(Baothanhhoa.vn) - Ra đời trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Báo Thanh Hóa đã phải trải qua nhiều lần sơ tán. Giữa vô vàn khó khăn, thử thách, trong ký ức, hoài niệm của nhiều phóng viên Báo Thanh Hóa đã đi qua “một thời gian khó” ấy luôn ánh lên niềm tin yêu, trân trọng, tình cảm gắn bó, sẻ chia với cơ sở, quần chúng Nhân dân.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở…”

Ra đời trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Báo Thanh Hóa đã phải trải qua nhiều lần sơ tán. Giữa vô vàn khó khăn, thử thách, trong ký ức, hoài niệm của nhiều phóng viên Báo Thanh Hóa đã đi qua “một thời gian khó” ấy luôn ánh lên niềm tin yêu, trân trọng, tình cảm gắn bó, sẻ chia với cơ sở, quần chúng Nhân dân.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở…”

NSNA, nhà báo Trần Đàm.

Báo Thanh Hóa có 3 lần phải đi sơ tán gắn liền với những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đó là: sơ tán đến thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (1965-1966, lần 1); xóm 4, xã Dân Lý, Triệu Sơn (1967-1969, lần 2); xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa).

Đó là lúc cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng ác liệt, tòa soạn Báo Thanh Hóa được lệnh đi sơ tán tránh xa các trọng điểm đánh phá của địch. Ban đầu, tòa soạn sơ tán đến Ty thủy sản, rồi sang trường Hoàng Văn Thụ (vì các cơ quan này đã sơ tán về các vùng nông thôn). Nhưng sau đó, các mục tiêu đánh phá của địch không chỉ dừng lại ở các trọng điểm giao thông, các cơ sở trọng yếu mà loang ra các vùng dân cư ở thị xã Thanh Hóa và các thị trấn trong tỉnh. Toà soạn phải di tản lên thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn; sau đó tiếp tục đến xóm 4, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, rồi sang thôn Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa. Điều kiện đi lại của cán bộ, phóng viên chỉ là những chiếc xe đạp cà tàng nhưng hằng ngày họ vẫn tỏa đi khắp nơi, về với đồng ruộng, nhà máy, đến với công trường, trận địa, ra hải đảo, lên rừng núi viết bài, chụp ảnh, đưa tin.

Trong hoàn cảnh ấy, Báo Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành. Và dẫu gian khó đến đâu, có một điều không bao giờ vơi cạn, không bao giờ thay đổi: Đó là tình yêu mến, quý trọng, đùm bọc giúp đỡ của cơ sở, quần chúng Nhân dân đối với Báo Thanh Hóa.

“Thời xanh ấy” chúng tôi đi…

Từ những ngày là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thọ Xuân, NSNA, nhà báo Trần Đàm đã bén duyên với nghề viết, chụp ảnh. Sau đó, ông nhận công tác tại Báo Thanh Hóa, trải qua nhiều vị trí công tác như: Phóng viên phòng Công nghiệp (nay là phòng Kinh tế), phòng Bạn đọc, Trưởng ban Xây dựng Đảng (nay là phòng Xây dựng Đảng - Nội chính), Trưởng phòng Thư ký tòa soạn - Báo Thanh Hóa và đảm nhận chức vụ Giám đốc Nhà in Báo Thanh Hóa (nay là Công ty CP In Báo Thanh Hóa) cho đến khi nghỉ hưu. NSNA, nhà báo Trần Đàm là một trong những người đã trải qua năm tháng Báo Thanh Hóa phải sơ tán với muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng đong đầy tình yêu thương, gắn bó, sự nỗ lực, cố gắng…

NSNA, nhà báo Trần Đàm nhớ mãi những kỷ niệm khi Báo Thanh Hóa sơ tán đến xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa. Ban đầu, cơ quan chia ra ở cùng với nhà dân, sau đó mới đề xuất với chính quyền địa phương tạo đều kiện cho khu đất ở của hợp tác xã, gần sông nông giang để dựng lên mấy dãy nhà tranh làm nơi tổ chức hoạt động. Vì lẽ đó nên tình cảm, sự gắn bó giữa Báo Thanh Hóa với cơ sở, quần chúng luôn thắm đượm. Ông Đàm chia sẻ: “Phóng viên Báo Thanh Hóa trong những ngày tháng khó khăn nhất đã luôn được chính quyền địa phương, cơ sở, Nhân dân yêu mến, đùm bọc hết mực. Họ san sẻ với chúng tôi từng bữa cơm, manh áo. Họ ân cần thăm hỏi, cởi mở, vui vẻ chuyện trò bên ấm nước chè xanh. Chính tình cảm, sự quan tâm, đùm bọc ấy đã phần nào giúp chúng tôi từng bước vượt qua quãng thời gian thiếu khó lúc bấy giờ, thêm động lực, gắn bó với nghề, nỗ lực xây dựng và phát triển Báo Thanh Hóa”.

