(Baothanhhoa.vn) - Trong nhiệm kỳ qua, tại các đơn vị, địa phương đã có những cách làm sáng tạo trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CBĐV), người đứng đầu, đã góp phần tạo ra những đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dấu ấn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII: Bài 2 - Đột phá từ nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm nêu gương

Trong nhiệm kỳ qua, tại các đơn vị, địa phương đã có những cách làm sáng tạo trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CBĐV), người đứng đầu, đã góp phần tạo ra những đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dấu ấn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII: Bài 2 - Đột phá từ nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm nêu gương

Nhiều đảng viên thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) tích cực tham gia phát triển nông nghiệp hàng hóa. Ảnh: Lê Hà

Với suy nghĩ: Nêu gương là phải tiên phong làm trước dù ở hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, suốt 20 năm làm trưởng phố 9 (nay là Tổ trưởng tổ dân phố số 6) phường Ba Đình (TP Thanh Hóa), đồng chí Nguyễn Hữu Tiến luôn tích cực đi đầu các phong trào thi đua do phường và thành phố phát động. Ngoài chủ động đóng góp kinh phí, đồng chí Tiến còn kêu gọi các đảng viên và Nhân dân trong phố chung tay hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa phố trị giá hơn 300 triệu đồng; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống rãnh, lắp đèn cao áp trị giá hơn 200 triệu đồng; giúp đỡ 2 gia đình thoát nghèo; trao 77 sổ tiết kiệm cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Đặc biệt, sau khi sáp nhập phố 9 và 10 thành phố 6, địa bàn rộng hơn, dân số đông hơn, việc nêu gương lại càng trở nên quan trọng. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cho biết: Muốn người dân nghe mình, tin mình thì phải tạo được uy tín, thể hiện bằng sự gương mẫu “nói đi đôi với làm” trong mọi hoạt động.

Thực hiện Nghị quyết số 02–NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015 – 2020, Hội LHPN tỉnh đã đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở “Gần hội viên, nghe hội viên nói, nói hội viên hiểu, làm hội viên tin”. Những năm gần đây, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hội nghị đối thoại giữa cấp ủy với cán bộ, hội viên, phụ nữ với chủ đề “Công tác cán bộ nữ và cơ chế, chính sách cho phụ nữ phát triển kinh tế - xã hội”. Có mặt tại các buổi đối thoại giữa cấp ủy với hội viên, phụ nữ các huyện Thọ Xuân, Như Xuân, chúng tôi cảm nhận được “sức nóng” của bầu không khí nơi đây. Nhiều hội viên đã mạnh dạn đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền những tồn tại, vướng mắc, những bất cập về chủ trương, cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đặc biệt là sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tổ chức hội và những vấn đề hội viên phụ nữ và người dân quan tâm, như: tạo việc làm cho phụ nữ nông nhàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đền bù và giải quyết tranh chấp đất đai, thủ tục giấy tờ liên quan đến vốn vay Ngân hàng, bảo vệ quyền cho phụ nữ và trẻ em (xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình...). Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến, đề xuất chính đáng của cán bộ, hội viên phụ nữ đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và HĐND huyện giải đáp thỏa đáng tại buổi đối thoại, tạo hiệu ứng tốt, động viên các tầng lớp phụ nữ tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Hội nghị đối thoại là cơ hội để cán bộ, hội viên, phụ nữ có điều kiện được bày tỏ những tâm tư nguyện vọng, phản ánh, đề xuất, kiến nghị những vấn đề cần quan tâm, giúp cấp ủy, chính quyền kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và có những cơ chế, chính sách phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phát huy dân chủ và trách nhiệm của tổ chức mình trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, hoạt động đối thoại đã được triển khai thực hiện ở cấp xã, phường, thị trấn giúp nhiều hội viên, phụ nữ và người dân được bày tỏ tâm tư nguyện vọng, đề xuất kiến nghị với cấp ủy, chính quyền ngay tại địa phương mình. Qua đó, hạn chế được những vấn đề tồn đọng, bức xúc kéo dài.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, việc lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Tuy mỗi địa phương, đơn vị, mỗi CBĐV, người đứng đầu đơn vị có cách làm khác nhau, nhưng đều có điểm chung trong việc nêu gương và có những cách làm cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Trên cơ sở Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của CBĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, ngày 19-8-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1089-QĐ/TU về “Quy định trách nhiệm nêu gương của CBĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Trong 5 năm qua (2015-2020), các nội dung của Quy định số 101-QĐ/TW và Quyết định số 1089-QĐ/TU đều được các cấp ủy đảng nghiêm túc triển khai, cũng như chỉ đạo, hướng dẫn để chi bộ đưa vào sinh hoạt hàng tháng. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đều kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, biểu dương, khen thưởng. Việc triển khai Quy định 101-QĐ/TW, Quyết định số 1089-QĐ/TU, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, đã trở thành “kim chỉ nam” trong việc tự rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, tư cách, tác phong, lề lối làm việc, mối quan hệ và thái độ ứng xử với Nhân dân trong thực thi nhiệm vụ của mỗi CBĐV.

