(Baothanhhoa.vn) - “Nhanh và bền vững” được đặt ra như một mệnh đề “luôn đúng” của công cuộc giảm nghèo. Muốn vậy, hai yếu tố “nhanh” và “bền vững” không chỉ gắn kết chặt chẽ để bổ trợ lẫn nhau, mà còn phải phù hợp với thực tiễn, nhằm tránh cho công cuộc giảm nghèo đi lệch những mục tiêu kỳ vọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Giảm nghèo nhanh và bền vững - Cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động”: Bài 2 - Giảm nghèo đã thật sự bền vững?

“Giảm nghèo nhanh và bền vững - Cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động”: Bài 2 - Giảm nghèo đã thật sự bền vững?

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135, 30a nhiều hộ nghèo tại xã Xuân Phú (Quan Hóa) đã vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Mô hình nuôi bò lai sind cho thu nhập cao của hộ gia đình ông Cao Văn Tuân, xã Xuân Phú. Ảnh: P.V

“Nhanh và bền vững” được đặt ra như một mệnh đề “luôn đúng” của công cuộc giảm nghèo. Muốn vậy, hai yếu tố “nhanh” và “bền vững” không chỉ gắn kết chặt chẽ để bổ trợ lẫn nhau, mà còn phải phù hợp với thực tiễn, nhằm tránh cho công cuộc giảm nghèo đi lệch những mục tiêu kỳ vọng.

Nhanh và...

Công cuộc giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa đã đi qua một chặng dài, nhiều khó khăn, thách thức, song thành tựu đạt được là to lớn. Thử so sánh, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dù đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố, nhưng vẫn cao gấp 1,25 lần bình quân chung cả nước; đồng thời, số lượng hộ nghèo và hộ cận nghèo lại đứng đầu cả nước. Có những địa phương, tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 50%, cá biệt có nơi trên 60-70%. Song, chỉ sau 1 năm, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 2,56%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Còn tính cả giai đoạn 2016 - 2019, Thanh Hóa đã giảm được 96.663 hộ nghèo (từ 128.893 hộ xuống còn 32.230 hộ); tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 10,24% (từ 13,51% xuống 3,27%)... Với tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, có thể ví công cuộc giảm nghèo ở tỉnh ta như một chuyến tàu tốc hành. Trên hành trình cán đích mục tiêu “nhanh và bền vững”, nó đã vượt qua một ga mốc là “nhanh”; còn ga “bền vững” thì vẫn cần được thăm dò, để có đánh giá sao cho khách quan và sát, đúng thực tế. Bởi, dù hai yếu tố “nhanh” và “bền vững” luôn luôn phải gắn kết. Song không phải ở đâu và lúc nào, sự biện chứng của chúng cũng được phát huy cao nhất.

“Làm thế nào để giải được bài toán giảm nghèo đa chiều một cách bền vững?”. Đây là câu hỏi được chúng tôi nhiều lần đặt ra, khi trao đổi với lãnh đạo một số xã thuộc các huyện nghèo. Đáp án có nhiều điểm tương đồng, trong đó, anh Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, huyện Mường Lát – một cán bộ trẻ phát triển từ Dự án 600 trí thức trẻ, cho rằng: Đối với một xã đặc biệt khó khăn, không phải cứ cho người dân tiền là có thể giảm được nghèo. Muốn giảm nghèo, cần có sự đầu tư đồng bộ cả về kinh tế, hạ tầng (nhất là điện, giao thông, viễn thông) và văn hóa - xã hội (nhất là giáo dục đào tạo). Pù Nhi hiện còn 5 bản chưa có điện; trong khi nhiều tuyến giao thông dẫn vào các bản bị phá hủy, xuống cấp nghiêm trọng do mưa lũ. Đây là những nhân tố trực tiếp gây ra tình trạng tái nghèo và chi phối đến các chỉ tiêu rà soát hộ nghèo. Bên cạnh đó, dù người dân trên địa bàn đang được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhưng không ít chính sách trong đó là hỗ trợ trực tiếp theo kiểu “cho không”, định mức hưởng thấp, không tạo được việc làm, thu nhập và sinh kế bền vững.

