(Baothanhhoa.vn) - Du lịch về nguồn, hiểu theo cách đơn giản nhất, đó là hành trình tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, từ đó “ngược dòng” về với quá khứ, cội nguồn tiên tổ để hiểu biết sâu sắc, thấm thía hơn nỗ lực, cống hiến, tài năng, công lao to lớn của các thế hệ cha ông đối với quê hương, đất nước. Với tất cả những vỉa tầng, chiều sâu văn hóa - lịch sử, truyền thống cách mạng được hun đúc theo dọc dài hành trình hình thành và phát triển chính là tài nguyên phong phú, độc đáo thúc đẩy du lịch về nguồn của xứ Thanh.

Du lịch... về nguồn

Du lịch về nguồn, hiểu theo cách đơn giản nhất, đó là hành trình tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, từ đó “ngược dòng” về với quá khứ, cội nguồn tiên tổ để hiểu biết sâu sắc, thấm thía hơn nỗ lực, cống hiến, tài năng, công lao to lớn của các thế hệ cha ông đối với quê hương, đất nước. Với tất cả những vỉa tầng, chiều sâu văn hóa - lịch sử, truyền thống cách mạng được hun đúc theo dọc dài hành trình hình thành và phát triển chính là tài nguyên phong phú, độc đáo thúc đẩy du lịch về nguồn của xứ Thanh.

Du lịch... về nguồn

Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), nơi lưu giữ, tôn vinh quá khứ hào hùng, chiều sâu lịch sử - văn hóa xứ Thanh. Ảnh: Thảo Linh

Từ cội nguồn sông Mã...

Nhìn từ thế giới, từ lịch sử hình thành và phát triển của nhiều quốc gia, khu vực, chúng ta nhận thấy rằng: Dường như những dòng sông lớn luôn là cội nguồn của những nền văn hóa, văn minh. Như cái cách người dân Ấn Độ lặng lẽ rải tro cốt người đã khuất xuống dòng sông Hằng linh thiêng; sông Nin - “chiếc nôi” của nền văn minh Ai Cập cổ đại; con sông Hoàng Hà, Trường Giang kiến tạo nên văn minh Trung Hoa; dòng sông Seine - dải lụa mềm mại, thơ mộng của nước Pháp; sông Mekong góp phần làm nên bức tranh văn hóa độc đáo của vùng Đông Nam Á; văn hóa - văn minh sông Hồng, diễn trình văn hóa đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam... Trên mảnh đất xứ Thanh, dọc dài con sông Mã góp phần hình thành những nền văn minh - văn hóa cổ gắn với nhiều địa danh, di tích tiêu biểu như: núi Đọ, núi Nuông, núi Quan Yên, làng cổ Đông Sơn, hang Con Moong, mái đá Điều...

Tự “buổi bình minh” lịch sử loài người, xứ Thanh đã khẳng định vai trò, vị thế của mình bằng những “trang sử đá”. Đó là khu vực núi Đọ nằm trong vùng đồng bằng được bồi đắp từ sông Chu và sông Mã. Nếu cứ mãi thầm lặng đứng chân bên những cánh đồng làng, nếu không có “cuộc tiến công vào núi Đọ” bởi “một liên quân hùng hậu của đội quân khảo cổ Việt Nam trẻ tuổi do giáo sư P.L.Boriskovski làm cố vấn” vào cuối năm 1960 thì có lẽ “bí mật núi Đọ” sẽ mãi bị che lấp trong lớp sương mù thời gian dày đặc. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các di vật bằng đá như: rìu tay, công cụ chặt thô, hạch đá, mảnh tước... mang dấu ấn kỹ thuật ghè đẽo thô sơ của con người thời nguyên thủy. Nghiên cứu những dấu vết kỹ thuật trên các mảnh tước núi Đọ, các học giả cho rằng người nguyên thủy ở núi Đọ đã dùng đá bazan ngay tại đây để chế tác các loại công cụ tại chỗ. Hành trình người vượn vươn mình đứng dậy làm Người đã ghi dấu ấn sâu đậm trên vùng núi Đọ quê Thanh này. Để rồi khi những lớp đất đá dần được hé lộ, núi Đọ tự hào là một di chỉ - “công xưởng nguyên thủy” trên đất xứ Thanh, “vành nôi nhân loại”, nơi chứng kiến “buổi bình minh” lịch sử loài người.

Ngược dòng sông Mã, theo dấu chân người tiền sử đến với hang Con Moong, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, thuộc khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương. Theo tiếng địa phương, hang Con Moong có nghĩa là hang con thú. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm được nhiều dấu tích về người tiền sử có thời gian tồn tại dài nhất và liên tục nhất ở Việt Nam. Đây là một trong số rất hiếm di chỉ khảo cổ học có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hang Con Moong khá lớn so với các hang động khác trong vùng, có hình tang trống, hai cửa thông nhau. Hang chứa đựng 3 tầng văn hóa khác nhau với những di vật tiêu biểu đại diện cho 3 nền văn hóa ấy: lớp dưới cùng là những di vật tiêu biểu cho văn hóa Sơn Vi thuộc thời đại đá cũ; lớp giữa là những di vật mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình và lớp trên cùng là di vật tiêu biểu cho văn hóa Bắc Sơn thuộc thời đại đá mới. Từ 3 nền văn hóa ấy đã cho thấy bước chuyển nghìn năm của con người trên vùng đất này từ thời đại đá cũ (văn hóa Sơn Vi) qua văn hóa Hòa Bình sang thời đại đá mới (văn hóa Bắc Sơn).

