(Baothanhhoa.vn) - Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh sinh ra và lớn lên từ câu hát xường ngọt ngào của mẹ, hạt nếp nương chắt chiu từ giọt mồ hôi của cha trên đất Mường, Cẩm Thủy. Chính cội nguồn văn hóa đã góp phần khai mở mạch nguồn lớn lao trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ của chị. Chị viết khỏe, viết như đang trút cạn tâm can mình mà khéo léo bày biện, sắp xếp trong cốt truyện hấp dẫn, nhân vật sinh động, ngôn ngữ, chi tiết đắt giá; tình huống độc đáo... Chỉ duy nhất có một điều bất biến trong các sáng tác của chị, đó là đặc trưng văn hóa Mường thể hiện qua cảm hứng về thiên nhiên, con người và những phong tục, tập quán của đồng bào nơi đây. “Bình Minh Xanh” cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cốt cách đồng bào Mường trong tập truyện ngắn “Bình Minh Xanh” của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh sinh ra và lớn lên từ câu hát xường ngọt ngào của mẹ, hạt nếp nương chắt chiu từ giọt mồ hôi của cha trên đất Mường, Cẩm Thủy. Chính cội nguồn văn hóa đã góp phần khai mở mạch nguồn lớn lao trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ của chị. Chị viết khỏe, viết như đang trút cạn tâm can mình mà khéo léo bày biện, sắp xếp trong cốt truyện hấp dẫn, nhân vật sinh động, ngôn ngữ, chi tiết đắt giá; tình huống độc đáo... Chỉ duy nhất có một điều bất biến trong các sáng tác của chị, đó là đặc trưng văn hóa Mường thể hiện qua cảm hứng về thiên nhiên, con người và những phong tục, tập quán của đồng bào nơi đây. “Bình Minh Xanh” cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

“Bình Minh Xanh” là tập truyện ngắn có dung lượng mỏng mảnh. 8 câu chuyện về bản lĩnh, cá tính, nhân cách và tấm lòng của những người con xứ Mường như được phô diễn một cách chân thành, thẳng thắn. Vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của đồng bào dân tộc Mường xuất hiện như chủ thể của mọi sự sáng tạo. Mỗi nhân vật tuy khác nhau về hoàn cảnh sống, tính cách, số phận nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ là trái tim nhân hậu, thật thà, luôn biết bao dung tha thứ nhưng cũng không kém phần nghị lực, khao khát vươn lên bứt mình ra khỏi rào cản của đói nghèo, lạc hậu, làm chủ cuộc sống của chính mình.

Tập truyện ngắn mở ra với câu chuyện xoay quanh bà Xanh – người vợ, người mẹ của hai cha con liệt sĩ nhà họ Bùi là cụ Bùi Minh Sáng và con trai cụ là Bùi Minh Quang. Người đàn bà góa bụa đã vượt lên khỏi nỗi đau cá nhân để đau nỗi đau của toàn dân tộc. Bà không chỉ xót thương, tưởng nhớ chồng, con mình mà thương yêu tất cả “các thế hệ những người con ưu tú của Mường Chiềng đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”. Xuất phát từ nỗi niềm thương yêu, trân trọng, tự hào như thế nên bà Xanh trân quý biết bao giá trị văn hóa truyền thống đã được đắp đổi bằng xương máu, mồ hôi, trí tuệ của biết bao thế hệ mới có được. Bà yêu theo một cách rất văn minh, hiện đại. Yêu trong sự hiểu biết sâu sắc, thấm nhuần về lịch sử, nền tảng văn hóa tinh thần của dân tộc. Bà nói trong nỗi niềm rưng rưng: “Văn hóa còn là nhân chứng lịch sử vẫn còn và đất nước vẫn còn cả ngàn năm bền vững nữa”. Bởi vậy, bà luôn đau đáu, mong mỏi người dân Mường Chiềng có thể chung tay góp sức khôi phục lại lễ hội truyền thống này. Lễ hội truyền thống không chỉ đẹp trong rực rỡ váy hoa, rộn ràng trong tiếng hát xường giao duyên, múa pôồn pôông, ném còn, đánh khăng, chơi đu... Bà tin rằng, thông qua lễ hội, ông cha còn muốn nói với con cháu đời sau: “Người Mường ta khi uống nước thì phải nhớ đến nguồn. Đừng bao giờ quên đi những người có công đánh giặc giữ nước, giữ mường”.

