(Baothanhhoa.vn) - Những chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực trang thiết bị y tế được ví như ly nước làm dịu cơn khát, nhưng cũng đòi hỏi cơ quan quản lý y tế, cơ sở y tế, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực trang thiết bị y tế phải thực hiện đúng và kịp thời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải cơn khát

Những chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực trang thiết bị y tế được ví như ly nước làm dịu cơn khát, nhưng cũng đòi hỏi cơ quan quản lý y tế, cơ sở y tế, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực trang thiết bị y tế phải thực hiện đúng và kịp thời.

Giải cơn khát

Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Rất nhiều lãnh đạo bệnh viện than phiền thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế, hóa chất phục vụ mổ và điều trị bệnh nhân. Thậm chí có những bệnh viện đã phải làm những việc bất thường. Mới nhất, Bệnh viện Việt Đức - bệnh viện ngoại khoa lớn nhất cả nước đã phải đưa ra thông báo dừng mổ phiên, chỉ mổ những trường hợp cấp cứu từ ngày 1-3-2023. Nghĩa là rất nhiều bệnh nhân nặng đã được chỉ định và xếp lịch mổ, nhưng phải dừng lại. Đây là điều bệnh viện không mong muốn, người bệnh, người nhà bệnh nhân càng không muốn.

Tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế đã diễn ra khá phổ biến thời gian gần đây, trong đó một phần bởi những quy định liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm rất chặt chẽ để tránh “thông thầu”, trục lợi. Tại nhiều diễn đàn, cơ quan y tế, cơ quan quản lý y tế và bác sĩ đã phản ánh tình trạng này. Vấn đề này cũng đã được đưa ra thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức mới đây.

Để giải quyết tình trạng này, ngày 25-2-2023 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 72/CĐ-TTg về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Công điện nêu rõ: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, khẩn trương kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế quản lý triển khai quyết liệt các giải pháp cần thiết để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế. Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu và triển khai thực hiện các giải pháp để có đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám, chữa bệnh; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, dám nghĩ, dám làm trong tổ chức mua sắm, đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Trong đó yêu cầu Bộ Y tế có trách nhiệm khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm.

Ngày 3-3-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, ngày 8-11-2021 về quản lý trang thiết bị y tế nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Nghị định đã mở ra những hướng mới đó là: Cho phép tự động gia hạn giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành, khơi thông các vướng mắc trong nhập khẩu trang thiết bị y tế; chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thay đổi quản lý, kê khai giá trang thiết bị y tế; sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế.

Ngay sau đó, ngày 4-3-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Đây là những điểm mở, mở ra cơ chế cho ngành y tế trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, cách thức tổ chức sửa nghị định và nghị quyết lần này có nhiều cải tiến mạnh mẽ, trong đó đáng chú ý là các giám đốc bệnh viện lớn - những người chịu sự tác động trực tiếp của các cơ chế, được mời cùng góp ý, thảo luận, bổ sung để làm sao các văn bản ban hành có thể đi vào ngay cuộc sống, có thể áp dụng ngay nhằm tháo gỡ triệt để các rào cản, “nút thắt” trong việc mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ Nhân dân.

Những chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực trang thiết bị y tế được ví như ly nước làm dịu cơn khát, nhưng cũng đòi hỏi cơ quan quản lý y tế, cơ sở y tế, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực trang thiết bị y tế phải thực hiện đúng và kịp thời. Xung quanh công tác đấu thầu và sử dụng trang thiết bị y tế đã từng xảy ra rất nhiều sai phạm. Từ những sai phạm ấy đã khiến cho việc quản lý trở nên chặt chẽ hơn, nhiều người có trách nhiệm vì lo sợ mà đùn đẩy, né tránh dẫn đến khan hiếm thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế.

Vì bệnh nhân, hãy làm những điều tốt nhất theo những gì cho phép của pháp luật, đừng để tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, thiết bị vật tư y tế kéo dài.

Thái Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]