(Baothanhhoa.vn) - Tôi bắt đầu viết báo từ năm 1955, nhưng đến năm 1960 chuyển ngành từ quân đội về phòng Thông tin Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa thì mới làm báo chuyên nghiệp. Cũng vì lẽ đó mà khi Báo Thanh Hóa ra đời (1962) thì tôi mới là thành viên của báo do bộ phận nội dung của tờ tin Thanh Hóa và Đài Truyền thanh Thanh Hóa là một bộ phận của Báo Thanh Hóa, và tôi làm việc ở đây cho đến khi nghỉ chế độ (1998). Qua 38 năm làm báo ở Thanh Hóa đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhưng đậm đà nhất vẫn là những năm chống Mỹ, cứu nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một thời làm báo

Tôi bắt đầu viết báo từ năm 1955, nhưng đến năm 1960 chuyển ngành từ quân đội về phòng Thông tin Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa thì mới làm báo chuyên nghiệp. Cũng vì lẽ đó mà khi Báo Thanh Hóa ra đời (1962) thì tôi mới là thành viên của báo do bộ phận nội dung của tờ tin Thanh Hóa và Đài Truyền thanh Thanh Hóa là một bộ phận của Báo Thanh Hóa, và tôi làm việc ở đây cho đến khi nghỉ chế độ (1998). Qua 38 năm làm báo ở Thanh Hóa đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhưng đậm đà nhất vẫn là những năm chống Mỹ, cứu nước.

Một thời làm báo

Các nhà báo Báo Thanh Hóa theo dõi tin ký Hiệp định Pa-ri qua rađiô. Ảnh: Tư liệu

Ngoài tòa soạn và phòng hành chính, cơ quan báo có ba bộ phận tác nghiệp là tổ xây dựng Đảng, tổ nông nghiệp, tổ công nghiệp và các ngành. Tổ thứ ba này do tôi phụ trách, chuyên viết về chiến đấu, giao thông - vận tải và tất cả các ngành, các đoàn thể thuộc khối mặt trận. Cơ quan đến thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã có hơn 20 cán bộ, phóng viên và nhân viên hành chính, tổ chúng tôi phải đảm đương khối lượng công việc nhiều như vậy nhưng cũng chỉ có bốn, năm anh em, chưa có ai được đào tạo nghề làm báo. Tổ gồm có các anh Nguyễn Tuấn, Hoàng Quý, Trọng Đoan, Phạm Thắng và tôi. Chúng tôi phân công nhau: Anh Hoàng Quý phụ trách viết về chiến đấu chủ yếu là huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) và ngành thủy sản; anh Nguyễn Tuấn viết về giao thông - vận tải và khối công nghiệp; anh Trọng Đoan viết về ngành thương nghiệp và tham gia viết về hậu phương quân đội; anh Phạm Thắng viết về khối giáo dục, y tế; tôi phụ trách khối văn hóa, các đoàn thể và tham gia viết các vấn đề nổi cộm của tất cả các ngành mà tổ phụ trách. Phân công là vậy nhưng rồi khi cần anh em vẫn viết những tin bài ngoài việc của mình. Mấy anh em rất lu bu với khối lượng công việc quá lớn, nhất là chiến đấu và giao thông - vận tải. Khó khăn nhất là phương tiện đi lại, cả tổ chỉ có vài người có xe đạp, hầu hết anh em phải đi bộ hoặc đi xe công cộng, nhiều lần phải lai nhau, mãi đến cuối những năm 60 mọi người trong tổ mới có xe đạp đầy đủ. Về phương tiện làm việc, chỉ có cây bút và cuốn sổ tay, không có máy ảnh, máy ghi âm. Tuy vậy, anh em chúng tôi vẫn bảo đảm khối lượng công việc lấp đầy trang ba, một phần trang nhất và một phần trang bốn. Bất chấp những khó khăn, nguy hiểm của thời chiến, anh em trong tổ coi nhau như ruột thịt, luôn giúp đỡ nhau trong công việc như thường xuyên trao đổi về bài vở, rút kinh nghiệm về những bài viết thành công và những bài viết chưa đạt để nâng cao tay nghề.

