(Baothanhhoa.vn) - Việc đăng kiểm tàu cá là hoạt động bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn về trang thiết bị và kỹ thuật cho phương tiện trong quá trình hoạt động trên biển, nhất là các vùng biển xa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tàu cá ở các địa phương ven biển của tỉnh đã hết hạn từ lâu nhưng không đăng ký, đăng kiểm lại theo quy định. 

Kiểm soát tàu cá hết hạn đăng kiểm

Việc đăng kiểm tàu cá là hoạt động bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn về trang thiết bị và kỹ thuật cho phương tiện trong quá trình hoạt động trên biển, nhất là các vùng biển xa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tàu cá ở các địa phương ven biển của tỉnh đã hết hạn từ lâu nhưng không đăng ký, đăng kiểm lại theo quy định.

Kiểm soát tàu cá hết hạn đăng kiểmCán bộ Trạm kiểm soát Đồn Biên phòng Sầm Sơn kiểm tra trang thiết bị trên tàu cá tại Cảng cá Lạch Hới.

Tàu cá TH-91708-TS có chiều dài 18,3m hành nghề lưới vây, chuyên khai thác ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ của ngư dân Phạm Văn Du, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) đã hết hạn đăng kiểm từ năm 2018 nhưng đến nay chủ tàu vẫn chưa thực hiện đăng kiểm lại theo quy định. Nguyên nhân là do tàu cá thường xuyên tham gia khai thác trên các vùng biển xa và cập cảng ở các tỉnh ngoài nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện đăng kiểm. Theo tìm hiểu trên địa bàn TP Sầm Sơn còn 109 tàu cá có chiều dài từ 12m đến 21m hết hạn đăng kiểm từ năm 2015 đến nay nhưng chưa thực hiện đăng kiểm lại. Ngoài nguyên nhân là do phương tiện bị hư hỏng, khai thác không hiệu quả, tàu cá nằm bờ, ngư dân chuyển nghề đi làm ăn xa hoặc tàu cá được mua đi bán lại nhiều lần, thì vẫn còn một bộ phận ngư dân chưa tự giác chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật cho tàu cá khi hoạt động trên biển.

Hiện nay, số tàu cá còn hạn đăng kiểm trên địa bàn tỉnh là 1.519/2.109 chiếc, đạt tỉ lệ 72%; trong đó, tàu cá từ 12m đến dưới 15m là 585/978 chiếc, đạt tỉ lệ 59,8%; tàu cá từ 15m đến dưới 24m là 884/1.044 chiếc, đạt tỉ lệ 84,7%; tàu cá trên 24m là 50/87 chiếc, đạt tỉ lệ 57,5%. Theo Luật Thủy sản 2017, tất cả tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên, khi đóng mới, hoán cải, sửa chữa sẽ được đăng kiểm lần đầu. Sau đó, định kỳ hàng năm ngư dân phải thực hiện đăng kiểm tàu cá để tiến hành đăng kiểm lại, nhằm đảm bảo cho tàu cá đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật để hoạt động. Trước thực trạng đó, Chi cục Thủy sản đã tổ chức rà soát các tàu cá hết hạn đăng kiểm, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, thông báo, vận động các chủ tàu chấp hành nghiêm các quy định. Trung tâm đăng kiểm tàu cá thường xuyên về các địa phương tổ chức các đợt đăng kiểm để giúp người dân hạn chế đi lại. Bên cạnh đó, không cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu cá không đảm bảo an toàn hoặc không trang bị đủ trang thiết bị an toàn theo quy định. Để kiểm soát, quản lý tốt hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, các lực lượng có liên quan của tỉnh cũng đã tích cực kiểm tra, kiên quyết không cho xuất bến đối với những tàu cá khai thác không đúng nghề ghi trong giấy khai thác, hoặc mang theo các ngư cụ, trang thiết bị có tính hủy diệt hải sản... Đối với những tàu khai thác trái nghề, lực lượng chức năng yêu cầu các chủ tàu tháo dỡ toàn bộ trang thiết bị, ngư lưới cụ không liên quan đến nghề đã đăng ký trong giấy phép mới cho xuất bến.

Ông Lê Bá Lực, Trưởng Phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản, cho biết: Việc đăng kiểm tàu cá là hoạt động quản lý về kỹ thuật, kiểm tra an toàn kỹ thuật từ khi thiết kế đến lắp ráp và đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển. Việc kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, bao gồm: thân tàu, máy, các trang thiết bị hàng hải, khai thác hải sản và các trang thiết bị khác... đòi hỏi nghiêm ngặt về độ an toàn lắp đặt trên tàu cá. Do chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác đăng kiểm nên một bộ phận ngư dân còn xem nhẹ vấn đề an toàn kỹ thuật của phương tiện hoạt động khai thác hải sản trên biển, không tiến hành đăng ký, đăng kiểm phương tiện hàng năm theo quy định, để quá hạn cho phép. Để đảm bảo thực hiện nghiêm Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đơn vị đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển có tàu cá trong danh sách hết hạn đăng kiểm để thông báo trên hệ thống truyền thanh xã, phường yêu cầu các chủ tàu cá thực hiện đăng kiểm tàu cá, gia hạn giấy phép khai thác hải sản, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những thông tin liên quan đến hoạt động quản lý tàu cá, nhất là quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản, để ngư dân biết và tuân thủ quy định của pháp luật. Thường xuyên phối hợp với các đồn biên phòng tuyến biển tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, bãi ngang, trên biển về chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Kiên quyết không cho các tàu cá hoạt động trên biển khi không đủ giấy tờ và không đảm bảo trang thiết bị trên tàu theo quy định. Cùng với đó, các ban quản lý, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc), Lạch Hới (TP Sầm Sơn), Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) kiên quyết từ chối không cho bốc dỡ sản phẩm tại cảng đối với tàu cá vi phạm các quy định về đăng ký, đăng kiểm và thông báo cho các lực lượng có liên quan để xử lý theo quy định.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]