(Baothanhhoa.vn) - Nửa nhiệm kỳ thực hiện khâu đột phá “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”, Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn đạt và vượt kế hoạch đề ra là minh chứng cho quyết tâm của tỉnh trong hành trình cải cách và đổi mới.

Cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng - “chìa khóa” cho phát triển (Bài 1): Những dấu ấn nổi bật

Nửa nhiệm kỳ thực hiện khâu đột phá “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”, Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn đạt và vượt kế hoạch đề ra là minh chứng cho quyết tâm của tỉnh trong hành trình cải cách và đổi mới.

Cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng - “chìa khóa” cho phát triển (Bài 1): Những dấu ấn nổi bậtNgười dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND phường Điện Biên (TP Thanh Hóa). Ảnh: Tố Phương

Chinh phục top 10 cả nước

Những năm trước đây, các Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) (PAR INDER), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thanh Hóa luôn không ổn định và thường xếp ở nhóm cuối của cả nước. Đơn cử như Chỉ số PAPI của Thanh Hóa chỉ tăng 0,6 điểm trong 10 năm (2011-2020), thuộc nhóm thấp của cả nước; Chỉ số PCI liên tiếp tụt hạng, xếp thứ 47 cả nước; chỉ số PAR INDEX xếp ở nhóm cuối, đứng ở vị trí thứ 61 (năm 2017), thứ 57 (năm 2018), thứ 43 (năm 2019), thứ 29 (năm 2020)...

Thực trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ làm suy giảm niềm tin của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Quyết tâm cải thiện mạnh mẽ vị trí xếp hạng, Thanh Hóa đặt ra mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025 các Chỉ số PAR INDER, SIPAS, PCI và PAPI của tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Để hiện thực hóa cùng lúc 4 chỉ số này đòi hỏi một khối lượng lớn công việc cần phải làm và làm quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ. Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được đặt lên hàng đầu, xem đây là yếu tố quyết định sự thành bại của công cuộc cải cách. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó có các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch lớn như: kế hoạch CCHC; kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; kế hoạch duy trì, cải thiện và nâng cao các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI... Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện Chỉ số PCI tỉnh Thanh Hóa; Ban Chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử; Ban Xúc tiến đầu tư đặc biệt...

Không chỉ ban hành trên 80 văn bản chỉ đạo, điều hành, hàng loạt hội nghị thảo luận, phân tích, đánh giá các Chỉ số SIPAS, PAR INDEX, PAPI, PCI cũng được tỉnh tổ chức để bàn giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả nhất. Trong nửa nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả rà soát, khắc phục hạn chế, yếu kém nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI và Chỉ số PAPI của tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị trao đổi các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh Thanh Hóa. UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố Chỉ số DDCI, đặt các sở, ngành và các địa phương vào tâm thế thường trực phải cải cách thay vì chỉ rà soát, cải cách mỗi khi xảy ra thiếu sót, khuyết điểm. Chưa dừng lại ở đó, tại nhiều diễn đàn chính trị lớn của tỉnh, nội dung CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn được các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tinh thần cải cách và đổi mới thực sự hiệu quả khi trở thành hành động thống nhất từ tỉnh, huyện đến xã và thấm sâu trong nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở các kế hoạch, chương trình, đề án và mục tiêu lớn mà tỉnh đề ra, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện CCHC, đồng thời xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện kế hoạch CCHC 5 năm và hàng năm theo hướng “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”.

