(Baothanhhoa.vn) - Báo Thanh Hóa (BTH) đã trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành. Hành trình ấy được viết nên bởi biết bao nỗ lực, cố gắng, phấn đấu, tâm huyết và những ân tình thắm đượm. Ngược dòng thời gian, tìm về với những con người đã sống và gắn bó với BTH trong thời kỳ phải đi sơ tán khắp các vùng Đông Thịnh (Đông Sơn), Dân Lý (Triệu Sơn), Thiệu Lý (Thiệu Hóa) mới thấm thía hết tình cảm yêu mến, trân trọng, sẻ chia, giúp đỡ giữa BTH và cơ sở, quần chúng Nhân dân.

Mãi mãi ân tình

Báo Thanh Hóa (BTH) đã trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành. Hành trình ấy được viết nên bởi biết bao nỗ lực, cố gắng, phấn đấu, tâm huyết và những ân tình thắm đượm. Ngược dòng thời gian, tìm về với những con người đã sống và gắn bó với BTH trong thời kỳ phải đi sơ tán khắp các vùng Đông Thịnh (Đông Sơn), Dân Lý (Triệu Sơn), Thiệu Lý (Thiệu Hóa) mới thấm thía hết tình cảm yêu mến, trân trọng, sẻ chia, giúp đỡ giữa BTH và cơ sở, quần chúng Nhân dân.

Mãi mãi ân tìnhSố báo Thanh Hóa đổi mới đầu tiên và những kỷ vật trong tác nghiệp và xuất bản của Báo Thanh Hóa còn lưu lại tại Phòng Truyền thống Báo Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu

BTH ra đời trong điều kiện cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong thời kỳ nhiều biến động lịch sử, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng ác liệt, tòa soạn BTH được lệnh đi sơ tán tránh xa các trọng điểm đánh phá của địch. Ban đầu, tòa soạn sơ tán đến Ty Thủy sản, rồi sang Trường Hoàng Văn Thụ (vì các cơ quan này đã sơ tán về các vùng nông thôn). Nhưng sau đó, các mục tiêu đánh phá của địch không chỉ dừng lại ở các trọng điểm giao thông, các cơ sở trọng yếu mà loang ra các vùng dân cư ở thị xã Thanh Hóa và các thị trấn trong tỉnh. Tòa soạn phải di chuyển về thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn; sau đó tiếp tục đến xóm 4, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, rồi sang thôn Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa. Một thời kỳ gian khó đã ở lại cùng thời gian nhưng ký ức, kỷ niệm về những ngày tháng ấy vẫn gợi lên trong lòng nhiều thế hệ phóng viên BTH niềm trân trọng, tự hào.

Không phải là phóng viên, ít có điều kiện đến với cơ sở nhưng bà Trần Thị Hải Đường (72 tuổi, TP Thanh Hóa) là người gắn bó cùng BTH từ những ngày gian khó nhất. Năm 1966, từ xí nghiệp hóa chất, bà Đường về làm cấp dưỡng ở BTH khi vừa tròn 17 tuổi. Thời kỳ đó, BTH đang phải đi sơ tán đến thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, Đông Sơn. Điều kiện sinh hoạt, làm việc, đời sống của cán bộ, phóng viên, người lao động muôn vàn khó khăn, vất vả. Bà Đường hồi tưởng lại: “Chính quyền địa phương và Nhân dân tại nơi sơ tán rất quan tâm, tạo điều kiện, chu đáo với BTH. Tại đây, mọi người được phân công chia nhau ở cùng với nhà dân. Bếp ăn tập thể cũng được mượn nhà của một người dân trong thôn”.

Chẳng sung túc, đủ đầy nhưng chính những năm tháng ấy lại ghi đậm trong tâm trí bà Đường nhiều ký ức, kỷ niệm ấm áp, quý trọng mãi không thôi. Bà Đường nhớ những ngày giúp người dân nơi đây tất tưởi gặt lúa, nhổ khoai trên đồng, trên bãi để “chạy lụt”. Bà nhớ những gương mặt chất phác, thân tình chào hỏi, chuyện trò rôm rả bên ấm nước chè xanh trong đêm trăng thanh gió mát. Bà nhớ hương vị củ khoai, bắp ngô luộc còn nóng hổi được người dân mang cho cùng nụ cười đon đả... Ở nơi ấy, tuy rằng khó khăn, thiếu thốn nhưng chan chứa niềm vui, gần gũi, chân thành.