Tập trung hỗ trợ sinh kế lâu dài là giải pháp đúng nhất trong công tác giảm nghèo. Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay các địa phương đã thực hiện được 1.211 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và 141 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo do UBND xã làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế chưa mang lại hiệu quả và khả năng nhân rộng các mô hình giảm nghèo còn hạn chế. Một số dự án chưa có cơ chế thu hồi, luân chuyển vốn, nên chưa nâng cao được ý thức, trách nhiệm của hộ nghèo; đồng thời, cũng như chưa khuyến khích sản xuất phát triển, chưa tạo được nhiều việc làm và thu nhập, nhằm góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tiếp cận nghèo đa chiều là cách thức mới, song thực tế, phần đa hộ nghèo đều “vướng” tiêu chí thu nhập. Do đó, việc thiết kế chính sách hay phân bổ vốn thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, vẫn lấy thu nhập làm căn cứ chính, phần vốn dành cho các chiều thiếu hụt khác bị hạn chế hơn. Tính đến cuối năm 2019, tỉnh ta vẫn còn 4/7 chỉ tiêu tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Đồng thời, toàn tỉnh còn 73 thôn, bản với 4.102 hộ dân, thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của 9 huyện miền núi chưa có lưới điện quốc gia... Mặc dù những chiều thiếu hụt này cũng có chính sách riêng, song kết quả thực hiện chưa được như kỳ vọng.

“Giảm nghèo nhanh và bền vững - Cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động”: Bài 2 - Giảm nghèo đã thật sự bền vững?

Hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tại xã Pù Nhi (Mường Lát). Ảnh: P.V

Cấp cơ sở xã, phường, thị trấn là nơi thực thi các chính sách giảm nghèo. Do vậy, đây được xem là một trong những khâu đặc biệt, quyết định hiệu quả và tính đúng đắn của mỗi chính sách. Thế nhưng, đây vẫn là một khâu yếu trong cả quy trình. Chưa bàn đến năng lực chỉ đạo, điều hành hay khả năng xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình giảm nghèo của nhiều cấp ủy, chính quyền – vốn là cả một vấn đề lớn. Đáng nói hơn là quá trình triển khai chính sách giảm nghèo, vẫn còn địa phương buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng lợi dụng và trục lợi chính sách. Chẳng hạn như cố tình đưa người thân vào danh sách hộ nghèo để được hưởng ưu đãi; khai man đối tượng là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo để hưởng hỗ trợ chi phí học tập... Điều này có một phần nguyên nhân từ nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Song, không thể phủ nhận một nguyên nhân sâu xa xuất phát từ sự tồn tại của những chính sách hỗ trợ “cho không”. Chính cái kiểu thương không phải này đã góp phần tạo ra một bộ phận người nghèo chây ỳ, lười lao động, đánh mất lòng tự ái và muốn bấu chặt lấy cái “danh nghèo”.

...Vì sao nghèo “bền vững”?

Nằm ở “vùng trũng” của sự phát triển, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát vẫn luôn được điểm mặt đặt tên như một ví dụ đầy sức thuyết phục, cho vấn đề không mới mang tên “cái khó của công cuộc giảm nghèo”. Kết quả rà soát đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm tới 47,91%, tương đương 562/1.179 hộ; trong đó, số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập chiếm trên 90% tổng số hộ nghèo. Trao đổi với chúng tôi về những con số “ấn tượng” này, anh Bùi Văn Nhân, chủ tịch UBND xã, thẳng thắn thừa nhận: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói, trong đó thiếu vốn, không biết cách làm ăn, không có tay nghề là những nhân tố chính. Bên cạnh đó là tình trạng đông người ăn theo, thiếu đất canh tác, thiếu phương tiện sản xuất, chây lười lao động, mắc tệ nạn xã hội... cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo toàn xã cao.

