(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa xuân - hè, nền nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục, là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, như: Cúm các loại, sởi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết... Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế đã và đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chủ động phòng chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa xuân - hè, nền nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục, là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, như: Cúm các loại, sởi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết... Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế đã và đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Chủ động phòng chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc.

Thống kê tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho thấy, vào các thời điểm giao mùa, số trẻ đến khám và nhập viện điều trị tại bệnh viện thường tăng đáng kể, trong đó, 50% trẻ mắc bệnh liên quan hô hấp, chủ yếu là viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh khí phế quản phổi... Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Vân, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết: Hệ miễn dịch của trẻ non yếu, khó thích nghi với biến đổi của môi trường, nên dễ nhiễm bệnh khi giao mùa. Hệ hô hấp - cơ quan cửa ngõ tiếp xúc với không khí bên ngoài dễ bị chúng xâm nhập, tấn công. Trẻ có thể viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, phế quản, tiểu phế quản, rồi tiến triển thành viêm phổi nếu không điều trị kịp thời. Vì thế các bậc cha mẹ nên tiêm vắc-xin phòng cúm cho trẻ trước thời điểm giao mùa, đồng thời giữ vệ sinh cho trẻ, tắm rửa bằng nước ấm thường xuyên để loại trừ các tác nhân gây dị ứng hoặc nguồn bệnh khi cầm nắm đồ chơi bẩn; nên cho bé ăn đủ chất, ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin C, kẽm, nhóm chất betaglucan... để giúp trẻ tăng cường thể chất, sức đề kháng để đẩy lùi bệnh tật.

Là địa phương có địa hình trũng, thường xuyên xảy ra ngập lụt khi có mưa bão, để công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn đạt kết quả cao, hàng năm Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành luôn chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, hóa chất sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra. Trung tâm y tế huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện kiện toàn lại ban điều hành các chương trình mục tiêu y tế quốc gia phòng chống dịch, các loại bệnh xã hội của huyện; phối hợp cùng với chính quyền địa phương chỉ đạo trạm y tế xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp chủ động để chuẩn bị đối phó trước, trong và sau khi bão, lụt xảy ra, không để dịch bệnh phát sinh làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt trung tâm rất coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh theo mùa, nhất là trước tình hình dịch sởi, chân tay miệng, sốt xuất huyết, cúm mùa... diễn biến phức tạp.

Bác sĩ Lê Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành, cho biết: Thời điểm giao mùa xuân – hè như hiện nay rất dễ nảy sinh dịch ở một số loại bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt phát ban nghi sởi và sốt xuất huyết. Đặc biệt sắp tới, thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 là thời điểm thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh, rất dễ gây thành dịch bệnh sốt xuất huyết. Do vậy, trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, tới các hộ dân, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh ở tất cả các mùa, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết vào mùa hè và một số bệnh thường gặp trong thời tiết giao mùa như sởi, quai bị, cúm... Nhắc nhở người dân ý thức cao trong việc đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, loại trừ nơi ở của muỗi; phun thuốc diệt muỗi, không để muỗi đốt nhằm hạn chế nguy cơ lây bệnh. Với các bệnh có vắc-xin dự phòng như sởi, quai bị, viêm màng não..., người dân cần chủ động tiêm vắc-xin để tạo miễn dịch; tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đối với các bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng, trung tâm chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng đến các khu dân cư, trường học, doanh nghiệp chủ động dự phòng bằng việc vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, thực hiện ăn chín uống sôi..., hạn chế thấp nhất bệnh dịch. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có hàng trăm ca mắc bệnh cúm, tiêu chảy, hàng chục ca mắc tay chân miệng... Tuy nhiên do chủ động trong công tác phòng chống dịch, chuẩn bị thuốc men, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, các ca mắc bệnh truyền nhiễm đều được điều trị khỏi, không gây thành dịch lây lan ra cộng đồng.

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng diễn biến phức tạp, nhất là bệnh sởi. Hiện đã ghi nhận ở 43 tỉnh, thành phố với hơn 1.000 ca mắc, tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Tại Thanh Hóa tính đến ngày 24-2 đã ghi nhận 54 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (có 28 trường hợp dương tính với vi rút sởi), rải rác ở 15 huyện, thị xã, thành phố, tập trung chủ yếu ở TP Thanh Hóa với 23 ca mắc (13 trường hợp dương tính với vi rút sởi); bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi dưới 9 tháng và số ca mắc chưa được tiêm vắc-xin sởi chiếm tỷ lệ cao. Trước thực tế trên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác giám sát phòng chống bệnh sởi với các phương án để chủ động khi có dịch bệnh xảy ra; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh để điều trị cách ly kịp thời, không để dịch lan rộng; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; củng cố các đội cơ động phòng chống dịch, bệnh; thực hiện quy định thông tin báo dịch theo Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28-12-2015 của Bộ Y tế ban hành về báo cáo tình hình dịch bệnh bằng phần mềm trực tuyến... Đồng thời chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền về cách phòng, tránh một số loại bệnh thường gặp trong thời tiết giao mùa, đặc biệt là các bệnh cúm, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường các hoạt động giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng. Cùng với đó chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động phòng chống dịch kịp thời; triển khai thực hiện phòng, chống dịch theo 3 cấp từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và tuyến xã. Ngoài ra trung tâm cũng tăng cường công tác giám sát bệnh nhân từ tuyến cơ sở, phát hiện sớm những trường hợp đầu tiên, triển khai các biện pháp chống dịch tích cực, kịp thời không để dịch lan rộng. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan trong việc triển khai công tác phòng chống dịch; tiến hành kiểm tra, giám sát các ổ dịch cũ và các vùng trọng điểm để phát hiện người lành mang trùng cùng với các yếu tố nguy cơ.

Dự báo thời gian tới có thể xuất hiện và lây lan một số bệnh truyền nhiễm như sởi, các loại cúm có độc lực cao, tay chân miệng... Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo với người dân cần thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, hạn chế đến nơi đông người, thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh đã có và khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]