(Baothanhhoa.vn) - Trong văn hóa người Việt, rằm tháng 7 theo lịch âm luôn là một ngày đặc biệt. Sự đặc biệt ấy không chỉ bởi đây là một trong những ngày lễ quan trọng, gắn với lễ Vu Lan báo hiếu và xá tội vong nhân mà còn bởi ý nghĩa của nó như là ngày của sự lan tỏa các giá trị sống tốt đẹp trong cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp

Trong văn hóa người Việt, rằm tháng 7 theo lịch âm luôn là một ngày đặc biệt. Sự đặc biệt ấy không chỉ bởi đây là một trong những ngày lễ quan trọng, gắn với lễ Vu Lan báo hiếu và xá tội vong nhân mà còn bởi ý nghĩa của nó như là ngày của sự lan tỏa các giá trị sống tốt đẹp trong cộng đồng.

Trong ngày Vu Lan báo hiếu, nhiều người chọn cửa chùa là nơi cầu nguyện cho vong hồn người thân đã khuất. (Trong ảnh: Một buổi tụng kinh niệm phật tại Chùa Thanh Hà, TP Thanh Hóa).

Phố xá từ những ngày đầu của “tháng cô hồn”, dù ngược hay xuôi, trưa hay chiều cũng không khó để bắt gặp những “lò hóa vàng mã” dọc hai bên hè phố, mà lửa khói hầm hập hun vào cái nắng cũng hầm hập cùng sự oi nồng, khó chịu của thời tiết. Khi ngọn lửa đỏ ăn mòn và nuốt trọn những ngựa xe, quần áo, mũ nón, vải vóc... biến những món đồ bằng giấy mang đậm giá trị tượng trưng ấy thành tro, cũng là “hóa” luôn vào đó những mong mỏi, khao khát, ước muốn được người sống gửi gắm đến người đã khuất, cũng như là cách để vỗ về thế giới linh hồn trong mỗi người. Chúng ta cứ thế lướt qua những hình ảnh đã quá đỗi quen thuộc và tồn tại như một lẽ đương nhiên. Bởi vốn dĩ, ta bình thản chấp nhận nó như một phần không thể tách rời của cõi sâu tâm linh – thế giới của những điều huyền bí, khó tri giác nhưng nó luôn tồn tại như tấm lưới vô hình đan kết và quấn lấy con người - mà biểu hiện dễ thấy nhất là tục thờ cúng ông bà tổ tiên vốn đã trở thành tín ngưỡng gốc của người Việt. Thờ cúng tổ tiên xuất phát từ lòng hiếu thảo, với sự biết ơn và thành kính dành cho những người đã sinh thành, nuôi nấng, dạy dỗ mình. Vì vậy, khi nói về tín ngưỡng này, một học giả đã ví mỗi ngôi nhà như là một ngôi đền, thờ vong hồn những vị tổ tiên của gia chủ ấy.

Ấn tượng trong tôi về những ngày rằm tháng 7 của thời thơ ấu luôn đầy sắc màu. Chuẩn bị cho ngày lễ này, bà tôi dùng giấy màu đủ loại xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng để cắt thành áo the, khăn đống, áo tứ thân, váy đụp, nón quai thao, nón lá, guốc mộc, khăn quấn đầu... Hình dáng của những món đồ này dẫu chẳng hề tinh tế hay cầu kỳ, nhưng cũng được làm khá khéo léo và đầy trân trọng. Còn với chúng tôi, đó luôn là những món đồ cất giấu nhiều bí ẩn và linh thiêng. Tuy chẳng phải tín đồ hoàn toàn của đạo Phật, nhưng bà luôn noi theo những điều giáo hóa của nhà Phật để sống và răn dạy con cháu. Vậy nên, cứ ngày rằm tháng 7, cùng với việc chuẩn bị mâm cúng gia tiên, bà thường trai giới và lập một đàn tràng nhỏ với hương, hoa, trầu, nước, cùng một mâm dành cho chúng sinh có cháo hoa, gạo, muối, khoai luộc, vài bộ quần áo được cắt từ giấy màu và một xấp tiền vàng mã có những chữ viết hình dáng kỳ lạ.

