(Baothanhhoa.vn) - Hối hận, thứ tha và nước mắt trong một phiên tòa xét xử một vụ án đặc biệt liên quan đến những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Đây là vụ án đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên quan đến vấn đề bạo lực học đường với tội danh “Làm nhục người khác” được đưa ra xét xử trước pháp luật. Nhìn lại vụ án và quá trình tham gia bào chữa, bảo vệ cho những đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) là học sinh để thấy rằng cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa để bạo lực học đường không trở thành vấn đề gây nhức nhối.

Sát sao hơn để học sinh không vướng vào bạo lực học đường

Hối hận, thứ tha và nước mắt trong một phiên tòa xét xử một vụ án đặc biệt liên quan đến những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Đây là vụ án đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên quan đến vấn đề bạo lực học đường với tội danh “Làm nhục người khác” được đưa ra xét xử trước pháp luật. Nhìn lại vụ án và quá trình tham gia bào chữa, bảo vệ cho những đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) là học sinh để thấy rằng cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa để bạo lực học đường không trở thành vấn đề gây nhức nhối.

Sát sao hơn để học sinh không vướng vào bạo lực học đường

TGVPL Lê Thị Phượng tư vấn pháp lý cho người dân tại Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh. Ảnh V.H

Bắt bạn cởi áo và quay video để làm nhục

H.A. và C. cùng sinh năm 2005 và học chung một lớp. Đôi bạn từng rất thân thiết, chơi với nhau như chị em một nhà. Sau này, vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt của lứa tuổi bồng bột mới lớn mà đã xảy ra một sự việc đáng tiếc.

Do nghi ngờ C. kể với mẹ mình về việc H.A. sử dụng trái phép chất ma túy nên tối ngày 10-6-2021, H.A. đã đi cùng một người bạn tên N. đến rủ C. đi ra quán nước để nói chuyện. Sau khi đến quán nước, do sự việc cũng có liên quan đến một bạn tên L. nên H.A. đã gọi L. đến. Tại quán nước, nhóm bạn đi cùng H.A. trách mắng C. về việc C. nói xấu H.A. và L. với người khác. Sau đó, do quán nước đông người, ồn ào, khó nói chuyện nên H.A. bảo C. cùng mọi người đến khu vực đường dân sinh phía sau trường mầm non để nói chuyện.

Khi đến nơi, H.A. yêu cầu C. xin lỗi mình. C. cho rằng mình không có lỗi gì nên không xin lỗi. Ngay sau đó, H.A. đã chửi mắng, lao vào dùng tay túm tóc và đánh C. Còn L. sử dụng điện thoại di động của mình để quay video. Lúc này, một nhóm bạn đi qua thấy sự việc thì can ngăn, khuyên mọi người giải tán. Tuy nhiên, sau khi đám bạn rời đi, H.A. và L. tiếp tục lao vào đánh C., lột áo ngoài, áo ngực của C. vứt xuống đất. C. xấu hổ nên dùng tay che chắn nhưng các bạn vẫn tiếp tục dùng điện thoại quay cảnh C. cởi trần... Sau khi quay video xong, cả hội cho C. mặc áo vào, tiếp tục bắt C. xin lỗi và dùng điện thoại để quay lại.

Sau khi quay được một số video, trong đó có video dài 9 giây quay cảnh C. không mặc áo, dùng tay che mặt và che ngực. Để làm cho C. phải xấu hổ, L. đã gửi đoạn video đó cho nhiều người qua ứng dụng Messenger.

Về phần C., sau khi sự việc xảy ra, C. vừa sợ, vừa xấu hổ nhưng không dám nói với gia đình về sự việc trên. Mỗi khi về nhà, C. thường xuyên đóng cửa ở một mình trong phòng, né tránh mọi người. Đến trưa ngày 12-6-2021, C. nhận được video quay cảnh xảy ra hôm đó nên càng bị ám ảnh tâm lý. Thấy tâm lý con gái bất thường, mẹ của C. đã hỏi thăm bạn bè của C. và gặng hỏi C. thì biết được sự việc. Ngay ngày hôm sau, hai mẹ con đã đến công an phường để báo cáo sự việc.

