(Baothanhhoa.vn) - Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động khi không may bị TNLĐ hoặc BNN phải nghỉ làm. Công tác chi trả trợ cấp TNLĐ, BNN được cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, góp phần chia sẻ gánh nặng, tạo “điểm tựa” giúp người lao động vượt qua khó khăn.

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Điểm tựa lúc rủi ro

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động khi không may bị TNLĐ hoặc BNN phải nghỉ làm. Công tác chi trả trợ cấp TNLĐ, BNN được cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, góp phần chia sẻ gánh nặng, tạo “điểm tựa” giúp người lao động vượt qua khó khăn.

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Điểm tựa lúc rủi roĐại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà gia đình có nạn nhân bị TNLĐ tại thị xã Nghi Sơn.

Anh Lê Đình Sáu, ở thị trấn Yên Cát (Như Xuân) trước đây là công nhân Công ty TNHH Giầy AKALIA Việt Nam, đóng trên địa bàn huyện Như Thanh. Ngày 14-7-2022, trên đường đi làm anh bị tai nạn giao thông, tỷ lệ thương tật 67% và được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ với mức trợ cấp 1.540.983 đồng/tháng. Trước đó, anh cũng đã bị tai nạn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chữa trị anh quay trở lại làm việc và được công ty bố trí làm ở vị trí phù hợp. “Là lao động chủ lực, từ sau vụ tai nạn lần thứ 2, tôi suy giảm khả năng lao động, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cũng như kinh tế gia đình. Nhờ có chế độ trợ cấp đều đặn hàng tháng từ chính sách BHXH dành cho đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn lực vượt qua giai đoạn khó khăn này”, anh Sáu chia sẻ.

Là công nhân Công ty TNHH Giầy ROLLSPORT Việt Nam nằm trong Khu Công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa), ngày 2-7-2022, anh Nguyễn Văn Mạnh, ở xã Hà Sơn (Hà Trung) không may bị tai nạn với tỷ lệ thương tật 56%, phải điều trị hơn 1 tháng tại bệnh viện. Sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ pháp lý, anh được BHXH giải quyết hưởng chế độ TNLĐ với mức trợ cấp 1.213.183 đồng/tháng. Anh Mạnh cho biết: “Hiện tôi đã ổn định sức khỏe, đi làm trở lại được hơn 4 tháng nhưng vẫn phải chống nạng. Do vận động khó khăn nên tôi được công ty bố trí làm công việc nhẹ hơn và không được tham gia tăng ca như trước nên thu nhập giảm sút. Số tiền trợ cấp TNLĐ tuy không nhiều nhưng góp phần giúp tôi ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc”.

Theo thống kê, trong năm 2022, BHXH tỉnh đã giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN cho 160 đối tượng (80 người hưởng chế độ hàng tháng, 61 người hưởng chế độ 1 lần và giải quyết chế độ cho 19 thân nhân có người chết do TNLĐ, BNN). Từ tháng 1 đến tháng 5-2023, giải quyết chế độ cho 70 đối tượng (23 người hưởng chế độ hàng tháng, 28 người hưởng chế độ 1 lần và giải quyết chế độ cho 9 thân nhân có người chết do TNLĐ, BNN). Việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN luôn kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách, không để hồ sơ tồn đọng và tránh mọi phiền hà cho đối tượng. Đây là một trong 5 chế độ BHXH bắt buộc được quy định trong Luật BHXH nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động không may bị TNLĐ, BNN.

Theo quy định của pháp Luật An toàn, vệ sinh lao động, khi xảy ra TNLĐ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khai báo ngay với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Song trên thực tế, nhiều cơ sở, doanh nghiệp sử dụng lao động vẫn còn chậm trễ, thậm chí né tránh việc khai báo với cơ quan chức năng nên không tiến hành khai báo, tổ chức, điều tra và lập hồ sơ các vụ TNLĐ làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với người lao động. Một số doanh nghiệp nợ đọng BHXH, thiếu hồ sơ, thông tin về người bị nạn... đã ảnh hưởng đến việc đề nghị giải quyết chế độ, chính sách cho người bị TNLĐ, BNN.

Để xảy ra rủi ro TNLĐ là điều không người lao động nào mong muốn. Nhằm phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ, BNN, hàng năm, người sử dụng lao động cần xây dựng kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động cùng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Môi trường lao động phải an toàn. Nếu người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại, người sử dụng lao động cần trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Người sử dụng lao động cần quan tâm công tác huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Thường xuyên thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề thông qua các lớp tập huấn từ cơ bản đến nâng cao. Ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành, liên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN của doanh nghiệp và cá nhân. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sử dụng lao động và người lao động khi lập hồ sơ giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN... có như vậy, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN mới thực sự là “điểm tựa” bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động không may gặp rủi ro.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]