(Baothanhhoa.vn) - Bằng tấm lòng, tình cảm, sự tri ân sâu sắc với những người đã hy sinh xương máu, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tích cực đóng góp, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” (ĐƠĐN), góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc và cải thiện đời sống của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Tích cực đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”

Bằng tấm lòng, tình cảm, sự tri ân sâu sắc với những người đã hy sinh xương máu, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tích cực đóng góp, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” (ĐƠĐN), góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc và cải thiện đời sống của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Tích cực đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”Câu lạc bộ bác sĩ và những người bạn cùng Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người có công với cách mạng tại huyện Triệu Sơn.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan Thường trực Ban Quản lý Quỹ ĐƠĐN tỉnh), từ năm 2017 đến hết năm 2022, các cấp trong tỉnh đã vận động đóng góp và phát triển nguồn quỹ được trên 100 tỷ đồng (cấp tỉnh 6,1 tỷ đồng, cấp huyện 39,2 tỷ đồng và cấp xã 58,8 tỷ đồng). Trong đó, đã sử dụng 97,7 tỷ đồng từ nguồn quỹ (cấp tỉnh 6,8 tỷ đồng, cấp huyện 35,4 tỷ đồng, cấp xã 55,5 tỷ đồng). Đặc biệt, trong đợt cao điểm tổ chức các hoạt động tri ân người có công với cách mạng tháng 7-2022, Quỹ ĐƠĐN cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị ủng hộ quỹ để tổ chức các hoạt động tri ân, chăm sóc người có công với cách mạng. Trong đó, quỹ cấp tỉnh huy động được 340 triệu đồng; một số quỹ cấp huyện huy động được số tiền lớn như: TP Thanh Hóa 755 triệu đồng, huyện Hoằng Hóa 558 triệu đồng, thị xã Nghi Sơn 280 triệu đồng, huyện Yên Định 80 triệu đồng, huyện Đông Sơn 60 triệu đồng...

Từ nguồn quỹ vận động, từ năm 2018 đến nay, các ban, sở, ngành, địa phương trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới trên 350 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 550 nhà với kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng và hàng vạn suất quà thăm hỏi gia đình, tặng trên 400 sổ tiết kiệm cho người có công với cách mạng. Đồng thời, tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài, xây dựng nhà bia ghi danh liệt sĩ; hỗ trợ thăm hỏi, động viên gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ chi phí học tập cho con em gia đình người có công với cách mạng... Công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cũng được chú trọng. Nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay toàn tỉnh đã có trên 99% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng.

Thời gian tới, ban vận động quỹ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong công tác ĐƠĐN. Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023), Ban Quản lý Quỹ ĐƠĐN tỉnh kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp xây dựng Quỹ ĐƠĐN năm 2023. Theo đó, Ban Quản lý Quỹ ĐƠĐN tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, các cơ quan, truyền thông đại chúng và các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hoạt động của công tác vận động xây dựng Quỹ ĐƠĐN đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nắm rõ mục đích, ý nghĩa của công tác ĐƠĐN. Đồng thời, nâng cao nhận thức sâu sắc và trân trọng những công lao to lớn của người có công với cách mạng; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tích cực đóng góp xây dựng Quỹ ĐƠĐN trên địa bàn tỉnh. Đối với người đang làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác... đóng góp tối thiểu 1 ngày lương. Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (không bao gồm doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước hoặc có cổ phần vốn góp của Nhà nước), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh đóng góp tối thiểu là 50.000 đồng/người/năm và 1.000.000 đồng/doanh nghiệp/năm. Người lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các hoạt động kinh tế khác đóng góp tối thiểu 20.000 đồng/người/năm. Thời gian vận động thu, nộp Quỹ ĐƠĐN năm 2023 từ ngày mùng 1 đến ngày 31-7. Đồng thời tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, doanh nhân là người Thanh Hóa đang sinh sống, làm việc ở trong và ngoài tỉnh; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ tự nguyện cho quỹ...

Có thể nói, việc xây dựng Quỹ ĐƠĐN với sự đóng góp tự nguyện vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần cùng Nhà nước chăm sóc người có công với cách mạng, thân nhân người có công và hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ ngày càng tốt hơn.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]