(Baothanhhoa.vn) - Ngao hiện đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của nước ta. Ngoài đồng bằng sông Cửu Long, thì ven biển Bắc bộ là nơi có nhiều tiềm năng trong phát triển loài nhuyễn thể này. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính cho con ngao ở miền Bắc vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc - một thị trường bấp bênh, thiếu bền vững và giá trị chưa cao. Mạnh dạn đầu tư cho chuỗi sản xuất, đặc biệt là vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn quốc tế, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa tại Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) hiện đã đưa con ngao đến nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Panama...

Trang bị “Visa vip” cho vùng nguyên liệu, doanh nghiệp đưa ngao “xuất ngoại”

Ngao hiện đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của nước ta. Ngoài đồng bằng sông Cửu Long, thì ven biển Bắc bộ là nơi có nhiều tiềm năng trong phát triển loài nhuyễn thể này. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính cho con ngao ở miền Bắc vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc - một thị trường bấp bênh, thiếu bền vững và giá trị chưa cao. Mạnh dạn đầu tư cho chuỗi sản xuất, đặc biệt là vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn quốc tế, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa tại Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) hiện đã đưa con ngao đến nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Panama...

Trang bị “Visa vip” cho vùng nguyên liệu, doanh nghiệp đưa ngao “xuất ngoại”Được trang bị các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, các sản phẩm ngao của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa hiện được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính.

Từ hàng chục năm nay, để chủ động đầu vào cho nguyên liệu xuất khẩu, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa đã chọn vùng biển Nga Sơn để xây dựng vùng nguyên liệu. Nga Sơn - Hậu Lộc là một trong 5 vùng nuôi ngao tại Bắc bộ (cùng với huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) nằm trong vùng kiểm soát của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU. Để bảo đảm các tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu, toàn bộ quy trình sản xuất ngao nguyên liệu từ con giống tới môi trường, kỹ thuật canh nuôi được cán bộ kỹ thuật công ty giám sát rất nghiêm ngặt, đáp ứng quy định của Bộ Y tế và yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa cho biết: “Nhờ chủ động và trang bị đầy đủ các tiêu chuẩn vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế, nên vào thời điểm năm 2021 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, trong khi nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản trong hệ thống phân phối phải đóng cửa, song công ty lại có nhiều đơn hàng và đã “chớp” được thời cơ này để tăng mạnh doanh thu. Từ sản lượng tiêu thụ bình quân khoảng 10.000 - 14.000 tấn/năm thời điểm trước dịch COVID-19, những năm 2021-2022, doanh nghiệp đã xuất khẩu kỷ lục lên con số 17.000 tấn với doanh thu 800 tỷ đồng. Trong đó, đơn hàng tăng tại nhiều thị trường khó tính của EU như: Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ...”.

Trang bị “Visa vip” cho vùng nguyên liệu, doanh nghiệp đưa ngao “xuất ngoại”Chế biến ngao nguyên con xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa.

Tiếp tục chiến lược tập trung cho vùng nguyên liệu, từ năm 2020, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa phối hợp cùng với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng thủy sản bền vững thuộc Hội Nghề cá Việt Nam (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD) và các hộ dân vùng ngao Kim Sơn (Ninh Bình) xây dựng vùng ngao theo chứng nhận bền vững ASC. Được biết, chứng nhận ASC là tiêu chuẩn quốc tế về nuôi thủy sản bền vững được thiết lập bởi Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) với 8 bộ tiêu chuẩn cho 12 loài thủy sản nuôi, trong đó có ngao. Đây cũng là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất, cao nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản. 4 tiêu chuẩn chính của ASC dựa trên nền các yếu tố về môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.

Vào tháng 11-2022, Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu Control Union đã trao chứng nhận ASC cho 889,35 ha ngao Meretrix Lyrata thuộc vùng nguyên liệu Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong chuỗi liên kết của doanh nghiệp. Với việc được cấp chứng nhận ASC, vùng ngao Kim Sơn trở thành vùng nuôi ngao thứ 2 ở Việt Nam và cũng là vùng nuôi ngao thứ 2 thế giới có được chứng nhận cấp quốc tế “Visa vip” này (sau vùng nuôi Nghĩa Hưng - Nam Định trong chuỗi liên kết của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam). Đây là dấu mốc quan trọng, tiếp tục định danh sản phẩm ngao Việt Nam vươn tầm quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập toàn cầu...

Trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ ngày càng cao của nước nhập khẩu với hệ thống chứng nhận dày đặc, việc đạt và duy trì các vùng nguyên liệu theo chứng nhận quốc tế là “giấy thông hành” duy nhất đưa sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Đại diện doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các hộ nuôi ngao gìn giữ vệ sinh môi trường biển, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác để duy trì vùng chứng nhận và mở rộng vùng nuôi phụ cận bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu và cạnh tranh thương hiệu.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]