(Baothanhhoa.vn) - Sau 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”, nhận thức của đại đa số người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được nâng lên đáng kể so với những năm trước.

Hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”, nhận thức của đại đa số người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được nâng lên đáng kể so với những năm trước.

Hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”Một buổi sinh hoạt câu lạc bộ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xã Tam Lư (Quan Sơn).

Vùng miền núi tỉnh Thanh Hóa chủ yếu có 7 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao và Khơ Mú, với tổng số dân hơn 1,1 triệu người; trong đó có hơn 60 vạn người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 58% dân số miền núi và hơn 18% dân số cả tỉnh. Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, những năm gần đây, việc kết hôn của các dân tộc thiểu số đa số đã thực hiện theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra. Hậu quả là chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu là do quan niệm, tập quán lạc hậu; kết hôn trong họ tộc để giữ tài sản trong gia đình, không mang của cải sang họ khác; tâm lý muốn sớm có con đàn cháu đống, có người nối dõi; có thêm lao động trong gia đình...

Trước thực trạng trên, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015–2020, đã được xây dựng và triển khai thực hiện.

Triển khai thực hiện đề án, Ban Dân tộc tổ chức 3 hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cho 240 đại biểu là cán bộ làm công tác truyền thông xã và thôn, bản của 3 huyện vùng cao biên giới Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa. Bên cạnh đó, các huyện cũng tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường THCS, THPT, với 125 buổi/29.069 học sinh tham gia. Một số huyện có cách làm hay, hiệu quả như huyện Như Thanh tổ chức hội thi “Rung chuông vàng” về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại Trường THCS & THPT Như Thanh, Trường THPT Như Thanh 2, với 200 học sinh tham gia...

Ngoài ra, các địa phương đã xây dựng được 30 mô hình, trong đó: 20 mô hình xã, 10 mô hình trường học (trường THCS và trường PTDTNT huyện), tập trung chủ yếu ở các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh. Các mô hình tổ chức hoạt động tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân; sinh hoạt câu lạc bộ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Tại các mô hình điểm ở các xã, hoạt động tuyên truyền được tổ chức thường xuyên và lồng ghép vào các hoạt động tập thể tại thôn, bản để người dân nắm bắt, hiểu rõ được những hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời nâng cao ý thức trong thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình. Tại mô hình điểm các trường học, học sinh được cán bộ địa phương, thầy cô, tổ chức đoàn trong nhà trường trao đổi, nói chuyện, trả lời các thắc mắc; học sinh được bày tỏ quan điểm về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, về sức khỏe sinh sản...

Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đã được cải thiện và giảm đáng kể. Theo thống kê của ngành chức năng, tỷ lệ tảo hôn năm 2016 (khi mới triển khai đề án) là 4,5% (367 cặp), giảm xuống còn 1,56% (111 cặp) năm 2019. Năm 2016 có 6 cặp hôn nhân cận huyết thống (tỷ lệ 0,07%), đến năm 2019 không còn hôn nhân cận huyết thống.

Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn đang còn diễn ra. Trong đó, các cặp tảo hôn chủ yếu là nữ gần 18 tuổi. Tảo hôn thường xảy ra ở các dân tộc như Khơ Mú, Mông, một bộ phận dân tộc Thái cư trú ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và rải rác ở cộng đồng các dân tộc khác. Tỷ lệ tảo hôn tập trung ở các huyện miền núi cao như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn; các huyện không còn tình trạng tảo hôn thuộc khu vực miền núi thấp (Thạch Thành, Cẩm Thủy) và các xã miền núi thuộc các huyện giáp ranh.

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cầm Bá Tường cho biết: Thời gian tới Ban Dân tộc sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung và mục tiêu của đề án; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của đồng bào; tập trung nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn.

Bài và ảnh: Hà Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]