(Baothanhhoa.vn) - Những ngày này, ở các xã Hoằng Ngọc, Hoằng Trường, Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), Quảng Thái, Quảng Lưu, Quảng Hải, Quảng Thạch (Quảng Xương) người ta không còn bắt gặp cảnh người, xe nườm nượp đi tìm mua đất như cách đây mấy tháng nữa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sau cơn “sốt đất”

Những ngày này, ở các xã Hoằng Ngọc, Hoằng Trường, Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), Quảng Thái, Quảng Lưu, Quảng Hải, Quảng Thạch (Quảng Xương) người ta không còn bắt gặp cảnh người, xe nườm nượp đi tìm mua đất như cách đây mấy tháng nữa.

Sau cơn “sốt đất”

Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua xã Quảng Thái (Quảng Xương) nay vắng bóng người mua đất.

Thời điểm sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trong vai người tìm mua đất, chúng tôi về xã Quảng Thái (Quảng Xương). Trên các trục đường lớn, nhỏ xe ô tô đậu thành hàng dài, người không biết từ đâu kéo đến tìm mua đất như đi trẩy hội. Đi đến đâu cũng gặp cảnh người dân bàn tán về mảnh vườn, bãi đất nhà ông N., bà L. được giá. Có những mảnh đất chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa có giấy tờ đầy đủ cũng bán với giá “trên trời”. Người người, nhà nhà xôn xao vì đất. Những thanh niên, trung niên trong xã, thậm chí người dân xưa nay chưa làm quen với bất động sản bao giờ đang làm ăn tận trong Nam cũng trở về quê nhập vào đội quân “cò đất”. Họ đến từng nhà tìm đất, người nhanh tay thì đặt cọc với chủ đất vài ba chục triệu rồi dẫn khách đến lướt nhanh kiếm lời vài chục, thậm chí lên đến trăm triệu; người thì dẫn khách đến hưởng hoa hồng... Thời điểm giá đất lên cao, nhà nào nhanh tay bán vài sào đất thu về vài tỷ đồng.

Lúc đó, thấy giá đất vùng ven biển lên cao, một vài người bạn rủ tôi chung vốn đầu tư đất, thậm chí khuyên tôi cắm giấy tờ nhà đất, lấy tiền đầu tư mua đất ở xã Quảng Thái sẽ sinh lời nhanh chóng. Nhưng một phần vì không có “duyên” với đất, một phần lo rủi ro nên tôi khước từ. Giờ quay lại xã Quảng Thái, nhìn các trục đường vắng người mua bán đất, tôi nghĩ quyết định của mình là đúng đắn. Đứng trước khu “đất vàng” gần chùa Diên Phúc của xã Quảng Thái, anh Nguyễn Văn Tâm – một trong những người có thâm niên làm trong lĩnh vực bất động sản trên địa bàn tỉnh, cho biết: Thời điểm “sốt đất” khu đất này có giá dao động từ 28 đến 30 triệu đồng/m2, nhưng khi “cơn sốt” đi qua giá chỉ còn khoảng 25 triệu đồng/m2 mà không ai hỏi tới. Điều đáng nói là những lô đất nằm trên trục đường này đã bán qua tay rất nhiều người. Nếu ai “ôm” vào cuối cùng thì giờ như đang ngồi trên đống lửa. “Trên trục đường mới ven biển cũng vậy, khi “sốt đất” giá lên 21 triệu đồng/m2 nay chỉ còn 18 triệu đồng/m2. Chào bán cũng không ai hỏi mua” – anh Tâm nói. Cũng theo anh Tâm, cũng vì giá đất “hạ nhiệt” quá nhanh đã làm cho anh và một số “đồng nghiệp” phải bỏ cọc chạy lấy người. Bản thân anh cũng mất 100 triệu đồng tiền cọc khi trúng đấu giá một lô đất.

Có thể thấy, khi cơn “sốt đất” đi qua, nhiều người lao đao vì đã vay tiền để đầu tư theo kiểu “lướt sóng”, không may “ôm đất” vào lúc “sốt đất” lên đến đỉnh điểm, thế là nay đang phải è cổ trả lãi tiền vay. Trường hợp chị Nguyễn Thị Ph., ở TP Thanh Hóa là một ví dụ. Đang làm công chức của một cơ quan Nhà nước nhưng thỉnh thoảng chị cũng đầu tư một vài mảnh đất rồi “lướt sóng” kiếm lời. Trong đợt “sốt đất” vừa qua, chị Ph. nhanh tay “lướt” được 2 mảnh đất quanh khu vực TP Thanh Hóa, thu về số tiền lãi hơn 200 triệu đồng. Thấy đất đang trên đà được giá, chị bỏ hết số vốn dành dụm được, cộng thêm cắm sổ đỏ vay thêm ngân hàng gần 2 tỷ đồng, tiếp tục đầu tư mua 2 mảnh đất, mỗi mảnh 80m2, với giá 35 triệu đồng/m2. Khi chị vừa mua xong đã có người trả 38 triệu đồng/m2 nhưng chị không bán vì nghĩ giá sẽ còn cao hơn. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, giá đất đột nhiên “hạ nhiệt”. Gần 4 tháng trôi qua, tháng nào chị cũng phải trả lãi ngân hàng. Chị Ph. than thở “kiểu này phải bán cắt lỗ, thu hồi vốn để lấy tiền trả ngân hàng thôi em. Đã cả tháng nay chị rao bán nhưng người ta trả có hơn 30 triệu đồng/m2”.

