(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi về bản Hạ Sơn khi hương sắc mùa xuân đang ngập tràn mọi nơi. Xuân bừng lên trong sắc màu rực rỡ của trang phục người Dao đi chơi, đi chợ tết, trong cái vị cay nồng của rượu ngô, trong hương thơm đặc trưng của những món ăn, cùng những trò chơi dân gian độc đáo...

Hạ Sơn ngày trở lại

Chúng tôi về bản Hạ Sơn khi hương sắc mùa xuân đang ngập tràn mọi nơi. Xuân bừng lên trong sắc màu rực rỡ của trang phục người Dao đi chơi, đi chợ tết, trong cái vị cay nồng của rượu ngô, trong hương thơm đặc trưng của những món ăn, cùng những trò chơi dân gian độc đáo...

Hạ Sơn ngày trở lạiMô hình trồng cam của người dân bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi (Mường Lát) cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Tiến Đông

Có tiếng lao xao từ căn nhà mái ngói kiên cố, rộng rãi của ông Triệu Văn Lỉu, Trưởng bản Hạ Sơn. Thì ra, người bản Hạ Sơn tìm đến để bàn công việc. “Mai đúng 7 giờ, bà con tập trung tại đây tiến hành làm vệ sinh định kỳ. Mỗi người mang cuốc, xẻng hoặc dao phát để dọn dẹp hai bên đường đón năm mới”, ông Lỉu chỉ tay về phía con đường trải nhựa thẳng tắp ngay trước mặt, dặn dò. Ở đây, gần như tất cả công việc chung, cả bản chưa bao giờ vắng mặt một ai, trừ trường hợp ốm đau hoặc có công chuyện cần thiết.

Theo lời Trưởng bản Triệu Văn Lỉu, 100% nhân khẩu của Hạ Sơn là đồng bào dân tộc Dao từng sinh sống rải rác trên đỉnh Pù Quăn. Đây là đỉnh núi cao, biệt lập với thế giới bên ngoài. Tuy cách không xa trung tâm xã nhưng để lên được đến bản cũng phải mất 1 ngày đường. Cuộc sống của 72 hộ dân nơi đây cực kỳ khó khăn vì thiếu đất sản xuất, khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, không có điện lưới quốc gia và những hủ tục đeo bám... khiến cho cuộc sống của bà con nơi đây luôn quẩn quanh với cái đói, cái nghèo.

Không còn cách nào khác, chính quyền huyện Mường Lát đã bàn bạc, tìm cách vận động bà con chuyển xuống khu vực hai bên tỉnh lộ 217 (nay là Quốc lộ 15C), nằm giữa trung tâm xã Pù Nhi để sinh sống, học cách đổi mới chăn nuôi, trồng trọt... mới mong thoát nghèo. Tuy nhiên, để vận động đồng bào xuống núi là cả một câu chuyện dài không hề dễ dàng, mà như ông Lỉu nói, đó là cả một cuộc cách mạng. Ông Triệu Văn Lỉu khi đó là một công an viên đã phải vận dụng hết “chữ nghĩa” để thuyết phục bà con. Rồi cán bộ gương mẫu đi đầu, gia đình ông là 1 trong 5 gia đình đầu tiên xuống núi. Tuy nhiên, sau một thời gian, họ lại ngược về đỉnh Pù Quăn do vùng đất mới thiếu nương, rẫy, họ không quen với việc trồng cây lúa nước hay chăn nuôi lợn, gà.

Không từ bỏ, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tiếp tục tổ chức các buổi vận động, sử dụng linh hoạt cách thức. Lúc thì tổ chức các buổi nói chuyện trong dân, khi lại “đánh du kích” với những “ca khó”... mục đích là để người dân dễ dàng hình dung ra viễn cảnh mới, khơi dậy tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Và rồi bằng tất cả tấm lòng, năm 2002, 17 hộ, 86 nhân khẩu đã đồng ý xuống núi. Bản được thành lập lấy tên là Hạ Sơn, như một sự đánh dấu về cuộc di cư lịch sử của người Dao trên đỉnh Pù Quăn xuống núi để an cư, lạc nghiệp. Ông Triệu Văn Lỉu nhớ lại: “Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, những hộ dân đầu tiên chuyển xuống Hạ Sơn nhanh chóng có được cuộc sống ổn định; người dân được hưởng lợi từ các công trình phục vụ đời sống dân sinh như đường, trường học, trạm y tế và có điều kiện giao lưu, mua bán sản phẩm mình làm ra”.