Trong những lần tác nghiệp chúng tôi có những kỷ niệm không bao giờ quên. Trước hết là đi đến đâu chúng tôi cũng được các đơn vị, địa phương đùm bọc, giúp đỡ kể cả ở những nơi chiến sự ác liệt như ở khu vực Hàm Rồng, Nam Ngạn, bến phà Ghép, khu vực Tĩnh Gia, rồi những chuyến cùng đi với công nhân thuyền nan lênh đênh trên sông nước sông Yên, kênh Than ba bốn ngày, những chuyến đi với công nhân lái xe tải chở hàng vào Nghệ An, Quảng Bình. Một lần tôi đi theo xe anh Hoàng Mai, chiến sĩ thi đua của ngành, đường phà Ghép bị Mỹ rải thủy lôi nên phải chạy vòng vào Chuối rồi qua bến Chuồng sang Tĩnh Gia. Xe anh Hoàng Mai chạy cuối đoàn để có xe nào bị trục trặc anh còn giúp anh em.

Nhưng khi xe mới qua Chuối được dăm cây số thì có máy bay địch, anh Mai bảo tôi và phụ xe nhảy xuống trú ẩn còn anh lái xe nép vào tán cây bên đường che mắt địch. Một dây bom từ máy bay Mỹ trút xuống mặt đường, anh Mai hy sinh, xe hàng bị cháy, chúng tôi thoát chết là nhờ anh. Những chuyến đi ấy dù qua nhiều trận bị không quân Mỹ ném bom, bắn phá tưởng đã hy sinh, nhưng có được tư liệu thực tế để viết những phóng sự, điều tra có sức sống, chinh phục người đọc.

Cố nhà báo Hoàng Quý có những sự trùng hợp kỳ lạ, hễ anh vào Tĩnh Gia là quân Mỹ từ ngoài biển câu đại bác vào vùng này. Hồi ấy, đồng chí Nguyễn Nghiễm làm Bí thư Huyện ủy Tĩnh Gia, ông nói vui: Phải cảnh giác với tay nhà báo này, cứ hôm nào anh ta có mặt ở đây là chúng nó câu đạn đại bác vào như mưa rào.

Nhà báo Nguyễn Tuấn không ít lần đến với các đơn vị vận tải, đơn vị đảm bảo giao thông bị máy bay Mỹ bắn phá, ít nhất là hai lần nằm dưới làn bom B52 ở Hàm Rồng và ở Triệu Sơn.