Sau các nghi thức cúng bái tổ tiên, trước đàn tràng, bà thường tụng một đoạn kinh, mà sau này tôi nghe bà kể lại, là để giúp siêu độ vong linh gia tiên và chúng sinh vô thừa nhận được về miền Tây phương cực lạc. Những quần áo, tiền vàng và vật dụng bằng giấy sẽ được đem hóa và tro của chúng một phần sẽ theo gió mà tản đi bốn phương, một phần nằm lại dưới gốc cây trong vườn nhà. Có cảm giác như rằm tháng 7 luôn tồn tại một loại không khí riêng có, khác hẳn với rằm tháng Giêng hay các dịp lễ lạt trong năm. Sự khác biệt ấy không chỉ ở đồ lễ được chuẩn bị hay các nghi thức liên quan, mà dường như còn khác ở cái không khí tín ngưỡng có phần êm dịu, hài hòa bởi sự thống nhất của tình cảm và ý nghĩ trong mỗi người. Đó là cảm giác thỏa mãn khi những thứ vàng mã được làm từ sự dụng tâm, đã gửi gắm trong đó nhiều phần tình cảm và cả sự hiếu thuận của cháu con đối với người đã khuất. Vậy mới nói, thờ cúng tổ tiên là sợi dây vững chắc ràng buộc mọi người trong gia đình với nhau, dù còn sống hay đã chết.

Nói về nguồn gốc của ngày rằm tháng 7, nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên trong tác phẩm nghiên cứu về văn minh Việt Nam, đã cho rằng, rằm tháng 7 âm lịch là ngày hội lễ dân gian của đạo Phật. Đây là một kiểu ngày lễ của những người chết. Trong ngày đó, ở địa phủ, do lòng từ bi của chư Phật, một cuộc xá tội lớn được thực hiện: Các ngục được mở và nhiều vong hồn có tội tỏa đi khắp thế gian. Các gia đình đi chùa cúng và tụng kinh để giải thoát cho linh hồn của thân nhân mình. Dần dà, ngày lễ này trở thành một ngày từ thiện lớn. Ban đêm, ở trước cửa nhà, mỗi gia đình làm lễ phát thức ăn và tặng các linh hồn vong nhân nhiều thứ tặng phẩm bằng giấy. Nhà giàu bố thí cho người nghèo khó và kẻ hành khất. Ở các chùa lớn, một đàn lễ được dựng ở sân, bày các lễ vật và đồ vàng mã. Hòa thượng ngồi xếp chân bằng tròn trên cao: Ngài đại diện cho Đức Phật và mở cửa địa phủ. Sau khi giải thoát các linh hồn, ngài đọc cho tín đồ nghe lời răn dạy của Phật để khuyến khích họ làm điều thiện, chuẩn bị cho mình lên Niết Bàn.

Có lẽ, xuất phát từ cái nguyên cớ ấy mà lễ Vu Lan báo hiếu và xá tội vong nhân trong ngày rằm tháng 7, tưởng chừng là hai việc hoàn toàn khác biệt, lại tìm thấy điểm chung là một chữ Tình, hay cụ thể hơn là cùng có xuất phát ở đạo làm người. Nếu đạo làm người được thể hiện ở cách thức con người thực hành lễ xá tội vong nhân, đã phần nào phản ánh đúng bản tính bao dung, nhân ái của người Việt; thì đạo hiếu lại trở thành phẩm chất cốt lõi, có khả năng chi phối cả nhận thức và hành động của con người, cũng là thước đo giá trị một con người trong cộng đồng. Thậm chí, từ xa xưa, trong Nhị thập tứ hiếu (hai mươi bốn điều hiếu), người ta thường lấy những tấm gương đại hiếu để răn dạy con trẻ. Đó là tấm gương người con trai chôn sống con mình để dành chút gạo ngon cho bà mẹ; là gương người con ngâm mình dưới nước sông lạnh giá, hy vọng bắt được thứ cá mà cha mẹ thích ăn; hay gương người con mình trần nằm ngủ nhằm thu hút muỗi, với mong muốn cho cha có giấc ngủ yên...