Vận động được đồng bào xuống núi đã khó, giữ được họ định cư lâu dài lại càng khó hơn. Hiểu được điều đó, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ đồng bào. Ngày 24-10-2002, Thường trực Tỉnh ủy triển khai kế hoạch phân công các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, giúp đỡ các bản người Mông, Dao và Khơ Mú đặc biệt khó khăn ở 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn và Quan Hóa. Báo Thanh Hóa được phân công theo dõi, chỉ đạo, giúp đỡ bản Hạ Sơn. Cán bộ tỉnh cùng cán bộ địa phương và chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi giúp dân xây dựng nhà cửa, khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các loại cây, con giống có hiệu quả kinh tế cao vào nuôi, trồng. Ông Phan Văn Cấu, công an viên bản Hạ Sơn, xúc động nói: “Bà con phấn khởi, ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm cho đồng bào Hạ Sơn. Đời sống bớt khổ, người dân sống vui”.

Người dân sau khi hạ sơn vừa có nhà, vừa được cấp giống ngô, lúa mới, thâm canh tăng vụ cho nên dần quên đi nỗi lo đói khổ. Tuy nhiên ban đầu, đồng bào thấy cán bộ mang đến cho họ những cây giống mới, chỉ cho họ cách sản xuất thì lạ lắm. Nhiều người còn e dè, không tin tưởng. Nhưng rồi, khi cây lúa nảy mầm, trổ bông trên những thửa ruộng bậc thang, cây ngô lai xanh mướt khắp các ngọn đồi, thì họ tin và làm theo. Chị Triệu Thị Lan, người dân bản Hạ Sơn, phấn khởi kể: “Cán bộ khuyến nông xuống tận bản hướng dẫn bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhà nào cũng biết làm ăn, ngoài trồng các loại cây lương thực, người dân còn nuôi thêm lợn rừng, gà đồi... để tăng thêm thu nhập”.

Từ những đổi thay đó, niềm tin vào Đảng, Nhà nước được nhân lên, các hộ gia đình yên tâm đẩy mạnh lao động sản xuất, tranh thủ mọi nguồn lực để phát huy nội lực, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Thay vì chỉ trồng ngô, sắn như trước, trên những mảnh đất đồi có các loại cây ăn quả: cam, xoài, mít Thái... đã bám chặt rễ. Đặc biệt, người Dao hầu hết đều biết bốc thuốc nam nên gia đình nào cũng có của ăn, của để. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,7%. Nhiều người con của bản học hành đỗ đạt, làm cán bộ huyện và xã.

Hạ Sơn là bản đầu tiên của xã Pù Nhi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau gần 2 năm triển khai xây dựng, tháng 10–2019, 14/14 tiêu chí bản NTM đã hoàn thành đúng kế hoạch và đón nhận bản đạt chuẩn NTM. Đây là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực vượt bậc của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Pù Nhi nói chung, người dân bản Hạ Sơn nói riêng. Từ 5 hộ dân ban đầu, bản hiện có 51 hộ với 228 nhân khẩu; chi bộ đảng với 15 đảng viên... hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cộng đồng của người dân. Được biết, Hạ Sơn là bản duy nhất của xã có 100% nhà, công trình phụ kiên cố.

Hạ Sơn hôm nay đã khoác lên mình bộ mặt NTM rạng rỡ như cánh hoa rừng bung nở dưới bình minh. Bà con yên tâm sản xuất, kinh tế ngày càng khởi sắc; bản sắc văn hóa dân tộc luôn được duy trì và phát huy; hệ thống chính trị trong bản ngày càng được củng cố và phát triển. Từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân càng bền chặt.

Tiến Đông



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]