(Baothanhhoa.vn) - Báo chí cả nước thời kỳ chống chiến tranh Mỹ - Ngụy chủ yếu cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân thi đua lao động sản xuất, chiến đấu nhằm phục vụ nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Phải đến năm 1986, khi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng thổi luồng gió đổi mới toàn diện đất nước, báo chí như được khởi sắc. Trên Báo Nhân dân xuất hiện nhiều bài báo đăng trang 1 “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L. Báo Thanh Hóa “vào cuộc” sôi động hẳn lên với nhiều bài viết phê bình mặt trái, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Nhân kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Hóa ra số đầu (1962-2022) xin được kể lại một số vụ việc mà tôi được Ban Biên tập phân công trực tiếp viết bài đăng báo, hoặc giải quyết đơn thư của bạn đọc.

Viết một bài phê bình, chống tiêu cực rất khó khăn, vất vả nhưng mà vui

Báo chí cả nước thời kỳ chống chiến tranh Mỹ - Ngụy chủ yếu cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân thi đua lao động sản xuất, chiến đấu nhằm phục vụ nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Phải đến năm 1986, khi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng thổi luồng gió đổi mới toàn diện đất nước, báo chí như được khởi sắc. Trên Báo Nhân dân xuất hiện nhiều bài báo đăng trang 1 “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L. Báo Thanh Hóa “vào cuộc” sôi động hẳn lên với nhiều bài viết phê bình mặt trái, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Nhân kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Hóa ra số đầu (1962-2022) xin được kể lại một số vụ việc mà tôi được Ban Biên tập phân công trực tiếp viết bài đăng báo, hoặc giải quyết đơn thư của bạn đọc.

Viết một bài phê bình, chống tiêu cực rất khó khăn, vất vả nhưng mà vui

Vụ phê bình trại chăn nuôi lợn tập thể ở hợp tác xã (HTX) T.H làm ăn kém hiệu quả. Những năm bao cấp, phát triển chăn nuôi lợn tập thể đang được khuyến khích, nhiều điển hình nuôi lợn được Báo Thanh Hóa biểu dương, cổ vũ nhân rộng trong tỉnh. Định về hợp tác xã HTX T.H huyện Tr để viết bài biểu dương nhưng xuống xã đi thăm trại lợn tập thể và đến những hộ nuôi lợn riêng lẻ tại gia đình, tôi phát hiện đàn lợn tập thể còi cọc, chuồng trại hôi thối, xập xệ, thức ăn trong máng lợn lèo tèo… Hỏi chuyện mấy xã viên trong trang trại, các chị cho biết: “Các ông trong ban quản trị HTX giao khoán tất cho trưởng trại chăn nuôi; quy định có công thức nuôi lợn đều dán công khai nhưng trại có làm như vậy đâu. Chúng tôi là người làm công chấm điểm, trưởng trại bảo sao làm vậy. Nhìn lợn còi cọc, ốm yếu, có đợt chết hàng loạt mà thấy buồn”. Tôi tìm gặp trưởng trại, ông đem ra tập tài liệu, quy định của HTX rồi nói như phân trần “Trại chúng tôi làm đúng như quy trình hướng dẫn sao lợn vẫn không béo tốt, tăng trọng rất chậm, anh ạ”.

Sau khi Báo Thanh Hóa đăng bài “Lợn nuôi ở trại tập thể còi cọc, lợn dân nuôi béo tốt” lãnh đạo huyện Tr phê bình chủ nhiệm HTX T.H cần chấn chỉnh ngay. Sau lần ấy, gặp nhau trên huyện thấy tôi, chủ nhiệm HTX T.H tránh mặt. Ít lâu sau, trở lại huyện làm việc và dự hội nghị, nhân lúc nghỉ giải lao, đồng chí Ng, Bí thư Huyện ủy kéo chủ nhiệm HTX T.H đến gặp tôi, anh nói: “Báo Đảng phê bình đúng, là bài học mình nên rút kinh nghiệm để làm cho tốt hơn, sao ông lại nặng nề với nhà báo vậy”. Sau một thời gian khắc phục khuyết điểm, trại chăn nuôi lợn HTX T.H là một điển hình làm ăn có hiệu quả, được huyện biểu dương.

