(Baothanhhoa.vn) - Cách đây tròn 47 năm, vào trưa ngày 30-4-1975, cả dân tộc Việt Nam vỡ òa trong niềm vui thống nhất đất nước. Đại thắng mùa Xuân 1975 là “mốc son bằng vàng” tạc vào lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ nhưng âm hưởng hào hùng của một thời đánh Mỹ, thắng Mỹ vẫn mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt.

Nhớ những ngày chiến dịch

Cách đây tròn 47 năm, vào trưa ngày 30-4-1975, cả dân tộc Việt Nam vỡ òa trong niềm vui thống nhất đất nước. Đại thắng mùa Xuân 1975 là “mốc son bằng vàng” tạc vào lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ nhưng âm hưởng hào hùng của một thời đánh Mỹ, thắng Mỹ vẫn mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt.

Nhớ những ngày chiến dịch

Cựu chiến binh Lê Ngọc Đằng và Nguyễn Trường Bách ôn lại kỷ niệm chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, những người lính từng trực tiếp cầm súng chiến đấu lại hân hoan ngược dòng lịch sử trở về thời khắc thiêng liêng, để sống lại không khí của mùa xuân thống nhất. Gặp gỡ và trò chuyện với chúng tôi, cảm xúc về một thời máu lửa lại ùa về trong trái tim đầy cảm xúc của cựu chiến binh Nguyễn Trường Bách, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa). Bác Bách nhớ lại: “Ngày ấy, tôi thuộc đơn vị thông tin của Trung đoàn 28, Sư đoàn 10. Nhiệm vụ của tôi là bảo đảm thông tin liên lạc trong trận đánh. 23 giờ 30 phút đêm ngày 29-4-1975, đồng chí chủ nhiệm thông tin giao nhiệm vụ cho tôi và nói rằng: “Ngày mai, nhiệm vụ của Sư đoàn ta sẽ đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu. Riêng về khối điện báo vô tuyến điện 15W, được sự thống nhất của Ban thông tin Trung đoàn 28 và Ban chỉ huy đại đội, đồng chí Nguyễn Trường Bách sẽ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở trận đánh này”. Cả đêm hôm ấy, tôi và các anh em trong đơn vị không sao ngủ được vì rất vui mừng, phấn khởi. Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, khoảng 3 giờ sáng ngày 30-4, đơn vị tôi từ Củ Chi bắt đầu xuất phát tham gia chiến dịch. Khi tiến đến gần Bộ Tổng tham mưu, quân địch chống trả rất quyết liệt, có 5 xe tăng thì 4 chiếc bị địch phá hủy, nhiều người hy sinh. Chiếc xe ô tô tôi ngồi cũng bị bắn cháy, có người hy sinh, có người bị thương, đài tôi còn tôi sống nên vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc giữa Trung đoàn 28 và Sư đoàn 10 trong suốt trận đánh, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc”.

