(Baothanhhoa.vn) - Thủy điện thiếu nước vận hành, nhiệt điện giảm công suất, dẫn đến nguồn cung bị thiếu hụt nghiêm trọng; trong khi nhu cầu năng lượng cho sản xuất, tiêu dùng lại liên tục tăng cao. Do đó, bài toán cung ứng điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh - quốc phòng và ổn định xã hội, đang đặt ra không ít thách thức!.

Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả: Cần cộng đồng trách nhiệm! (Bài 1): Tiết kiệm điện: Giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài

Thủy điện thiếu nước vận hành, nhiệt điện giảm công suất, dẫn đến nguồn cung bị thiếu hụt nghiêm trọng; trong khi nhu cầu năng lượng cho sản xuất, tiêu dùng lại liên tục tăng cao. Do đó, bài toán cung ứng điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh - quốc phòng và ổn định xã hội, đang đặt ra không ít thách thức!.

Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả: Cần cộng đồng trách nhiệm! (Bài 1): Tiết kiệm điện: Giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dàiNhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Cung giảm, cầu tăng

Mặc dù đã có dự báo, nhưng hiện tượng El Nino dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt kéo dài vào mùa hè năm nay dường như đã vượt xa sự tính toán của giới chuyên môn. Đặc biệt, tại khu vực miền Bắc nước ta, nhiều thời điểm 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng, tần suất nước về mức thấp nhất trong 1 thế kỷ qua. Hàng loạt nhà máy thủy điện lớn như: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà... đều về mực nước chết. Đặc biệt, thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy máy tối thiểu ở dưới mực nước chết, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thiết bị. Theo Bộ Công Thương, công suất khả dụng của thủy điện trong những ngày đầu tháng 6-2023, ở nhiều thời điểm chỉ đạt 3.110 MW, bằng 23,7% công suất lắp đặt. Từ ngày 21-6, mặc dù lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực Bắc bộ có tăng nhẹ, song theo nhận định của ngành chức năng thì lượng nước về các hồ chứa chỉ đủ để các nhà máy thủy điện khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ điều tiết nước bảo đảm dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng nhằm bảo đảm an toàn tổ máy khi vận hành.

Trong khi nhiều hồ thủy điện vẫn trong tình thế “lâm nguy”, thì nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống điện cung ứng cho miền Bắc cũng bị suy giảm công suất, hoặc liên tục gặp sự cố do vận hành cao liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài. Ngay tại Thanh Hóa, trên địa bàn hiện có 17 dự án nguồn điện đã đưa vào vận hành phát điện lên lưới quốc gia, với tổng công suất 2.480,4 MW. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy cũng đang đối diện với những khó khăn chung của ngành điện. Trong đó, Tổ máy số 2 Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, có công suất 600 MW đang gặp sự cố kỹ thuật và dự kiến phải tới trung tuần tháng 7 việc sửa chữa mới hoàn thành, để có thể phát đồng thời cả 2 tổ máy.

Cùng với đó, 11 nhà máy thủy điện cũng liên tục đối diện với tình trạng mực nước chết. Điển hình như Nhà máy Thủy điện Trung Sơn - nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, lưu lượng nước đổ về hồ Trung Sơn giảm xuống rất thấp. Do đó từ đầu tháng 3, các tổ máy của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn (TSHPCo) chỉ phát để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu môi trường. Ông Lê Tấn Duy, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn, cho biết: “Trong điều kiện lưu lượng nước về hồ 6 tháng đầu năm thấp hơn rất nhiều so với dự báo (chỉ đạt 61%) và chỉ bằng 36% so với cùng kỳ, công tác sản xuất điện an toàn, bảo đảm yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về thời gian và công suất gặp rất nhiều khó khăn. Sản lượng điện sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 (tính đến 19-6) chỉ đạt gần 157 triệu kWh/190 triệu kWh, đạt 83% kế hoạch 6 tháng và 19% kế hoạch năm, giảm 46% so với năm 2022”.

Ông Lê Tấn Duy cũng cho biết thêm, dự báo tình hình lưu lượng nước về các tháng tiếp theo tiếp tục thấp do hiện tượng El Nino có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024, nếu tình hình thủy văn không cải thiện, TSHPCo rất khó phát đạt sản lượng điện kế hoạch năm do Tổng Công ty Phát điện 1 giao là 829 triệu kWh.

Trong khi nguồn cung điện dự báo tiếp tục gặp khó khăn, thì nhu cầu sử dụng điện lại liên tục tăng cao. Theo thống kê từ Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh dự kiến đạt 3,446 tỷ kWh, tăng 4,59% so với cùng kỳ; trong đó điện tiêu thụ trong công nghiệp xây dựng tăng 0,65%, điện dùng trong thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng tăng 19,75% và điện cung ứng cho tiêu dùng, quản lý tăng 11,4% so với cùng kỳ.

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa), nhận định: “Nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt sẽ có xu hướng tiếp tục tăng cao. Đặc biệt, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các nhà máy, khách sạn, nhà hàng đóng trên địa bàn đã cơ bản hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với các chính sách thu hút đầu tư, thời gian gần đây, Thanh Hóa cũng có thêm nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đi vào vận hành. Mùa hè năm 2023, nắng nóng gay gắt kéo dài và có chiều hướng diễn biến cực đoan, dẫn tới nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, Nhân dân tăng cũng cao đột biến, nhất là việc sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa, tủ lạnh, tủ bảo ôn, quạt mát... PC Thanh Hóa ước công suất, sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lớn hơn con số 10% so với cùng kỳ”.

