Có những liệt sĩ quê Thanh Hóa hy sinh tại chiến trường Quảng Nam, hài cốt đã được đưa về quê hương, nhưng cũng có nhiều trường hợp chưa được “trở về”. Và dù mộ phần đang nằm ở Quảng Nam hay Thanh Hóa, thế hệ hôm nay đã và luôn dành sự tri ân đối với các liệt sĩ, làm cho thân nhân liệt sĩ thêm ấm lòng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tri ân người nằm xuống

Có những liệt sĩ quê Thanh Hóa hy sinh tại chiến trường Quảng Nam, hài cốt đã được đưa về quê hương, nhưng cũng có nhiều trường hợp chưa được “trở về”. Và dù mộ phần đang nằm ở Quảng Nam hay Thanh Hóa, thế hệ hôm nay đã và luôn dành sự tri ân đối với các liệt sĩ, làm cho thân nhân liệt sĩ thêm ấm lòng.

Tri ân người nằm xuốngBà Nguyễn Thị Liệu - chị dâu liệt sĩ Lê Tài Nông không khỏi bùi ngùi xót thương khi người em chồng “ra đi mang tên có tuổi, giờ nằm xuống không biết ở đất nào”. Ảnh: D.L

Ghi từ Thanh Hóa

Trong chuyến công tác tại Thanh Hóa mới đây, chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Lê Văn Năng (quê xã Đông Phú, Đông Sơn). Hài cốt liệt sĩ từ Quảng Nam đã được đưa về quê nhà an táng từ 2 năm trước theo ước nguyện của gia đình.

Vào năm 1969, theo lời kêu gọi của Tổ quốc, người thanh niên đầy nhiệt huyết tuổi trẻ Lê Văn Năng cùng bao đồng đội xung phong Nam tiến, chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam. Là chiến sĩ quân y, Lê Văn Năng vào sinh ra tử cùng đồng đội, tham gia tải thương, điều trị cán bộ, chiến sĩ trúng phải bom đạn địch không ngừng trút xuống mảnh đất Quảng Nam. Năm 1974, khi đang thực hiện nhiệm vụ tải thương chiến sĩ từ chiến trường về căn cứ để cứu chữa, chiến sĩ quân y Lê Văn Năng trúng phải bom đạn địch và hy sinh khi tuổi đời mới vừa 23. Liệt sĩ Lê Văn Năng được đồng đội chôn cất tại chiến trường, sau giải phóng mới quy tập vào Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Đồng, Đại Lộc).

Bà Nguyễn Thị Bằng - em dâu liệt sĩ Lê Văn Năng - hiện là người thờ cúng liệt sĩ tại quê nhà, kể: “Trước đây, khi hài cốt anh chồng tôi chưa được cất bốc về quê, gia đình có vào Quảng Nam thăm mộ được 2 lần. Mỗi lần vào thăm đều được ban quản trang nơi anh nằm tiếp đón chu đáo, thực hiện đầy đủ chế độ quy định dành cho thân nhân liệt sĩ đi thăm mộ. Anh nằm đâu thì cũng được hương khói, nằm ở Quảng Nam cũng như quê nhà. Nhưng do điều kiện gia đình còn khó khăn, muốn đi thăm anh nhiều nhưng xa xôi quá, nên bàn đưa hài cốt anh về quê. Tháng 1.2018, được sự hỗ trợ của chính quyền, của đồng đội, gia đình đã thuận lợi cất bốc hài cốt anh về quê, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của xã”.

Cũng ở xã Đông Phú, theo chỉ dẫn của cán bộ địa phương, chúng tôi tìm đến gia đình liệt sĩ Lê Tài Nông, cũng là một trong những người con Thanh Hóa hy sinh tại chiến trường Quảng Nam... Bà Nguyễn Thị Liệu - chị dâu liệt sĩ Lê Tài Nông không khỏi bùi ngùi xót thương khi người em chồng “ra đi mang tên có tuổi, giờ nằm xuống không biết ở đất nào”.

Gạt những giọt nước mắt, bà Liệu tỏ bày: “Đã 3 lần các con tôi vào Quảng Nam tìm mộ phần chú nhưng vô vọng. Giờ gia đình thờ cúng chú theo ngày hy sinh mà giấy báo tử đã ghi: 18.8.1969. Lúc hy sinh, chú ấy mang hàm trung sĩ, là tiểu đội phó. Giờ đây, gia đình chỉ có mong ước duy nhất là tìm được mộ phần và đưa hài cốt chú về quê”.

Quảng Nam tri ân

Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Phong (Tiên Phước) hiện có 6 liệt sĩ quê Thanh Hóa yên nghỉ. Ông Võ Xuân Anh - Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết, trước đây có nhiều liệt sĩ quê các tỉnh phía Bắc yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương, sau được gia đình cất bốc đưa hài cốt về quê. Dù quê quán ở đâu, có tên hay chưa xác định được danh tính, phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang luôn được chăm lo hương khói chu đáo. Nghĩa cử này như một phần nhỏ giúp cho phần mộ các liệt sĩ thêm ấm cúng, nhất là với trường hợp người thân ở quá xa, không có điều kiện thường xuyên thăm viếng. UBND xã Tiên Phong cũng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất khi thân nhân liệt sĩ vào thăm mộ, hoặc cất bốc hài cốt liệt sĩ về quê hương.

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, tổng cộng có 1.340 liệt sĩ quê Thanh Hóa hy sinh trên chiến trường Quảng Nam. Trong đó, ngoài số phần mộ liệt sĩ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh và nhiều trường hợp đã được gia đình đưa hài cốt về quê an táng, còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Để tưởng nhớ đến sự hy sinh to lớn của những người con quê hương Thanh Hóa đã chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Quảng Nam, một Nhà bia ghi danh liệt sĩ quê Thanh Hóa đã được xây dựng ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ). Nơi đây, toàn bộ 1.340 liệt sĩ sẽ được khắc tên.

“Nhà bia ghi danh liệt sĩ quê Thanh Hóa hy sinh trên chiến trường Quảng Nam là tâm huyết của tỉnh nhằm ghi nhớ công ơn của những người đã nằm xuống trên mảnh đất này. Nhà bia được thi công trong vòng 60 ngày, kịp khánh thành dịp Lễ kỷ niệm 60 năm ngày hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa. Toàn bộ hơn 100 tấn đá thi công nhà bia đều chuyển vào từ Thanh Hóa. Bia chính khắc họa hình tượng sông Mã, cầu Hàm Rồng, trống đồng Đông Sơn. Lư hương được chế tác mô phỏng theo đúng hình tượng lư hương mà tỉnh Thanh Hóa đã tặng cho Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Toàn bộ kinh phí xây dựng nhà bia hơn 8 tỷ đồng được trích từ ngân sách tỉnh Quảng Nam, là tấm lòng tri ân đối với sự hy sinh cao cả của liệt sĩ cũng như thân nhân, gia đình liệt sĩ ở Thanh Hóa” - ông Triều chia sẻ.

DIỄM LỆ - Báo Quảng Nam


DIỄM LỆ - Báo Quảng Nam

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]