Khi nhận được tin, tôi yêu cầu chủ tàu nói rõ biểu hiện của chiếc tàu. Nhiều lúc tôi thức tới sáng để hỗ trợ ngư dân sửa chữa tàu bị hỏng hóc trên biển. Nếu tàu bị hỏng một phụ tùng nào đó, tôi phải tìm cách gửi theo tàu cá món phụ tùng ấy ra biển cho họ thay thế”, anh Duyến bộc bạch.

Thợ xứ Quảng ở làng biển xứ Thanh

Đi qua các cửa hàng sửa chữa máy tàu ở khu vực 6 xã miền biển, tôi nghe đủ các giọng nói trong Nam, ngoài Bắc đang làm nghề, học nghề ở đây. Lần theo một giọng rất lạ, tôi tìm đến được cửa hàng sửa máy của anh Lê Thành Vi. Tại đây, anh và đồng nghiệp đang thay bạc cho piston của máy tàu. Khách hàng là anh Nhân, cũng ở xã Ngư Lộc. Bắt chuyện, anh Nhân cho biết: “Dạo này, máy tàu hay bị chảy nhớt, anh Vi xem xét thì bảo bị mòn bạc rồi, phải thay”. Từ nhiều năm nay, gia đình anh đều đặt niềm tin vào cửa hàng sửa máy tàu của anh Vi, có hư hỏng hay cần thay thế gì đều tìm đến tiệm của người đàn ông Quảng Ngãi này.

Sinh ra và lớn lên ở xã biển Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, tuổi thơ của anh gắn liền với biển và những con tàu. Gia đình nhiều thế hệ treo đời trên những cột buồm, họ không muốn con cháu mình cũng vất vả như vậy nên khuyên các con kiếm nghề khác trên bờ. Cách đây mấy chục năm, ở Nghĩa An máy móc chưa phát triển, các xưởng sửa chữa máy còn ít nên nghề sửa tàu thủ công khá thịnh hành. Học hết lớp 12, anh và anh trai đều theo xin đi học nghề sửa máy tại các xưởng lớn ở địa phương.

Khi ấy vừa học vừa làm, đến khi biết việc cũng phải hơn 5 năm mới được trả lương. Ra nghề, không thể cạnh tranh với những người thợ có thâm niên tại quê, 2 anh em khăn gói ra tận Quảng Ninh, Quảng Bình, Nam Định... cuối cùng dừng chân ở mảnh đất Ngư Lộc để hành nghề. Và cũng tại nơi đây, anh tìm được một người cùng xây hạnh phúc gia đình. Từ một người thợ làm thuê cho xưởng của anh trai, anh Vi đã mở được xưởng riêng cho mình.

Hiện nay, xưởng của anh Vi có thể sửa chữa được máy tàu cá từ 50CV trở lên. Sửa chữa máy tàu cũng như sửa xe máy, ô tô, sửa xong tùy theo mức độ hư hỏng và phụ tùng thay thế để tính công. Tuy không có ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng các thợ cũng thường có một mức giá chung. Bản thân anh Vi, mấy chục năm làm nghề, chưa lần nào mâu thuẫn với chủ tàu. “Đời của người thợ máy tàu đã gắn chặt với các chủ tàu cá. Họ ăn nên làm ra thì mới có điều kiện nâng cấp, đại tu máy móc... mình mới có việc làm. Khi khó khăn, ngư dân đặt niềm tin vào mình. Mình không thể phụ lòng của họ”, anh Vi tâm sự.

Ngoài anh em anh Vi, vùng biển Hậu Lộc có rất nhiều người ở các nơi khác đến học nghề. Họ sống xa nhà nên chủ yếu ăn, ở ngay tại xưởng và học nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Tại cửa hàng của anh Vi, tôi gặp Giang, 26 tuổi, ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, đang học nghề được gần 3 năm. Cũng như bao người khác, ban đầu Giang chỉ làm những công việc đơn giản, sau đó dần dần tiếp cận những bộ phận khó hơn. Nhìn cách Giang chăm chú vào từng động tác, tôi như thấy được nỗi đam mê học và làm nghề của em. Giang chia sẻ: “Em nghe mọi người nói ở Hậu Lộc có nhiều cửa hàng sửa máy có tiếng nên vào đây xin học nghề. Quê em cũng có nhiều người đi biển, nên mơ ước của em là sau này sẽ về quê mở được tiệm sửa máy tàu cho bà con quê mình”. Ở tuổi mà nhiều người còn đang “ăn bám” gia đình, Giang đã xác định cho mình một hướng đi rất rõ ràng.

Nhìn đôi tay rắn rỏi, tỉ mỉ trong từng công đoạn, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào của những người thợ chăm sóc, duy tu “trái tim” của những con tàu, giúp ngư dân vững tin bám biển. Không chỉ gắn bó với nghề vì miếng cơm, manh áo mà mỗi người thợ sửa máy tàu còn đóng góp một phần nhỏ của mình vào công tác bảo vệ ngư trường, biển đảo, vì họ đã đồng hành, tiếp sức với ngư dân. Đối với họ, dù chỉ ở trong bờ nhưng mỗi khi thấy những chiếc tàu được tận tay “chữa lành” vươn khơi là trong lòng những người thợ máy ngập tràn niềm vui.

Chia tay cánh thợ máy, tôi cứ nhớ mãi ánh mắt lấp lánh của Giang khi nói về ước mơ mai này sẽ mở cửa sửa chữa máy tàu cho người dân quê mình. Tôi tin, với quyết tâm và đam mê, em sẽ gặt hái được những thành công trong tươi lai.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]