15:25 11/12/2024 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Tìm ra “nút thắt” để gỡ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với đồng bộ giải pháp thiết thực, hiệu quả, huyện Quan Hóa đang dẫn đầu kết quả toàn tỉnh trong việc bố trí tái định cư theo hình thức xen ghép cho các hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai theo Quyết định 4845/QĐ-UBND ngày 1/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về Phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án 4845 - PV). 

Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao thiên tai: Cách làm hay của huyện Quan Hóa

Tìm ra “nút thắt” để gỡ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với đồng bộ giải pháp thiết thực, hiệu quả, huyện Quan Hóa đang dẫn đầu kết quả toàn tỉnh trong việc bố trí tái định cư theo hình thức xen ghép cho các hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai theo Quyết định 4845/QĐ-UBND ngày 1/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về Phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án 4845 - PV).

Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao thiên tai: Cách làm hay của huyện Quan Hóa

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và huyện Quan Hóa đến thăm gia đình ông Lữ Viết Ngâm ở bản Giá, xã Phú Xuân.

Tìm đất cho người dân ở

Giờ được ở trong ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, gia đình ông Lữ Viết Ngâm (SN 1968), ở bản Giá, xã Phú Xuân chẳng còn phải lo bị lũ quét, đất vùi nữa. Gia đình ông thuộc diện phải di dời tái định cư xen ghép theo Đề án 4845 từ năm 2021, nhưng tìm mãi không có đất ở nơi an toàn để mua, nên đành ở lại ven con suối Giá đối diện với nguy cơ thiên tai. Kể cả sau đợt mưa lũ kéo dài tháng 8/2022, căn nhà bị trôi tụt xuống suối vì quả đồi phía sau nhà sạt lở, 6 nhân khẩu gia đình ông cũng phải ở tạm bên bìa rừng.

Đầu năm nay, được cán bộ xã Phú Xuân thông tin vị trí đất ở an toàn, rồi cùng ông thương thảo với chủ hộ gia đình, nên nhà ông đã có được vị trí đất ở mới ngay trong bản Giá, cách nơi ở cũ một con dốc. Có đất ở, lại thuộc diện được hỗ trợ 80 triệu đồng từ Đề án 4845 và Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 (gọi tắt là Chỉ thị 22 - PV), ông vay mượn thêm từ người thân, họ hàng, xây dựng căn nhà mới khang trang, hướng ra con đường chính dẫn vào trung tâm bản.

Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao thiên tai: Cách làm hay của huyện Quan Hóa

Vợ chồng ông Ngâm dạy học cho hai cháu nội trong căn nhà mới xây.

Ông Ngâm cho biết: “Quả thực, nếu không có nguồn hỗ trợ của Nhà nước và Ủy ban MTTQ tỉnh, không được chính quyền hỗ trợ tìm đất, làm thủ tục về đất đai, gia đình tôi chắc không làm được căn nhà này. Trong quá trình xây dựng, gia đình tôi còn được các tổ chức đoàn thể và bà con đến thăm hỏi, giúp đỡ ngày công, nên chi phí đã giảm đi rất nhiều”.

Cách nhà ông Ngâm không xa, cũng ở bản Giá, 2 hộ dân khác thuộc diện được bố trí tái định cư cũng đã hoàn thành chuyển nhà đến nơi ở mới, xen ghép trong khu dân cư ven con đường bê tông dẫn ra Quốc lộ 15A. Đó là hộ anh Hà Văn Thiêm và Hà Văn Thâm, là hai anh em ruột. Ngày xẻ gỗ, xây nhà, các hộ dân được tổ chức hội, đoàn thể trong xã, bàn con chòm bản đến giúp đỡ ngày công. Đến nay, cuộc sống của họ đã ổn định trên nơi ở mới.

Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao thiên tai: Cách làm hay của huyện Quan Hóa

Trên nơi ở mới, bà Lữ Thị Hiệp (vợ ông Ngâm) đã trồng được luống rau xanh, cải thiện bữa ăn gia đình.

Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, Cao Hồng Được cho biết: Theo Đề án 4845, trên địa bàn xã có 152 hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai thuộc diện phải di dời đến nơi an toàn. Năm 2023, thực hiện theo chủ trương của tỉnh và huyện, xã đã tiến hành rà soát lại. 114 hộ dù có nguy cơ nhưng có thể khắc phục được, xã tuyên truyền, vận động và giúp đỡ ngày công để các hộ kè, gia cố lại chân móng, nền nhà, không trông chờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời bổ sung những hộ ở vị trí mới bị sạt lở, có nguy cơ cao hơn vào danh sách bố trí, sắp xếp. Kết quả trên địa bàn còn 38 hộ dân thuộc diện phải di dời.

Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao thiên tai: Cách làm hay của huyện Quan Hóa

Căn nhà khang trang của hộ gia đình ông Lữ Viết Ngâm ở bản Giá, xã Phú Xuân.

“Xã đã xây dựng phương án, lộ trình bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ thuộc diện. Căn cứ kết quả rà soát quỹ đất ở còn lại tại các bản, xã thông báo cho từng hộ gia đình để phối hợp vận động anh em, họ hàng, hộ gia đình còn đất chuyển nhượng, cho tặng lại. Đồng thời yêu cầu các tổ chức hội, đoàn thể và vận động đoàn viên, hội viên tham gia hỗ trợ các hộ tái định cư xen ghép xây dựng nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống. Đến nay đã có 35 hộ hoàn thành tái định cư, ổn định cuộc sống. 3 hộ còn lại đã mua được đất ở, chuẩn bị làm nhà mới, đảm bảo theo kế hoạch, phương án đã đề ra”, ông Cao Hồng Được, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết thêm.

Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao thiên tai: Cách làm hay của huyện Quan Hóa

Lãnh đạo huyện Quan Hóa và xã Phú Xuân đến thăm gia đình ông Hà Văn Thiêm ở bản Giá.

Tìm "nút thắt" để gỡ

Câu chuyện bố trí tái định cư cho đồng bào sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất theo Đề án 4845 tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là luôn quan tâm, chăm lo cuộc sống Nhân dân, đặt an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân lên trên hết, trước hết. Song việc thực hiện lại không hề dễ dàng, nhất là đối với huyện vùng núi cao, giáp biên như ở Quan Hóa, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, thiếu mặt bằng xây dựng, định mức hỗ trợ từ ngân sách khó đáp ứng được nhu cầu xây dựng các khu tái định cư tập trung... Vậy nên, ngay từ đầu rà soát để bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, huyện Quan Hóa đã chủ trương bố trí tái định cư xen ghép cho phần lớn hộ dân thuộc diện, dành nguồn lực đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung cho các khu dân cư bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao thiên tai: Cách làm hay của huyện Quan Hóa

Sau khi được hỗ trợ tái định cư xen ghép, gia đình ông Hà Văn Thâm đã ổn định cuộc sống trên nơi ở mới an toàn.

Xét về nguồn lực, thì việc bố trí tái định cư xen ghép tiết kiệm được nguồn lực lớn cho ngân sách so với hình thức bố trí tái định cư tập trung và tái định cư liền kề. Cụ thể, định mức nguồn vốn xây dựng khu tái định cư tập trung được dựa trên mức hỗ trợ 300 triệu đồng/hộ và 150 triệu đồng/hộ để xây dựng khu tái định liền kề. Trong khi về bản chất, người dân được tái định cư theo hình thức nào cũng chỉ được nhận tiền hỗ trợ di dời nhà ở, gồm tiền từ ngân sách và nguồn vận động từ Ủy ban MTTQ tỉnh. Cụ thể là 50 triệu đồng/hộ đối với nhà sàn, 80 triệu đồng đối với nhà cấp bốn và 100 triệu đồng với nhà xây 2 tầng. Theo Chỉ thị 22 thì hộ có nhà sàn được hỗ trợ thêm, bằng tổng 80 triệu đồng. Việc tái định cư xen ghép thường được bố trí gần nơi ở cũ cho các hộ dân sinh sống phân tán khu vực có nguy cơ cao thiên tai, vừa đảm bảo yếu tố an toàn, lại không làm xáo trộn điều kiện sinh hoạt và sinh kế của người dân.

