16:03 29/08/2023 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Mike Dean từ trước đến nay luôn được xem là "bố nuôi" của Tottenham Hotspur bởi những lần trọng tài này bảo vệ đội bóng vùng Tây Bắc London. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Anh, ông trọng tài người Anh này tiếp tục đưa mình cùng các đồng nghiệp, thậm chí là Tottenham Hotspur, đi thẳng vào lòng đất vì những phát ngôn của mình. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn này cũng khiến NHM bóng đá Anh phải đặt một câu hỏi: Đâu là giới hạn cho các "vị vua áo đen"?

Đâu là giới hạn cho các vị "phụ mẫu" của bóng đá?

Mike Dean từ trước đến nay luôn được xem là “bố nuôi” của Tottenham Hotspur bởi những lần trọng tài này bảo vệ đội bóng vùng Tây Bắc London. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Anh, ông trọng tài người Anh này tiếp tục đưa mình cùng các đồng nghiệp, thậm chí là Tottenham Hotspur, đi thẳng vào lòng đất vì những phát ngôn của mình. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn này cũng khiến NHM bóng đá Anh phải đặt một câu hỏi: Đâu là giới hạn cho các “vị vua áo đen”?

Người bạn tốt hay người đồng nghiệp tệ hại?

Trong cuộc phỏng vấn mới kéo dài một tiếng với Simon Jordan, trọng tài Mike Dean đã giải thích lý do vì sao ông phải dừng công việc trợ lý trọng tài băng hình, đó là do ông quá... lắm mồm.

Theo Dean, xuyên suốt các trận đấu, không chỉ phán đoán sai, mà ông còn nói rất nhiều câu và đưa ra nhiều nhận định không cần thiết với các trọng tài.

“Tôi không thể dừng nói được”, trọng tài người Anh chia sẻ với Simon Jordan trên podcast Up Front. “Cố lắm rồi, nhưng tôi không làm được”.

Cây viết Philip Buckingham của The Athletic trong bài viết của mình về những phát ngôn của trọng tài người Anh đã chia sẻ với giọng điệu mỉa mai về lời “chạy tội” này của Mike Dean: “Anthony Taylor, và PGMOL (Hiệp hội trọng tài chuyên nghiệp) có lẽ đã ước vị trọng tài 55 tuổi học cách nghỉ hưu trong yên lặng”.

Không chỉ có một mình Anthony Taylor, PGMOL muốn Mike Dean nghỉ hưu trong yên lặng, mà đến cả Tottenham cũng sẽ ước gì trọng tài người Anh đừng tham gia cuộc phỏng vấn tai hại chẳng kém gì cuộc phỏng vấn giữa Cristiano Ronaldo và Piers Morgan hồi năm ngoái cả. Bởi lẽ, trong cuộc phỏng vấn đó, vị trọng tài này quyết định dùng một tình huống diễn ra trong trận đấu giữa Tottenham và Chelsea làm minh chứng cho áp lực của các trọng tài.

Đâu là giới hạn cho các vị “phụ mẫu” của bóng đá?

Mike Dean trong cuộc trò chuyện với Simon Jordan cho podcast Up Front. Nguồn: The Mirror.

Cụ thể, ở trận đấu hòa đầy căng thẳng giữa Tottenham và Chelsea hồi đầu mùa trước, trận đấu kết thúc với cái bắt tay đầy thù địch giữa HLV Thomas Tuchel và HLV Antonio Conte, trọng tài người Anh đã thấy rất rõ hành động giật tóc Marc Cucurella của Cristian Romero, nhưng thay vì báo cáo lại với tổ VAR, ông lại quyết định bỏ qua hành động của Romero. Để biện minh cho hành động này của mình, Mike Dean chỉ đơn giản trả lời: “Tôi không muốn nói lại cho cậu ấy, bởi tôi không muốn cậu ấy chịu khổ thêm nữa”.