Tôi được anh em trong cơ quan phong cho danh hiệu “con dao pha”, chỗ nào, đơn vị nào có vấn đề “nóng” là tôi có mặt cùng anh em tác nghiệp cho nên cũng có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tôi cũng trải qua các trận bom B52 đêm 13-4-1972 và 21-4-1972 giặc Mỹ thả bom những vệt dài từ Tĩnh Gia ra Hàm Rồng, rồi từ Tĩnh Gia ra Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thạch Thành. Nhưng đáng nhớ nhất là lần vượt “sông thủy lôi” vào Thanh Thủy. Ngày 29-5-1972, dân quân xã Thanh Thủy bắn rơi một máy bay Mỹ, đồng chí Tổng Biên tập Lê Tân cử tôi và anh Ngọc Cẩn - phóng viên nhiếp ảnh vào viết tin, bài và chụp ảnh để cổ vũ dân quân trong tỉnh học tập dân quân Thanh Thủy dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ. Hồi này cơ quan báo đã được trang bị xe máy MZ nên Ngọc Cẩn lai tôi đi ngay. Vào đến bến Ghép thì không đi được nữa vì sông Yên dầy đặc thủy lôi Mỹ, chưa được rà phá, không có đò, phà sang sông. Với tinh thần thời chiến, bằng cách nào chúng tôi cũng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi bàn với Ngọc Cẩn quay xe lại nhà anh cả tôi cách đấy hai km gửi xe máy, mượn xe đạp rồi tìm cách qua sông. Chúng tôi cởi giầy, dép, xắn cao ống quần, vác xe đạp lội dọc bờ sông, may thay nhờ được ông thuyền chài dũng cảm cho qua sông. Hai anh em lai nhau chạy vào Thanh Thủy, anh nào vào việc ấy. Vì phải làm việc mỗi nơi một ít nên chiều hôm ấy không có cơm, đành nhịn đói làm việc với các đơn vị, mãi đến gần sáng vợ anh xã đội mới đem cho đĩa khoai lang luộc. Xong mọi việc thì cũng vừa sáng, chúng tôi ra bến đò Ngọc Trà bên trên bến phà Ghép khoảng hơn cây số để qua sông. Đò ra đến giữa sông thì từ ngoài biển quân Mỹ câu pháo chùm vào kín cả mặt sông. Người lái đò tài ba đã đưa chúng tôi cập bến an toàn. Anh Hồng Phối, trưởng phân xã TTXVN gọi điện thoại báo với anh Lê Tân: Trần Hiệp và Ngọc Cẩn đã hy sinh ở trong Ghép rồi. Anh Tân cười và bảo: Hai tay ấy còn lâu mới chết, họ về cơ quan và đang tắm. Nghe chúng tôi báo cáo tình hình xong, Tổng Biên tập quyết định: Từ bây giờ đến sáng mai tôi phải viết tất cả 7 tin, bài kể cả xã luận để kịp cho số báo ra ngày hôm sau, rồi anh nói nội dung từng tin bài cụ thể; anh Ngọc Cẩn làm các ảnh đi theo các bài ấy. Và, lại một đêm thức trắng, chúng tôi đã hoàn thành công việc Tổng Biên tập giao. Cũng phải nói là bài vở hồi ấy ngắn gọn lắm, bài dài nhất cũng chỉ bảy tám trăm từ, còn phần nhiều là ba bốn trăm từ, chủ yếu là tin phản ánh nhanh gọn.

Tôi ghi lại vài kỷ niệm của tổ phóng viên công nghiệp và các ngành, nhưng đó cũng là những hoạt động của anh em trong cơ quan Báo Thanh Hóa thời ấy. Dù là viết về xây dựng Đảng hay viết về nông nghiệp anh em cũng phải ưu tiên viết ở các vùng chiến sự ác liệt, nên cũng không kém phần nguy hiểm. Với sự cố gắng và vượt qua mọi khó khăn thời chiến, báo Thanh Hóa không chỉ tuyên truyền tốt về chiến đấu, giao thông - vận tải mà còn tuyên truyền tốt về xây dựng Đảng, về cải tiến quản lý và sản xuất nông nghiệp, được công nhận là lá cờ đầu của các báo địa phương toàn miền Bắc. Trung ương đã tổ chức hội nghị các báo toàn miền tại Thanh Hóa do các đồng chí Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương; nhà thơ Xích Điểu (Trần Hữu Tước), Giám đốc Sở báo chí Trung ương; đồng chí Lê Quý Kỳ, Vụ trưởng báo chí Trung ương, đồng chủ trì, để trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng báo địa phương. Đồng chí Võ Nguyên Lượng, Bí thư Tỉnh ủy đến dự và có bài phát biểu nói về tình hình sản xuất, chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa và sự đóng góp đáng kể của Báo Thanh Hóa.

Ngày nay Báo Thanh Hóa đã khác xưa nhiều lắm, trưởng thành lớn lắm. Với ba sản phẩm: báo hàng ngày 8 trang khổ rộng, báo hằng tháng, báo điện tử với đội ngũ cán bộ, phóng viên được đào tạo bài bản và có hệ thống, chịu trách nhiệm đảm đương cùng Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển vững mạnh.

Ghi lại vài kỷ niệm trên đây để tỏ lòng “ghen” với các đồng nghiệp hiện thời và mong báo ta ngày càng trưởng thành về mọi mặt.

Trần Hiệp


Trần Hiệp

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]