Nhận thức đúng, hành động ngay!

Theo ước tính của PC Thanh Hóa, từ đầu tháng 5 tới nay, công suất tiêu thụ điện vào các giờ cao điểm trung bình toàn tỉnh khoảng 1.250 - 1.300 MW, đặc biệt có ngày công suất cao nhất lên tới 1.410 MW, vượt quá khả năng cung cấp điện của hệ thống lưới điện. Trước những khó khăn về nguồn cung và hệ thống vận hành, PC Thanh Hóa đã phải thực hiện điều tiết, cắt giảm phụ tải luân phiên. Đồng thời, các đơn vị điện lực đã và đang duy trì tăng cường 100% nhân lực, thiết bị và ứng trực 24/24h để xử lý các tình huống trong quản lý vận hành lưới điện.

Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả: Cần cộng đồng trách nhiệm! (Bài 1): Tiết kiệm điện: Giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dàiMực nước về hồ Trung Sơn của Nhà máy Thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa) xuống thấp so với cùng kỳ.

Thực tế, việc thực hiện điều tiết, cắt giảm điện luân phiên thời gian qua là giải pháp trước mắt để ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan EI Nino. Còn về lâu dài, song song với việc đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió...), nâng cao khả năng truyền tải, hay các giải pháp về kỹ thuật...; thì theo khuyến cáo của ngành chức năng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vẫn là một trong những giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài, thậm chí là giải pháp có tính chiến lược khi mà cả thế giới đang chung tay kêu gọi sử dụng điện tiết kiệm, nhằm chung tay bảo vệ môi trường sống. Do đó, việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả phải trở thành nhận thức chung và phương châm hành động của mọi tổ chức, doanh nghiệp, của mọi người, mọi nhà trong quá trình sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế và tiêu dùng, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu tiết kiệm ít nhất 10% điện năng tiêu thụ tại các cơ quan Nhà nước; 5% tại các trường học, bệnh viện, trạm y tế, khu điều dưỡng. Đồng thời, hạn chế tiêu thụ điện khi không thực sự cần thiết đối với chiếu sáng công cộng, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư; giảm tối đa công suất các thiết bị điện phục vụ mục đích quảng cáo, trang trí, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của đơn vị điện lực trong trường hợp xảy ra thiếu điện và quá tải hệ thống điện. Theo đó, Sở Công Thương và PC Thanh Hóa đang đẩy mạnh tuyên truyền tới Nhân dân, DN về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các DN, cơ sở sản xuất có mức tiêu thụ điện lớn thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR) khi có thông báo của đơn vị điện lực”.

Song bên cạnh những giải pháp về kỹ thuật, vận hành, Sở Công Thương cũng đề nghị PC Thanh Hóa khẩn trương xây dựng phương án, kế hoạch điều chỉnh phụ tải điện trên địa bàn tỉnh năm 2023. Trong đó, ưu tiên cấp điện cho các phụ tải quan trọng, đặc biệt là các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các bệnh viện, các địa điểm thi tốt nghiệp THPT, các trạm bơm đầu mối lớn, hệ thống dịch vụ viễn thông... nhằm bảo đảm nhu cầu điện cho các hoạt động thiết yếu và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, ngành sẽ tăng cường giám sát tình hình cung ứng điện; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, ngành cũng sẽ tích cực, chủ động hỗ trợ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tổ chức phát điện, bảo đảm công suất và sản lượng điện cung cấp lên hệ thống lưới điện quốc gia. Đồng thời, cùng với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp phối hợp với Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 tập trung chỉ đạo khắc phục sự cố kỹ thuật của Tổ máy số 2 - Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn BOT Nghi Sơn 2 để đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, việc cung cấp điện tại miền Bắc trong những tháng tới và tới năm 2025 dự kiến rất khó khăn do nhu cầu sử dụng điện chiếm tới 50% toàn quốc và có xu hướng tăng nhanh hơn các vùng miền khác. Trong khi các nguồn điện mới được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 vẫn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải. Do đó, việc cung ứng điện ở khu vực miền Bắc có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh, thiếu điện cục bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8. Điều này dẫn đến nguy cơ quá tải, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ cháy nổ trong sử dụng điện sinh hoạt.

Do vậy, để bảo đảm an toàn điện, ngành điện khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đặc biệt vào các giờ cao điểm để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình. Các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả cần thực hiện trong toàn dân như: sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn. Các khách hàng công nghiệp bố trí lịch sản xuất phù hợp, tránh các ngày nắng nóng cực đoan theo khuyến cáo của ngành điện. Ngành điện cũng khuyến nghị khách hàng nên sử dụng thiết bị đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, lựa chọn các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng và thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, chủ động tiết kiệm điện ở mức cao nhất để chung tay cùng ngành điện khắc phục những khó khăn hiện hữu.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Bài 2: Doanh nghiệp nỗ lực thích ứng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]