Để chứng minh cho những lý giải về tình trạng nghèo đói của chủ tịch UBND xã, chúng tôi đã tìm đến gia đình chị Hơ Thị Mo (bản Pù Toong). Sinh năm 1983, chị Mo đã có một “gia tài” đáng kể với 3 đứa con đẻ, 2 con dâu và 2 cháu nội. Nhà 8 miệng ăn trông cả vào 6 sào ruộng họa may ra đủ gạo, còn 2 ha đất rừng sản xuất đã trồng xoan từ lâu. Gian nhà đất tuềnh toàng, tài sản tính được là vài bao lúa nằm im một góc. Vì chị Mo không nói được nhiều tiếng phổ thông, nên chúng tôi phải nhờ ông trưởng bản phiên dịch giúp. Qua lời ông thuật lại, mới hay, năm ngoái chị Mo đã ly dị chồng, vì ông chồng nát rượu lại hay đánh mắng vợ con. Nhà có bao nhiêu tài sản ông chồng giữ hết, mà của nả cũng chả nhiều nhặn gì, vì gia đình vốn thuộc diện hộ nghèo. Sau khi tách hộ, do không có nguồn thu nhập ổn định, nên 2 vợ chồng người con đầu đã đi làm ăn xa. Người con thứ 2 dù đã có vợ con nhưng hãy còn đi học, cùng cô con gái út đang học nghề... Đất ít, không có vốn, người ăn theo nhiều, không nghề nghiệp, không biết cách làm ăn và tự bằng lòng với hoàn cảnh. Đó là những “sợi gai” đang quấn chặt và cào mòn cuộc sống của chị Mo cùng những đứa con, đứa cháu của chị trong cảnh túng thiếu, lạc hậu.

Thế nhưng, đó không phải là trường hợp cá biệt hay hiếm hoi gì. Khi tìm hiểu về thực trạng giảm nghèo ở một số huyện nghèo, chúng tôi đã được nghe không ít chuyện cười đến xót lòng. Ông Hà Văn Đượng, Chủ tịch UBND xã Nam Tiến (huyện Quan Hóa) kể: Cả xã hiện còn 82 hộ nghèo, trong đó một phần là đối tượng nghèo bảo trợ xã hội, một phần nghèo do lười lao động, phần còn lại nằm ở những bản khó khăn về đường sá và chưa có điện lưới. Đối với những hộ nghèo do lười lao động, việc vận động họ thoát nghèo đang là vấn đề nan giải. Đơn cử như trường hợp hộ ông Hà Văn Vinh. Đây là gia đình có “truyền thống” nghèo 3 đời, từ đời ông đến đời cha và giờ truyền sang đời con (ông Vinh có 2 người con đã lập gia đình và cũng thuộc diện hộ nghèo). Thế nhưng ông phó mặc, có thì ăn không có thì thôi, thậm chí nhà sập cũng kệ nốt. “Xã đã đến tận nơi vận động, thuyết phục, kêu gọi hỗ trợ và cho vay vốn để sửa nhà, nhưng ông nhất quyết không nhận vì sợ không có tiền trả”, ông Đượng cho hay.

Bên cạnh các yếu tố như tiềm lực hạn chế, thiếu tài nguyên...; thì không thể không kể đến tâm lý thích nghèo, dựa vào đói nghèo như một phương thức sinh tồn ở một số người. Chính tâm thế, sự bất lực hay sự hạn hẹp trong nhận thức và cách người nghèo tiếp cận “chưa tới” vấn đề của bản thân họ, đang tạo ra lực cản kéo lùi, kéo chậm quá trình giảm nghèo. Vậy nên, chỉ khi thay đổi được nhận thức “tầm gửi” hay lối sống “ký gửi” vào chính sách, thì khi ấy mới có thể giảm nghèo bền vững.