Từng xông pha trận mạc, từng vào sinh, ra tử và may mắn khi được chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất, những người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh luôn thấy vinh dự và tự hào. Trong ký ức của cựu chiến binh Lê Ngọc Đằng, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa), không khí sục sôi của những ngày tháng Tư năm 1975 luôn được lưu giữ nguyên vẹn. Bác Đằng kể: “Tháng 4-1975, khi tôi đang là Trưởng Ban tuyên huấn của Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 Tây Nguyên thì được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia cùng Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 28 đánh chiếm và cắm cờ vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Sáng ngày 27-4, cán bộ Trung đoàn 28 họp quân chính quán triệt nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn – hang ổ cuối cùng của quân địch. Sáng sớm ngày 28-4, sau khi đồng chí Nguyễn Đức Cẩm, Trung đoàn trưởng kiểm tra lần cuối và hạ lệnh hành quân, cả khu rừng cao su Dầu Tiếng - Tây Ninh bụi mù, ầm ầm rung chuyển bởi hàng trăm chiếc xe được ngụy trang kín mít rùng rùng di chuyển. Những khẩu hiệu “Thà hy sinh tất cả cho Tổ quốc quyết sinh”, “quyết tâm, quyết tâm” âm vang cả khu rừng. 14 giờ ngày 29-4, lực lượng đi đầu đi đến cầu Sáng, cách Sài Gòn 28km, 2 chiếc xe tăng T54 vừa qua cầu thì chiếc thứ 3 bị sập giữa cầu rơi xuống sông. Vì địa hình quá khó khăn, Sư đoàn lệnh cho những chiếc xe còn lại trở lại đường số 1 về Củ Chi, 2 xe tăng đã qua thì tiếp tục hành trình và được chi viện thêm một đại đội bộ binh. Trời tối lại mưa rất to, đến 19 giờ, đơn vị tôi mới bắt liên lạc được với 2 xe đã qua cầu và chuẩn bị cho trận chiến vào Trung tâm huấn luyện Quang Trung và Bộ Tổng tham mưu. Đúng 5 giờ sáng ngày 30-4, được lệnh nổ súng, quân ta từ các hướng bắn xối xả tấn công vào đồn địch. Bộ binh bao vây xung quanh, chốt chặn các hướng không cho quân địch bỏ chạy, bọn chúng bị chết, bị thương quá nhiều. Trung đoàn 28 được giao nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu, khi đi đến ngã tư Bảy Hiền, ngã ba Bà Quẹo, quân ta bị địch chặn đánh bằng máy bay trên không và hỏa lực từ các nhà cao tầng bắn xuống. 14 chiếc xe tăng và xe bọc thép của ta phải dừng lại, một số xe bị cháy, bị hỏng không thể đi được, Sư đoàn lệnh cho đơn vị dùng súng máy cao xạ 14,5mm, 37mm bắn mở đường tiếp tục chiến đấu. Khoảng 11 giờ ngày 30-4, sau khi quân ta chiếm được cổng Bộ Tổng tham mưu, tôi nhanh chóng chỉ đạo 2 chiến sĩ Tân và Lựu giật lá cờ của địch dẫm dưới chân và kéo lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 lên cổng chính Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Sau đó, đơn vị tiếp tục đánh thẳng vào tòa nhà chính và tiến lên cắm cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy lúc 11 giờ 30 phút. Tại đây, đơn vị thu toàn bộ con dấu, tài liệu, kiếm chỉ huy của địch. Sau thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại đội 10 – đơn vị cắm cờ tại cổng chính Bộ Tổng tham mưu Ngụy và Trung đoàn 28 được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Hiện nay, tấm ảnh 2 chiến sĩ cắm cờ trên cổng chính Bộ Tổng tham mưu Ngụy do bác Lê Ngọc Đằng chụp tại thời khắc lịch sử đó được treo trang trọng tại phòng truyền thống Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đó là niềm tự hào của bác và đồng đội – những người đã góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Thanh Hóa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, toàn tỉnh đã có 250.000 thanh niên ưu tú và hàng vạn cán bộ, đảng viên, nam, nữ tham gia bộ đội và TNXP trên các mặt trận, các chiến trường phía Nam. Riêng tháng 2-1975, Thanh Hóa có 17.959 tân binh lên đường tòng quân giết giặc. Với những đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận, tuyên dương, trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; được Bác Hồ tặng cờ thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cùng nhiều thư khen, nhiều huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng đổi mới, vươn mình lớn mạnh cùng thời gian nhưng đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là với những người trực tiếp cầm súng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, trong thời bình, họ lại trở thành những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực cho lớp lớp thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Truyền thống đấu tranh giữ nước, giá trị thiêng liêng của 2 tiếng “độc lập”, “tự do” được đánh đổi bằng máu xương của các thế hệ cha anh luôn là bài học quý giá nhắc nhở mỗi thế hệ hôm nay phát huy, trân trọng và tự hào.

Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]