(Baothanhhoa.vn) - Khi những bản án ly hôn chính thức có hiệu lực pháp luật, những đứa trẻ thường ở với bố hoặc mẹ. Chúng không những chịu thiệt thòi về tình cảm mà còn thiếu thốn cả về vật chất. Bởi, việc yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn đang tồn tại nhiều bất cập, thậm chí trở thành "món nợ khó đòi" đối với cả cơ quan thi hành án và người được cấp dưỡng.

Những “món nợ” khó đòi chồng cũ

Khi những bản án ly hôn chính thức có hiệu lực pháp luật, những đứa trẻ thường ở với bố hoặc mẹ. Chúng không những chịu thiệt thòi về tình cảm mà còn thiếu thốn cả về vật chất. Bởi, việc yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn đang tồn tại nhiều bất cập, thậm chí trở thành “món nợ khó đòi” đối với cả cơ quan thi hành án và người được cấp dưỡng.

Những “món nợ” khó đòi chồng cũNhiều trẻ em cần được cấp dưỡng sau khi cha mẹ ly hôn (ảnh minh họa).

"Nợ" khó đòi

Cuộc sống vợ chồng luôn rơi vào trạng thái “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khiến chị N.T.H. (Thọ Xuân) quyết định làm đơn ly hôn. Tòa phán quyết chị được quyền nuôi con trai 26 tháng tuổi, còn người chồng có trách nhiệm cấp dưỡng hàng tháng để nuôi con. Chồng cũ của chị H. vốn là công nhân, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tại phiên tòa, chị yêu cầu anh chồng trợ cấp 2 triệu đồng/tháng để nuôi con (trước khi ra tòa hai người đã thỏa thuận và thống nhất), người chồng đã phản ứng và kiên quyết xin tòa xem xét bớt số tiền cấp dưỡng này xuống còn 1,5 triệu đồng/tháng. Quá bất ngờ với thái độ của chồng và cảm thấy bị tổn thương nên chị H. đồng ý với mức cấp dưỡng này mà không muốn tranh cãi thêm.

Khoảng 4 tháng sau khi bản án có hiệu lực, chồng cũ của chị H. gửi tiền cấp dưỡng cho con khá đều đặn. Đúng lịch hẹn là mùng 10 hằng tháng, anh này chuyển tiền vào tài khoản của chị H. Tuy nhiên, từ tháng thứ 5, số tiền đã bị rút xuống còn 1.000.000 đồng/tháng. Với lý do ít việc, lương bị giảm nhiều nên cũng giảm luôn tiền cấp dưỡng nuôi con. Đến tháng thứ 6, chị H. không thấy chồng cũ chuyển tiền mặc dù anh này vẫn thi thoảng gọi điện trò chuyện cùng con khá vui vẻ. Nhiều tháng sau đó, chồng cũ chị H. cũng không chuyển tiền cấp dưỡng nuôi con theo đúng bản án. Sau này chị H. được biết do chồng cũ vướng vào cờ bạc nên không có tiền gửi cho chị. “Nghĩ cảnh mình vất vả nuôi con, con thiệt thòi đủ đường, trong khi đó anh ấy lại mải mê cờ bạc, tôi tìm tới tận nhà chồng cũ đề nghị thực hiện cấp dưỡng nuôi con đầy đủ nhưng chỉ nhận lại được những lời hứa tháng sau sẽ chuyển. Lắm lúc nghĩ mình như đi đòi nợ”, chị H. bức xúc nói.

Tương tự, trường hợp chị N.N.M. (Bá Thước) cũng thường xuyên phải gọi điện nhắc nhở chồng cũ gửi tiền trợ cấp nuôi hai con nhỏ. Vợ chồng chị ly hôn sau 6 năm chung sống, tòa quyết định mỗi tháng chồng cũ sẽ phải cấp dưỡng 4 triệu đồng để nuôi con đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, anh này có tháng gửi tiền, có tháng gửi không đủ số tiền thỏa thuận, thậm chí có tháng không. Một mình nuôi 2 con đang tuổi ăn tuổi lớn trong khi thu nhập bấp bênh, chị M. cảm thấy rất mệt mỏi. Tháng nào chị cũng phải gọi điện cho chồng cũ yêu cầu gửi tiền, không ít lần hai người đã to tiếng qua điện thoại. “Nhiều lúc nghĩ không cần tới tiền cấp dưỡng của bố bọn trẻ nhưng thương con đã thiệt thòi về tình cảm lại thiếu thốn về vật chất nên cứ phải yêu cầu”, chị M. ngán ngẩm nói.

Vì quá bức xúc, chị N.T.T. (Hoằng Hóa) đã phải tìm đến một trung tâm tư vấn pháp lý để bộc bạch nỗi ấm ức của mình. Theo lời chị kể sau 8 năm chung sống, vợ chồng chị đã ra tòa ly hôn. Phán quyết của tòa án giao cho chị nuôi con gái 7 tuổi, còn người chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 3 triệu đồng. Thế nhưng kể từ thời điểm có phán quyết của tóa (tháng 2-2021) đến nay, chị chưa nhận được một đồng tiền cấp dưỡng nào từ chồng cũ, mặc dù anh này là chủ một doanh nghiệp vận tải hành khách, kinh doanh rất tốt tại TP Thanh Hóa. Quá bức xúc, chị T. đã gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án.