Có thể ở thời điểm đó, Anthony Taylor sẽ không phải chịu khổ, nhưng sau các phát ngôn của Mike Dean, đặc biệt là ở thời điểm Premier League vừa mới ra điều luật cấm cầu thủ tranh cãi với các trọng tài, chắc chắn, giới trọng tài, những người đã chịu quá đủ những thuyết âm mưu, những đồn đoán về việc trọng tài này thiên vị đội kia, sẽ càng gặp khó hơn trong việc giải thích với người hâm mộ về những điều luật mới được Premier League áp dụng ở mùa giải hiện tại.

Bản thân Mike Dean cũng chẳng lạ gì với những đồn đại về việc ông là NHM Tottenham Hotspur. Thậm chí, khi nhấn vào thanh tìm kiếm của nền tảng video Youtube cụm từ: “Mike Dean Tottenham fan” (Mike Dean, NHM Tottenham-ND), chúng ta sẽ tìm ra hàng loạt video chia sẻ cảnh Mike Dean ăn mừng mỗi khi Tottenham ghi bàn. Thậm chí, trong một video, người hâm mộ của các CĐV đối địch với Tottenham còn chia sẻ một cách đầy mỉa mai: “Bốn người con của Mike Dean: Harry (Kane), Hugo (Lloris), Dele (Alli) và Christian (Eriksen, thời điểm video này được đăng tải vẫn đang đá cho Tottenham) đã xác nhận cha của họ không phải là cổ động viên Tottenham”.

Đâu là giới hạn cho các vị “phụ mẫu” của bóng đá?

Có thể nói, Mike Dean là trường hợp đầu tiên và duy nhất của bóng đá Anh được tặng hẳn một clip “tổng hợp” các pha ăn mừng của ông mỗi khi Tottenham có bàn thắng. Nguồn: YouTube.

Trở lại với tình huống trong trận gặp Tottenham. Sau khi trận đấu kết thúc, HLV Thomas Tuchel chia sẻ với một vẻ khó chịu hiện rõ: "Họ kiểm tra rồi sau đó nói chẳng có gì xảy ra cả. Thật là lố bịch!". Buckingham trong bài viết của mình cũng đưa ra một nhận định, đó là nếu Mike Dean kêu gọi Anthony Taylor kiểm tra băng hình tình huống này, có lẽ Chelsea sẽ rất khác, Tuchel có thể đã không bị sa thải một tháng sau đó, thậm chí, Chelsea có thể bảo toàn chiến thắng 2-1 của họ nếu Tottenham bị mất người. Tuy nhiên, như người ta vẫn hay nói: “Với một chữ”nếu“, chúng ta có thể bỏ cả Paris vào một cái chai!”.

Dù vậy, Mike Dean vẫn thừa nhận sai lầm của mình trong cuộc phỏng vấn với Simon Jordan. Theo ông, việc để lỡ một pha “kéo tóc đơn giản” thực sự là một sai lầm đáng trách, một sai lầm đã khiến Chelsea không thể có được lợi thế trước Tottenham, ít ra là cho tới khi trận đấu kết thúc.

Giới hạn nào cho "cha mẹ"?

Trong bóng đá, có một luật bất thành văn mà ai cũng phải tuân theo: “trọng tài là cha mẹ”, trọng tài luôn là người đưa ra quyết định cuối cùng, mọi khiếu nại (nếu có), đều phải được thực hiện bên ngoài sân cỏ, còn trong trận đấu, tốt nhất là nên tuân theo những quyết định đã được đưa ra của các trọng tài.

Đúng là cuộc phỏng vấn của Mike Dean sẽ tạo ra rất nhiều tranh cãi trong lòng NHM Premier League, thậm chí, trở thành cái cớ để người ta tiếp tục tấn công vào các trọng tài ở hạng đấu cao nhất nước Anh, những người đã quá khổ sở bởi những thuyết âm mưu, những đồn đoán không đáng có liên quan tới nghiệp “cầm cân nảy mực” của mình rồi. Nhưng, cũng chính nhờ cuộc phỏng vấn đó mà NHM bóng đá Anh được quyền đặt ra một câu hỏi: đâu là giới hạn cho những “người cha, người mẹ” của bóng đá?

