(Baothanhhoa.vn) - Anh em trong gia đình cãi vã, không nhìn mặt nhau, kiện nhau ra tòa vì tranh chấp đất đai, đòi quyền lợi phân chia di sản thừa kế, thậm chí là mâu thuẫn không được hóa giải kịp thời dẫn đến những vụ án hình sự đau lòng trong lúc giận quá mất khôn.

Chuyện buồn từ tranh chấp đất đai

Anh em trong gia đình cãi vã, không nhìn mặt nhau, kiện nhau ra tòa vì tranh chấp đất đai, đòi quyền lợi phân chia di sản thừa kế, thậm chí là mâu thuẫn không được hóa giải kịp thời dẫn đến những vụ án hình sự đau lòng trong lúc giận quá mất khôn.

Chuyện buồn từ tranh chấp đất đai

Đất đai ngày càng có giá trị nên tình trạng tranh chấp đất đai ngày càng nhiều (ảnh minh họa).

Đơn cử, trường hợp vợ chồng ông L. và bà N. vốn sống ở một xã ven biển của TP Sầm Sơn có khối tài sản là 1.300m2 diện tích đất (200m2 đất ở và 1.100m2 đất vườn). Ông bà sinh được 8 người con, các con đã trưởng thành, có gia đình riêng. Bà N. mất năm 2008 không để lại di chúc; ông L. mất năm 2017. Trước khi mất, ông L. có để lại di chúc với nguyện vọng để lại phần đất thuộc quyền ông được hưởng trong tổng số tài sản chung cho chị Ng. (con dâu) và các cháu nội là con của chị Ng. (chồng chị Ng. đã mất) bởi người con dâu đã có công chăm sóc ông lúc ốm đau, bệnh tật. Di chúc do phòng công chứng lập và công chứng.

Một thời gian sau, căn cứ vào di chúc bố chồng để lại, chị Ng. đi làm hồ sơ để sang tên giấy tờ đất thì một số người con khác của ông L. không đồng thuận, anh chị em trong nhà xảy ra tranh chấp và khởi kiện ra tòa. Nguyên đơn trong vụ án là các con trai của ông L. đề nghị phân chia tài sản thừa kế theo pháp luật; bị đơn là chị Ng. đề nghị phân chia tài sản theo di chúc.

Vụ án được tòa án thụ lý, đưa ra xét xử. Quá trình xét xử, tòa án chấp nhận di chúc ông L. để lại là di chúc hợp pháp nên phần đất ông L. được hưởng trong phần tài sản chung được định đoạt theo đúng ý nguyện ông L. ghi trong di chúc. Phần đất còn lại được phân chia cho các con theo quy định của pháp luật về thừa kế. Việc phân chia đất cũng được hội đồng xét xử tính toán hợp lý, hợp tình với mong muốn vụ án đi đến hồi kết, anh em tìm được tiếng nói chung, tránh làm rạn nứt tình thân trong gia đình.

Tương tự như vụ án trên, vụ án tranh chấp đất đai xảy ra từ năm 2014 tại huyện Đông Sơn có nội dung phức tạp hơn rất nhiều. Bà H. là con gái trong gia đình có 7 anh, chị em (5 gái, 2 trai). Hai người con trai trong gia đình thì 1 người là liệt sĩ, 1 người đã mất. Bố mẹ bà H. có diện tích đất hơn 500m2 ở một xã thuộc huyện Đông Sơn. Mẹ bà H. đã mất từ lâu, không để lại di chúc; toàn bộ diện tích đất do người bố quản lý, sử dụng. Năm 2007, người bố già yếu cùng các con trong gia đình thống nhất tặng cho bà H. quyền sử dụng 200m2 với lý do bà H. không lập gia đình. Sau khi được tặng, bà H. đã làm đầy đủ các thủ tục và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 200m2 đứng tên bà, nhưng do bà H. thường xuyên đi làm xa nhà nên chưa sử dụng đến. Diện tích đất còn lại mang tên bố của bà. Năm 2008, bố bà mất, toàn bộ diện tích đất và nhà do bà N. (con dâu duy nhất trong gia đình) quản lý, sử dụng. Năm 2014, bà N. đã xây dựng nhà và công trình phụ có lấn sang phần đất của bà H. đã được tặng cho. Do vậy, bà H. đã phải làm đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương để được giải quyết. Song sau nhiều lần hòa giải không thành, bà H. đã phải làm đơn khởi kiện để nghị tòa án giải quyết.