Tuy nhiên, việc bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ dân cũng chẳng “thuận buồm xuôi gió”. Phần nhiều là do các hộ dân gia đình thuộc diện nghèo, gặp khó khăn trong việc tìm được đất ở mới an toàn thay thế cho nơi ở cũ, lại thiếu kinh phí xây dựng, di chuyển nhà ở. Trong lúc trình độ dân trí còn chưa cao, họ còn gặp thêm khó khăn trong tiếp cận, thực hiện các thủ tục về đất đai. Đó là “nút thắt” trói buộc tiến độ bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai theo Đề án 4845 không chỉ riêng ở huyện Quan Hóa.

Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn thực hiện rà soát danh sách hộ gia đình thuộc diện, đảm bảo chính sách nhân văn được đến đúng đối tượng, tránh tình trạng trục lợi chính sách. Đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án bố trí tái định cư xen ghép, phấn đấu hoàn thành trong quý I năm 2025.
Trong đó cần tập trung rà soát, xác định quỹ đất, vị trí đất ở, phối hợp vận động các hộ dân sang nhượng, cho tặng, giúp đỡ gia đình sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai có đất ở. Quan tâm hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, để các hộ sớm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái, chung tay giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn làm nhà, sớm ổn định cuộc sống.
Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa cũng đã phân công các đồng chí huyện ủy viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết.

Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao thiên tai: Cách làm hay của huyện Quan Hóa

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và huyện Quan Hóa kiểm tra thực tế một hộ dân chuẩn bị di dời theo diện Đề án 4845 ở xã Phú Xuân.

Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao thiên tai: Cách làm hay của huyện Quan Hóa

Theo lãnh đạo huyện Quan Hóa, hầu hết các hộ dân thuộc diện bố trí tái định cư xen ghép đều chuẩn bị di dời đến nơi ở mới.

Sau rà soát thực hiện Đề án 4845, huyện Quan Hóa đã đưa ra khỏi danh sách 167 hộ trong tổng số 320 hộ tái định cư xen ghép. Số này hầu hết là hộ có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai nhưng không cao, có thể khắc phục được và những hộ đã được hưởng hỗ trợ theo dự án khác. Đồng thời bổ sung 67 hộ ở vị trí vừa bị sạt lở do thiên tai, buộc phải di dời. Đến nay, huyện đã hoàn thành bố trí tái định cư cho 51 hộ/220 hộ thuộc diện này, cao nhất trong toàn tỉnh.

Theo tổng hợp từ Sở NN&PTNT, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi đã thực hiện tuyên truyền, vận động được 118 hộ dân di chuyển theo hình thức tái định cư xen ghép, trong tổng số 599 hộ thuộc diện. Cụ thể, Quan Hóa 51 hộ/8 xã, thị trấn; Quan Sơn 38 hộ/5 xã, thị trấn; Bá Thước 4 hộ/2 xã; Thường Xuân 4 hộ/2 xã; Thạch Thành 8 hộ/1 xã; Lang Chánh 7 hộ/2 xã; Như Xuân 4 hộ/3 xã; Như Thanh 2 hộ/1 xã.

Rõ ràng, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái của người dân địa phương, công tác bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai ở huyện Quan Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cách làm này không những gỡ khó, sớm đưa huyện Quan Hóa hoàn thành Đề án 4845, mà còn gợi mở hướng đi cho nhiều địa phương ở khu vực miền núi của tỉnh.

Đỗ Đức


Đỗ Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]