Gian nan chặng cuối

Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang tập trung trên 95% hộ nghèo, cận nghèo, với hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tới 46,47% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm phần đa là nghèo thu nhập. Đây là những “lõi nghèo” có điều kiện tự nhiên và sản xuất không thuận lợi, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Đồng thời, khả năng chấp nhận và vươn lên của người dân cũng khó có thể bằng các khu vực khác, dù đây là đối tượng nhận được sự ưu tiên nguồn lực rất lớn... Do đó, để vượt qua được những lực cản này trong công tác giảm nghèo, sẽ là cuộc chiến lâu dài và gian nan đối với nhiều địa phương.

Việc giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các huyện, xã là cần thiết. Thực tế cho thấy, từ việc giao chỉ tiêu mà nhiều địa phương đã chủ động, tích cực hơn trong công tác giảm nghèo. Song, có lúc, có nơi, việc áp chỉ tiêu một cách cơ học, đã ít nhiều gây áp lực cho cơ sở, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Bởi số lượng có thể giảm được thì đã giảm gần chạm đáy. Phần còn lại là những đối tượng không thể hoặc rất khó thoát nghèo. Đồng thời, thay vì giảm nghèo theo chiều rộng như trước đây, hiện cách thức tiếp cận là từ “lõi nghèo” và đa chiều. Cho nên, càng về sau càng khó để đạt chỉ tiêu giảm nghèo. Chưa hết, hiện phần đa số hộ thoát nghèo lại rơi vào diện cận nghèo. Đây là đối tượng vốn có sự chênh lệch không lớn về thu nhập so với hộ nghèo, nên rất dễ bị tổn thương và dễ dàng tái nghèo khi có tác động bất thường. Điều đó đã tác động không nhỏ đến tính bền vững của công cuộc giảm nghèo.

Đối với 7 huyện nằm trong Chương trình 30a, giai đoạn 2016-2019, dù số hộ nghèo đã giảm 23.155 hộ (từ 34.887 hộ xuống còn 11.732 hộ) và tỷ lệ hộ nghèo giảm 22,89% (từ 33,9% xuống 11,01%). Song đây cũng là khu vực đang đối mặt với nguy cơ tái nghèo, nghèo phát sinh cao. Đương nhiên, không cực đoan đòi hỏi rằng chỉ có thoát nghèo mà không có hiện tượng tái nghèo. Vấn đề là tái nghèo, phát sinh nghèo ở mức độ nào thì chấp nhận được và làm thế nào để giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đây rõ ràng là câu hỏi khó, bởi có nhiều nguyên do khách quan như thiên tai, dịch bệnh, ốm đau... nằm ngoài khả năng cảnh báo, kiểm soát và xử lý của các địa phương. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khó có khả năng thoát nghèo hiện vẫn chiếm tới 22,32% tổng số hộ nghèo. Đây thực sự là một vấn đề nan giải, đã và đang đặt ra khi giải bài toán hộ nghèo. Bởi khả năng tự vận động để thoát nghèo của đối tượng này gần như ... bằng không.

...

Có người đã ví công cuộc giảm nghèo như hành trình leo núi. Ở đoạn đầu dốc thoai thoải, cộng thêm sức khỏe tràn trề và sự hứng khởi, người ta có thể chinh phục chặng đường tương đối dễ dàng. Nhưng càng về cuối, dốc thẳng, nhiều vật cản, sức lực bị bào mòn và sự hăng hái cũng ít đi. Cho nên, dù có thể dựa vào sợi dây cáp, thì để chinh phục được đỉnh núi cũng đòi hỏi nhiều sức lực, thời gian, cùng sự nỗ lực, quyết tâm hơn hẳn chặng đầu.

Nhóm Phóng viên

Văn hóa – Xã hội

Bài 3: Phá rào cản – “thông đường” chính sách.


Nhóm Phóng Viên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]