(Baothanhhoa.vn) - Từ hơn 1 tháng trở lại đây, thiếu điện sản xuất dù không còn là câu chuyện mới nhưng chưa bao giờ hết “nóng” đối với nhiều doanh nghiệp. Bởi cùng với việc thiếu điện là nỗi lo không bảo đảm tiến độ giao hàng, là những thiệt hại do thiết bị, máy móc hư hỏng... Song nhận thức được đó là khó khăn chung, nên không ít doanh nghiệp đã và đang linh hoạt thích ứng để bảo đảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả: Cần cộng đồng trách nhiệm! (Bài 2): Doanh nghiệp nỗ lực thích ứng

Từ hơn 1 tháng trở lại đây, thiếu điện sản xuất dù không còn là câu chuyện mới nhưng chưa bao giờ hết “nóng” đối với nhiều doanh nghiệp. Bởi cùng với việc thiếu điện là nỗi lo không bảo đảm tiến độ giao hàng, là những thiệt hại do thiết bị, máy móc hư hỏng... Song nhận thức được đó là khó khăn chung, nên không ít doanh nghiệp đã và đang linh hoạt thích ứng để bảo đảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả: Cần cộng đồng trách nhiệm! (Bài 2): Doanh nghiệp nỗ lực thích ứngCông nhân Công ty CP Chế biến và xuất khẩu Nông Sản Việt (TP Thanh Hóa) nỗ lực sản xuất trong điều kiện thiếu điện.

Đối diện áp lực

Gần 21h, hơn 500 công nhân của Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, xã Trung Thành (Nông Cống) vẫn đang gấp rút sản xuất để vừa chạy đua với tiến độ đơn hàng, vừa tranh thủ từng chút thời gian trước khi toàn bộ khu vực xã Trung Thành bị cắt điện. Ông Lê Trường Tùng, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành giãi bày: “Việc mất điện, thiếu điện đang tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường vốn không thuận lợi. Mất điện luân phiên, thậm chí có thời điểm đột xuất hoặc báo trước nhưng không kịp thời, khiến doanh nghiệp bị động, khó hoàn thành được đơn hàng đúng hạn, mất uy tín với khách. Ngoài ra còn phát sinh thêm nhiều chi phí khác”.

Vốn là đơn vị chuyên sản xuất, chế biến mặt hàng dứa, vải, dưa bao tử xuất khẩu, với nguồn nguyên liệu tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Vì vậy, mùa hè là thời điểm Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành tập trung nhân lực, vật lực cho sản xuất để bảo đảm đơn hàng cả năm. Tuy nhiên, thời điểm này lại thường xuyên mất điện, khiến tình hình sản xuất của công ty không ổn định. Có thời điểm nguồn nguyên liệu về nhiều lại trùng với thời điểm bị cắt điện luân phiên, công ty phải nhập đá lạnh để bảo quản nguyên liệu, khiến chi phí tăng cao.

Đồng quan điểm với Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty CP Chế biến và xuất khẩu Nông Sản Việt, phường Long Anh (TP Thanh Hóa), cho biết: “Đối với công ty chúng tôi, thời điểm này đang vào mùa sản xuất, nguyên liệu tập kết về liên tục, với số lượng lớn. Do đó, những khi thiếu điện sản xuất, công ty phải đổ bỏ hàng chục tấn nguyên liệu hư hỏng. Đáng nói, một vài thời điểm cắt điện đột xuất khiến dây chuyền sản xuất đang vận hành bị dừng đột ngột, nhiều máy móc thiết bị hư hỏng, công ty phải bỏ ra số tiền lớn để sửa chữa, khắc phục. Ngoài ra, việc cắt điện, nhất là cắt điện không báo trước khiến công nhân phải nghỉ giữa ca sản xuất trong khi doanh nghiệp vẫn phải chi trả lương, sắp xếp tăng ca làm trái giờ dẫn đến chi phí nhân công tăng".

Đối với Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) - doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, thì áp lực thiếu điện sản xuất đang khiến công ty bị chậm tiến độ đơn hàng. Trước bối cảnh khó khăn về đơn hàng, từ đầu năm đến nay, phải rất nỗ lực công ty mới kéo được một số đơn hàng lớn, bảo đảm việc làm cho gần 1.000 công nhân. Thế nhưng, việc thiếu điện sản xuất không những khiến công ty tăng chi phí sản xuất, mà còn giảm năng suất lao động. Đại diện Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam, bày tỏ: Tuy đã chạy máy phát điện nhưng do công suất thấp nên không đủ đáp ứng cho hệ thống làm mát, vì thế công nhân phải làm việc trong môi trường nóng nực, năng suất lao động giảm đáng kể, một số đơn hàng đã phải giao chậm. Mặc dù đã được đối tác thông cảm, chia sẻ vì nguyên nhân khách quan, không bị phạt hợp đồng, song nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến uy tín của công ty, nguy cơ mất đơn hàng là rất cao.