Đối với vụ cấp đất tùy tiện cho dân làm nhà ở của chủ tịch xã Đ.H: Một buổi sáng đầu tuần, tôi đang ngồi ở phòng Bạn đọc, thấy anh bạn cùng đi B với tôi, gõ cửa bước vào. Sau vài câu thăm hỏi chuyện gia đình, công việc cơ quan, anh bức xúc vào đề ngay “Chủ tịch xã tôi to hơn cả chủ tịch tỉnh; ông ấy chỉ viết giấy tay, những người có chức quyền trong xã, người nhà, người thân quen của ông ấy sẽ có đất làm nhà ở. Việc này diễn ra lâu nay ở xã tôi mà huyện không biết. Báo Đảng các ông có dám viết bài không”. Đáp lời anh, tôi nói sẽ báo cáo Ban Biên tập và sớm về xã Đ.H, nhưng hẹn anh bạn ấy cung cấp thêm số liệu thực tế của xã. Trước khi ra về, bạn tôi còn nhắc lại “vụ này nhà báo không có bài đăng, tôi xin quên ông luôn”.

Hôm về xã Đ.H đóng vai người đi mua đất, anh bạn đưa tôi đi xem, chụp ảnh những lô đất đã giao cho dân, có hộ đang xây nhà, có hộ đổ móng rồi chờ ngày khởi công, hộ thì rào chắn xung quanh để trồng trọt, chăn nuôi… Anh còn phô tô được mấy tờ giấy viết tay của ông chủ tịch xã chuyển cho tôi. Đầu giờ chiều, tôi đến trụ sở UBND, cán bộ văn phòng nói chủ tịch xã chưa tới. Tôi tìm về nhà riêng thấy ông chủ tịch đang giải quyết công việc tại gia. Người thì xin chữ ký; người xin kinh phí cho hội họp; người xin xác nhận hộ tịch, hộ khẩu; người xin cấp đất làm nhà… Tôi kiên trì ngồi bàn nước chờ đợi. Khi mọi người ra về hết, nhìn tôi còn trẻ, ông chủ tịch hất hàm hỏi: “Anh tê (anh kia) có việc gì ra tôi giải quyết nốt để tôi còn lên trụ sở”. Tôi từ tốn lấy thẻ nhà báo đưa cho ông: “Vâng, tôi cũng đang có việc cần làm với chủ tịch”. Ông vội vàng: “Chết thật” thế mà đồng chí cứ ngồi từ nãy đến giờ. Mời đồng chí ta cùng lên trụ sở ủy ban”. Với tư liệu, chứng cứ rõ ràng, chủ tịch xã Đ.H thừa nhận việc ông cấp đất cho dân làm nhà ở là vượt thẩm quyền, trái quy định của Luật Đất đai; nhưng ông đề nghị với tôi là báo không đăng bài để xã nghiêm túc khắc phục khuyết điểm. Sau ngày đăng bài “Cấp đất tùy tiện cho dân làm nhà ở tại xã Đ.H”, Ban Biên tập báo gửi công văn đề nghị chủ tịch huyện kiểm tra và xử lý sai phạm tại xã Đ.H. Chủ tịch xã Đ.H bị cách chức; một cán bộ chủ chốt của huyện được chủ tịch xã Đ.H cấp cho suất đất (đứng tên con) cũng bị huyện khiển trách và phải trả lại mảnh đất ấy cho xã. Sau vụ ấy, anh bạn tôi cầm tờ Báo Thanh Hóa đến tòa soạn, phấn khởi “Xã Đ.H dạo này có rất nhiều việc tốt, hôm nào ông lại về viết cho xã một bài biểu dương”. Tôi mời anh Tr.Đ, Trưởng phòng Bạn đọc cùng đi tiếp anh bạn. Anh Tr.Đ rất vui vì phòng Bạn đọc đã giải quyết một vụ tiêu cực có hiệu quả; bài báo phê bình rất có tác dụng. Anh Tr.Đ nâng cốc bia vỗ vai chúng tôi: “Chúc hai ông bạn chiến đấu giữ vững bản chất - chí khí người lính trên mặt trận mới nhé”.

