(Baothanhhoa.vn) - Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở miền núi trong những năm qua đã để lại những dấu ấn quan trọng. Thành tích ấy không chỉ nhờ vào sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách thiết thực mà còn có sự cố gắng nỗ lực, vươn lên thoát nghèo của mỗi hộ đồng bào các dân tộc vùng cao xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện thoát nghèo ở miền núi xứ Thanh

Chuyện thoát nghèo ở miền núi xứ Thanh

Nhờ cây mía tím, hàng chục hộ dân thôn Thủ Chính, xã Thành Trực (Thạch Thành) đã thoát nghèo.

Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở miền núi trong những năm qua đã để lại những dấu ấn quan trọng. Thành tích ấy không chỉ nhờ vào sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách thiết thực mà còn có sự cố gắng nỗ lực, vươn lên thoát nghèo của mỗi hộ đồng bào các dân tộc vùng cao xứ Thanh.

Mỗi địa phương một cách làm

Trở lại vùng “đất ngọt” huyện Thạch Thành, chúng tôi cảm nhận những đổi thay đang hiện hữu trên mỗi vùng quê nơi đây. Từ trung tâm huyện ngược lên các xã Thành Trực, Thành Vinh, Thành Yên... là những quả đồi bát úp với màu xanh ngút ngàn của cây mía đang trong thời kỳ phát triển. Nép mình dưới màu xanh tưởng chừng như “vô tận” ấy là những mái ngói đỏ tươi tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu... khung cảnh yên bình, trù phú như minh chứng cho một vùng quê nghèo đang bừng lên sức sống mới.

Đến xã Thành Vinh - nơi đang thực hiện hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất mía nguyên liệu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở các khâu thâm canh, thu hoạch để giảm chi phí, tăng năng suất, sản lượng. Được triển khai với diện tích 333 ha, trên địa bàn 9 thôn, đây được xem là mô hình điểm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững của huyện Thạch Thành. Khi bắt tay vào triển khai năm 2015, những người trồng mía ở xã Thành Vinh chủ yếu là hộ nghèo (khoảng 26%). Thế nhưng, sau khi thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Nếu như niên vụ 2015-2016, năng suất mía chỉ đạt 80 tấn/ha thì đến niên vụ 2017-2018 năng suất đạt 120 tấn/ha; lợi nhuận của nông dân trồng mía tăng gấp 2,5 lần, từ 40 triệu đồng lên 100 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo của xã Thành Vinh đến đầu năm 2019 giảm còn 10%. Ông Nguyễn Xuân Huy, chủ tịch UBND xã tự tin cho rằng: Mục tiêu đến hết năm 2019, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,6% là khả thi, bởi cũng nhờ cánh đồng mía mẫu lớn này.

Ghé thăm thôn Thủ Chính, xã Thành Trực, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” mía tím, nhờ việc chuyển đổi hơn 13 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía tím mà bộ mặt nông thôn nơi đây đã thay đổi nhanh chóng, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo và từng bước “đổi đời” trên mảnh đất quê hương. Theo ông Đinh Thế Đạt, bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn: Cây mía tím được người xưa làm sản vật tiến vua, bởi mía thơm, ngọt lại mềm nên được thị trường ưa chuộng. Theo tính toán, mỗi ha mía tím cho thu nhập trên dưới 300 triệu đồng. Khi vào chính vụ, nhiều thương lái từ các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và TP Thanh Hóa... đổ về thu mua, cung không đủ cầu. Nhận thấy lợi thế này, chi bộ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, trong đó cây mía tím được xác định là cây chủ lực. Từ chủ trương đúng và trúng, lại được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nên nghị quyết đi vào cuộc sống, giúp cho hàng chục hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Điển hình như các hộ Nguyễn Thị Mây, Bùi Văn Điển, Bùi Văn Thành... sau khi có thu nhập ổn định từ cây mía, năm 2017 đã làm đơn xin thoát nghèo. Thôn Thủ Chính có 179 hộ, đến nay chỉ còn 6 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến cuối năm 2019 hoàn thành 14/14 tiêu chí thôn nông thôn mới (NTM).

3 năm trở lại đây, cùng với nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, huyện Thạch Thành đã dành nguồn kinh phí trên 19 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, như: Hỗ trợ cho 665 hộ nghèo mua cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ mua bò sinh sản cho 132 hộ nghèo tại các xã Thạch Lâm, Thành Công, Thành Minh, Thạch Đồng, Thành Tân; hỗ trợ 8.812 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh... Cùng với thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, huyện Thạch Thành còn tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng, bằng việc chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất tập trung quy mô lớn. Chỉ tính năm 2018, huyện đã chuyển đổi hơn 411 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi giá trị kinh tế cao; thực hiện 30 cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa; mở rộng thêm 301,7 ha cánh đồng mía mẫu lớn, nâng tổng diện tích sản xuất mía cánh đồng lớn toàn huyện lên 816,7 ha. Từ thành công trên, đã giúp cho hàng nghìn hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Nếu năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 18,4% thì đến năm 2019 giảm còn 7,38%.