Linh hoạt thích ứng

Xác định thiếu điện thời điểm này là bất khả kháng và nhiều doanh nghiệp đã phải linh hoạt thích ứng nhằm bảo đảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Để ứng phó với tình trạng thiếu điện và duy trì một phần hoạt động sản xuất, Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành đã điều chỉnh lịch làm việc của người lao động. Theo đó, công ty bám sát lịch cắt điện, tăng giờ, tăng ca những ngày có điện. Những hôm bị cắt điện, công ty cho công nhân tập trung vào các công đoạn không sử dụng máy móc, thiết bị để bảo đảm tiến độ giao hàng. Ông Lê Trường Tùng, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, cho biết: “Có nhiều hôm, công nhân làm việc xuyên đêm với phương châm “còn điện là còn làm” để bảo đảm chất lượng nguyên liệu và tiến độ đơn hàng. Ngoài ra, công ty đã đầu tư thêm máy nổ phát điện và thuê thêm 2 máy nổ phát điện. Những máy này sẽ được sử dụng khi mất điện đột xuất, hoặc khi cần nguồn điện để gấp rút hoàn thành đơn hàng đúng tiến độ”.

Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả: Cần cộng đồng trách nhiệm! (Bài 2): Doanh nghiệp nỗ lực thích ứngCông ty TNHH Speed Motion Việt Nam (Thọ Xuân) trong ca sản xuất.

Đối với Công ty CP Chế biến và xuất khẩu Nông Sản Việt, để thích ứng linh hoạt với tình trạng thiếu điện, công ty đã và đang hạn chế thấp nhất việc sử dụng điện trong nhà máy. Đồng thời, triển khai thực hiện phương án xếp ca, kíp luân phiên, cắt giảm một số khâu từ máy móc sang làm thủ công vào những ngày mất điện. Bên cạnh đó, công ty đã phải cắt giảm công suất sản xuất xuống còn 70 đến 80% cho phù hợp với nguồn điện. Ngoài ra, công ty cũng phải xin kéo dài thời gian thực hiện đơn hàng trong phạm vi cho phép. Bà Lê Thị Kim Thùy, quản lý Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam, cho biết: “Hiện công ty đã đầu tư mua 2 máy nổ phát điện có công suất lớn để vận hành thường xuyên khi mất điện hoặc có sự cố về điện. Trường hợp phải chạy gấp đơn hàng, công ty sẽ thuê thêm máy nổ từ bên ngoài về để bổ sung. Thời điểm sử dụng máy nổ phát điện để sản xuất, công nhân phải làm việc trong môi trường khá nóng nực do không đủ nguồn điện để chạy điều hòa. Do vậy, công ty sử dụng quạt để tạo độ thoáng và bổ sung nước mát để bảo đảm sức khỏe cho công nhân”.

Có thể nói, dù chỉ là những giải pháp có tính trước mắt, song nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang cho thấy sự nỗ lực, chủ động để thích ứng với tình trạng thiếu điện sản xuất. Trao đổi về vấn đề thiếu điện sản xuất và sự chủ động của các doanh nghiệp, ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Tình hình thiếu điện đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước thực trạng trên, thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị truyền thông và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận và chủ động cho các doanh nghiệp. Có thể nói, việc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng với tình trạng thiếu điện sản xuất đã cho thấy sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đối với những khó khăn của ngành điện lúc này, cũng như thể hiện sự đồng thuận với chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ, của tỉnh. Song, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các phương án sản xuất trong điều kiện thiếu điện, Hiệp hội Doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn ngành điện hạn chế tối đa việc cắt điện đột ngột, cắt điện không thông báo sớm. Việc cắt điện luân phiên cũng cần được phân bố đồng đều giữa các địa phương, khu vực, nhằm bảo đảm tính công bằng trong việc phân phối điện. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng như hiện nay thì việc bảo đảm tiến độ đơn hàng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp thu hút và giữ chân khách hàng. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tỉnh quan tâm ưu tiên nguồn điện cho sản xuất, nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động cũng như bảo đảm mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bài và ảnh: H.T

Bài 3: “Canh nước” cho vụ mùa.

Tin liên quan:
  • Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả: Cần cộng đồng trách nhiệm! (Bài 2): Doanh nghiệp nỗ lực thích ứng
    Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả: Cần cộng đồng trách nhiệm! (Bài 1): ...

    Thủy điện thiếu nước vận hành, nhiệt điện giảm công suất, dẫn đến nguồn cung bị thiếu hụt nghiêm trọng; trong khi nhu cầu năng lượng cho sản xuất, tiêu dùng lại liên tục tăng cao. Do đó, bài toán cung ứng điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh - quốc phòng và ổn định xã hội, đang đặt ra không ít thách thức!.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]