Không chỉ là người nặng lòng với việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bà Xanh còn là một trong những nhân tố đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Ngay cả khi bị căn bệnh hiểm nghèo giày vò đau đớn, bà Xanh vẫn cố gắng gượng dậy vì “công việc còn dang dở”, “bà vẫn còn rất bận”: Những dự án trồng trọt, chăn nuôi, giống mới, con lai để giúp người Mường Chiềng thoát nghèo. Rồi cả công việc làm ăn của trang trại. Bệnh tật có là gì, bà Xanh không màng đến. Bà cũng không muốn bất kỳ ai ở Mường Chiềng phải lo lắng cho tình hình sức khỏe của mình. Tấm lòng của bà Xanh còn được thể hiện ở chi tiết phân chia tài sản trong di chúc. Bà tính toán công việc làm ăn ở trang trại Quang Xanh mỗi năm ước chừng lãi khoảng hơn 300 triệu đồng. Từ đó, mỗi năm bà trích 1/3 tổng số lãi đó góp vào quỹ “Xóa đói giảm nghèo” và vốn “xây dựng nông thôn mới” của Mường Chiềng. Ngoài ra, tâm nguyện của bà còn muốn lập một quỹ khuyến học – khuyến tài cho người dân xứ này nữa...

Cuộc đời bà Xanh mang nhiều nỗi thiệt thòi, mất mát nhưng cho đến cuối đời, người đàn bà ấy hoàn toàn mãn nguyện, thanh thản để cảm nhận niềm hạnh phúc. Bà hạnh phúc vì mình đã sống xứng đáng với sự hy sinh của chồng con, làm được những điều có ích cho cuộc sống của người dân nơi Mường Chiềng, đã trả được ơn sinh thành, nuôi dưỡng cho mảnh đất quê hương. Những câu cuối cùng trong di chúc của bà Xanh mãi mãi là câu ca đẹp về ý chí, nghị lực, sự cao cả của người phụ nữ xứ Mường: “Từ nơi ấy, tôi sẽ cùng chồng đi ra đảo xa. Tôi sẽ cùng ông Quang đến những nơi mà bọn cá độc đang quấy nhiễu sự bình yên của biển đảo Tổ quốc. Tôi sẽ làm một việc gì đó mà những người như tôi, như ông Quang và tất cả những người đã hy sinh vì sự bình yên của biển còn có thể làm được, dù cho chỉ làm một con sóng hiền hòa để đưa những chuyến tàu của ngư dân ra khơi vào lộng được an toàn!...”.

Nếu bà Xanh trong truyện ngắn “Vợ liệt sĩ” cho người đọc hình dung về tấm lòng chung thủy, vẹn toàn trước sau, luôn đau đáu với khát khao bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con bản Mường Chiềng thì nhân vật cô giáo Hân trong truyện ngắn “Bình Minh Xanh” lại là đại diện tiêu biểu cho thế hệ những người trẻ tuổi có nhiệt huyết, có tình yêu với xứ Ba Mường và sự nghiệp trồng người nơi xa xôi, heo hút này. Hân là con gái xứ Ba Mường. Sau khi tốt nghiệp trường trung cấp sư phạm, cô không về phố huyện Ba Mường dạy học theo sự phân công của Sở Giáo dục cũng như mong muốn của mế. Cô xin đi vùng cao biên giới bởi cô biết “trên ấy đang rất cần người”. Hân còn trẻ. Cô muốn đóng góp chút sức lực của mình vào sự phát triển của đồng bào. Cô cũng hiểu rằng, khi quyết định lên Pù Hu – một xã vùng cao nằm sát biên giới Việt Lào cắm bản là chấp nhận đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ. Nhưng Hân muốn thử thách chính mình: “Hai mươi mốt tuổi trên đầu người ta vẫn còn rất nhiều thời gian để học”. “Cô giáo trẻ có dáng người thanh mảnh, nước da trắng ngần, đôi bàn chân nhỏ nhắn này sẽ trụ lại Pù Hu được mấy mươi ngày?” – ông trưởng phòng giáo dục huyện đã rất băn khoăn khi nhìn thấy Hân lần đầu. Trước Hân cũng đã có nhiều giáo viên xăm xăm bước chân lên biên giới cắm bản giống cô.