Lúc bấy giờ, Báo Thanh Hóa chưa thành lập phòng, ban mà chia thành các tổ, mỗi tổ có một vài người phụ trách các lĩnh vực khác nhau. Báo Thanh Hóa xuất bản 2 kỳ/tuần, 4 trang/kỳ. Phần lớn phóng viên Báo Thanh Hóa thời kỳ này đều là những người “tay ngang”, chưa trải qua một trường, lớp đào tạo báo chí nào. Họ là các nhân tố điển hình, tích cực, có năng khiếu viết lách từ các ngành nghề khác nhau điều động sang. Tuy nhiên, chính tình yêu nghề, nỗ lực tìm tòi, học hỏi, bám sát cơ sở nên những cây viết ấy nhanh chóng “nhập cuộc”, tự hoàn thiện mình.

Trong làn mưa bom, bão đạn, chiến sự căng thẳng, việc đi cơ sở, liên hệ hằng ngày, hằng giờ với nhà in, với cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính và các ngành trong tỉnh cũng chỉ có chiếc xe đạp làm bạn “tác chiến”; trang thiết bị, phương tiện tác nghiệp còn hạn chế. Ông Đàm chia sẻ: Chuyện khó, chuyện khổ thời kỳ đó thì kể sao cho hết. Chẳng đâu xa như chuyện đi cơ sở thôi cũng đủ hiểu rồi. Dọc ngang ở cơ sở cùng phóng viên, chiếc xe nát đến mức phải vấn xăm cũ vào lốp đi cho bền, vừa đi vừa như nhảy cà tưng trên đường. Đi lên miền rừng núi hay vùng biển thì cũng chỉ có chiếc xe đạp, cơm đùm cơm nắm thế thôi. Mưa, bão không quản. Bom đạn chiến tranh, ngủ hào giao thông,… cũng không cản được phóng viên Báo Thanh Hóa đến với cơ sở, Nhân dân. “Còn có giai thoại, phóng viên Báo Thanh Hóa đi cơ sở không có tiền qua đò phải cởi quần áo bơi sông” - ông Đàm cười vui.

“Khó khăn, thiếu thốn đủ điều, hiểm nguy, gian khổ luôn trực chờ, ấy vậy mà thế hệ người làm báo chúng tôi không ai có tư tưởng tiêu cực, lúc nào cũng một tinh thần hăng hái, nhiệt huyết, nêu cao tinh thần cống hiến. Không ngại khó, ngại khổ, chúng tôi chỉ có tâm niệm lớn nhất là làm sao Báo Thanh Hóa được phát hành đúng thời gian, mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin, bài viết hay, hấp dẫn, bức ảnh đẹp. Chỉ tính riêng việc làm sao để có những bức ảnh đẹp đưa trên mặt báo cũng đủ thấy cả hành trình gian nan. Thời điểm đó, ảnh bản kẽm, in theo hình thức âm bản nên phải ra tận Hà Nội làm, 3-4 ngày mới có thể lên trang. Anh em cơ quan phải thay nhau đưa ảnh đi làm bản kẽm ở Hà Nội. Có tàu đi tàu, có ô tô đi ô tô, thậm chí phải đạp xe với quãng đường gần 200km bất chấp bom đạn và gian khổ.

Căn cứ vào chủ trương, định hướng tuyên truyền của Tỉnh ủy theo tháng, theo năm, Báo Thanh Hóa xây dựng đề cương, kế hoạch hoạt động. Thời kỳ đó, Báo Thanh Hóa là một trong những tòa soạn báo làm tốt công tác phát hiện, nêu gương điển hình, đi sâu vào các phong trào lớn do tỉnh, đất nước phát động… Phóng viên Báo Thanh Hóa tỏa đi các hướng, bám sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói của Nhân dân để kịp thời tuyên truyền, phản ánh…” - ông Đàm bộc bạch.

Những kỷ niệm sống mãi với thời gian

Cũng như NSNA, nhà báo Trần Đàm, ký ức về những ngày đi sơ tán của Báo Thanh Hóa như những thước phim quay chậm trong tâm trí cố nhà báo Phạm Văn Thắng - người đã có hơn 40 năm gắn bó với Báo Thanh Hóa (1967-2007).