Về vụ cấp thuốc chữa bệnh cho người không ốm tại một bệnh viện đa khoa huyện: Thời bao cấp, các mặt hàng thiết yếu: lương thực, thực phẩm, vải vóc, thuốc chữa bệnh... được cấp theo tem phiếu, đơn của bác sĩ. Tại bệnh viện đa khoa Đ, giám đốc có chủ trương nội bộ (dù biết trước là sai), đó là hằng tháng mỗi cán bộ, y bác sĩ, nhân viên bệnh viện được nghỉ ốm (trên giấy) từ 1 đến 2 ngày để vào viện và được bác sĩ kê đơn, cấp thuốc đem về. Chủ trương nội bộ ấy sau một thời gian lọt ra ngoài. Anh bạn làm ở phòng kế hoạch - nghiệp vụ y của bệnh viện bật mí việc này cho tôi. Có tay trong, tôi hướng dẫn bạn bí mật phô tô những tài liệu như bảng chấm công người đi làm hằng tháng của các khoa phòng, danh sách người nghỉ ốm nhập viện (trên giấy), giấy khám bệnh, đơn cấp thuốc, phiếu xuất kho các loại thuốc cấp cho người bệnh... Khi đủ tài liệu và có được những “phỏng vấn khéo” một số cán bộ, nhân viên bệnh viện, tôi báo cáo và được Tổng Biên tập đồng ý cho viết bài “Cấp thuốc chữa bệnh tràn lan cho cán bộ, nhân viên tại bệnh viện đa khoa huyện Đ”.

Báo đăng kỳ thứ nhất đã chấn động dư luận cả huyện Đ và ngành y tế tỉnh. Nhiều cuộc điện thoại từ huyện, từ bạn đọc gọi đến chất vấn Tổng Biên tập. Báo đăng tiếp kỳ thứ hai, chủ tịch UBND huyện Đ gửi công văn mời Ban Biên tập và tác giả bài báo về huyện làm việc. Tại cuộc làm việc có đầy đủ thành phần lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, ngành y tế, Báo Thanh Hóa, Ban giám đốc bệnh viện…, tôi trình bày tất cả tài liệu, chứng cứ chứng minh việc cấp thuốc chữa bệnh người không ốm tại bệnh viện là trái quy định của Nhà nước và của ngành y tế. Ông Ch, giám đốc bệnh viện xác nhận việc làm sai trái này và xin nhận khuyết điểm cũng như hình thức kỷ luật. Đồng chí chủ tịch huyện Đ yêu cầu giám đốc bệnh viện có bài tiếp thu phê bình gửi Báo Thanh Hóa đăng sớm nhất. Một thời gian sau, giám đốc bệnh viện Đ nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi.

Vụ đi tìm sự thật, trả lại danh dự cho một đảng viên bị xóa tên: Anh H.X.T tìm gặp tôi tại tòa soạn với chiếc cặp 3 dây dày cộp trên tay. Trên nét mặt buồn rầu bi quan, anh khẩn thiết: “Tôi đến gửi nhà báo tập tài liệu này và lá đơn kêu cứu của một đảng viên bị xóa tên, rất mong được báo Đảng tỉnh nhà minh oan, để tôi được trả lại danh dự người đảng viên và tiếp tục cống hiến cho Đảng”. Anh H.X.T quê ở Nghệ An, học hết cấp III anh ra Thanh Hóa công tác trong ngành thương nghiệp tỉnh từ năm 1968; năm 1982 được kết nạp vào Đảng; năm 1992 được bổ nhiệm làm giám đốc một xí nghiệp thuộc ngành thương nghiệp. “Sóng gió” đến với anh bắt đầu từ đây, một lá thư nặc danh tố giác anh T đã có thời gian phải đi cải tạo lao động tập trung những năm học cấp III (1961-1963) chẳng hiểu quy trình, thủ tục xem xét đơn thư của cấp trên thế nào, anh T bị xóa tên trong danh sách đảng viên của chi bộ xí nghiệp. Nghiên cứu kỹ tài liệu, tôi thấy phải đi tìm và làm rõ sự thật, anh T có đúng phải đi cải tạo lao động tập trung thời gian đang học cấp III. Tôi báo cáo nội dung vụ này, được Tổng Biên tập đồng ý cho đi xác minh; thế là tôi xách ba lô lên tàu đêm vào Vinh.

