(Baothanhhoa.vn) - Ngôi nhà cấp 4 nằm khuất trong con ngõ 58 Tô Vĩnh Diện (TP Thanh Hóa) luôn rợp bóng cây xanh. Nơi mái hiên đầu hồi, cây khế già vươn những cành tươi mới và khỏe mạnh, gánh sai quả và bóng rợp một khoảng sân. Sau cánh cổng ngôi nhà ấy, dường như cái nắng oi ả cũng dịu lại theo vòng quay đều đều của chiếc quạt điện cũ và khung cảnh rất đỗi bình dị của đôi vợ chồng già: Ông đọc sách, bà ngồi cạnh thi thoảng chêm vào đôi ba câu chuyện bất chợt nghĩ ra. Không hiểu sao, trong tôi bỗng nhen lên cái suy nghĩ, rằng nếu biết đủ thì phải chăng con người ta sẽ sống thanh thản và hạnh phúc hơn? Ví như cái cách mà hai con người ấy đang tạo thành bức tranh cuộc sống, dù chỉ bằng vài ba nét phác họa, nhưng cũng đủ khơi gợi và lắng đọng trong tâm người nhìn nhiều xúc cảm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cây xanh thì lá cũng xanh...

Ngôi nhà cấp 4 nằm khuất trong con ngõ 58 Tô Vĩnh Diện (TP Thanh Hóa) luôn rợp bóng cây xanh. Nơi mái hiên đầu hồi, cây khế già vươn những cành tươi mới và khỏe mạnh, gánh sai quả và bóng rợp một khoảng sân. Sau cánh cổng ngôi nhà ấy, dường như cái nắng oi ả cũng dịu lại theo vòng quay đều đều của chiếc quạt điện cũ và khung cảnh rất đỗi bình dị của đôi vợ chồng già: Ông đọc sách, bà ngồi cạnh thi thoảng chêm vào đôi ba câu chuyện bất chợt nghĩ ra. Không hiểu sao, trong tôi bỗng nhen lên cái suy nghĩ, rằng nếu biết đủ thì phải chăng con người ta sẽ sống thanh thản và hạnh phúc hơn? Ví như cái cách mà hai con người ấy đang tạo thành bức tranh cuộc sống, dù chỉ bằng vài ba nét phác họa, nhưng cũng đủ khơi gợi và lắng đọng trong tâm người nhìn nhiều xúc cảm.

Cây xanh thì lá cũng xanh...

Niềm vui tuổi già. Ảnh: Hoàng Xuân

Không gian ít ồn ào ấy là nơi ông Lê Đức Nghi và người bạn đời đã sống và nuôi dạy trưởng thành 6 người con trai, suốt gần 70 năm qua. Dù đã bước sang tuổi 90, nhưng trong câu chuyện của ông về quãng thời gian còn công tác và những tháng ngày vất vả của gia đình, thì vẫn chi tiết đến từng ngày tháng. Ông kể: “Ông bà gặp nhau tại lớp học dành cho cán bộ thanh niên khoảng năm 1949. Khi ấy ông là giảng viên, bà là học viên. Vì thấy bà viết chữ đẹp nên ông nhờ bà ghi lại bài giảng. Qua giao tiếp, dần dà ông bà cảm mến nhau lúc nào không hay”. Người con gái gốc Nam Định dịu dàng, điềm đạm đã khiến chàng trai vừa tròn đôi mươi ấy quyết định gắn bó cả đời. Sau 3 năm đi lại, đám cưới của ông bà được tổ chức giản dị và ấm áp trong niềm vui của hai bên nội ngoại.

Từ khi kết hôn đến khi có với nhau mấy người con, là quãng thời gian họ luôn sống xa nhau do yêu cầu công việc. Thời gian đầu bà làm công nhân Nhà máy giấy Lam Sơn, đóng ở xã Vạn Hòa (Nông Cống); còn ông công tác tại cơ quan Đoàn Thanh niên huyện Đông Sơn. Năm 1953, cô con gái đầu lòng ra đời, nhưng đến năm 1955, đứa trẻ ra đi sau một cơn bạo bệnh. Ông nhớ lại: “Lúc ấy ông đang đi công tác trong Nghệ An, phương thức liên lạc khó khăn, mà mọi việc diễn ra quá nhanh, nên ông không kịp trở về. Chồng vắng nhà, con lại mất, quá đau xót nên bà quyết định chuyển công tác ra nhà máy sản xuất diêm tại Đông Anh (Hà Nội) và làm công việc trông trẻ. Hơn 2 năm sau (năm 1957) ông mới trở về nhà sau chuyến công tác dài ngày và đón bà trở lại Thanh Hóa”.

