(Baothanhhoa.vn) - Nghề đi biển giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho nhiều huyện ven biển tỉnh ta.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khắc phục tình trạng thiếu lao động nghề biển:

Cần những giải pháp đồng bộ

Cần những giải pháp đồng bộ

Tình trạng thiếu hụt lao động đi biển làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên biển.

Nghề đi biển giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho nhiều huyện ven biển tỉnh ta.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động đi biển, nhất là số lao động trẻ và lao động có tay nghề, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên biển.

Hằng ngày, trên các bến thuyền của các xã ven biển huyện Tĩnh Gia vẫn có những tàu cá đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho chuyến biển mới, nhưng lại chưa thể ra khơi vì chưa có đủ bạn thuyền. Theo các chủ tàu ở đây: Tìm được lao động làm việc trên tàu đã khó nhưng tìm được lao động trẻ lại càng khó hơn. Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng lao động nghề biển ở Tĩnh Gia cũng còn nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tĩnh Gia, hiện toàn huyện có khoảng 2.500 tàu thuyền chuyên khai thác trên biển với trên 700 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên, thường xuyên hoạt động ở các ngư trường xa trên vùng Vịnh Bắc bộ, các vùng biển miền Trung với khoảng gần 10.000 người tham gia khai thác và các khâu dịch vụ hậu cần liên quan đến nghề cá. Tuy nhiên, chỉ có 50% số lượng lao động được tập huấn các khóa học ngắn ngày, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, thuyền viên; 50% lao động còn lại chưa qua đào tạo về kỹ thuật. Đây đang là trở ngại lớn cho việc khai thác có hiệu quả nguồn lợi trên biển.

Tương tự như huyện Tĩnh Gia, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) hiện nay có khoảng 400 tàu thuyền trong đó có trên 56 tàu thuyền loại 90CV trở lên, 250 tàu loại 72CV, còn lại là 48CV. Bình quân mỗi tàu cần 4 lao động, như vậy lao động nghề cá các tàu cần khoảng 1.600 người. Tuy nhiên, số lao động trên địa bàn phường chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu. Một nghịch lý là nhiều con em địa phương lâu nay gắn bó theo nghề đi biển nhưng lại rời bỏ quê hương đến các tỉnh khác để theo nghề vì mức lương ở đó cao hơn.

Sắm sửa cho chuyến ra khơi sắp tới, trong khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, thế nhưng ông Xuân, ở phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) vẫn phải chạy khắp nơi để tìm lao động đi biển. Gia đình ông có đôi tàu hành nghề giã cào, mỗi chuyến đi như thế cần ít nhất 12 lao động, song chỉ thuê được 10 lao động. Chúng tôi ghé tàu anh Bằng và anh Cường, ở Cảng Hới (TP Sầm Sơn) khi các anh đang tập trung sửa chữa con tàu công suất 450CV. Anh Bằng cho biết, một chuyến ra khơi kéo dài khoảng 1 tuần, cần 16 lao động/chuyến. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đủ lao động cho mỗi chuyến đi quả là rất khó. Mặc dù chúng tôi đã phải nâng lương cho lao động từ 5 - 6 triệu đồng/lao động/tháng.

Hàng chục năm qua, vấn đề đào tạo nghề cho lao động nghề biển vẫn chưa được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm thỏa đáng. Vì thế khi đến mùa đánh bắt hải sản, các huyện, thành phố ven biển thiếu hụt từ 25 – 30% nhân lực cho những chuyến tàu thuyền ra khơi. Qua tìm hiểu được biết, với mỗi chuyến đi biển, chủ tàu bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho chi phí ban đầu; lao động đi biển cũng mong đánh bắt được nhiều tôm, cá. Vậy nhưng, do nghề biển bấp bênh nên khi thu nhập của các chuyến biển giảm sút thì lao động lại chuyển đi nơi khác hoặc chuyển công việc. Bên cạnh đó, tiền công của lao động đi biển thường phụ thuộc vào từng chuyến biển. Trong khi đó, các chủ tàu lại không thể đảm bảo mỗi chuyến biển đều có thu nhập ổn định cho các lao động. Vì vậy, sợi dây liên kết giữa họ không bền vững, các chủ tàu cá khó giữ chân bạn thuyền. Mặt khác, ngư dân là những người lao động đặc thù, chỉ sống được với nghề biển. Do đó, họ rất cần những cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ từ Trung ương, địa phương để đầu tư hiện đại tàu cá. Từ đó, giúp ngư dân nâng sản lượng đánh bắt, nâng cao thu nhập, ổn định lao động, yên tâm bám biển. Một yếu tố nữa là đánh bắt hải sản có thời gian dài ngày trên biển, nên nhiều lao động “ngại” và đã chọn nghề nhàn hạ hơn. Ngoài ra, hiện nay, nhiều chủ tàu bỏ vốn, hợp tác đầu tư mua phương tiện tàu thuyền đánh bắt cá công suất lớn từ 90CV trở lên, đòi hỏi về kỹ thuật và hiểu biết về Luật Biển nhưng các lao động chưa nắm bắt được, xảy ra những sự việc ảnh hưởng đến tính mạng người đánh bắt.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), toàn tỉnh hiện có trên 7.400 phương tiện nghề cá, trong đó có trên 1.800 tàu công suất từ 90CV trở lên, với nhu cầu sử dụng khoảng 27.500 lao động trực tiếp trên các tàu khai thác hải sản và hàng chục nghìn người hoạt động trong khâu dịch vụ hậu cần nghề cá. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là thực trạng thiếu lao động đi biển, đặc biệt trình độ kỹ thuật lao động đi biển còn thấp. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thủy sản, mỗi năm Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa tổ chức mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ cho trên 1.500 máy trưởng, thuyền trưởng hạng 4, hạng 5 và hơn 500 chứng chỉ thuyền viên. Số lượng đào tạo này so với nhu cầu là chưa đáp ứng, đồng thời việc đào tạo lao động hành nghề đi biển rất khó... “Nhân lực cho nghề cá xa bờ là yếu tố có tính quyết định đối với sự phát triển bền vững của nghề cá. Nhà nước cần quan tâm đúng mức việc đào tạo, nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ thuật, kỹ năng lao động; có cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút, tạo nguồn nhân lực ổn định”.

Có một thực tế là, hầu hết các khóa đào tạo chỉ tập trung cho các thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên mà rất hiếm có lớp đào tạo cho lao động làm nghề đi biển. Vì vậy, khi lao động nghề biển không được đào tạo qua trường lớp, nên các chủ tàu, thuyền chỉ vận dụng một phương pháp độc nhất theo kiểu “cha truyền con nối”, tự dạy nghề cho con em trong gia đình, dòng họ. Song vấn đề không chỉ đơn giản như vậy, khi xã hội phát triển, con cái ngư dân muốn theo con đường học hành. Nhiều con em của ngư dân đã theo ngành nghề khác có thu nhập ổn định hơn và an toàn hơn. Bởi, lao động nghề biển được xem là đối tượng dễ bị rủi do tai nạn. Vì vậy, để khắc phục sự thiếu hụt lao động trong khai thác thủy sản thì giải pháp căn cơ là phải cơ cấu lại ngành nghề theo hướng tăng nhanh các ngành nghề đánh bắt chọn lọc mang tính hiệu quả cao. Phát triển sản xuất phải gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp thông qua cơ chế, chính sách, khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời đẩy nhanh việc cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu thuyền, trang thiết bị ngư cụ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất trên biển. Từ đó tạo động lực khuyến khích người lao động theo nghề biển.

Trần Hằng


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]