Mất tiền vì đất còn có khả năng kiếm lời được trong dịp khác, chứ mất đi tình anh em ruột thịt thì khó mà tìm lại được. Trường hợp của anh Lê Công Ng., sinh năm 1968 ở TP Thanh Hóa là một ví dụ. Gia đình anh có 6 anh chị em, trong đó có 4 chị em gái đều đã đi lấy chồng, người ở gần nhà bố mẹ đẻ, người thì ở trong Nam, người thì ở ngoài Bắc. Anh và người anh trai ở trên thành phố. Tình cảm 2 anh em xưa đến nay luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau, nhưng cũng chỉ vì con đường mới mở, đột nhiên giá đất đang từ 4 đến 5 triệu đồng/m2, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu con đường rải nhựa chạy thông suốt trước nhà, giá đất đột nhiên tăng lên 18 đến 20 triệu đồng/m2. Cũng vì muốn có phần trên diện tích 450m2 đất của bố mẹ để lại (không có di chúc) mà anh chị em trong nhà bắt đầu lục đục, tranh phần. Người thì bảo để đất lại xây nhà thờ, người thì đòi bán hết để lấy tiền chia nhau. Không đồng nhất ý kiến của các anh chị em nên anh Ng. đã tự ý mua gạch về quây lại phần đất mà anh nghĩ mình sẽ được hưởng. Thế là “cuộc chiến” giữa anh Ng. và các anh chị em trong nhà bắt đầu xảy ra. Ngày anh thuê thợ đến quây khu đất cũng là ngày anh và anh trai cùng các chị gái cầm gậy lao vào đánh nhau. Đến bây giờ tình anh em chưa được hàn gắn mà họ còn đang tính chuyện đưa nhau ra tòa án.

Không chỉ cá nhân các nhà đầu tư phải gánh chịu hệ lụy mà một số địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi cơn “sốt đất” vừa qua do nhiều nhà đầu tư bỏ cọc, “tháo chạy” khỏi lô đất trúng đấu giá. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhân (Quảng Xương), cho biết: Vào thời điểm cuối năm 2020, UBND xã tổ chức đấu giá 53 lô đất, mỗi lô có diện tích 120 đến 150m2, giá khởi điểm từ 1,5 đến 2 triệu đồng/m2. Trong phiên đấu giá người dân ở khắp nơi về tham gia. Qua buổi đấu giá, giá đất được đẩy lên 4,1 đến 4,25 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá, đã có 31 lô bị người trúng đấu giá bỏ cọc. UBND xã phải trình cấp có thẩm quyền hủy bỏ kết quả để đấu giá đất lại. Số tiền bỏ cọc khoảng 1,5 tỷ đồng sung công quỹ Nhà nước theo quy định. Theo ông Kiên, việc người dân bỏ cọc đấu giá đất làm cho địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì hiện tại hầu hết các công trình kết cấu hạ tầng của địa phương đều phụ thuộc vào nguồn vốn từ đấu giá đất. Cuộc đấu giá không thành sẽ kéo dài việc đầu tư xây dựng hạ tầng, theo đó kinh tế - xã hội của địa phương cũng bị chậm theo.

Không chỉ xã Quảng Nhân, mà vào thời điểm đầu năm 2021, nhiều địa phương khi tổ chức đấu giá, giá đất được đẩy lên cao gấp 2, thậm chí có vị trí gấp 3 so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, sau phiên đấu giá, rất nhiều nhà đầu tư bỏ cọc. Theo số liệu của UBND huyện Hoằng Hóa, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện tổ chức 33 cuộc đấu giá, với tổng số 11,4 ha (722 lô đất) của gần 30 xã, thị trấn nhưng có đến hơn 100 lô đất bị bỏ cọc. Tập trung nhiều ở các xã Hoằng Đức, Hoằng Cát, Hoằng Đồng, Hoằng Thành...

Qua tìm hiểu với những người làm trong lĩnh vực đấu giá cũng như các nhà đầu tư “lướt sóng” đất, được biết, nguyên nhân bỏ cọc “tháo chạy” khỏi các lô đất trúng đấu giá là do thời điểm trúng đấu giá, đất đang “sốt cao”. Đến khi nộp tiền thì giá đất đã “hạ nhiệt”. Nếu cứ nộp tiền vào thì người trúng đấu giá cầm chắc sẽ lỗ. Vì vậy, họ vẫn xác định có những phiên phải tháo chạy “bỏ cọc”. Hệ lụy cuối cùng vẫn là những người dân chân chất có nhu cầu mua đất thực sự để xây nhà nhưng vì giá bị đẩy lên quá cao, họ không mua nổi; và những khó khăn, vất vả cho chính quyền sở tại khi lại phải đứng ra giải quyết hậu quả đó là xác định lại giá khởi điểm của đất để tổ chức đấu giá lại; hoàn thiện các thủ tục giấy tờ để xin hủy kết quả đấu giá các lô đất và xin cấp có thẩm quyền tổ chức cuộc đấu giá khác... tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền của, thậm chí làm cản trở quá trình đô thị hóa của một vùng quê...

Bài và ảnh: Lê Nhân


Bài và ảnh: Lê Nhân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]