(Baothanhhoa.vn) - Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 18 và 19 của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện và cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết 18, 19

Bài 2: Hiệu quả bước đầu và những khó khăn cần tháo gỡ

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 18 và 19 của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện và cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Bài 2: Hiệu quả bước đầu và những khó khăn cần tháo gỡ

Sau sáp nhập Trường Tiểu học và THCS Hải Yến (Tĩnh Gia) có nhiều chuyển biến tích cực trong dạy và học. Ảnh: thu vui

Tin liên quan:
  • Bài 2: Hiệu quả bước đầu và những khó khăn cần tháo gỡ
    Bài 1: Quyết liệt và đồng bộ

    Đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là việc khó khăn, phức tạp và nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp về chức năng của bộ máy hoạt động đã từng bước được khắc phục, đem lại những kết quả bước đầu quan trọng.

Giảm số lượng - nâng chất lượng

Sau nhiều năm hoạt động, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề cấp huyện đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập về cơ cấu, tổ chức và hoạt động chưa thống nhất, tồn tại nhiều mô hình; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đầu tư dàn trải gây tốn kém và lãng phí do không sử dụng hết; việc bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa hợp lý, nơi thừa, nơi thiếu... Nhằm từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2144/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đổi tên, sáp nhập, bổ sung chức năng, nhiệm vụ các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên, dạy nghề, hướng nghiệp”. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề trực thuộc thành một đầu mối là trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, qua đó giảm được 19 đơn vị sự nghiệp. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc sáp nhập đã khắc phục những hạn chế đối với từng loại hình trung tâm khi hoạt động riêng lẻ, tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên; đáp ứng nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác tuyển sinh.

Nhiều năm trước, Trường THCS Hải Yến (Tĩnh Gia) chỉ duy trì từ 4 đến 5 lớp với trên dưới 100 học sinh, Trường Tiểu học Hải Yến cũng chỉ có 8 lớp với hơn 200 học sinh, không bảo đảm số lớp học theo quy định. Năm học 2016-2017, 2 trường tiểu học và THCS của xã Hải Yến sáp nhập thành Trường Tiểu học và THCS Hải Yến. Thầy giáo Nguyễn Bá Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hải Yến cho biết: “2 đơn vị trường được sáp nhập nằm liền kề nhau nên công tác quy hoạch khuôn viên, đầu tư cơ sở vật chất, chỉ đạo điều hành, quản lý sau sáp nhập không có nhiều vướng mắc. Sau khi sáp nhập, nhà trường đã cơ cấu lại tổ chức bộ máy, nội bộ nhà trường đoàn kết, thầy, cô giáo cũng xác định được trách nhiệm và quyết tâm thực hiện hiệu quả chủ trương sáp nhập trường của tỉnh và huyện cũng như ngành giáo dục”. Sau sáp nhập, chất lượng giáo dục của nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. 3 năm qua, nhà trường đều có học sinh giỏi cấp tỉnh. Điều này cũng minh chứng cho hướng đi đúng đắn và thành quả của việc sáp nhập trường. Cùng với Trường Tiểu học và THCS Hải Yến, ngành giáo dục huyện Tĩnh Gia đã phối hợp với các địa phương rà soát, sắp xếp, sáp nhập thành công trường tiểu học và THCS trên địa bàn các xã Triêu Dương và Định Hải. Trong năm 2018, Trường THPT Tĩnh Gia 5 cũng được giải thể và sáp nhập với các trường THPT khác trên địa bàn huyện cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Theo lộ trình quy hoạch đến năm 2025, toàn huyện Tĩnh Gia sẽ giảm thêm 8 trường, gồm 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 4 trường THCS.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sau hai năm triển khai, với sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bằng cách làm chủ động, bài bản và quyết liệt, Thanh Hóa đã đạt kết quả bước đầu tích cực, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh tiếp tục được sắp xếp, giảm theo chiều sâu, trên tinh thần bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý. Biên chế sự nghiệp đã được tinh giản theo hướng cơ cấu lại đội ngũ viên chức, bố trí theo vị trí việc làm, đồng thời vẫn bảo đảm đủ số lượng người làm việc cho các đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ cung ứng dịch vụ. UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai đề án sắp xếp các trường tiểu học, THCS theo Kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục năm học 2018-2019 và đề án sắp xếp các trường THPT trên địa bàn tỉnh; đến nay, đã giảm được 21 đơn vị (trong đó có 6 trường THPT, lộ trình đến năm 2025 sẽ giảm 13 trường). Cùng với hiệu quả của việc thu gọn đầu mối, giảm biên chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 398-KL/TU ngày 7-5-2018 về thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập của tỉnh giai đoạn 2018-2020. Qua thực hiện, kinh phí cấp cho các bệnh viện sẽ giảm từ 420 tỷ đồng năm 2017 xuống 268 tỷ đồng năm 2020 (giảm 152 tỷ đồng). Theo lộ trình, sau năm 2020, khoảng gần 6.000 viên chức các bệnh viện sẽ không còn hưởng lương từ ngân sách vì thực hiện cơ chế tự chủ (trừ các huyện miền núi). Về tinh giản biên chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ tổng biên chế được giao, kiên quyết không để tăng biên chế. Đối với khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể, tổng biên chế là 2.373 người (không tính biên chế Liên đoàn Lao động tỉnh). Tổng biên chế này được quản lý chặt chẽ, không tăng và vẫn còn chỉ tiêu dự phòng để thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ. Đối với khối các cơ quan Nhà nước, việc xây dựng, phân bổ và sử dụng biên chế đúng nguyên tắc, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Để thực hiện thí điểm một số mô hình nhất thể hóa, kiêm nhiệm các chức danh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU về lãnh đạo tổ chức đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2019-2024. Theo đó, các huyện, thị, thành phố nghiên cứu bố trí đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện ở những nơi có điều kiện. Hiện nay, một số đơn vị đã thực hiện như các huyện Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Hoằng Hóa, Yên Định, TP Thanh Hóa... Bên cạnh đó, 27/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã bố trí Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện theo chỉ đạo của tỉnh. Việc kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế được triển khai đồng bộ, hiệu quả...