Mục tiêu lớn nhất của nêu gương là giáo dục, răn đe, phòng ngừa, thay đổi cung cách làm việc vốn đâu đó còn trì trệ, bảo thủ, lối mòn nhưng vẫn bảo đảm có tình, có lý, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tại huyện Đông Sơn, việc nêu gương được người đứng đầu các cấp trực tiếp tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở; CBĐV “gần dân, sát dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Từ sự nêu gương, nói đi đôi với làm và bằng những việc làm cụ thể của CBĐV, được Nhân dân trong huyện phấn khởi, tin tưởng và tích cực hưởng ứng chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, năm 2019, huyện Đông Sơn là huyện thứ ba trong tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM (về đích trước thời hạn 1 năm so với nghị quyết đề ra).

Cụ thể hóa Quy định 101-QĐ/TW gắn với Quyết định số 1089-QĐ/TU bằng những chỉ thị, nghị quyết chuyên đề sát hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, huyện Quan Sơn đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động”. Để rõ người, rõ việc, Huyện ủy đã triển khai mô hình “3+1”, nghĩa là mỗi tháng cán bộ, công chức từ huyện đến xã dành 3 tuần làm việc tại cơ quan, đơn vị và 1 tuần xuống các thôn, bản để nắm tình hình, hướng dẫn các cấp ủy triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống. Từ đó đã tạo chuyển biến về lề lối, tác phong làm việc theo hướng sát dân, sát cơ sở, góp phần tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thực tiễn cho thấy, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều CBĐV đổi mới phong cách, tác phong làm việc, trở thành tấm gương sáng về lòng tận tụy, ý thức dấn thân vào những việc khó, nơi khó, miệt mài học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao, Nhân dân yêu mến, tin tưởng... Họ thực sự phát huy vai trò là hạt nhân, là những đảng viên gương mẫu, nòng cốt trên mọi lĩnh vực. Dù ở hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, họ là những người dám ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”, chia ngọt sẻ bùi với quần chúng Nhân dân, xứng đáng với lời nhắc nhở của Bác Hồ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương đâu đó vẫn còn tình trạng đối phó, hiệu quả thấp. Vì vậy, để trách nhiệm nêu gương trở thành việc làm thường xuyên, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mỗi CBĐV người đứng đầu các cấp, các ngành cần luôn tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc; cấp ủy cơ sở phân công cấp ủy viên hoặc đảng viên phụ trách cụ thể các lĩnh vực công tác trong cơ quan, đơn vị, trong các tổ chức đoàn thể; tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao tinh thần đấu tranh trong tự phê bình và phê bình để mỗi đảng viên nhất quán từ suy nghĩ đến hành động, đồng thời phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, tự giác thực hiện trách nhiệm nêu gương của từng CBĐV trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Lê Hà

Bài 3: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật.


Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]