(Baothanhhoa.vn) - Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo, vì vậy những năm qua Đảng bộ, chính quyền huyện Như Xuân đã đẩy mạnh công tác ĐTN, nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại huyện Như Xuân

Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo, vì vậy những năm qua Đảng bộ, chính quyền huyện Như Xuân đã đẩy mạnh công tác ĐTN, nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại huyện Như XuânCông nhân sản xuất các sản phẩm từ gỗ tại Công ty TNHH Lê Huy Dũng, khu phố 1, thị trấn Yên Cát.

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Như Xuân, toàn huyện hiện có 42.548 người trong độ tuổi lao động. Để người lao động có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, huyện Như Xuân đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp (hiện có 95 doanh nghiệp và 29 HTX) hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 1.565 lao động địa phương. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện đã định hướng các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế tại từng địa phương gắn với thế mạnh sản xuất của bà con như điện dân dụng, cơ khí, nghề truyền thống, dệt thổ cẩm... Nhờ đó, giai đoạn 2016-2021, toàn huyện có khoảng 5.000 lao động được ĐTN, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%, riêng ĐTN cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2016-2019) là 856 người.

Anh Lê Văn Hào, thôn Thắng Lộc, xã Bình Lương, cho biết: Hiện nay có nhiều kênh tuyển dụng lao động đã tạo điều kiện cho người dân tìm được việc làm phù hợp. Qua trang thông tin việc làm của xã, anh đã tìm được việc làm tại Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam (chuyên sản xuất linh kiện điện tử) ở Hà Nội với mức lương từ 6 triệu đồng trở lên/tháng. Còn anh Nguyễn Văn Thảo ở thôn Tân Lợi, xã Cát Tân đang làm việc tại Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Thái Phong (thôn Ná Cà 1, xã Thanh Quân) cho rằng, huyện đang tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, mở ra cơ hội cho người lao động trên địa bàn huyện có việc làm ổn định, tăng thu nhập.

Là một trong những đơn vị tham gia ĐTN cho lao động nông thôn, trong những năm qua, ngoài dạy văn hóa, Trung tâm Dạy nghề huyện Như Xuân đã phối hợp với các trường nghề trong tỉnh mở các lớp trung cấp, cao đẳng nghề cho học viên. Khi tốt nghiệp, học viên vừa có bằng văn hóa, vừa có bằng trung cấp nghề. Năm học 2021-2022, đơn vị có 150 học viên, trong đó có 70% học viên đăng ký học trung cấp nghề. Hàng năm, cung cấp từ 70 - 100 học viên tốt nghiệp trung cấp nghề vào thị trường việc làm. Riêng với nghề may, đơn vị sẽ bảo đảm đầu ra và thu nhập cho 100% học sinh sau khi ra trường. Có được kết quả trên, trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động, đối tượng thanh niên đăng ký tham gia học nghề. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp điện tử, điện lạnh, công ty xây lắp máy, may mặc có uy tín trong và ngoài tỉnh để thực hiện tuyển dụng lao động sau đào tạo. Hầu hết các lao động sau khi ĐTN đều được nhận vào các doanh nghiệp do trung tâm đấu mối. Đối với lao động học nghề hàn có mức thu nhập bình quân khoảng 6 - 8 triệu đồng/người/tháng; lao động nghề may có mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Song song với các hoạt động trên, nhận thức rõ vai trò của xuất khẩu lao động (XKLĐ) đối với công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập, huyện Như Xuân đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn để có những giải pháp cụ thể tuyên truyền, định hướng, khuyến khích người dân tham gia XKLĐ. Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo công tác XKLĐ, phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo dõi, đôn đốc các địa phương điều tra, rà soát, lập danh sách dự báo nguồn lao động và số lao động có nhu cầu đi XKLĐ để có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, ngoại ngữ và ĐTN để đi XKLĐ. Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở luôn chú trọng việc lựa chọn những doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín về địa phương tư vấn, tuyển dụng lao động... Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay toàn huyện đã đưa được hàng ngàn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhiều lao động sau khi về nước có tiền xây nhà khang trang, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt trong nhà; nhiều hộ đã đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác XKLĐ, coi đây là một trong những giải pháp then chốt để huyện thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân.

Bà Lê Thị Nhi, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Như Xuân cho biết, căn cứ kế hoạch lao động, việc làm hàng năm của UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn về lao động việc làm, an toàn vệ sinh lao động; phối hợp với các xã, thị trấn triển khai chương trình lao động, việc làm và dạy nghề giai đoạn 2020-2025 gắn với việc xây dựng kế hoạch sử dụng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Đồng thời, chú trọng chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng từ nông, lâm nghiệp sang các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ... Tại các cơ sở ĐTN trên địa bàn huyện, công tác tuyển sinh đã ngày càng gắn với nhu cầu xã hội. Nhiều ngành nghề có tỷ lệ tìm được việc làm sau đào tạo khá cao, phù hợp với thực tế địa phương đã thu hút nhiều lao động nông thôn theo học.

Cùng với việc chú trọng ĐTN cho người lao động, huyện luôn tạo điều kiện cho người lao động vay vốn từ kênh Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, tham gia XKLĐ. Hiện huyện Như Xuân có 2.876 lượt hộ dân được vay vốn giải quyết việc làm với tổng dư nợ 429 tỷ đồng; 334 người được vay vốn XKLĐ với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng... Qua đó, góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu lao động, việc làm; giảm tỷ lệ lao động làm việc ở ngành nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động làm việc ở các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]