(Baothanhhoa.vn) - Không thể phủ nhận, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các thiết bị kết nối mạng internet như: Điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi thông minh... đã tạo điều kiện cho con người đến gần hơn với thế giới thông tin rộng lớn, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, phía sau những yếu tố tác động mang tính tích cực là những cái “bẫy” mà nếu người dùng không tỉnh táo sẽ rất dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát và có những hành vi lệch lạc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đừng để trẻ “lạc” vào thế giới ảo

Không thể phủ nhận, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các thiết bị kết nối mạng internet như: Điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi thông minh... đã tạo điều kiện cho con người đến gần hơn với thế giới thông tin rộng lớn, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, phía sau những yếu tố tác động mang tính tích cực là những cái “bẫy” mà nếu người dùng không tỉnh táo sẽ rất dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát và có những hành vi lệch lạc.

Đừng để trẻ “lạc” vào thế giới ảo

Cha mẹ cần có những giải pháp phù hợp với lứa tuổi của trẻ để trẻ sử dụng mạng internet an toàn. Ảnh: Hương Thảo

Khi cha mẹ “thả nổi” con với mạng internet

Chị Nguyễn Thị H., trú tại xã Đông Thanh (Đông Sơn) có con trai 8 tuổi bị “nghiện” xem điện thoại đến mức bé xuất hiện những biểu hiện, hành vi không bình thường, như: Có thể xem điện thoại quên ăn, quên ngủ; thường la hét, văng tục với người lớn khi nhu cầu xem điện thoại, máy tính không được đáp ứng; thường xuyên mất tập trung khi ngồi học và thích chơi những trò chơi, nói chuyện về những nhân vật hoạt hình hằng ngày bé được xem trên mạng internet. Mặc dù nhận ra những biểu hiện của con, nhưng người mẹ tặc lưỡi “thời buổi này đứa trẻ con nào chẳng ham điện thoại” và vẫn cứ bỏ mặc con với mạng internet. Có lẽ, sự việc sẽ chưa dừng lại nếu một buổi tối thức giấc và nhìn khắp phòng chẳng thấy con đâu, chị H. mới chạy khắp nhà tìm con trong sự hoảng hốt. Và, đến khi nhìn đứa con trai đang cầm chiếc điện thoại trong tay ngồi co ro ở góc sân xem phim hoạt hình, toàn thân dày những nốt muỗi, chị mới thức tỉnh và hối hận vì đã không can thiệp vào chuyện này sớm hơn. Lúc này, chị hiểu ra, sự chủ quan của hai vợ chồng chị đã hại con mình.

Chị H. cho biết, chị cho con tiếp xúc với điện thoại từ khi bé chưa đầy 2 tuổi. Ngày đó, mỗi lần cho bé ăn, chị thường đưa cho bé chiếc điện thoại đã mở sẵn những clip quảng cáo, mỗi lần như vậy, bé ăn ngoan hơn. Sau đó, bé quen dần, hôm nào không được xem điện thoại, nhất định bé không ăn, chị H. đành phải chiều con. Rồi mỗi khi bận công việc, chị lại đưa cho bé chiếc điện thoại để không bị làm phiền. Sau mỗi buổi chiều đi học về và sau bữa cơm tối, để có thời gian nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và nghỉ ngơi, chị lại tiếp tục đưa điện thoại cho con, thậm chí còn mua một chiếc điện thoại mới để dùng và giao luôn cho con chiếc điện thoại cũ. Mới 3 tuổi rưỡi, bé đã thành thạo các thao tác tìm kiếm các bộ phim hoạt hình và các trò chơi trên mạng internet. Mới đầu, chị tự hào khoe với mọi người rằng, con thông minh. Nhưng, thời điểm hiện tại, lực học của con luôn ở tốp cuối của lớp, con không thích ra ngoài đi chơi, không tập trung vào câu chuyện với bố mẹ, phản ứng chậm trong mọi tình huống và chỉ hứng thú game và các bộ phim hoạt hình trên trang mạng xã hội youtube, chị mới thực sự hiểu được tác hại của việc “thả nổi” con cho mạng internet. Và cũng từ đó, hành trình “cai nghiện” điện thoại cho con mới bắt đầu, lúc này chị mới thấy gian nan và ngậm ngùi: “Giá như chị tỉnh táo và gần con hơn”.