Đến Báo Nghệ An, sau khi báo cáo nội dung chuyến công tác, Ban Biên tập báo phân công đồng chí Trưởng phòng Bạn đọc đồng hành cùng tôi về huyện Yên Thành, quê anh T; về huyện Diễn Châu nơi anh T học cấp III. Tại công an hai huyện Yên Thành và Diễn Châu, anh T không có tên trong danh sách đi cải tạo lao động tập trung lưu trong hồ sơ các năm 1961-1963. Chúng tôi đến công an tỉnh Nghệ An, được đồng chí Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh L.V.Kh đón tiếp chân tình, ông nói: “Rất cảm ơn Báo Thanh Hóa, Báo Nghệ An đã quan tâm đến sinh mạng chính trị của đảng viên và đi tìm sự thật về vụ việc này. Những năm 1961-1963, tôi làm Trưởng Công an huyện Diễn Châu không có học sinh cấp III tên H.X.T vi phạm pháp luật buộc phải đi cải tạo lao động tập trung”. Trong hồ sơ lưu tại Công an tỉnh, cũng không có tên anh này. Kết thúc buổi làm việc, tôi có trong tay giấy xác nhận của Công an tỉnh Nghệ An “Anh T không vi phạm pháp luật, không chịu hình phạt cải tạo tập trung thời gian 1961-1963”. Có kết quả này, Ban Biên tập Báo Thanh Hóa làm công văn kèm theo hồ sơ xác minh vụ việc gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy giải quyết đơn khiếu nại của đảng viên H.X.T (báo không đăng bài điều tra qua đơn thư). Mấy ngày sau, anh H.X.T nhận được quyết định phục hồi lại đảng tịch, tiếp tục sinh hoạt Đảng tại chi bộ xí nghiệp.

Một hôm anh H.X.T đưa chị B- vợ anh với túi quà chè Thái, thuốc lá Tam Đảo đến gặp Tổng Biên tập cảm ơn Báo Thanh Hóa. Trong niềm vui xúc động, anh T nói: “Tôi như được sinh ra lần thứ hai nhờ Báo Thanh Hóa minh oan trả lại danh dự cho cá nhân và gia đình. Ơn này tôi không bao giờ quên!”. Niềm vui của anh H.X.T và gia đình cũng là niềm phấn khởi của những người làm báo chúng tôi khi làm tròn trách nhiệm của tờ báo Đảng, là diễn đàn làm chủ của bạn đọc, của Nhân dân trong tỉnh.

Chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực thời buổi nào cũng khó khăn bởi những kẻ vi phạm có rất nhiều thủ đoạn che dấu, bưng bít và chống đối quyết liệt. Thời kỳ đầu đổi mới để có được bài báo điều tra một vụ việc người phóng viên rất khó khăn, vất vả để đi tìm sự thật, lẽ phải, công bằng. Sau khi báo phát hành được bạn đọc đón đọc, hoan nghênh, cổ vũ động viên, kẻ vi phạm bị xử lý nghiêm minh, người khiếu nại được minh oan… Đó là niềm phấn khởi, hạnh phúc của nhà báo và tập thể anh chị em toà soạn.

Nhà báo Lê Tiến Kiên - Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa


Nhà báo Lê Tiến Kiên - Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]