Khó khăn cần tháo gỡ

Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 489 ngày 5-6-2012 về Quy chế đánh giá cán bộ quản lý, lãnh đạo, trong đó đưa ra bộ tiêu chí cụ thể, có thang điểm... Đánh giá theo quy chế mới, trung bình mỗi năm có từ 5 đến 7% số cán bộ có sự thay đổi mức độ xếp loại so với tự xếp loại. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 73-KH/TU ngày 30-1-2018 thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Kế hoạch số 102 ngày 23-7-2018 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị. Tại các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch hành động, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình, thời gian phù hợp, hiệu quả cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc, đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm, thiếu tính chủ động. Tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; mới tập trung ở đối tượng nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển công tác, nghỉ thôi việc. Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị theo hướng thu gọn đầu mối, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập kết quả còn hạn chế. Việc xây dựng đề án vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị còn chậm. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở là một nội dung lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tuy nhiên chưa có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện...

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Một số nơi ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chậm, chưa có nhiều nội dung đột phá, sáng tạo riêng của địa phương trong thực hiện nghị quyết, nhất là sắp xếp đội ngũ cán bộ, bộ máy cấp xã, các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp của huyện. Sau khi sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố thì việc nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở một số nơi gặp khó khăn; công tác chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cũng chưa thật quyết liệt. Đồng thời, có những vấn đề đang đặt ra cần phải quan tâm đó là cần kịp thời sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn có liên quan để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đặc biệt là về khung số lượng đầu mối các đơn vị trực thuộc cấp tỉnh, huyện, khung bố trí số lượng lãnh đạo cấp phòng (tương đương); chính sách kiêm nhiệm, chính sách giải quyết đầu ra cho cán bộ dôi dư do sắp xếp, nhất là đối với cán bộ cơ sở... nhằm tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19.

Thiết nghĩ, để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18 và 19 rất cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, từng cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch, lộ trình, tiêu chí rõ ràng, cụ thể để nghị quyết đi vào cuộc sống.

Minh Hiếu - Thu Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]