(Baothanhhoa.vn) - “Đối với tôi, Quảng Nam là mảnh đất gợi thương gợi nhớ” – Lời chia sẻ chân thành của ông Nguyễn Hữu Ngôn – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hóa như duyên cớ tốt lành dẫn dắt chúng tôi vào câu chuyện kể về mối lương duyên đặc biệt giữa ông và mảnh đất Quảng Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Chân trời không giới tuyến cách chia”

“Chân trời không giới tuyến cách chia”

Nét đẹp của Công viên Thanh – Quảng (TP Thanh Hóa) – “chứng nhân lịch sử” cho nghĩa tình thủy chung, son sắt giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam. Ảnh: Nguyên Linh

“Đối với tôi, Quảng Nam là mảnh đất gợi thương gợi nhớ” – Lời chia sẻ chân thành của ông Nguyễn Hữu Ngôn – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hóa như duyên cớ tốt lành dẫn dắt chúng tôi vào câu chuyện kể về mối lương duyên đặc biệt giữa ông và mảnh đất Quảng Nam.

Nhớ lại những kỷ niệm đã qua, ông Ngôn bồi hồi kể: “Khi còn đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Hoằng Hóa, tôi may mắn nhiều lần tham dự các cuộc giao lưu, hội thảo được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam. Mỗi lần gặp mặt, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Nam đón tiếp chúng tôi rất thịnh tình, thân ái như anh em một nhà”. Vốn là người “say” tư liệu nên bất kể dịp nào ghé thăm Quảng Nam, dẫu có ngặt nghèo thời gian, ông Ngôn cũng cố gắng tìm mua vài cuốn sách viết về đất và người nơi đây. Xuất phát từ trải nghiệm thực tế kết hợp với kiến thức tìm hiểu được qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng, ông Ngôn càng thêm yêu mến, tự hào về “người bạn kết nghĩa” của tỉnh Thanh Hóa. Đó cũng là nguồn cảm hứng dạt dào để ông viết nên bài thơ “Tự khúc Quảng Nam”. Với lời thơ mượt mà, sâu sắc, vẻ đẹp của đất và người Quảng Nam được khắc họa trong từng địa danh, tên gọi. Nếu “câu hò điệu lý” gợi nhớ về “đêm Thu Bồn rười rượi trăng vàng” thì dư vị ngọt ngào, nồng đượm của rượu Hồng Đào, mía Điện Bàn lắng đọng trong “muôn điệu hò khoan”. Còn đó “một chiều Hòa Vang”, “Hải Vân mây vờn”, “Duy Xuyên ngút ngàn dâu xanh thắm”, “quế Trà My hương tàn máu chảy”... vẽ nên bức tranh cảnh sắc thiên nhiên đẹp rạng ngời. Nương theo dòng ký ức đong đầy xúc cảm bật lên thành lời thơ, Quảng Nam hiện dưới ngòi bút của tác giả Nguyễn Hữu Ngôn không chỉ là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên mà hơn hết, nơi đây là vùng đất đã sản sinh ra những người chiến sĩ kiên trung, anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ: “Dũng sĩ Núi Thành mài sắc mũi gươm/ Thề cùng núi sông thù này phải trả/ Gác lại bút nghiên bờ tranh mái rạ/ Đuổi giặc thù giành lại tự do”; “Gò Nổi du kích bộ đội ngủ hầm”... Nhiều tên gọi, cuộc đời “đã hóa núi sông ta”: “Nguyễn Văn Trỗi giết Mắc–na–ma–ra”; “bảy dũng sĩ Điện Ngọc/ Quên mình vì Tổ quốc núi sông”; “Chị Trần Thị Lý, Trần Thị Vân/ Mẹ Rãnh, mẹ Thứ, mẹ Cầm/ Bao bà mẹ tảo tần khó nhọc”; “Những cô gái hiền lành giản dị/ Thảo thơm hạt lúa nuôi người”... Qua bài thơ, ông Nguyễn Hữu Ngôn thể hiện mình như người bạn thân thiết luôn dõi theo từng bước phát triển của mảnh đất Quảng Nam.

Không chỉ có ông Nguyễn Hữu Ngôn, nghĩa tình Thanh Hóa – Quảng Nam dệt nên nguồn cảm hứng dạt dào cho nhiều cây viết, tiêu biểu như: Lê Đình Cánh, Mã Giang Lân, Nguyễn Duy, Nguyễn Minh Chính, Định Hải, Phạm Đình An, Vương Trọng, Tạ Vũ, Đinh Kỳ Thanh, Lê Duy Mạnh, Đức Ánh, Xuân Tùng, Vũ Hoàng, Trinh Đường... Trong thời kỳ chiến tranh, Ty Văn hóa – Thông tin Thanh Hóa còn tổ chức viết nhiều tác phẩm về Quảng Nam anh hùng như: Tập thơ “Quảng Nam anh hùng” xuất bản tháng 7–1968; tập thơ – ca – tấu “Hát mừng miền Nam – Quảng Nam chiến thắng” xuất bản năm 1975...