Nhưng phần lớn họ ở chưa ấm chỗ đã vội tìm cách tháo lui vì không chịu nổi khó khăn, gian khổ. Nhưng không, Hân khác biệt. Hân không chỉ có sự liều lĩnh và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Hân có bản lĩnh, sự kiên trì, lòng tự trọng. Hân là một cô giáo luôn coi học trò như máu thịt của mình. Cô coi vùng cao biên giới như mái nhà của mình. Cô giáo mở lớp dạy chữ ban đêm cho người mù chữ. Cô lên rẫy, lên nương cõng những đứa trẻ bỏ học trở lại lớp; bỏ hết tiền lương ra mua thuốc chữa bệnh cho người nghèo; tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy cho “bọn thanh niên lông bông”... Đối với Hân, việc có thể “góp một chút sức lực của mình vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở vùng cao biên giới của Đảng ta mà đoàn thanh niên chính là đội quân xung kích, là mơ ước của em”.

Ngay từ đầu truyện, nhà văn Hà Thị Cẩm Anh đã khéo léo, kỳ công xây dựng tình huống truyện gây cấn, nghẹt thở vừa có sức lay động, cuốn hút người đọc vừa giúp nhân vật Hân thể hiện được bản chất tốt đẹp trong chính hành động, suy nghĩ của mình. Đó là tình huống cô giáo Hân bị Nhấm – “thằng ma khao”, “loại đàn ông hình người tâm sói”, trùm buôn hàng trắng khét tiếng một vùng thuê người bắt cóc. Thông qua cuộc đối thoại cùng diễn biến tâm lý, hành động, suy nghĩ với thằng Nhấm đã bộc lộ rất rõ ràng nhân cách, quan điểm sống thẳng thắn như cây lim rừng, không vì ham cái lợi trước mắt mà bán rẻ lương tâm mình của cô giáo Hân. Chính thằng Nhấm đã phải đau đớn, nghiến răng mà nói trong uất hận: “Nếu mày chịu làm vợ tao, nhất định tao sẽ là một đứa làm chồng tốt nhất. Một thằng chồng tốt là một thằng chồng có nhiều tiền. Tao có rất nhiều tiền. Mày tha hồ làm bà Cun, bà Tạo ở cái xứ Ba Mường chết tiệt ấy, nhưng mày không muốn”. Trước lời dụ dỗ, thề thốt yêu đương của Nhấm, Hân kiên quyết, thẳng thừng ném vào mặt hắn lời từ chối cay nghiệt nhất: “Nếu phải sống chung với mày dù chỉ một ngày, tao thà ăn lá ngón để chết còn hơn”. Mặc dù Hân hận Nhấm đã gây ra “cái chết trắng” cho anh trai mình và biết bao thanh niên Pù Hu nhưng lòng bao dung trong con người Hân vẫn mong muốn khuyên được Nhấm “quay đầu lại mà sống cho tử tế”.

Bà Xanh, hai cha con liệt sĩ nhà họ Bùi, cụ cố họ Trương, Công tử Dị, cô Vẹn, cô giáo Hân, chị Tính, thầy Khơi, bà ngoại, người anh trai, cô thiếu phụ và ông lão Ngư, Hào và người mẹ đáng kính của mình... các nhân vật ấy đều là người con ưu tú, thể hiện được tinh thần, cốt cách của đồng bào dân tộc Mường; sống xứng đáng với Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới. Hơn tất thảy, họ là kết tinh từ tình yêu thương, gắn bó và niềm tự hào của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh về đất và người quê hương mà chị đau đáu mang theo trong suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]