(Baothanhhoa.vn) - Một cây bút lão thành của làng báo Việt Nam từng nói về nghề báo với những người theo nghiệp báo, rằng “đừng tưởng nhàn nhã là hạnh phúc” và “nghề báo là một nghề vất vả, nhưng vất vả đâu chỉ là nỗi khổ mà còn là niềm vui của sự vươn tới”! Với những ai đã xác định gắn bó với cái nghề vất vả này, lại càng thấm thía về niềm vui, niềm hạnh phúc nó mang lại. Trong mỗi sự thành công, dù là nhỏ nhất, mỗi một sự trải nghiệm, dù chỉ giới hạn với mỗi một cá nhân, cũng đều khiến người ta trưởng thành hơn, đặc biệt là trong nhận thức, tình cảm, tư tưởng, thậm chí là cả nhân sinh quan và thế giới quan.

Hạnh phúc có được từ sự góp nhặt những mẩu vụn của niềm vui

Một cây bút lão thành của làng báo Việt Nam từng nói về nghề báo với những người theo nghiệp báo, rằng “đừng tưởng nhàn nhã là hạnh phúc” và “nghề báo là một nghề vất vả, nhưng vất vả đâu chỉ là nỗi khổ mà còn là niềm vui của sự vươn tới”! Với những ai đã xác định gắn bó với cái nghề vất vả này, lại càng thấm thía về niềm vui, niềm hạnh phúc nó mang lại. Trong mỗi sự thành công, dù là nhỏ nhất, mỗi một sự trải nghiệm, dù chỉ giới hạn với mỗi một cá nhân, cũng đều khiến người ta trưởng thành hơn, đặc biệt là trong nhận thức, tình cảm, tư tưởng, thậm chí là cả nhân sinh quan và thế giới quan.

Hạnh phúc có được từ sự góp nhặt những mẩu vụn của niềm vui

Bưu tá Lê Viết Thạch, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) len lỏi vào từng khu phố để phát báo cho độc giả.

Khao khát hạnh phúc là một trong những mong mỏi, khát vọng nhân bản nhất của con người. Trong sự tồn tại của mình, mấy ai không thử một lần đặt ra câu hỏi: hạnh phúc là gì? làm thế nào để có hạnh phúc? Như một câu tục ngữ Anh “Mỗi người là một kiến trúc sư cho hạnh phúc của mình”, cho nên hạnh phúc hay là giá trị trong sự tồn tại của bản thân ta giữa cuộc sống vô giới hạn này là do chính chính ta phác thảo ra, xây dựng nên. Và, cá nhân tôi luôn tâm niệm một điều rằng “Hạnh phúc cũng giống chiếc đồng hồ, loại ít phức tạp nhất là loại ít hỏng nhất” (Chamfort). Bởi vậy, với nghề báo, hạnh phúc tôi có được từ sự góp nhặt cẩn thận từng mẩu vụn của niềm vui.

Gần 15 năm theo nghề báo, “cái túi” mang tên hạnh phúc có lẽ mới lấp đầy phần đáy, nhưng thật may mắn khi cảm thấy hình như sức viết của bản thân vẫn còn dồi dào. Và rằng, những tác phẩm được viết ra vẫn mang đến một giá trị nhất định, thậm chí nó ít nhiều đã góp thêm một tiếng nói nhằm làm thay đổi những điều cũ kỹ, lỗi thời. Lợi thế của người viết mảng văn hóa xã hội là cây bút luôn bám chặt những vấn đề dân sinh, “ám ảnh” từng ngõ ngách cuộc sống. Với người làm báo, có lẽ ai cũng thường trực hai “nỗi sợ”: sợ tác phẩm mình viết ra - dẫu là những vấn đề xã hội bức xúc - mà như “đá ném ao bèo”, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” và sợ tác phẩm ấy cũng như mớ chữ được xếp cạnh nhau, ra hàng, ra lối nhưng không ra được hiệu quả gì, thậm chí là bị chìm nghỉm ngay trong kho thông tin cứ đầy lên theo cơ số phút.

Tôi không dám so vốn sống, vốn nghề với những bậc cha, chú, anh chị đã có thâm niên vài chục năm lăn lộn trong làng báo; lại càng không dám so năng lực hay sự nhạy bén - vốn dĩ là một trong những yêu cầu tất yếu của người cầm bút, cầm máy - với họ. Nhưng với tôi, “niềm vui của sự vươn tới” được tìm thấy trong nghề, luôn là động lực thôi thúc tinh thần trách nhiệm: trách nhiệm với ngòi bút của chính mình, trách nhiệm với hiện thực được truyền tải và trách nhiệm với xã hội, nơi chịu tác động của những thông tin từ bài báo ấy.

Hạnh phúc có được từ sự góp nhặt những mẩu vụn của niềm vui

Chị Nguyễn Thị Ngọc, nhân viên bưu tá điểm Bưu điện văn hóa xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa) phát báo đến tay độc giả.

“Một tờ báo được tin cậy, một cây bút được tin cậy là một sự đánh giá rất cao của bạn đọc đối với tờ báo đó, độc giả đó”. Sự tin cậy này, thiết nghĩ phải lấy nền tảng từ thông tin trung thực và đánh giá đúng sự thật của người cầm bút. Có lẽ, với người làm báo khi cầm bút, hơn một lần phải đắn đo về chỗ đứng và góc nhìn. Chọn sai chỗ đứng và góc nhìn thì sự thật sẽ hoàn toàn sai lệch. Nhưng, làm thế nào để chọn đúng chỗ đứng lại phải căn cứ vào “sự trung thực trong đạo đức người làm báo”; cũng như để có góc nhìn “chuẩn” nhằm đánh giá đúng sự thật thì bên cạnh tri thức, hiểu biết của người viết, thái độ nghiêm túc nghề nghiệp, cũng rất cần cả sự công tâm. Công tâm và khách quan là cơ sở của tính trung thực, cũng chính là nền tảng làm nên sự tin cậy nơi độc giả dành cho người viết.

Pháp luật và đạo đức đều là những “tham số” dùng để quy chiếu và định hướng nhận thức, hành động của con người trong xã hội. Nhưng, nếu như pháp luật với tính đặc thù của nó, là sự bảo đảm cho khả năng răn đe và duy trì sự ổn định xã hội của Nhà nước; thì đạo đức lại chịu sự ràng buộc của dư luận xã hội và lương tâm con người. Bởi vậy, nói như lời một nhà báo lão thành thì “có thể bài báo không bị pháp luật trừng phạt nhưng lại bị lên án về mặt đạo đức, mà đối với người viết báo thì nỗi đau nào cũng là nỗi đau đều liên quan đến sự tin cậy của người đọc”. Nếu tác phẩm báo chí là sự kết tinh trí tuệ và văn hóa của người làm báo; thì việc biết ứng xử nhân văn với con người, với cuộc sống sẽ giúp người cầm bút viết nên những câu chuyện cuộc sống dẫu giản dị, nhưng có thể là một sản phẩm văn hóa. Đó cũng là hạnh phúc của người cầm bút vậy.

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]