Trong những câu chuyện, hồi ức về năm tháng gắn bó với BTH, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), nhà báo Trần Đàm vẫn thường hào hứng nhắc nhớ về quãng thời gian sơ tán đến xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa. Ban đầu, cơ quan chia ra ở cùng với nhà dân, sau đó mới đề xuất với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho BTH sử dụng đất ở khu chăn nuôi của HTX, gần sông Nông Giang để dựng lên mấy dãy nhà tranh làm nơi tổ chức hoạt động. Ông Đàm chia sẻ: “Thời buổi thiếu khó, phóng viên lăn lộn trên những nẻo đường từ vùng đồng bằng, ven biển cho đến miền núi xa xôi dưới làn mưa bom bão đạn chỉ có chiếc xe đạp cọc cạch. Cơm đùm cơm nắm đạm bạc, tạm bợ cho qua bữa. Nhưng đi đến đâu, phóng viên BTH cũng được cơ sở, Nhân dân tin yêu, quý trọng”.

Lúc bấy giờ, BTH chưa chia phòng, ban mà chia thành các tổ, mỗi tổ có một vài người phụ trách các lĩnh vực khác nhau. BTH xuất bản 2 kỳ/tuần, 4 trang/kỳ. Phần lớn phóng viên BTH thời kỳ này đều là những người “tay ngang”, chưa trải qua một trường, lớp đào tạo báo chí nào. Họ là các nhân tố điển hình, tích cực, có năng khiếu viết lách từ các ngành nghề khác nhau điều động sang.

Căn cứ vào chủ trương, định hướng tuyên truyền của Tỉnh ủy theo tháng, theo năm, BTH xây dựng đề cương, kế hoạch hoạt động. Thời kỳ đó, BTH là một trong những tòa soạn báo làm tốt công tác phát hiện, nêu gương điển hình, đi sâu vào các phong trào lớn do tỉnh, đất nước phát động... Phóng viên BTH tỏa đi các hướng, bám sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói của Nhân dân để kịp thời tuyên truyền, phản ánh... Có những chuyến ngược ngàn, phóng viên cật lực trên chiếc xe đạp, đêm xuống thì xin ngủ nhờ nhà dân, gặp bữa thì cũng xin thêm đôi đũa, cái bát ăn cùng. Những người xa lạ gặp nhau nhưng khi phóng viên ngỏ lời thì chẳng ai khước từ, nặng nhẹ mà luôn cởi mở, hiếu khách. “Trên dọc ngang những nẻo đường tác nghiệp ấy, sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của cơ sở, Nhân dân đã phần nào giúp chúng tôi từng bước vượt qua khó khăn, thêm động lực, gắn bó với nghề, nỗ lực xây dựng và phát triển BTH” – ông Đàm chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Tuấn (bút danh Hoàng Dương) về công tác tại BTH khi tuổi vừa chớm đôi mươi. Cái nhiệt huyết, hăng say tuổi trẻ luôn thôi thúc ông không ngừng nỗ lực, cố gắng để từng bước trưởng thành hơn với nghề. Từ một nhà giáo chỉ quen với phấn trắng bảng đen, ông Tuấn nhanh chóng “nhập cuộc”, gần gũi, lắng nghe tiếng nói của Nhân dân, sâu sát với cơ sở. Ký ức, hoài niệm của người làm báo không thể thiếu chuyện kể về những nơi mình đã đi, những con người đã từng gặp gỡ, những bài báo tâm đắc. Trong cuộc đời làm báo của mình, ông Tuấn có nhiều duyên nợ với đất và người huyện Triệu Sơn. Bài báo “Na Sơn nổi lửa” đến giờ vẫn khiến ông Tuấn rưng rưng xúc động. Bài báo ra đời trong bối cảnh huyện Triệu Sơn liên tiếp nhiều ngày mưa lớn dẫn đến lụt lội. Không quản khó khăn, nguy hiểm, ông Tuấn về với Na Sơn ghi nhận thực tế. Chứng kiến sự kiên cường, tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt lên nghịch cảnh của người dân Triệu Sơn, ông Tuấn viết bài báo “Na Sơn nổi lửa”. Bài báo được chính quyền, đông đảo người dân hưởng ứng, đánh giá cao. Bài báo như “ngọn lửa” góp phần cổ vũ, động viên người dân Triệu Sơn tiếp tục nêu cao tinh thần, ý chí vươn lên. Sau bài báo này, ông Tuấn được cơ quan khen thưởng. Nhưng điều khiến ông cảm thấy tự hào nhất là có thể bằng ngòi bút của mình viết nên những câu chuyện đẹp, có sức lan tỏa trong xã hội.