Sau khoảng thời gian đó, hai ông bà chuyển công tác sang ngành giáo dục, nhưng vẫn mỗi người một nơi. Đến khoảng năm 1965-1966, khi Mỹ đánh phá miền Bắc, các trường học giải thể và học sinh chuyển về nông thôn, ông được giữ lại thành phố làm cán bộ tuyên huấn. Còn bà đem theo người con thứ 3 mới vài tuổi lên Ngọc Lặc học lớp bổ túc Công nông... Cứ như vậy, câu chuyện yêu xa và sống xa của ông bà kéo dài gần trọn những tháng năm công tác. Mãi đến khi ông bà về hưu cách đây 30 năm, họ mới thực sự “đoàn tụ” cùng nhau dưới mái nhà này. Có lẽ do từng là nhà giáo, nên sự thuận hòa, tôn trọng nhau là điều tôi bắt gặp được qua đôi câu trò chuyện giữa họ. Tiếng “vâng” thốt ra trong câu nói của mỗi người, dường như hàm chứa tất cả sự trìu mến. Và hơn hết, sự yêu thương, thấu hiểu và cảm thông lẫn nhau, là sợi dây bền chặt gắn kết hai con người ấy suốt mấy chục năm sống xa. “Những năm ông bà còn công tác, hầu như mọi việc trong nhà và chăm sóc con cái, đều một tay bà đảm đang. Những thành tích trong công việc của ông đều nhờ bà mới có được. Thế nên, nếu lúc trẻ ông tôn trọng bà, thì khi về già ông chăm sóc bà cũng là lẽ thường tình”, ông chia sẻ.

Người ta nói trí não người già sẽ càng nhanh lão hóa nếu không cho nó hoạt động hay bổ sung năng lượng tri thức. Vậy nên, bên cạnh người bạn đời đã cùng ông đi trọn những tháng năm vất vả, thì một người bạn tâm đắc khác của ông là sách. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn duy trì nếp sinh hoạt và làm việc khoa học. Ông vẫn năng đi lại mỗi khi có các sự kiện liên quan đến lịch sử Thanh Hoá và TP Thanh Hóa. Với uy tín của mình, ông hiện vẫn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Thanh Hóa. Ông từng tham gia nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử có giá trị, như “Thành phố Thanh Hóa từ 1804 đến 1947”, “Thành phố Thanh Hóa từ 1947 đến 1994”, “Lịch sử Đảng bộ thành phố Thanh Hóa 1945-2000”... Ông chia sẻ với tôi rằng, hiện ông đang ấp ủ một công trình nghiên cứu lịch sử - văn hóa vô cùng thú vị. Nghiên cứu này nếu được công bố và thừa nhận rộng rãi, sẽ góp thêm một tiếng nói khẳng định vị thế đặc biệt của vùng đất cổ bên bờ sông Mã trong lịch sử dân tộc.

Tôi nhớ cách đây chừng 6-7 năm, khi tôi lần đầu gặp ông, khi đó hai ông bà vừa có một “đám cưới kim cương”, được con cháu tổ chức ấm cúng và ăm ắp tình cảm. Cả 6 người con trai của ông đều được nuôi dạy trưởng thành. Có người thành đạt, có người định cư ở nước ngoài, cũng có người đã lên ông, lên bà sống trong Nam, ngoài Bắc. Ông chia sẻ: “Ông bà nuôi con khác cách các con nuôi cháu bây giờ nhiều lắm. Một phần là do hoàn cảnh, nhưng phần đa xuất phát từ quan điểm phải dạy cho con tính tự lập, tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, ngay từ nhỏ, các con của ông bà đã rất tự giác trong học tập, trong sinh hoạt và biết tự bảo ban, trông nom nhau khi bố mẹ bận rộn”. Ông không nói hết, nhưng qua cái cách ông bà kể về những người con của họ, tôi biết, ông bà đã làm được nhiều hơn thế. Đó là sự mực thước của nhà giáo đã ngấm sâu và trở thành một phần trong con người, trong lối ứng xử của họ. Để rồi, chính sự mẫu mực ấy đã và luôn là tấm gương để con cháu soi vào.

“Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”, câu ca dao quả thật chí lý lại hợp tình. Chỉ có mảnh đất màu mỡ và đầy ánh sáng, hạt mầm mới bén rễ khỏe mạnh. Và gia đình cũng vậy, chỉ có tổ ấm mới tạo điểm tựa giúp con cái trưởng thành. Gần 70 năm cho một “mối tình kim cương”, tất cả không phải chỉ có cái phần lấp lánh. Song, chính tình nghĩa, sự trân trọng, cảm thông và nhường nhịn lẫn nhau, đã giúp họ vượt qua những bất đồng và để lửa hạnh phúc luôn giữ ấm ngôi nhà.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]