(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay môn tiếng Anh đã được đưa vào dạy ở bậc phổ thông từ các trường tiểu học, THCS đến THPT. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chất lượng dạy và học môn học này trong các trường, đặc biệt là các trường thuộc khu vực miền núi vẫn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dạy học tiếng Anh ở các trường miền núi - những vấn đề đặt ra

Hiện nay môn tiếng Anh đã được đưa vào dạy ở bậc phổ thông từ các trường tiểu học, THCS đến THPT. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chất lượng dạy và học môn học này trong các trường, đặc biệt là các trường thuộc khu vực miền núi vẫn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Một giờ học của cô, trò Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát).

Được triển khai dạy học môn tiếng Anh cách đây gần 10 năm, thế nhưng, đến nay, việc dạy và học môn học này ở Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát) vẫn trong tình trạng “học chay”, thiếu phương tiện, đồ dùng, trang thiết bị dạy học, không có phòng học riêng... Ngoài ra, vấn đề biên chế cũng gặp khó khăn. Thầy giáo Hoàng Lê Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung cho hay: Dạy và học tiếng Anh là nhu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay ở mỗi đơn vị trường. Tuy nhiên, do Trường Tiểu học Tam Chung thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nên chất lượng của môn học này vẫn chưa cao. Đặc biệt, nhà trường có 7 điểm trường lẻ, có điểm cách điểm trường chính tới 20km, trong khi đó, nhà trường chỉ có 1 giáo viên hợp đồng nên những điểm trường xa không thể tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh được. Đây là khó khăn và cũng là bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, vì cùng một khối lớp trong một trường có học sinh được học tiếng Anh, có học sinh lại không được học. Đối với Trường THCS Trung Sơn (Quan Hóa), mặc dù đã có biên chế cho giáo viên tiếng Anh, song do trường nằm trên địa bàn kinh tế còn nhiều khó khăn, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện dân trí thấp, điều kiện học tập và giao lưu còn hạn chế nên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học, đặc biệt là môn tiếng Anh. Từ đó, dẫn đến chất lượng dạy và học môn tiếng Anh của nhà trường trong những năm qua vẫn thấp. Thầy giáo Cao Văn Sơn, giáo viên phụ trách bộ môn tiếng Anh Trường THCS Trung Sơn chia sẻ: 100% học sinh nhà trường là con em đồng bào dân tộc, nhiều em còn chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt dẫn đến việc học tiếng Anh cũng gặp khó khăn. Phần đa học sinh học môn tiếng Anh là nghe để phát âm lại chứ không thể tự nắm kiến thức. Nhiều em sẽ quên ngay vào tiết học hôm sau, đó là chưa kể việc các em không có điều kiện tập luyện khi rời lớp về nhà.

Trong khi học sinh thụ động, đối phó trong quá trình học, thì nhiều giáo viên vẫn chưa đạt chuẩn về trình độ, khả năng tổ chức giảng dạy theo hướng giao tiếp chưa cao, điều này đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), toàn tỉnh hiện có 564 giáo viên tiếng Anh cấp THPT, 1.048 giáo viên cấp THCS và 654 giáo viên cấp tiểu học. Trong đó, khu vực miền núi có khoảng 500 giáo viên ở cả 3 cấp học. Tất cả giáo viên dạy tiếng Anh ở các cấp học đều đạt chuẩn về bằng cấp, song do được đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau như chính quy, tại chức, từ xa và từ nhiều trường đại học khác nhau trong cả nước nên chất lượng không đồng đều. Năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Bộ GD&ĐT là phải đạt chuẩn khung năng lực châu Âu (tiểu học và THCS đạt chuẩn B2, THPT đạt chuẩn C1). Qua khảo sát của Sở GD&ĐT, sau nhiều năm thực hiện bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, đến nay, số lượng giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT ở cấp tiểu học đạt 89,62%; cấp THCS đạt 70,9% và cấp THPT mới chỉ đạt 34,45%. Bộc bạch về điểm yếu này, nhiều giáo viên thừa nhận, họ là sản phẩm của lối đào tạo cũ, chú trọng ngữ pháp, ít có cơ hội được tiếp xúc với người bản xứ, bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.

Ngoại ngữ vẫn được ví là “chìa khóa vàng” để hội nhập quốc tế, nên việc dạy học ngoại ngữ hiện nay là cần thiết và quan trọng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy học có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít. Nhằm khắc phục những khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng môn học này, ngành giáo dục nói riêng, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể nói chung cần có cơ chế đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác dạy học. Bởi thực tế, hiện vẫn còn nhiều trường thuộc khu vực miền núi chưa được đầu tư phòng chức năng phục vụ giảng dạy môn tiếng Anh một cách bài bản. Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh học sinh về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống, học tập, công tác trong thời kỳ hội nhập. Ngoài việc đầu tư, tạo điều kiện của Nhà nước, sự ủng hộ của các lực lượng xã hội, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sự tích cực của giáo viên trong dạy học, tự học và tự bồi dưỡng là không thể thiếu để vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vai trò của người giáo viên ngoại ngữ trong bối cảnh hiện nay.

Với sự nỗ lực, cố gắng của nhà trường, giáo viên và học sinh, sự quan tâm, đầu tư kịp thời của ngành chức năng, hy vọng trong những năm học tới, quy mô, chất lượng, hiệu quả dạy và học môn tiếng Anh ở các trường học trong cả tỉnh nói chung và khu vực miền núi nói riêng sẽ không ngừng được nâng lên, góp phần thực hiện thành công Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của Bộ GD&ĐT với mục tiêu, đến năm 2020, 100% giáo viên tiếng Anh trong toàn tỉnh đạt chuẩn khung năng lực châu Âu; 100% các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh dạy 4 tiết tiếng Anh/tuần cho cả 3 khối lớp 3, 4, 5 và triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới cấp THCS và THPT.


Bài và ảnh: Lê Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]