Nhiều người dân ở Gaza tìm cách trèo lên các xe cứu trợ để lấy lương thực, một số xe chở hàng cứu trợ tới miền Bắc Gaza đã bị cướp bóc, tài xế bị hành hung, các nhân viên phải đối mặt với giao tranh.

WFP tạm thời ngừng hoạt động nhân đạo tại Gaza do an ninh không đảm bảo

Nhiều người dân ở Gaza tìm cách trèo lên các xe cứu trợ để lấy lương thực, một số xe chở hàng cứu trợ tới miền Bắc Gaza đã bị cướp bóc, tài xế bị hành hung, các nhân viên phải đối mặt với giao tranh.

WFP tạm thời ngừng hoạt động nhân đạo tại Gaza do an ninh không đảm bảoNgười dân Palestine nhận lương thực viện trợ nhân đạo tại trại tị nạn ở Rafah, miền Nam Dải Gaza, giáp giới với Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/2, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thông báo đã tạm dừng phân bổ hàng viện trợ đến phía Bắc Gaza sau khi một đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo của cơ quan này đối mặt với tình trạng cướp bóc và giao tranh.

Thông báo của WFP nêu rõ cơ quan này đã nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo tại Gaza vào ngày 18/2 vừa qua sau 3 tuần đình chỉ. Tuy nhiên, hiện tại WFP gặp nhiều khó khăn trong việc phân phát hàng viện trợ do trật tự dân sự tại vùng lãnh thổ này bị phá vỡ.

Trong ngày 17/2, đoàn xe cứu trợ của WFP đã chứng kiến nhiều người dân tại Gaza tìm cách trèo lên xe để lấy lương thực, thậm chí các nhân viên còn đối mặt với giao tranh khi tiến gần thành phố Gaza.

Riêng trong ngày 18/2, một số xe chở hàng viện trợ của đoàn xe thứ hai tới miền Bắc Gaza đã bị cướp bóc, tài xế xe tải bị hành hung. Số bột mỳ còn lại của đoàn xe này đã được phân phát tại thành phố Gaza.

WFP nêu rõ cơ quan này buộc phải tạm ngừng hoạt động viện trợ nhân đạo cho đến khi tình hình an ninh được đảm bảo, đồng thời khẳng định việc đưa ra quyết định này rất khó khăn bởi tình hình tại Gaza đang xấu đi và nhiều người có nguy cơ chết đói.

Kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát vào tháng 10 năm ngoái, WFP từng cảnh báo tình trạng thực phẩm và nước sạch khan hiếm. WFP cho biết các nhân viên cứu trợ đã chứng kiến sự tuyệt vọng chưa từng thấy của người dân Dải Gaza.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã chuyển 32 bệnh nhân ra khỏi bệnh viện Nasser ở phía Nam Gaza, đồng thời lo ngại sự an toàn của các bệnh nhân và bác sĩ còn ở bên trong cơ sở y tế này.

Động thái này diễn ra sau khi quân đội Israel tiến hành bao vây và lục soát bệnh viện này.

Nhân viên WHO cho biết cảnh tượng xung quanh bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Yunis là “không thể diễn tả được,” đồng thời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lây lan bên trong bệnh viện do điều kiện xuống cấp.

Theo WHO, bệnh viện Nasser không có điện, nước sinh hoạt, trong khi rác thải và chất thải y tế là nguyên nhân khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Bệnh viện Nasser là cơ sở quan trọng trong hệ thống y tế ở phía Nam Dải Gaza.

Sau khi bị từ chối tiếp cận vào ngày 16/2 và 17/2 vừa qua, WHO cho hay đã thực hiện 2 sứ mệnh để chuyển 32 bệnh nhân nặng, gồm 2 trẻ em, ra khỏi bệnh viện Nasser vào ngày 18/2 và 19/2.

Trong sứ mệnh này, các nhân viên WHO đã mang theo và cung cấp một lượng nhỏ thuốc và thực phẩm thiết yếu cho các bệnh nhân và nhân viên còn lại.

WHO nhấn mạnh tình trạng xuống cấp của Khu liên hợp y tế Nasser là đòn giáng mạnh vào hệ thống y tế của Gaza.

Cơ quan y tế của Liên hợp quốc ước tính còn khoảng 130 bệnh nhân ốm nặng và bị thương cùng ít nhất 15 y bác sỹ vẫn còn bên trong bệnh viện Nasser.

Liên quan đến tình hình thực địa, phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn tài liệu của Quân đội Israel (IDF) cho biết tổng cộng từ đầu cuộc xung đột tại Dải Gaza nổ ra từ tháng 10 năm ngoái, IDF đã tấn công vào 31.000 mục tiêu, bao gồm 29.000 mục tiêu của phong trào Hồi giáo Hamas, 1.100 mục tiêu của phong trào Hezbollah tại Liban và một số mục tiêu của các lực lượng vũ trang của người Palestine ở Bờ Tây.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]