Câu chuyện giảm nghèo lại được huyện Như Xuân thực hiện một cách bài bản, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Sau gần 10 năm thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Như Xuân đã có những bước tiến vững chắc. Từ địa phương thuộc nhóm nghèo nhất nước, đến nay đã đạt được kỳ tích, thoát khỏi danh sách huyện nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ, tạo tiền đề vững chắc trong việc xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Có thể thấy, bài toán giảm nghèo luôn là niềm trăn trở của các thế hệ lãnh đạo nơi đây. Chính vì thế, những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Như Xuân đã thay đổi phương pháp, cách thức thực hiện giảm nghèo. Từ việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các phòng, ban của huyện tham gia, góp sức giúp người dân thoát nghèo. Theo định kỳ một tháng hai lần tổ chức xuống thôn, bản để hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trực tiếp tham gia chỉnh trang nhà ở, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn... Cùng với đó, huyện Như Xuân cũng linh hoạt thực hiện chính sách hỗ trợ thay vì trao cho người dân “con cá” thì nay đã chuyển sang hình thức hỗ trợ “cần câu”. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ trước năm 2014 là hộ nghèo. Sau khi được huyện hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện cho thuê đất canh tác, anh vay thêm vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tư mua trâu, bò sinh sản, trồng rừng. Với sự chịu thương, chịu khó, lại được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, đàn trâu bò của gia đình anh không ngừng tăng lên. Từ những chính sách hỗ trợ ban đầu, đến nay đã nhân đàn lên được 20 con. Cùng với mô hình chăn nuôi kết hợp vườn rừng đã mang lại cho gia đình anh Cường thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, năm 2017 gia đình anh đã thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân thì, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ là nền tảng ban đầu trong công tác giảm nghèo. Quan trọng hơn, cán bộ phải là người cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt sao cho mô hình mang hiệu quả kinh tế. Nếu cứ để đồng bào làm theo phương thức cũ, manh mún, tụt hậu, thiếu tư liệu sản xuất thì họ sẽ còn nghèo mãi. Nhưng xét cho cùng, cái nghèo xưa nay đều xuất phát từ sự lười biếng, đâu đó còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều chính sách hỗ trợ bằng tiền chưa chắc giúp dân thoát nghèo, thậm chí vô tình trở thành “gánh nặng” cho ngân sách. Phải tạo cho đồng bào tâm thế làm chủ, tự quyết định số phận của mình thì lúc ấy họ sẽ nỗ lực thoát nghèo.

Theo thống kê, giai đoạn 2008-2018, từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, huyện Như Xuân được đầu tư, hỗ trợ hơn 425 tỷ đồng. Huyện đã dùng nguồn ngân sách này để xây dựng công trình hồ đập, giao thông, trạm y tế, trường học; phân bổ cho các xã thực hiện các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất... Bằng những giải pháp đồng bộ, phù hợp theo từng giai đoạn, đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Như Xuân giảm còn 14,92%. Ngày 7-3-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận Như Xuân thoát khỏi huyện nghèo theo Chương trình 30a, giai đoạn 2018 - 2020.

Giải pháp giảm nghèo bền vững

Theo khảo sát về công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi trong tỉnh, thành công lớn nhất đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm nghèo đến các tầng lớp nhân dân và người nghèo. Từ cách làm này, đã làm thay đổi căn bản nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của các hộ nghèo. Cùng với đó là lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, việc tiếp nhận và vận dụng sáng tạo trong chính sách giảm nghèo được các địa phương triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, có thể kể đến việc triển khai nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, thu hút hàng ngàn hộ nghèo tham gia, như: Mô hình phục tráng rừng luồng ở Quan Hóa, Lang Chánh; trồng dưa hấu, nuôi lợn cỏ ở Như Xuân; trồng nghệ dược liệu ở Thạch Thành, Cẩm Thủy; trồng vầu, chuối tiêu hồng, khoai mán ở Quan Sơn; nuôi vịt Cổ Lũng ở Bá Thước... Thông qua các nguồn vốn của Trung ương đã có 54.437 lượt hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách phát triển sản xuất; hỗ trợ thực hiện 115 mô hình kinh tế, 22 mô hình giảm nghèo do cấp xã làm chủ đầu tư; các tổ chức đoàn thể cũng xây dựng được 50 mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo cho trên 2.000 hội viên, tiêu biểu như mô hình nuôi lợn cỏ sinh sản; lợn rừng, gà ri lai thương phẩm; mô hình trồng cam V2, bưởi Diễn, trồng bí xanh, nghệ ruột đỏ...

Giai đoạn 2015-2019, tỉnh Thanh Hóa cũng đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, góp phần giảm gần 50.000 hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, vượt mục tiêu giảm bình quân 2,5%/năm. Riêng 11 huyện miền núi giảm 7,68% (từ 25,79% xuống còn 18,1%); 1 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a, 14 xã và 16 thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Trao đổi về chủ đề hỗ trợ gì, cách thức hỗ trợ thế nào để hộ nghèo thoát nghèo bền vững, đồng chí Lương Văn Tưởng, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Để giải bài toán này, trước hết chúng ta phải nắm bắt xem nhu cầu của người nghèo cần gì, từ đó mới có hình thức giúp đỡ thế nào cho phù hợp, hiệu quả. Trên thực tế rút ra kinh nghiệm, chúng ta nên hỗ trợ theo phương châm “giúp cần câu chứ không cho con cá”. Bởi ở nhiều địa phương cho thấy, việc hỗ trợ hộ nghèo bằng tiền mặt, lương thực, vô hình chung khiến cho một bộ phận người dân nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại; thậm chí một số hộ nghèo không muốn thoát nghèo, ra khỏi diện hộ nghèo. Cùng với xây dựng mô hình giảm nghèo hiệu quả, tránh tư duy tiểu nông, manh mún, chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát quá trình sản xuất, đồng hành, giúp người nghèo chủ động vươn lên. Mỗi địa phương cần linh hoạt trong hướng dẫn hộ nghèo làm ăn phù hợp với thực tiễn, trong đó đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương... từ đó sẽ giúp cho người nghèo, hộ nghèo, thoát nghèo nhanh hơn, bền vững hơn.

Xuân Minh


Xuân Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]