Bởi lẽ đó, về với núi Đọ, về với hang Con Moong, mái đá Điều..., mỗi người không chỉ được trải hồn giữa bốn bề sông núi, tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên làng quê êm ả, thanh bình mà hơn hết, đó là hành trình vươn mình đứng dậy làm người, về với khát vọng của tổ tiên ta tự bao đời.

Nẻo về nguồn cội

H.Le Breton, một trong những học giả Pháp tâm huyết, dành nhiều tình cảm yêu mến cho đất và người xứ Thanh viết: “Thanh Hóa là sân khấu của các bản trường ca lớn của lịch sử Đại Việt”, “muốn hiểu thấu đáo lịch sử Đại Việt, phải hiểu lịch sử Thanh Hóa”... Xứ Thanh là nơi phát tích của các vương triều, “cái nôi” sinh thành, nuôi dưỡng nhiều vị vua tài đức, bậc tôi hiền, trung thành, điều đó đã được minh chứng qua lịch sử, lắng đọng trong hồn thiêng sông núi. Xứ Thanh “níu giữ và quyến luyến như mọi địa điểm nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thống và vĩ đại...”, nơi “rừng già che đậy những phế tích kinh kỳ của các triều đại”, “những bức tường thành... do nhà Hồ dựng nên đang còn sừng sững giữa vòng vây của bao lèn núi”, “không có một ngã ba đường nào mà không còn như lưu lại những vang vọng của giáo gươm xô xát...”. Vì lẽ đó, sẽ thật là thiếu sót nếu trên hành trình du lịch về nguồn không tìm đến những nơi đã từng là cung vua, phủ chúa, kinh đô một thuở, nơi phát tích những vương triều, quê hương của những anh hùng hào kiệt, những lăng miếu, đền đài đang ru vỗ giấc ngủ thiên thu cho những con người của lịch sử, làm nên lịch sử...

Như cái cách bao thế hệ người con xứ Thanh vẫn luôn hướng về miền Tây Đô (huyện Vĩnh Lộc ngày nay) – vùng đất thiêng với lớp lớp vỉa tầng lịch sử, văn hóa truyền thống. Vốn là vùng đất cổ, từ thời tiền sử, nơi đây đã sớm có người tụ cư sinh sống. Mỗi tên đất, tên làng, ngọn núi, dòng sông ở huyện Vĩnh Lộc đều thấm đẫm truyền thống lịch sử - văn hóa, huyền thoại. Thời đồ đá mới có di tích khảo cổ học Đa Bút, cùng với di chỉ Bản Thủy (xã Vĩnh Thịnh), di chỉ làng Còng (xã Vĩnh Hưng). Thời kỳ phong kiến, Vĩnh Lộc từng là kinh đô của nước Đại Ngu, dưới vương triều Hồ (1400-1407), cũng là quê hương của Kim ngô Long hổ Lưỡng vệ Thượng tướng quân Trần Khát Chân, một danh tướng thời Trần. Vùng đất Vĩnh Lộc cũng là nơi phát tích của chúa Trịnh...

Thành Nhà Hồ đá dựng, nhắc nhớ lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động gắn liền với cuộc đời, số phận bi hùng của nhân vật Hồ Qúy Ly trên mảnh đất Tây Đô xưa. Theo sử liệu ghi chép, năm 1397, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng thành An Tôn (Vĩnh Lộc). Thành được xây dựng trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng với kiến trúc và phương pháp xây dựng “độc nhất vô nhị”, “vô tiền khoáng hậu” khiến hậu thế phải nghiêng mình thán phục.

Sau khi xây thành, Hồ Qúy Ly đã tiến hành dời đô từ Thăng Long về Tây Đô, lập nên vương triều Hồ (1400-1407). Trên mảnh đất Tây Đô, trong bóng thành đá sừng sững, uy nghiêm giữa bốn bề phong cảnh hữu tình, nên thơ, Hồ Quý Ly đã ban hành và thực thi một loạt chính sách cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục... Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn với một hệ thống chính sách và biện pháp khá toàn diện, táo bạo. Dẫu biết rằng, cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật Hồ Qúy Ly cho đến nay vẫn còn nhiều tranh luận với những ý kiến đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, khi soi chiếu từ lịch sử, với những gì ông đã làm được, có lẽ, hậu thế cảm thấy cảm phục, trân trọng, xót thương cho con người tài năng, tầm tư tưởng vượt thời đại ấy hơn. Vương triều hay đế vương, tất cả đã hòa mình vào lịch sử, duy chỉ có Thành Nhà Hồ vượt qua bao biến động lịch sử, thách thức thời gian mà bền bỉ sức sống, bừng sáng sắc màu di sản...

Hành trình du lịch... về nguồn của xứ Thanh vẫn trải dài qua những địa danh, di tích... Gia Miêu ngoại trang (xã Hà Long, huyện Hà Trung) - nơi phát tích vương triều nhà Nguyễn; Thọ Xuân – “vùng đất hai vua” (các triều đại Tiền Lê, Hậu Lê)... Có nơi nào mà không gợi nhớ về quá khứ hào hùng, lấp lánh chiến công của đất và người xứ Thanh, tỏa rạng trong chiều dài lịch sử dân tộc. Biết đấy, nhớ đấy mà trân trọng, tự hào, nêu cao tinh thần, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, không ngừng nỗ lực, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước đẹp tươi.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]