Trên thực tế, gia đình chị H. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đã và đang “thả nổi” con cho mạng internet và phải gánh chịu hậu quả của nó. Như gần đây nhất là trường hợp Đỗ Mãnh Chiểu Minh, sinh năm 1994 ở huyện Lang Chánh, do bị ảo giác vì nghiện game đã xông vào Trường Tiểu học Đồng Lương vung dao chém loạn xạ khiến 1 học sinh tử vong, 1 giáo viên và 4 học sinh khác bị thương nặng. Và theo thông tin từ ông Lê Minh Phượng, Chủ tịch UBND xã Đồng Lương, Đỗ Mãnh Chiểu Minh là đối tượng nghiện game nhiều năm nay. Mỗi ngày, đối tượng này thường chỉ ra khỏi phòng của mình khoảng 2 đến 3 tiếng, thời gian chủ yếu ở trong phòng kín chơi game.

Tương tự, vì “thả nổi” con cho mạng internet mà nhiều gia đình khác có con rơi vào trạng thái tự kỷ, tăng động, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều trẻ rơi vào trạng thái sống ảo (phô bày lên mạng xã hội những gì không thuộc về mình, không sống thật với bản thân mình, đăng tải những gì mình không có hay những hình ảnh không còn là chính mình) và về lâu dài sẽ là sự suy thoái đạo đức lối sống ở lứa tuổi chưa thành niên...

Cha mẹ cần kiểm soát khi trẻ tiếp xúc với internet

Đa số các bậc phụ huynh nhận thức được tác hại, hậu quả của việc cho con tiếp xúc với công nghệ quá sớm cũng như việc “thả nổi” con cho mạng internet nhưng vẫn chưa thực sự nghiêm túc nhìn thẳng vào vấn đề và có hướng can thiệp hợp lý để “cứu” lấy tuổi thơ, cuộc đời của con trẻ. Lý do họ đưa ra để biện hộ cho việc đó là do công việc quá bận nên không có thời gian gần gũi con, đành phải để con sử dụng mạng internet, tham gia mạng xã hội và chơi game. Còn nhiều người khác lại cho rằng việc không có thời gian lẫn kỹ năng sử dụng internet và mạng xã hội đã khiến việc kiểm soát con em trở nên thất bại.

Chúng ta đều biết, môi trường internet luôn phức tạp. Với các thiết bị công nghệ được kết nối, trẻ em có thể tiếp cận bất kể thứ gì giống như một người lớn có thể tiếp cận. Không ít trong số đó là những thứ không lành mạnh như: Nội dung khiêu dâm, game bạo lực, lừa đảo... Trong khi đó, khả năng am hiểu, sàng lọc thông tin của trẻ lại hạn chế. Sự tò mò có thể thúc đẩy trẻ đi sâu vào “phần tối” của internet.

Lợi ích rất nhiều nhưng nguy cơ còn nhiều không kém, do vậy thay vì cấm cửa hay thả lỏng thì các bậc phụ huynh nhất thiết phải quan tâm và biết cách quản lý việc con sử dụng các thiết bị công nghệ và truy cập internet, giúp con sử dụng internet với mục đích tốt đẹp và an toàn.

Theo bác sĩ Lê Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, phụ huynh chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với những nội dung tích cực, vui vẻ và trong khoảng thời gian nhất định, phù hợp với lứa tuổi. Cụ thể, đối với trẻ dưới 15 tuổi là không quá 30 phút và từ 15 đến 18 tuổi là không quá 1 tiếng. Trong trường hợp, trẻ sử dụng mạng internet để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu thì phụ huynh cần giám sát, tránh để tình trạng trẻ lợi dụng thiết bị công nghệ phục vụ học tập nhưng lại làm việc khác. Đặc biệt, phụ huynh cần trao đổi, gần gũi với con, giúp con sử dụng internet an toàn, trách nhiệm, tránh tiếp xúc với những yếu tố tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa vì nó sẽ tác động xấu đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ.

Đề cập đến vấn đề có nên cấm trẻ sử dụng internet và mạng xã hội hay không, ông Thành cho rằng cấm là hoàn toàn không khả thi và cấm là đi ngược lại xu thế phát triển công nghệ của thế giới. Internet và mạng xã hội có nhiều mặt tích cực phục vụ cho con người, trong đó có việc học của trẻ. Tuy nhiên phụ huynh cũng phải sẵn sàng tư thế đối phó với những mặt trái của nó để hạn chế phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ trong quá trình tiếp xúc và sử dụng.

Khánh Đan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]