Ngày nay, dẫu ta không còn mượn những tấm gương đạo đức ấy để răn dạy con trẻ, hay sự vận động không ngừng của đời sống xã hội đã khiến cho quan niệm về chữ hiếu đã có nhiều thay đổi. Song, không thể phủ nhận, hiếu thuận vẫn luôn là nguyên tắc đạo đức cơ bản và quan trọng nhất, chi phối mối quan hệ giữa các thành viên từ gia đình đến gia tộc, giữa người sống và người đã khuất. Trọng chữ hiếu là vậy, thế nhưng, cũng theo nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên, trong quan niệm của người Việt, người con hiếu thảo không phải là kẻ cúng thật nhiều vật chất cho cha mẹ, mà là kẻ cư xử trung thực, một người dân tốt, người chồng tốt, người cha tốt. Họ phải sống ra sao cho tên tuổi và linh hồn người đã khuất không bị bôi nhọ bởi thái độ sống thiếu mẫu mực và đạo đức của con cháu mình. Chữ hiếu ấy không cứng nhắc mà linh hoạt, không phô trương dưới các hình thức vật chất bề ngoài, mà đi sâu vào các giá trị làm người, để vun đắp cho cái nền tảng đạo đức gia đình và xa hơn là xã hội, được bền vững.

Từ trong quan niệm truyền thống của người Việt, vốn đậm đặc ở tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hay quan niệm của Phật giáo vốn có nhiều điểm tương đồng với tính cách dân tộc, thì con người, dẫu ở cõi trần hay cõi âm, đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Và việc đốt vàng mã, vốn khởi phát từ thiện tâm, được xem như một cách thức để “nối” sợi dây liên hệ của con người ở hai thế giới, cũng là cầu mong cho hương linh gia tiên được an lạc, đủ đầy như khi còn sống. Ngày nay, tục đốt vàng mã cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên trong ngày rằm tháng 7 và lễ xá tội vong nhân vẫn luôn được duy trì. Thế nhưng, với những biểu hiện có phần thái quá lại đang khiến không ít người tỏ ra băn khoăn và hoài nghi về tính đúng đắn hay sự phù hợp của tập tục này. Xưa kia, mỗi tờ vàng mã được đốt là một đoạn kinh siêu độ vong linh và gửi gắm hy vọng về một “thế giới bên kia” tốt đẹp. Vậy nên, nó được tiến hành một cách từ tốn, thay vì gấp gáp, chiếu lệ, hay đốt một lượt cả xấp tiền vàng, đồ cúng.

Quan niệm “trần sao âm vậy” có lẽ là nguyên nhân khiến cho việc đốt vàng mã hiện nay có nhiều biến tướng. Bên cạnh các loại tiền âm phủ truyền thống, trên mâm vàng mã của nhiều gia đình xuất hiện nổi bật các loại tiền tệ hiện đại và vô số các vật dụng từ thiết yếu như quần áo, mũ nón, trang sức, giày dép, ti vi đến cao cấp như xe máy, ô tô, biệt thự và các thiết bị công nghệ hiện đại là điện thoại, laptop... Thậm chí, nhiều loại “vàng mã” đặc biệt cũng được sản xuất theo yêu cầu của gia chủ. Tóm lại là có cầu ắt có cung, cầu gì cũng được, miễn có tiền. Thực trạng đốt vàng mã lên đến tiền trăm, bạc triệu hay gấp cả chục lần con số ấy, thực chất là một kiểu “đốt tiền” và khiến cho tục đốt vàng mã đi chệch xa khỏi ý nghĩa ban đầu tích cực của nó vốn là một phong tục đẹp xuất phát từ thiện tâm con người.

Đã có không ít luồng ý kiến được đưa ra để trả lời cho câu hỏi có nên đốt vàng mã? Đốt nhiều hay ít và đốt như thế nào cho đúng? Và nhiều người cho rằng, việc đốt thật nhiều vàng mã để báo hiếu tổ tiên đã khuất, về thực chất, là quan niệm và hành vi ngây thơ, ấu trĩ, sai lầm. Nhưng, dù là ý kiến nào đi chăng nữa thì tập tục này được duy trì ra sao và phù hợp đến đâu vẫn phụ thuộc vào ý thức, thái độ, hành vi của mỗi người. Có như vậy, một tập tục đẹp mới không bị méo mó, biến dạng thành hủ tục lạc hậu ngay giữa cuộc sống đang ngày càng văn minh. Đồng thời, để ngày Vu Lan báo hiếu thực sự là ngày của sự lan tỏa các giá trị sống tốt đẹp của đạo hiếu, cái thiện và sự an lành.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]