(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù công tác bình đẳng giới được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm và đã đạt những kết quả phấn khởi, nhưng thực tế là khoảng cách bình đẳng giữa nam và nữ vẫn còn khá xa, chênh lệch giữa các vùng, miền. Để làm tốt công tác phát triển đảng viên nữ gắn với công tác cán bộ nữ, cùng với ban hành, thực hiện chính sách cán bộ nữ thì giải pháp hữu hiệu và trước mắt là phải tìm được những đảng viên nữ làm “hạt nhân” và làm thay đổi nhận thức về giới.

Phát triển đảng viên nữ gắn với công tác cán bộ nữ: Bài 2 - Có thực sự khó

Mặc dù công tác bình đẳng giới được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm và đã đạt những kết quả phấn khởi, nhưng thực tế là khoảng cách bình đẳng giữa nam và nữ vẫn còn khá xa, chênh lệch giữa các vùng, miền. Để làm tốt công tác phát triển đảng viên nữ gắn với công tác cán bộ nữ, cùng với ban hành, thực hiện chính sách cán bộ nữ thì giải pháp hữu hiệu và trước mắt là phải tìm được những đảng viên nữ làm “hạt nhân” và làm thay đổi nhận thức về giới.

Phát triển đảng viên nữ gắn với công tác cán bộ nữ: Bài 2 - Có thực sự khóHỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, một trong những giải pháp thu hút hội viên, phát triển đảng viên nữ. Ảnh: Lê Hà

Lấy chính đảng viên nữ là “hạt nhân” tuyên truyền, vận động

Nhắc đến câu chuyện của đảng viên Phạm Thị Oanh, Bí thư chi bộ Lập Thắng, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) mà chúng tôi đã đề cập ở bài 1 càng thấy được vai trò quan trọng của “hạt nhân”. Chị Oanh đã nỗ lực phấn đấu vào Đảng là cả quá trình “vượt rào” trước tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, những định kiến lạc hậu đã “ăn sâu, bám rễ” từ bao đời. Chị đã lấy chính kinh nghiệm của bản thân để vận động 2 quần chúng phấn đấu, giới thiệu nguồn cho Đảng xem xét kết nạp. Chị Oanh chia sẻ: “Tôi nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với quần chúng, chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân. Tôi còn được cấp ủy, Bí thư Đảng ủy xã động viên và làm công tác tư tưởng với những đảng viên trong chi bộ, quần chúng Nhân dân nơi tôi cư trú để họ hiểu rõ hơn những việc tôi làm, về công tác cán bộ nữ và họ đã “mở lòng” với tôi hơn để tôi có cơ hội được thể hiện năng lực, đóng góp, công sức, trí tuệ của mình cho sự phát triển chung. Cơ hội này tôi tiếp tục trao cho những người khác cùng giới để chị em phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của quê nhà”.

Tuy nhiên, không phải chi bộ nào cũng có “hạt nhân” như vậy, do đó, cấp ủy các cấp cần phải tạo được môi trường thuận lợi cho quần chúng nữ phấn đấu, thể hiện mình, đồng thời định hướng, giúp đỡ để họ vượt qua tâm lý tự ti.

Chia sẻ “bí quyết” trong công tác vận động nữ quần chúng ưu tú là hội viên của mình, chị Phạm Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ngọc Lặc cho biết: Mỗi cán bộ hội vừa phải vận động đối tượng, vừa động viên gia đình đối tượng. Vì vậy mà nhiệm kỳ 2016-2021, tổ chức hội đã giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp 61 hội viên ưu tú; tham mưu cho cấp ủy luân chuyển 10 cán bộ hội cấp huyện, xã công tác tại cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể; nhiệm kỳ 2020-2025, nữ tham gia cấp ủy cấp xã đạt 24,39%, nữ tham gia cấp ủy cấp huyện đạt 16,2%”.

Trong công tác tạo nguồn phát triển Đảng và nguồn cán bộ nữ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ và các đoàn thể ở địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên là nữ tham gia. Việc vận động học sinh nữ sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT và đi học chuyên nghiệp, học nghề rất quan trọng, chỉ khi trình độ dân trí được nâng cao, có kiến thức và tầm hiểu biết xã hội, họ mới xác định đúng động cơ phấn đấu vào Đảng, hiểu rõ hơn vai trò của Đảng, quyền và nghĩa vụ của người đảng viên. Cùng với đó là không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đặt mục tiêu cụ thể cho các tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển Đảng gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

Thay đổi từ nhận thức

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến công tác cán bộ nữ. Việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ, giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng giới, tạo mọi điều kiện để phát huy vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Qua các thời kỳ cách mạng, đã có nhiều nghị quyết, chương trình hành động từ Trung ương đến địa phương được ban hành nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Đó là Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ”; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đề ra mục tiêu đến năm 2030 “Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%. Tỷ lệ nữ ĐBQH, HĐND các cấp đạt trên 35%”; Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ”.

Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Như Xuân có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp xã đạt 23,8% (tăng 1,7%) cấp huyện đạt 16,2% (tăng 3,6%); nữ tham gia đại biểu HĐND huyện, nhiệm kỳ 2021-2026 đạt 39,3% (tăng 0,6%). Đảng bộ huyện Thường Xuân, nữ tham gia cấp ủy cấp xã đạt 18,1% (tăng 3,1%), cấp huyện đạt 13,51% (tăng 3,5%); nữ tham gia HĐND xã đạt 29,49% (tăng 7,47%), cấp huyện 34,28% (tăng 11,2%). Đảng bộ TP Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều chị làm cán bộ chủ chốt các xã, phường (bí thư, phó bí thư trực đảng, chủ tịch, phó chủ tịch); nhiệm kỳ 2021-2026 nữ tham gia HĐND xã, phường đạt 30,62%; nữ lãnh đạo chủ chốt của thành phố chiếm 30%, có 3 nữ tham gia ban thường vụ.

Đối với cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND tỉnh đạt 20% (17 nữ đại biểu/58 đại biểu), trong khi đó, Nghị quyết 1187/NQ-UBTVQH14 đề ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử đạt khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND; nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt gần 5,9% (1 đồng chí); nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 10,77% (7 đồng chí)... Nhìn chung, tỷ lệ cán bộ nữ trong các cấp ủy đảng, HĐND, UBND tham gia lãnh đạo, quản lý tuy có tăng so với nhiệm kỳ trước, nhưng đối chiếu với các văn bản quy định của Trung ương nêu trên vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, thiếu tính ổn định và bền vững. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử giữ chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh chưa đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đa số cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý được bố trí chủ yếu làm cấp phó. Sự “chênh lệch” cán bộ nữ và cán bộ nam trong cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cho thấy, bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách lớn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác cán bộ nữ chưa đạt mục tiêu đề ra, quan trọng nhất chính là nhận thức. Những định kiến giới vẫn chưa thay đổi nhiều. Hạn chế cán bộ nữ tham gia quản lý xã hội không phải là do năng lực mà là các yếu tố về giới, sự vướng bận về thiên chức. Để khắc phục những tồn tại trên, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chính phụ nữ phải tiếp tục đổi mới nhận thức về phụ nữ với tư cách là một lực lượng quan trọng trong sự phát triển của xã hội, phải được đối xử bình đẳng về quyền lợi, trách nhiệm. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về cán bộ nữ và đưa chỉ tiêu về cán bộ nữ là một nội dung đánh giá thi đua hằng năm. Bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ chỉ có được khi cả hai giới cùng thay đổi về nhận thức.

Đồng chí Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, cho biết: “Với vai trò là tổ chức hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên phụ nữ các dân tộc trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tham mưu, đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy về công tác cán bộ nữ; nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ vào quy hoạch; tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, chủ động tham mưu trong công tác giới thiệu nguồn và quy hoạch cán bộ nữ; tổng hợp, rà soát đánh giá thực trạng cán bộ nữ. Cùng với sự nỗ lực của chị em, nhiều chị đã được Đảng kết nạp, tạo nguồn, bồi dưỡng và bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ qua nhiều vị trí, công việc khác nhau. Các chị được rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp hội đã giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp 5.824 quần chúng nữ ưu tú.

Đồng chí Lê Doãn Thành, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Thanh Hóa cho rằng: “Biện pháp có tính bền vững lâu dài là tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng. Làm được như vậy thì công tác phát triển đảng viên nữ sẽ phát triển mạnh cả về số lượng và nâng cao chất lượng”.

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn và nhiều ý kiến từ cơ sở cho rằng: Để công tác cán bộ nữ của tỉnh có những bước đột phá, đòi hỏi sự vào cuộc, quyết tâm của cả 3 thành phần quan trọng là: cấp ủy, chính quyền các cấp; các cấp hội phụ nữ và sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân nữ quần chúng ưu tú và cán bộ nữ vì tỷ lệ đảng viên nữ cao sẽ tác động tích cực đến việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng bổ nhiệm, cơ cấu cán bộ nữ trên địa bàn.

Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]