(Baothanhhoa.vn) - Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới là nghĩa vụ toàn dân. Tại các xã trên tuyến biên giới vùng “phên giậu” Tổ quốc, đã có nhiều tập thể, cá nhân, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, những hộ dân sống gần đường biên giới hăng hái, đi đầu đăng ký tham cùng bộ đội biên phòng (BĐBP) bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới là nghĩa vụ toàn dân. Tại các xã trên tuyến biên giới vùng “phên giậu” Tổ quốc, đã có nhiều tập thể, cá nhân, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, những hộ dân sống gần đường biên giới hăng hái, đi đầu đăng ký tham cùng bộ đội biên phòng (BĐBP) bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Tuyến biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn dài 192 km; tỉnh Thanh Hóa có 5 huyện biên giới gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân, có 16 xã biên giới, tiếp giáp với 3 huyện Xốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ của tỉnh Hủa Phăn (Lào). Địa hình các khu vực đường biên giữa hai tỉnh chủ yếu là rừng, núi độ dốc lớn xen kẽ giữa sông, suối rất phức tạp. Thực hiện kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia Việt Nam - Lào, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn được giao xác định và xây dựng 88 vị trí/92 cột mốc, trong đó có 2 vị trí cắm mốc đại, 16 vị trí mốc trung và 70 vị trí cắm mốc tiểu.

Trong nhiều năm qua, lực lượng BĐBP tỉnh và chính quyền địa phương ở nhiều xã, huyện vùng biên đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia. Đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới”. “Mưa dầm thấm sâu” hiệu quả từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của BĐBP đã làm cho nhận thức của Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín các huyện biên giới, những hộ dân sống gần đường biên giới hăng hái, đi đầu đăng ký tham gia. Trên toàn tuyến biên giới hiện nay có 1 tập thể, 19 hộ gia đình, 90 cá nhân đăng ký bảo vệ 213,6 km đường biên và 92 mốc quốc giới; 768 tổ an ninh trật tự thôn bản, với 2.415 thành viên tham gia với nhiều mô hình, điển hình tiên tiến như: “Thanh niên làm chủ đường biên”, “Tổ an ninh tự quản”, “Già làng, trưởng bản cùng dòng họ, con cháu đăng ký quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc”, “Thôn, bản không có tội phạm”... Điều ý nghĩa nhất là người dân coi việc bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của mình.

Thời gian qua, với sự hoạt động tích cực của các già làng, trưởng bản, người có uy tín các huyện biên giới đã góp phần cùng chính quyền địa phương, Nhân dân ổn định an ninh trật tự trên địa bàn; xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc và bình yên. Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín đã trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia cùng BĐBP vận động các dòng họ tham gia tự quản đường biên, cột mốc; xây dựng tổ tự quản an ninh nông thôn.

Tiêu biểu phải kể đến già làng Hà Văn Chốn ở xã Mường Mìn (Quan Sơn) với hơn 30 năm tham gia tuần tra biên giới, âm thầm bảo vệ đường biên, cột mốc và giúp bà con phát triển kinh tế, với việc làm ý nghĩa của mình già Chốn đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành trao tặng. Là người luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ 3 cột mốc (348, 349, 350), già làng Lương Đại Thêm, ở bản Xắng, xã Yên Khương (Lang Chánh) thường xuyên tuyên truyền cho bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác bảo vệ đường biên, mốc giới.

Già làng Vi Đinh Hợi, bản Cha Khót, xã Na Mèo (Quan Sơn) là người có nhiều thành tích trong việc phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo vận động Nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giao lưu hữu nghị giữa Nhân dân hai bên biên giới, vận động người dân tố giác tội phạm, nhất là đối tượng buôn bán ma túy, vượt biên trái phép, cung cấp nhiều tin có giá trị cho lực lượng BĐBP, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia.

Và câu chuyện về già làng Phan Văn Xiết ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (Mường Lát), suốt 30 năm ròng, già miệt mài trèo đèo lội suối bảo vệ những cột mốc, tuyên truyền cho bà con dân bản hiểu về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Tuy già Xiết đã mất vào năm 2019 do tuổi cao, nhưng trước khi mất, già cũng đã kịp giao lại nhiệm vụ bảo vệ cột mốc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc mà hơn 30 năm qua già vẫn thực hiện cho con trai mình.

Thiếu tá Hà Văn Minh, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, cho biết: “Hiện đồn quản lý 30 km đường biên với 13 vị trí và 16 cột mốc, ngoài cột mốc 327 nằm tại cửa khẩu, thì những cột mốc còn lại đều có vị trí địa hình hiểm trở, nên đòi hỏi việc bảo vệ cũng nghiêm ngặt, khó khăn hơn. Tấm gương những già làng, trưởng bản, người uy tín cùng BĐBP gìn giữ cột mốc là việc làm cao cả, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ phải học tập, noi gương họ cùng chung tay bảo vệ cột mốc, đường biên”.

Có thể thấy, cùng với lực lượng chủ lực BĐBP với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, thì chính quyền xã, huyện vùng biên, đặc biệt là Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số các bản làng sống giáp với đường biên, đang là những “cột mốc sống”, với thế trận lòng dân vững chắc như “lá chắn thép” được bồi đắp từng ngày để bảo vệ an ninh vùng biên, chủ quyền quốc gia.

Bài và ảnh: Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]