Ông Tuấn về nhận công tác vào thời điểm BTH phải đi sơ tán. “Những gian nan, thử thách khó diễn tả hết thành lời nhưng mọi người yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau nhiều lắm, cùng nhau đồng cam cộng khổ” – nhà báo Nguyễn Tuấn chia sẻ. Nhiều khi thấy nhà báo vất vả quá, ban ngày thì đội mưa đội nắng, lăn lộn đi cơ sở, đêm về viết bài, ăn uống quanh quẩn chỉ có ngô, có mạch lĩnh theo chế độ nên dân thương. Khi thì họ giúp mình xay, giã mạch, khi thì họ đổi cho mấy cân lúa mới... Cho đến hôm nay, nhiều kỷ niệm dường như đã bị thời gian phủ mờ nhưng ông Tuấn vẫn nhớ mãi khoảng thời gian hơn 2 năm sống cùng gia đình ông Phúc ở xóm 4, xã Dân Lý. Ông Tuấn kể: “Nhà ông Phúc ngày xưa có cái giếng đất. Mình thấy tiện nên làm cái gầu múc nước. Những khi bận bịu công việc thì thôi chứ rảnh rỗi là vẫn thường chơi đùa, tắm cho cậu con trai nhà ông ấy ở cái giếng đó, thân tình lắm”.

Câu chuyện của NSNA, nhà báo Trần Đàm, nhà báo Nguyễn Tuấn, cô Đường... như những thước phim tư liệu tái hiện chân thực, sinh động một chặng đường gian khó, vất vả nhưng chan chứa ân tình, niềm vui, niềm tự hào, biết ơn. Đây là nguồn động lực to lớn để BTH không ngừng nỗ lực, cống hiến, phát triển, xứng đáng với tình cảm yêu mến, sự tin tưởng, kỳ vọng của cơ sở, quần chúng Nhân dân.

Những dấu mốc đáng nhớ - phần thưởng cao quý

A.Những dấu mốc đáng nhớ

- Tháng 2-1962, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về vấn đề ra tờ báo của Đảng bộ tỉnh.

- Ngày 20-3-1962, số báo Thanh Hóa đổi mới đầu tiên được xuất bản. Đến tháng 5-1966, báo Thanh Hóa đổi mới được đổi tên thành báo Thanh Hóa.

- Ngày 1-1-2003, báo Thanh Hóa tăng kỳ xuất bản từ 3 kỳ lên 4 kỳ/tuần.

- Ngày 1-1- 2008 báo Thanh Hóa tăng kỳ xuất bản từ 4 kỳ lên 6 kỳ/tuần.

- 5-12-2005, trang thông tin điện tử báo Thanh Hóa hòa mạng Internet. Từ 1-1-2017 trở thành báo Thanh Hóa điện tử.

- Từ tháng 8-2006 xuất bản báo Thanh Hóa hằng tháng.

- Từ năm 2012 xuất bản Phụ trương miền núi (nay là trang Miền núi số Chủ Nhật).

- Ngày 19-10-2016, Đề án đổi mới và phát triển toàn diện Báo Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa phê duyệt.

- Từ tháng 1-2017, báo Thanh Hóa xuất bản số Chủ nhật 8 trang, đưa báo Thanh Hóa trở thành nhật báo.

- Từ 1-1-2018, Báo Thanh Hóa hàng ngày tăng từ 4 trang lên 8 trang.

- Báo Thanh Hóa hàng ngày hiện có số lượng phát hành hơn 13.000 tờ/kỳ. Từ in 4 màu các số báo đặc biệt, tiến tới duy trì in 4 màu trang 1-4 các số báo thứ 7 trong tuần và hiện nay in 4 màu trang 1-4 (trang 1-8, từ 2018) tất cả các số báo trong tuần (từ thứ hai đến chủ nhật).

- Tháng 3-2021, Báo Thanh Hóa xuất bản thêm ấn phẩm Thanh Hóa cuối tuần và chuyên trang điện tử Văn hóa & Đời sống.

B.Phần thưởng cao quý

- Năm 1991: Huân chương Lao động hạng Ba.

- Năm 1996: Huân chương Lao động hạng Nhì.

- Năm 2001: Huân chương Lao động hạng Nhất.

- Năm 2007: Huân chương Độc lập hạng Ba.

- Năm 2012: Huân chương Độc lập hạng Nhì.

- Các năm: 2011, 2018, 2022 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- Được nhiều bộ, ban, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và nhiều Bằng khen cho tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]