Đâu là giới hạn cho các vị “phụ mẫu” của bóng đá?

Trọng tài là cha mẹ, ai cũng đồng ý với điều đấy, nhưng cũng cần phải đặt ra giới hạn cho những vị “phụ mẫu” của bóng đá. Nguồn: Getty.

Đồng ý là trong bóng đá, các quyết định của trọng tài xứng đáng được tôn trọng, nhưng không có nghĩa là bất cứ quyết định nào của các trọng tài cũng sẽ đúng. Vị trí VAR ra đời cũng từ lý do đó. Tuy nhiên, BTC Premier League, vì muốn bảo vệ những “người cha, người mẹ” của bóng đá, đã quyết định giảm quyền dân chủ của các cầu thủ trên sân, một quyết định có thể tạo ra “hiệu ứng ngược” với các trọng tài bóng đá Anh.

Vậy, Premier League nên làm thế nào để thỏa mãn hai điều kiện, đó là bảo vệ các trọng tài, nhưng cũng đảm bảo sự dân chủ của môn bóng đá trước quyền lực của những “ông vua áo đen”? Có lẽ, BTC Premier League nên học hỏi bộ luật sau của NBA có tên: “Coach’s challenge” (quyền tranh cãi của HLV-ND).

Cụ thể, ở điều A, khoản 1 của bộ luật về quyền tranh cãi của HLV này, một HLV: “Có quyền yêu cầu theo dõi đoạn video chiếu lại của một pha bóng nhất định miễn là điều đó không phạm quy”. Tuy nhiên, cũng theo điều C, khoản 1 của bộ luật này, các HLV chỉ được quyền tranh cãi với các quyết định của trọng tài ở những trường hợp sau: "... khi một cầu thủ bị phạt lỗi, khi một đội bóng rơi vào tình huống Out of bound (để bóng rời khỏi đường biên-ND), tiếp đó là lỗi goaltending (tác động vật lý trong một tình huống bóng ở mép rổ-ND)". Cuối cùng, theo điều D ở khoản 1 của bộ luật này, các HLV chỉ được sử dụng duy nhất một lần quyền tranh cãi xuyên suốt trận đấu và chỉ được tranh cãi ở các tình huống được cho phép ở điều C, khoản 1 của bộ luật này.

Đâu là giới hạn cho các vị “phụ mẫu” của bóng đá?

Một tình huống tranh cãi áp dụng luật tranh cãi trọng tài ở NBA. Nguồn: Diario AS.

Có thể thấy, những người làm bóng rổ đã tìm được cách để đảm bảo tính dân chủ trong môn chơi ăn khách nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta cũng cần phải hiểu cho những người làm bóng đá trên toàn thế giới, đó là khác với bóng rổ, một môn chơi được chia làm 4 hiệp, mỗi hiệp 12 phút, bóng đá là một môn chơi có độ dài lên tới 90 phút, và trong 90 phút đó, sẽ có nhiều trường hợp cầu thủ câu giờ, chính vì vậy mà FIFA đã phải áp dụng luật “bù giờ thời gian thực” nhằm tránh tình trạng câu giờ của các cầu thủ. Vì vậy, việc áp dụng bộ luật tranh cãi này, nếu có, sẽ phần nào đó khiến một trận bóng, vốn đã bị cắt vụn bởi những tình huống phạm lỗi, ném biên hay chấn thương, càng bị cắt vụn ra hơn.

Mike Dean sẽ phải về “vui thú điền viên” sau khi nghỉ hưu, nhưng những vấn đề mà ông nêu ra sẽ vẫn còn đó. Câu hỏi duy nhất mà những người làm bóng đá Anh cần phải trả lời, đó là: làm thế nào vừa giải quyết những vấn đề kể trên một cách công bằng nhất có thể cho cả các cầu thủ cũng như các trọng tài? Một câu hỏi chắc chắn sẽ rất khó trả lời trong tương lai gần.

KDNX.

Nguồn ảnh, tư liệu: The Athletic, Internet...


KDNX.

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]