(Baothanhhoa.vn) - Hai nhiệm kỳ liên tiếp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và XIX đã lựa chọn “Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” và “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” là khâu đột phá để thực hiện. Với quyết tâm cao, Thanh Hóa đã, đang tạo được nhiều dấu ấn nổi bật, đưa công tác cải cách hành chính (CCHC) trở thành “đòn bẩy” để từng bước hiện thực hóa những mục tiêu đại hội đề ra.

Cải cách hành chính đồng bộ, mạnh mẽ

Hai nhiệm kỳ liên tiếp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và XIX đã lựa chọn “Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” và “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” là khâu đột phá để thực hiện. Với quyết tâm cao, Thanh Hóa đã, đang tạo được nhiều dấu ấn nổi bật, đưa công tác cải cách hành chính (CCHC) trở thành “đòn bẩy” để từng bước hiện thực hóa những mục tiêu đại hội đề ra.

Cải cách hành chính đồng bộ, mạnh mẽCông chức bộ phận một cửa UBND thị xã Nghi Sơn hướng dẫn công dân giải quyết thủ tục hành chính.

Quyết liệt trong chỉ đạo

Để thực hiện hiệu quả khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”, tháng 4–2022, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập 4 đoàn giám sát tại các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, UBND tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC. Trong đó, đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”; trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành kế hoạch CCHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Bộ tiêu chí xác định chỉ số CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn; đề án đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện (DDCI)... UBND tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế; giao các sở chuyên ngành tham mưu để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản chỉ đạo, điều hành trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước và tiến hành kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời phát hiện những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tiễn.

Thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện CCHC. Trong đó, chú trọng xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch CCHC 5 năm và hàng năm, nội dung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung hoạt động CCHC, thời gian thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm điều hành, theo dõi, kiểm tra và cơ quan thực hiện. Đồng thời, phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hàng năm, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố đều tiến hành kiểm tra và giám sát công tác CCHC, qua đó kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế còn tồn tại.

Nhiều dấu ấn nổi bật

So với nhiều năm về trước, năm 2021 công tác CCHC của Thanh Hóa đã có sự “bứt phá” mạnh mẽ khi vươn lên xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tăng 21 bậc so với năm 2020. Đặc biệt, trong 8 nội dung chính cấu thành Chỉ số PAPI, Thanh Hóa có 7/8 nội dung tăng mạnh, nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Sau khi Chỉ số PAPI được công bố, Thanh Hóa tiếp tục đón nhận tin vui khi Chỉ số CCHC vươn lên xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố (tăng 15 bậc so với năm 2020).

Đáng phấn khởi, trong 8 lĩnh vực đánh giá Chỉ số CCHC thì lĩnh vực hiện đại hóa hành chính của Thanh Hóa xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Hiện nay, 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được kết nối với hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng; phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc được triển khai sử dụng cho 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã. Sau khi Chính phủ ban hành khung Kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Thanh Hóa đã sớm phê duyệt đề cương Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa phiên bản 2.0. Thanh Hóa cũng là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất cả nước với 600 điểm cầu, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí cho các cuộc họp. Hệ thống một cửa điện tử tại 27/27 UBND cấp huyện và 559/559 UBND cấp xã thường xuyên được bổ sung trang thiết bị, nâng cấp các phần mềm, bảo đảm giải quyết TTHC nhanh chóng, thuận tiện.

Thanh Hóa là địa phương được đánh giá cao trong việc tạo lập văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số. Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã trao đổi, xử lý trên hệ thống 1.988.791 lượt văn bản đến và 808.230 văn bản đi; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt gần 99% (trừ các văn bản mật theo quy định). 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số của toàn tỉnh đạt 98,5%. Toàn tỉnh đã có 530 cơ quan Nhà nước áp dụng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001, góp phần quan trọng trong công tác hiện đại hóa nền hành chính. Đặc biệt, UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác về thúc đẩy triển khai chính quyền số, xã hội số, kinh tế số giai đoạn 2021 - 2025, tạo tiền đề để từ năm 2022 trở đi Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực bứt phá, đẩy nhanh lộ trình xây dựng chính quyền điện tử.

Thực hiện các quy định của Chính phủ về rà soát, đơn giản hóa TTHC, các sở, ngành, UBND cấp huyện đã tập trung rà soát, đánh giá nhóm TTHC không phù hợp, có vướng mắc, bất cập. 4 năm qua, toàn tỉnh đã rà soát 181 văn bản, trong đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung 66 văn bản. 100% các văn bản kiến nghị đơn giản hóa TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành xem xét, giải quyết. Cùng với đó, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, qua giám sát tại các sở, ngành, địa phương, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã chỉ ra những hạn chế còn tồn tại đó là: Việc kiểm tra công tác CCHC chưa được thực hiện thường xuyên, số cuộc kiểm tra còn ít; việc cập nhật các quy định về TTHC mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, có lúc, có nơi chưa kịp thời; kỹ năng tác nghiệp trên phần mềm của một bộ phận công chức cấp xã còn thấp, chưa phát hiện được các sai sót trong thành phần hồ sơ; công tác phối hợp giữa các đơn vị còn thiếu sự chủ động...

Để hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”, các sở, ngành, địa phương cần nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, đồng thời nghiên cứu, áp dụng nhiều sáng kiến, cách làm hay vào CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, tạo bước đột phá thực sự ấn tượng để phục vụ tích cực cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Bài và ảnh: Thu Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]