Sau khi tiếp nhận thông tin, công an phường đã đưa cháu C. đến trạm y tế phường để kiểm tra. Các vết thương do bị đánh chỉ bị tổn hại ngoài da, để lại các vết bầm tím, không gây tổn thương sâu bên trong cơ thể. Công an phường đã báo cáo, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác minh, triệu tập làm việc với những người có liên quan. H.A. và L. đã khai báo thành khẩn, tỏ ra ăn năn hối hận về hành vi phạm tội của mình. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với H.A. và L. về tội danh “Làm nhục người khác” theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Các trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra

Trong vụ án này, cả hai bị can là H.A. và L. đều là những người dưới 18 tuổi, bị hại C. là người dưới 16 tuổi; cả ba cháu đều là đối tượng được TGPL miễn phí. Sau khi xác minh độ tuổi của các bị can và bị hại, đối chiếu với quy định pháp luật về TGPL, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã giải thích, hướng dẫn cho các đối tượng về quyền được TGPL miễn phí của mình, đồng thời có công văn đề nghị Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh phân công người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cháu trong quá trình tham gia tố tụng. Trung tâm đã phân công 2 trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) tham gia tố tụng cho các đối tượng trong vụ án nêu trên.

Khi tiếp nhận vụ việc, bản thân tôi nhận thấy rằng đây là một vụ án rất đặc biệt và vô cùng đáng tiếc khi mà các bị can và cả bị hại đều là những người chưa đủ 18 tuổi - lứa tuổi còn bồng bột, non nớt trong nhận thức, suy nghĩ, dễ kích động, bị lôi kéo dẫn đến những hành động bột phát và hậu quả là phải chịu sự trừng phạt của pháp luật về hành vi nông nổi của mình. Đây cũng là vụ án đầu tiên trên địa bàn tỉnh khởi tố về vấn đề bạo lực học đường; tất cả các đối tượng liên quan đều đang là học sinh ngồi trên ghế nhà trường. Khi tham gia tố tụng trong vụ án này, tiếp cận với các cháu, TGVPL đã phải vận dụng kỹ năng, nghiệp vụ để vừa đảm bảo trợ giúp về mặt pháp lý cho các cháu, đồng thời vừa phân tích, động viên tinh thần để các cháu nhận thấy được hành vi của mình là sai trái, song tất cả những sai lầm đều có thể sửa, tương lai của các cháu còn dài, không vì những vấp ngã đầu đời mà có tâm lý chán nản, buông xuôi. TGVPL cũng đề xuất cần có sự phối hợp khéo léo giữa cơ quan tiến hành tố tụng, gia đình và nhà trường để sau khi vụ việc được giải quyết, các cháu vẫn còn cơ hội quay trở lại trường học để hoàn thành chương trình học mà không cảm thấy tự ti, mặc cảm hay bị xa lánh.

Trong suốt quá trình điều tra vụ án, các cháu đã thành khẩn khai báo về hành vi của mình. Hai gia đình của H.A. và L. đã cùng với các cháu đến tận nhà C. để xin lỗi và khắc phục hậu quả về mặt tinh thần. C. và gia đình cháu cũng đã tha thứ cho hành vi của H.A. và L., đồng thời viết đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho hai bạn.

Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà H.A. và L. đã thực hiện, xem xét đến điều kiện về thân nhân, về độ tuổi, hoàn cảnh của các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội, xét thấy không cần phải cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội, cho các cháu một cơ hội để sửa sai, tiếp tục được học tập, TGVPL đã đề nghị hội đồng xét xử áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ cho H.A. và L. Trước những đề nghị có lý, có tình tại phiên tòa sơ thẩm, hội đồng xét xử đã xử phạt L. 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và H.A. 6 tháng cải tạo không giam giữ cùng về tội “Làm nhục người khác”.

Kết thúc phiên tòa, cả hai bị cáo đều khóc, những giọt nước mắt ân hận đầu đời. Hai người mẹ cũng khóc, khóc vì lo lắng cho những đứa con mới chớm bước vào đời đã phải nhận một bài học quá đắt giá về hành vi nông nổi, bồng bột của mình. Tương lai các cháu còn dài, mong rằng đây vừa là bài học cho các cháu, cũng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc làm cha, làm mẹ trong việc quan tâm dạy dỗ, sát sao con hơn để nắm bắt tâm tư, tình cảm và định hướng hành vi của các con trong cuộc sống đời thường.

TGVPL Lê Thị Phượng

(Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh)


TGVPL Lê Thị Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]