Về phía bà N. thì lại cho rằng, bà là con dâu duy nhất trong nhà, từ khi chồng bà mất, tất cả công việc trong gia đình đều do bà gánh vác. Toàn bộ diện tích đất và nhà của bố mẹ chồng, bà đều đang quản lý sử dụng. Năm 2014, bà xây nhà và công trình phụ trên đất. Khi làm nhà không có ai đo đạc diện tích đất và cũng không có ai ngăn cản. Khi bà làm gần xong nhà thì có đoàn của UBND xã xuống đo đạc và đề nghị bà dừng công trình xây dựng do người chị khiếu nại bà xây dựng lấn chiếm. Tuy nhiên, bà N. cho rằng việc bà xây nhà và công trình phụ là xây trên đất nguyên thổ của bố mẹ chồng, bà không biết gì về việc bố chồng cho bà H. đất...

Câu chuyện tranh chấp đất đai của chị em gia đình bà H. đã xảy ra từ năm 2014, sau nhiều lần tòa án đã xét xử, đến nay đã hơn 10 năm, câu chuyện vẫn chưa thể đến hồi kết, bà H. vẫn lặn lội đến nhiều nơi để tìm một hướng giải quyết công bằng cho những người trong cuộc.

Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đất đai giá trị càng cao nên tình trạng tranh chấp đất đai là tài sản cha mẹ để lại như trường hợp của gia đình chị Ng. bà H. không phải là hiếm gặp. Từ cãi vã, kiện cáo, đưa nhau ra tòa, thậm chí là khuynh hướng bạo lực khi mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời dẫn đến những vụ án hình sự đau lòng. Điển hình như vụ việc con gái đổ xăng đốt nhà mẹ đẻ xảy ra tại tỉnh Hưng Yên vào cuối năm 2022 khiến dư luận bức xúc; vụ anh em xô xát vì mâu thuẫn đất đai, vô tình khiến 1 người tử vong xảy ra tại tỉnh Đồng Nai hồi tháng 3-2023... Những vụ việc như vậy thường để lại đau xót khôn tả bởi lòng tham, lợi ích kinh tế, sự đố kỵ, sự nóng giận nhiều khi đã lấn át, làm mất đi tình cảm gia đình, đạp lên cả luân thường đạo lý. Để rồi sau đó, đất đai chưa biết thế nào, nhưng bản thân và cả những người thân trong gia đình hoặc mất mát thương vong hoặc phải lao lý, tù tội.

Theo trợ giúp viên pháp lý Lê Thị Phượng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, công việc của một trợ giúp viên pháp lý phải tiếp xúc với nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời éo le, có khi bất hạnh. Một trong những éo le đó là bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng trong những vụ tranh chấp đất đai mà nguyên đơn, bị đơn trong vụ án lại là anh chị em ruột trong một gia đình. Những vụ án như thế, dù thắng, dù thua thì điều buồn lòng và mất mát lớn nhất chính là tình thân sứt mẻ. Những năm gần đây, các vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế có xu hướng xảy ra nhiều hơn. Trong trường hợp các bên không thể tự hòa giải được thì thường khởi kiện đến tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Kết quả giải quyết của tòa án sẽ là kết quả cuối cùng mà các bên phải chấp hành, đây là cách ứng xử văn minh nhất trong thời đại sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong các vụ án là phải phân xử khách quan, công bằng, hóa giải mâu thuẫn, tôn trọng, nhường nhịn nhau trên nền tảng của đạo lý và pháp lý thì mới tránh xảy ra những tranh đoạt, tị hiềm, xung đột không đáng có.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) TP Sầm Sơn Lê Thị Phong thì cho rằng, những vụ án tranh chấp về chia thừa kế liên quan đến đất đai tương đối phức tạp do các bên tranh chấp thường có mối quan hệ huyết thống, thân thuộc, liên quan đến nhiều người, hàng thừa kế, diện thừa kế, nghĩa vụ dân sự của người để lại di sản đã mất. Phần di sản thừa kế là đất đai trong nhiều trường hợp không dễ dàng để cắt chia theo tính vật lý mà phải phân chia để phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, phải phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, tài sản, vật kiến trúc đã có ở trên đất từ trước thời điểm phát sinh tranh chấp. Do vậy, để phòng ngừa, hạn chế được các tranh chấp phát sinh liên quan đến tài sản thừa kế là đất đai, người có tài sản nên có dự liệu, nghiên cứu lập di chúc phân chia tài sản cụ thể, rõ ràng và công bằng cho từng người. Khi lập di chúc, người có tài sản nên tham khảo ý kiến của người có hiểu biết pháp luật để bảo đảm di chúc được lập hợp pháp.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]