(Baothanhhoa.vn) - Đi qua cánh cổng làng đồ sộ, ghé vào làng Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa), từ xa tôi đã nghe tiếng đục đẽo, tiếng ù ù của máy CNC khắc gỗ hòa lẫn với tiếng của máy cưa, máy cắt, máy bào... Những âm thanh quen thuộc của làng nghề mộc như thúc giục, hối hả hơn trong những ngày tháng Chạp.

Về thăm làng nghề mộc Đạt Tài

Đi qua cánh cổng làng đồ sộ, ghé vào làng Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa), từ xa tôi đã nghe tiếng đục đẽo, tiếng ù ù của máy CNC khắc gỗ hòa lẫn với tiếng của máy cưa, máy cắt, máy bào... Những âm thanh quen thuộc của làng nghề mộc như thúc giục, hối hả hơn trong những ngày tháng Chạp.

Về thăm làng nghề mộc Đạt TàiMột cơ sở sản xuất nghề mộc ở làng Đạt Tài, xã Hoằng Hà.

Đến cơ sở sản xuất đồ gỗ Lâm Hằng, một trong những cơ sở nằm ngay trên trục đường chính vào làng, gian hàng trưng bày rộng rãi với đủ các mẫu mã. Phía trong xưởng, những người thợ vẫn cặm cụi công việc. Vừa xong việc xếp hàng lên chiếc xe tải cho một khách ở xa, ông chủ trẻ Nguyễn Văn Lâm dành cho chúng tôi ít thời gian để kể về công việc làm ăn những ngày giáp tết.

Vốn sinh ra ở làng Đạt Tài, lớn lên từng đi xa học hành, làm ăn, song khi đã trưởng thành, suy nghĩ chín chắn, anh lại trở về làng để kế nghiệp cha, cùng gia đình phát triển cơ sở sản xuất đồ gỗ truyền thống. Hiện tại, cơ sở sản xuất của anh đang tạo việc làm cho khoảng 6 - 7 lao động thường xuyên và hơn 10 lao động thời vụ. Để ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ năm 2016, gia đình anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy CNC khắc gỗ để hỗ trợ công việc. Máy móc và công nghệ đã hỗ trợ, giảm tải khối lượng công việc của người thợ mộc, tiết kiệm thời gian và cho ra nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng, giá thành cạnh tranh hơn. Đây chính là cách mà đa phần các hộ có cơ sở sản xuất lớn ở địa phương lựa chọn để làm “mới” nghề. Tuy nhiên, sản phẩm có được khách hàng yêu thích lựa chọn hay không vẫn nhờ vào tay nghề của những người thợ khéo léo, sự tư vấn phù hợp của những người am hiểu về nghề mộc, về từng chất gỗ.

Anh Lâm chia sẻ: Sản phẩm mộc ở Đạt Tài được sản xuất và tiêu thụ quanh năm, nhưng “hút” hàng nhất là 3 tháng cuối năm. Dịch bệnh đã khiến công việc tại các cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng, vì lượng khách bán lẻ giảm đáng kể so với những năm trước. Tuy nhiên, mỗi cơ sở đều có cách thích ứng khác nhau, riêng cơ sở của gia đình anh vẫn giữ được hoạt động ổn định nhờ cung cấp đồ gỗ cho khách hàng xây dựng, sửa sang nhà cửa, văn phòng...

Nghề mộc Đạt Tài là nghề truyền thống của xã Hoằng Hà, được nằm trong danh sách những làng nghề mộc nổi tiếng của Hoằng Hóa. Theo các cụ cao niên, nghề mộc Đạt Tài đã có tiếng từ cách đây khoảng 500 năm. Nghề vốn có gốc từ Nam Định, do người thợ cả của một toán thợ mộc vào đây làm nhà, rồi lấy vợ người làng Đạt Tài. Khi định cư tại đây, ông đã truyền nghề cho dân làng Đạt Tài. Từ đây, nghề đã lan sang các làng khác ở vùng lân cận. Rồi với tay nghề khéo léo hơn người, những người thợ mộc nơi đây đã đi khắp nơi làm nghề, rồi để lại “tiếng thơm” cho đời bởi những tác phẩm từ những đôi bàn tay tài hoa. Qua biết bao thăng trầm, người làng Đạt Tài vẫn gắn bó với nghề. Lớp cha trước truyền lớp con sau để gìn giữ nét tài hoa mà không phải nơi nào cũng có được.

Ngày nay, nghề truyền thống của làng được duy trì và ngày càng phát triển mở rộng. Trong xã, hiện có hơn 70 hộ gia đình làm nghề, tập trung ở 3 thôn Đạt Tài 1, Đạt Tài 2, Hà Thái, chiếm 7% tổng số hộ dân toàn xã. Doanh thu từ nghề mộc đóng góp lớn vào tổng giá trị sản xuất của địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động của làng nghề cũng có phần trầm lắng hơn song “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, các hộ sản xuất ở làng vẫn xoay xở nhiều cách để thích nghi trong điều kiện dịch bệnh. Có hộ tìm kiếm thị trường, kết nối khách hàng thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử; có hộ tập trung vào đổi mới mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành để thu hút khách hàng... Đặc biệt, nhờ vào tay nghề vốn đã nổi tiếng từ lâu, những người thợ, cơ sở sản xuất đồ gỗ ở làng Đạt Tài vẫn duy trì và hoạt động ổn định nhờ vào thị trường mộc dân dụng và xây dựng. Địa phương luôn động viên, hỗ trợ, tạo “đòn bẩy” để phát triển bền vững hoạt động của làng nghề. Cuối năm 2020, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành đề án phát triển nghề mộc Hà - Đạt giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đề án này, mục tiêu mà địa phương muốn hướng đến là hình thành một khu sản xuất nghề mộc quy mô hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh, trở thành trung tâm nghề mộc của cả huyện; đồng thời trở thành điểm du lịch làng nghề. Huyện đã khảo sát và định hướng khu vực phát triển nghề mộc Hà- Đạt tại vị trí giáp ranh của 2 xã với tổng quy mô khoảng 13,91 ha để hình thành khu sản xuất, khu trưng bày... Định hướng này đã và đang từng bước được triển khai ở 2 địa phương là xã Hoằng Hà và Hoằng Đạt. Người dân địa phương kỳ vọng những kế hoạch cụ thể, có tính lâu dài, Nhà nước đồng hành, tạo điều kiện cùng các cơ sở sản xuất nghề mộc sẽ là tiền đề tạo “bước ngoặt” quan trọng để phát huy truyền thống, tinh hoa làng nghề, mở ra một thời kỳ mới thịnh vượng cho nghề mộc ở huyện ven biển này.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]