(Baothanhhoa.vn) - Sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã dẫn đến nhu cầu bức thiết về nhà ở cho công nhân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Công nhân khu công nghiệp và nỗi lo an cư

Sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã dẫn đến nhu cầu bức thiết về nhà ở cho công nhân.

Công nhân khu công nghiệp và nỗi lo an cư

Nhiều công nhân Khu Công nghiệp Lễ Môn sinh hoạt trong phòng trọ nhỏ hẹp

KCN Lễ Môn là KCN đầu tiên được hình thành trên địa bàn TP Thanh Hóa, với tổng diện tích gần 88 ha. Trong KCN, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã cơ bản được các chủ đầu tư hoàn thiện, hiện có 31 dự án đầu tư, với tổng số lao động làm việc trong các nhà máy tại KCN khoảng hơn 33.000 người. Tuy nhiên, số lượng công nhân có nhà ở ổn định chiếm tỷ lệ thấp, còn lại là phải đi thuê trọ. Trong khi, chất lượng của những khu nhà trọ mà công nhân thuê để sinh sống ở khu vực này thấp, cơ sở vật chất tạm bợ, điều kiện vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người lao động nơi đây.

Chị Phạm Thị Anh, xã Nam Giang (Thọ Xuân), làm việc tại Công ty TNHH giầy Sun Jade Việt Nam đã hơn 7 năm, thế nhưng cuộc sống của chị vẫn chưa thể ổn định. Hơn 7 năm qua là quãng thời gian chị phải sống trong cảnh tạm bợ, thiếu thốn, các hoạt động trong cuộc sống, sinh hoạt, như nơi tắm rửa, giặt giũ phải sử dụng chung với nhiều người. Trong căn phòng trọ chưa đầy 8m2 cũ kỹ, xập xệ, chị Anh trải lòng: Vẫn biết mình đang sống trong cảnh tạm bợ, thiếu thốn, thế nhưng, vẫn không có cách nào cải thiện được. Bởi, với mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng, thì chị và nhiều công nhân khác chỉ có thể bỏ ra khoảng 500.000 đồng để thuê một phòng trọ/tháng. Với số tiền khiêm tốn đó, thì việc đòi hỏi một phòng trọ tiện nghi là điều không tưởng, biết vậy nên bản thân chị và nhiều công nhân khác đành chấp nhận chịu đựng.

Phòng trọ có diện tích hơn 10m2, song đang là nơi sinh hoạt của gia đình anh Phạm Văn Tâm, công nhân KCN Lễ Môn gồm 4 người. Anh Tâm chia sẻ: Trước đây chỉ có hai vợ chồng sinh hoạt trong phòng trọ nên thấy cũng bình thường, song đến khi vợ anh sinh con đầu lòng, phải đón bà nội ở quê lên trông cháu, vợ chồng anh mới thấm thía cái khổ của việc đi thuê trọ. Khổ nhất là khi hai vợ chồng anh đi làm ca đêm về, cần một nơi yên tĩnh để ngủ bù lấy lại sức, nhưng nhà có con nhỏ, lại quá chật chội, nên vợ chồng anh hiếm khi có được giấc ngủ trọn vẹn. Thương nhất là đứa con gái đầu lòng được hơn 1 tuổi đang tập đi, hiếu động, nhưng lại không thể có được một không gian thoải mái để con được tự do phát triển.

Chị Lê Thị Hoa, quê ở xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), làm công nhân ở KCN Lễ Môn đã được gần 10 năm. Năm nay đã hơn 30 tuổi, nhưng vẫn chưa lập gia đình vì chị tự nhận thấy cuộc sống của mình quá khó khăn, vất vả, do đó chị không có đủ can đảm, tự tin để xây dựng một tổ ấm. Chị sợ, mình sẽ không thể hạnh phúc, con mình sẽ khổ khi phải sống tạm bợ trong những phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp. Chị tâm sự: Thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca được khoảng hơn 5 triệu đồng. Mỗi tháng chị gửi về cho mẹ già 1 triệu đồng, 700.000 đồng để thuê nhà và chi trả phí điện, nước; số tiền còn lại chị chi tiêu vào ăn uống và các chi phí phát sinh khác. Không phải là người đòi hỏi cao về cuộc sống, nên chị hài lòng với mức thu nhập trên, nhưng điều chị mong mỏi nhất là có cho mình một mái nhà nhỏ nhưng đủ để chị có thể đủ tự tin tạo dựng cho mình một tổ ấm.

Có một ngôi nhà chung cho công nhân ở xa không chỉ là ước mong của chị Anh, chị Hoa mà còn là mơ ước chung của hành nghìn công nhân đang làm việc trong KCN Lễ Môn và các KCN khác trên địa bàn tỉnh. Bởi, ở đó họ có thể xây dựng cho mình tổ ấm mà không phải lo đến chuyện nay ở khu trọ này, mai lại chuyển đi khu trọ khác. Ở đó con trẻ của họ có trường để học, có không gian để chơi chứ không phải quẩn quanh trong 4 bức tường của phòng trọ. Và nơi đó, họ có điều kiện để nấu cho gia đình một bữa ăn ngon, có thể yên tĩnh nghỉ ngơi sau khi tan ca, không còn cảnh chờ nhau tắm, hay tranh nhau từng xô nước.

Trao đổi với ông Vũ Tuấn Minh, Chủ tịch công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN về vấn đề nhu cầu nhà ở của công nhân, chúng tôi được biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 80.000 công nhân đang làm việc tại các KCN. Vừa qua, công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN đã lấy phiếu khảo sát của 54.000 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI có số lao động đông, thì có khoảng 3.000 lao động trên tổng số lao động đã khảo sát có nhu cầu về nhà ở và có hơn 43.000 lao động có nhu cầu về các thiết chế văn hóa, thể thao, trường học. Cũng qua khảo sát cho thấy, đa phần số công nhân đang làm việc tại các KCN có nhu cầu về nhà ở hiện đang phải thuê nhà trọ trong các khu dân cư, điều kiện sinh hoạt chật chội, cơ sở vật chất sơ sài, tạm bợ không bảo đảm vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Bên cạnh đó, các công trình phục vụ nhu cầu khác của người lao động như: Sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao, chăm sóc sức khỏe, nơi học tập cho con em công nhân còn thiếu thốn.

Cũng theo ông Vũ Tuấn Minh, để từng bước ổn định chỗ ở cho công nhân, các địa phương và sở, ngành có liên quan cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp, như: Tổ chức tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách của Nhà nước cho doanh nghiệp, địa phương, từ đó tạo bước đột phá trong lĩnh vực xây dựng nhà ở công nhân; khuyến khích xã hội hóa đầu tư. Cùng với đó, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án phục vụ các KCN; đồng thời, nên có sự điều chỉnh hợp lý về thuế xuất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị kinh doanh bất động sản, nhà ở cho người lao động trong các KCN. Từ thực tế đời sống công nhân tại các KCN theo chúng tôi, những người đang trực tiếp tham gia vào tiến trình công nghiệp hóa và hội nhập của tỉnh cần được sự quan tâm thỏa đáng hơn từ phía doanh nghiệp, chính quyền và xã hội – trước hết là những nhu cầu thiết yếu của đời sống.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Vi Văn Quy - 07:02 15/02/19

 Trả lời

Công nhân là tầng lớp đang trực tiếp tạo ra sản phẩm và thu nhập cho doanh nghiệp, đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Vậy mà họ luôn là người phải chịu thiệt thòi về chính sách, dự quan tâm của Nhà nước, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa đến cuộc sống của họ.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]