Dịp cuối năm Tân Sửu 2021, được gặp ông, tôi được nghe ông kể lại: Cuối năm 1967, sau khi học xong lớp đào tạo và bồi dưỡng của Thông tấn xã Việt Nam, ông Thắng về Báo Thanh Hóa, tham gia vào bộ phận tòa soạn, đảm nhận việc biên tập tin, bài. Cứ đều đặn 2 lần/tuần, ông Thắng lóc cóc mang bản thảo xuống nhà in (ở khu vực Đông Minh, Đông Sơn), có số báo phải đi đi về về đến 5-6 lần vì vấn đề này, vấn đề kia phát sinh. Báo in vào ban đêm, ông Thắng thức cùng nhà in đến 2-3 giờ sáng. Đón bản in thử đầu tiên, ông Thắng lại cặm cụi đọc, rà soát lại một lượt trước khi đưa in đại trà. Ông Thắng bảo: Thời điểm ấy, Báo Thanh Hóa được in bằng kỹ thuật “vỗ phông đúc khuôn bằng chì”, nếu có gì cần bổ sung, chỉnh sửa thì phải đục bản chì, cấy chữ vào rất vất vả.

Giai đoạn 1971-1973, ông Thắng chuyển sang làm phóng viên, viết bài ở các mảng văn hóa - xã hội, tài chính, mậu dịch, ngân hàng, doanh nghiệp… Những ngày tháng làm phóng viên là quãng thời gian mà ông Thắng không bao giờ quên, kỷ niệm khắc ghi mãi trong lòng. Ông nhớ những lần thót tim đối diện với lằn ranh sinh - tử, phải chạy xuống hầm chữ A trú ẩn khi gặp pháo kích trên đường đi cơ sở. Ông vẫn nhớ những ngày tháng gian khó mà tình nghĩa, gắn bó ở các vùng Báo Thanh Hóa đi sơ tán. Ông bảo: “Có phóng viên đi vào “vùng lửa”, ba ngày sau mới về khiến cơ quan Báo Thanh Hóa tưởng như đã chết rồi”. Ở đó, ông không chỉ cảm nhận sâu sắc được sứ mệnh của nghề mà hơn hết, ông quý trọng sợi dây gắn kết, tình cảm, sự quý trọng mà cơ sở, Nhân dân dành cho ông, cho nghề báo. Ông Thắng bộc bạch: “Chính tình cảm yêu mến, trân trọng, nhiệt tình giúp đỡ, đùm bọc của cơ sở, quần chúng là nguồn động viên, điểm tựa để Báo Thanh Hóa vượt qua thời kỳ thiếu khó vô cùng, thường xuyên phải sơ tán ấy”.

Chẳng hiểu có phải giai đoạn sơ tán vất vả quá hay không mà đến khi thời gian đã phủ mờ nhiều ký ức thì ông Thắng vẫn không thể quên được những bữa cơm đạm bạc, vội vàng mà đong đầy tình cảm, trân trọng giữa nghề báo với cơ sở, giữa phóng viên với quần chúng Nhân dân. Ông Thắng nhớ lại: Có lần, ông được phân công về xã Trung Thành (Nông Cống), quê hương của Anh hùng Lê Mã Lương. Sau khi kết thúc công việc với Bí thư Đảng ủy xã cũng là lúc trời đã tối. “Thấy tôi làm việc cả một ngày vất vả, quá bữa mà chưa có hạt cơm nào vào bụng, đồng chí bí thư có ngỏ ý mời tôi về nhà mình nghỉ tạm, trời sáng hãy quay về tòa soạn. Một thời kỳ dường như mọi người, mọi nhà cùng chung nhau cảnh khó. Mẹt cơm được gia đình người bí thư dọn ra với bát canh, đĩa rau đạm bạc, chiếc chiếu rách làm chăn cho qua đêm rét mướt nhưng tôi xúc động vô cùng bởi sự đón tiếp thân tình, gần gũi ấy” - ông Thắng rưng rưng.

Trải qua năm tháng chiến tranh, đi qua những ngày gian khó, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, tình cảm tin yêu, đùm bọc của cơ sở, Nhân dân và nỗ lực, quyết tâm làm việc, Báo Thanh Hóa đã không ngừng phát triển. Qua quá trình “thử lửa”, cán bộ, phóng viên không chỉ tăng lên về số lượng mà trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ được nâng cao. Chất lượng ấn phẩm Báo Thanh Hóa được nâng lên rõ rệt, trở thành kênh thông tin chủ yếu về tỉnh Thanh Hóa, góp phần cổ vũ và động viên Đảng bộ, Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ; phản ánh kịp thời, sinh động các hoạt động thực tiễn trong đời sống xã hội giúp Đảng, Nhà nước kịp thời đề ra chủ trương sát đúng, phù hợp. Từ đây, Báo Thanh Hóa chuyển sang giai đoạn phát triển mới.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]