Trong tập thơ – ca – tấu “Hát mừng miền Nam – Quảng Nam chiến thắng” xuất bản năm 1975 giới thiệu bài thơ “Sông Mã – Thu Bồn” của tác giả Hữu Ngôn sáng tác với lời thơ ăm ắp nghĩa tình: “Sông Thu Bồn trăng sáng như gương/ Gợi nhớ những điệu hò sông Mã/ Cánh đồng Triệu Sơn nhớ ruộng đồng Quế Sơn trải lụa/ Điệu hát Thăng Bình giục mùa năm tấn Đông Sơn”. Tiếng nói của Bác Hồ: “Miền Nam trong trái tim tôi” đã trở thành “tiếng nói muôn nghìn người đứng dậy” với nỗi niềm đau đáu, trăn trở khôn nguôi. Ngay cả trong những phút giây phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, gian khó, đất và người xứ Thanh vẫn luôn giữ vững niềm tin yêu với người bạn Quảng Nam kiên cường, anh dũng: “Khi huyện Quảng Xương tiễn con em ra trận/ Nghĩ đến Hòa Vang lòng vững niềm tin/ Ngày giải phóng Quảng Nam gần với ngày tháng tư Hàm Rồng chiến thắng/ Chân trời không giới tuyến cách chia/ Bà mẹ Quảng Nam chào bà mẹ Thanh kết nghĩa/ Chớp sáng ngời trên những mắt con yêu”. Vì lẽ đó, dẫu rằng thực tế chiến đấu gian khổ, ác liệt khiến đứa con ra trận “30 năm mới thấy mặt mẹ già” nhưng tình cảm thiêng liêng vẫn vẹn nguyên trong lồng ngực ấm nóng, hòa quyện vào nhau: “Dù con suối có thay nhiều nước lũ/ Lòng con người trải qua nhiều bão tố/ Sắc xanh trong sông Mã hóa Thu Bồn”. Để rồi, chính tình cảm thiêng liêng, nghĩa tình son sắt ấy đã góp một phần nhỏ bé, làm nên thắng lợi chung của toàn dân tộc: “Mỗi tấc đất thấm nặng lời thề - máu đỏ/ Muôn chồi non bật dậy những niềm tin/ Có phải lòng ta đón muôn ngàn hướng gió/ Hay thân cành Nam – Bắc đã vươn cao”.

Giữa những ngày tháng ba, khi “từng đàn chim én tới tấp báo tin xuân” cũng là lúc “hoa chiến công nở rộ khắp miền Nam/ Rừng núi Tây Nguyên rợp cờ giải phóng/ Thông Ngự Bình trên dòng Hương Giang soi bóng/ Hát khúc tự do: Huế đẹp, Huế thơ/ Cầu Hiền Lương vững nhịp nối đôi bờ/ Liền khúc ruột hai mươi năm chia cắt”, sóng điện Quảng Nam – Đà Nẵng báo tin: “Đã giải phóng hoàn toàn”. Trước nỗi mừng vui “như suối ngầm cuộn sóng”, tác giả Hồ Tuấn Hùng viết bài thơ “Gửi về Quảng Nam – Đà Nẵng” tựa như khúc ca khải hoàn gửi tặng người bạn phương xa. Với giọng thơ mạnh mẽ, cảm xúc thơ dâng trào, từng con chữ đủ sức viết lại dòng sự kiện nóng bỏng trong cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân Quảng Nam: “Ngọn lửa uất hận đã nhen lên từ thuở/ Đất Sơn Trà mang vết đạn ngoại xâm/ Đã nhen lên từ tay Hoàng Diệu, Trần Cao Vân/ Từ trái tim hồng chị Vân, anh Trỗi/ Của dũng sĩ Núi Thành bốc cao vời vợi/ Chiều hôm nay thiêu sạch bóng quân thù/ Phá nát tan công sự, nhà kho/ Những tổ diều hâu của bầy quỷ dữ/ Cảng Đà Nẵng lại dạt dào sóng vỗ/ Mở cửa quê hương đón gió đại dương/... Hồng trang sử - cuộc đổi đời kỳ diệu!”. “Tình ruột thịt đã vượt qua giới tuyến”, khiến những người con hai miền Bắc – Nam không chỉ biết vui chung niềm vui thắng trận mà hơn hết, họ biết động viên, cỗ vũ, dìu dắt nhau cùng bước qua mọi gian nan, thử thách: “Son sắt bấy lâu đợi chờ hò hẹn/ Chung một con đường, chung những nguồn vui/ Và hôm nay, hiện thực đã đến rồi/ Khó nói hết được nghĩa tình Nam – Bắc/ Chỉ biết hẹn nhau: Chung tay góp sức/ Giữ quê hương giải phóng/ Vĩnh viễn như mặt trời/ Tay xây lại cuộc đời/ Ta đi tới trên đường vui Thống nhất”.

Đâu chỉ có thế, cảm xúc của văn nghệ sĩ khi viết về nghĩa tình son sắt, thủy chung giữa hai tỉnh: Thanh Hóa – Quảng Nam được lưu dấu trong khối lượng tác phẩm tương đối dày dặn. Từng lời thơ, từng tiếng hát ngọt lành, sâu lắng như dòng nước sông Mã, sông Thu Bồn vẫn bền bỉ chảy thách thức thời gian; qua bao thăng trầm, biến ảo của cuộc đời vẫn lấp lánh phù sa.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]