Bầu không khí đổi mới cùng sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở đã giúp Thanh Hóa xác lập kỷ lục mới trên bảng xếp hạng các chỉ số CCHC. Năm 2022, lần đầu tiên Thanh Hóa có tới 3 trong 4 Chỉ số PAPI, PAR INDEX, PCI và SIPAS vươn lên nằm trong top 10 cả nước. Nếu như năm 2021, Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố vươn lên xếp thứ 14 cả nước về Chỉ số PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020) và bứt phá “nhảy vọt” khi vươn lên vị trí thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020), thì đến năm 2022 Thanh Hóa đã xác lập cùng lúc nhiều kỷ lục: Tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 Chỉ số PAPI; vươn lên thứ 5 Chỉ số SIPAS (tăng 19 bậc so với năm 2021) và thứ 10 Chỉ số PAR INDEX (tăng 4 bậc). Sau nửa nhiệm kỳ quyết liệt hành động, Thanh Hóa đã hiện thực hóa thành công 3/4 mục tiêu lớn đề ra là một kết quả không dễ dàng để có được.

Những thành quả ấn tượng

Với tinh thần cải cách liên tục và xuyên suốt, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đặt ra trong Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” giai đoạn 2021-2025 cũng đạt ở mức cao. Trong nửa nhiệm kỳ qua 100% văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương được cụ thể hóa và triển khai kịp thời; 100% văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp với quy định của Trung ương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến có nhiều đột phá. Thanh Hóa duy trì và thực hiện 728 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 247 dịch vụ công trực tuyến một phần; tất cả dịch vụ công trực tuyến được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Cải cách tổ chức bộ máy thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các quy định của Chính phủ. UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và sắp xếp, tổ chức lại tổ chức và số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Phê duyệt Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý giai đoạn 2021-2025” với chỉ tiêu giảm 10% đơn vị. Trong nửa nhiệm kỳ, đã giảm 5 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, 11 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ngành và 32 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện.

Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành nghị quyết về chuyển đổi số và là địa phương nằm trong nhóm đầu cả nước về tiêu chí hiện đại hóa hành chính (xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố). Với bước đi, cách làm bài bản, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, chỉ sau một năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (năm 2022). Toàn tỉnh đã cấp 12.075 chữ ký số (1.526 chữ ký số cơ quan và 10.549 chữ ký số cá nhân) nên 100% cơ quan Nhà nước đã ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong xử lý công việc.

Thanh Hóa là 1 trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên của cả nước kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp; là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu ngành thuế và ngành giao thông - vận tải, góp phần chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Hiện nay, Thanh Hóa đã hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành Cổng dữ liệu mở của tỉnh với 10 nhóm dữ liệu của 60 cơ sở dữ liệu dùng chung và dịch vụ chia sẻ dữ liệu của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để kết nối, chia sẻ các dữ liệu dùng chung, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan, đơn vị.

Tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai thí điểm trợ lý ảo tại Sở Thông tin và Truyền thông, Tòa án Nhân dân tỉnh, nhằm khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ, đồng thời giải phóng sức lao động cho cán bộ bộ phận hỗ trợ dịch vụ công, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã triển khai đô thị thông minh tại TP Sầm Sơn và đang xây dựng, triển khai đô thị thông minh tại TP Thanh Hóa.

Ở Thanh Hóa, 100% doanh nghiệp, tổ chức đã sử dụng hóa đơn điện tử và triển khai thuế điện tử trên thiết bị di động; 100% bệnh viện công lập triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Đặc biệt, để mỗi người dân trở thành một “công dân điện tử”, toàn tỉnh đã thành lập 4.233 tổ công nghệ số cộng đồng, với 14.478 thành viên tham gia hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số, công nghệ số. Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các đơn vị liên quan thí điểm mô hình “3 không” để hỗ trợ người dân sử dụng chữ ký số trong giải quyết TTHC; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin cấp miễn phí chữ ký số điện tử cho người dân trong sử dụng dịch vụ công.

Bước tiến mới với những thành quả ấn tượng về CCHC mà Thanh Hóa đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua là rất phấn khởi. Với sự định hướng rõ ràng và hành động quyết liệt, Thanh Hóa tiếp tục phấn đấu hoàn thành cao nhất tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” giai đoạn 2021-2025.

Tố Phương

Bài 2: Mở cánh cửa thu hút đầu tư.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]