Trường hợp những người vợ sau khi ly hôn bất lực trước việc “đòi” khoản đóng góp nuôi con của chồng cũ như các chị H., M., T. là rất phổ biến... Điều đáng nói là có khá nhiều vụ việc người phải thi hành án (THA) có điều kiện nhưng cố tình không chấp hành việc cấp dưỡng sau ly hôn, mặc dù khoản tiền cấp dưỡng hàng tháng không nhiều, chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Còn nhiều vướng mắc

Theo số liệu thống kê của Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã thụ lý giải quyết 28.909 vụ ly hôn, trong đó chủ động thi hành án 20.433 vụ và theo đơn 8.476 vụ. Thời gian gần đây, trong các vụ án ly hôn mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng việc THA lại gặp nhiều vướng mắc, nhất là khoản tiền cấp dưỡng nuôi con hàng tháng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên được THA mà còn gây nhiều khó khăn cho cơ quan THADS.

Theo ông Hoàng Văn Truyền, Cục trưởng Cục THADS tỉnh: "Thực tế cho thấy, các loại việc phải THA liên quan cấp dưỡng thường kéo dài thời gian, rất mất công sức đối với cán bộ, chấp hành viên (CHV) các cơ quan THADS. Bởi việc cấp dưỡng có thể được thực hiện theo hàng tháng, hàng quý, hàng năm, trong khi thời gian để chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của các chủ thể có liên quan thường kéo dài. Trong đó, hiện nay việc cấp dưỡng chủ yếu được thực hiện theo hàng tháng nên khiến cán bộ cơ quan THADS đau đầu vì phải thu tiền “nhỏ giọt” cho đến khi người được cấp dưỡng trưởng thành. Thậm chí, việc người bị THA không phải ai cũng nghiêm chỉnh phối hợp cùng CHV thực hiện nghĩa vụ của mình".

"Một trong những khó khăn nữa mà các CHV phải đối mặt đó là có rất nhiều trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không có chỗ ở hoặc công ăn việc làm ổn định. Sau khi ly hôn hoặc chấp hành xong hình phạt tù thì họ thường thay đổi chỗ ở đến nơi khác, không có tài sản để kê biên bảo đảm THA... Cũng có trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng là cán bộ, công chức, người được hưởng lương hàng tháng nên số tiền cấp dưỡng có thể được trừ vào lương, tuy nhiên để thực hiện được vấn đề này cũng không hề đơn giản. Bởi không phải cơ quan, tổ chức nào cũng có thiện chí hợp tác, tạo điều kiện để THA khấu trừ các khoản thu nhập hợp pháp của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Để thực hiện hiệu quả một vụ việc, đặc biệt là việc thu tiền cấp dưỡng của đương sự cán bộ cơ quan THADS phải đi lại nhiều lần, phải xuất trình các giấy tờ, thủ tục có liên quan..." - ông Truyền cho biết thêm.

Ngoài ra, các quy định về cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 chưa rõ ràng, khiến việc THA gặp không ít khó khăn. Cụ thể, Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: "Mức cấp dưỡng được xác định dựa trên thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”. Mặc dù pháp luật quy định như vậy nhưng việc hiểu và áp dụng trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Có nhiều trường hợp tòa án xác định mức cấp dưỡng chỉ dựa trên thu nhập và khả năng thực tế của người được cấp dưỡng chứ không phải dựa vào nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mặt khác, mức cấp dưỡng theo thỏa thuận chưa đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa có một văn bản nào quy định cụ thể mức cấp dưỡng cho con sau khi bố mẹ ly hôn. Để xác định mức cấp dưỡng cụ thể, tòa án thường căn cứ vào chứng từ, hóa đơn... liên quan đến chi phí hợp lý để nuôi dưỡng, chăm sóc con. Ngoài ra, Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được đặt ra khi cha, mẹ không còn sống chung với con”... Như vậy, điều luật hoàn toàn không giới hạn về việc chỉ cấp dưỡng khi cha, mẹ ly hôn và cơ quan xét xử cũng không có quyền cho rằng chỉ cấp dưỡng khi ly hôn. Việc cha, mẹ là người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi không còn sống chung với con là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, bởi lẽ suy cho cùng việc cấp dưỡng là để tạo điều kiện cho con sống và phát triển một cách đầy đủ, toàn diện. Theo đó, trong trường hợp vợ chồng ly thân trước khi ly hôn thì người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con kể từ ngày ly thân theo quy định tại Điều 110... Tuy nhiên, hầu hết các vụ án ly hôn chỉ khi có quyết định cuối cùng của tòa án thì việc cấp dưỡng nuôi con mới được thực hiện...

Có thể thấy, khi hôn nhân tan vỡ, phụ nữ và trẻ em luôn ở vào thế yếu. Vì vậy, cấp dưỡng nuôi con thể hiện trách nhiệm của những bậc làm cha, làm mẹ đối với con của mình. Để giảm thiểu thiệt thòi cho những đứa con, pháp luật cần có những quy định cụ thể và có chế tài nghiêm khắc hơn đối với những người có hành vi vi phạm vấn đề này. Thêm vào đó, các ban, sở, ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con khi ly hôn, để người cha, người mẹ tự nguyện thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]