(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trong hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản toàn diện liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, nâng cao chất lượng chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân và góp phần giảm tải bệnh viện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Triển khai mô hình bác sĩ gia đình – còn nhiều cái khó

Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trong hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản toàn diện liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, nâng cao chất lượng chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân và góp phần giảm tải bệnh viện.

Triển khai mô hình bác sĩ gia đình – còn nhiều cái khóBác sĩ Trạm Y tế xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) thăm khám cho bệnh nhân.

Theo đó, Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch triển khai các phòng khám hoạt động theo nguyên lý y học gia đình như: Phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) tư nhân độc lập; phòng khám BSGĐ tại phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bệnh viện tư nhân; phòng khám BSGĐ trong các cơ sở y tế công lập và trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Được kỳ vọng là mô hình giúp giải quyết phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải bệnh viện, tiết kiệm kinh phí nằm viện cho bệnh nhân và chi phí BHYT, nhưng thực tế sau 5 năm triển khai thí điểm, ít phòng khám BSGĐ hoạt động hiệu quả và nhiều người cũng chưa thực sự hiểu về mô hình này.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) đã đầu tư 6 tỷ đồng xây mới trạm y tế với 16 giường, 19 phòng chức năng và các công trình phụ trợ. Các trang thiết bị y tế được trang bị bảo đảm các điều kiện tốt nhất để phục vụ công các khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn vẫn chưa triển khai được mô hình BSGĐ. Bác sĩ Nguyễn Tất Trung, Trạm trưởng Trạm Y tế Hoằng Châu cho biết: Mô hình BSGĐ là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tầm soát bệnh tật, giúp giảm quá tải bệnh viện, song thực tế cho thấy mô hình này hiện vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, mức trần BHYT thấp, danh mục thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân tại trạm y tế còn hạn hẹp về số lượng, chủng loại, thậm chí tình trạng thiếu thuốc vẫn diễn ra.

Khảo sát tại các cơ sở y tế, mô hình BSGĐ hiện cũng còn khá lạ lẫm với đại đa số người dân. Người dân chưa hiểu nhiều về y học gia đình cũng như vai trò của BSGĐ, các dịch vụ y học gia đình phần lớn chưa được người dân chấp nhận chi trả, nhiều dịch vụ chưa có trong danh mục thanh toán từ quỹ BHYT.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ tháng 6-2016, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch 783/KH-SYT về xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ tại Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020. Triển khai mô hình, năm 2018, Sở Y tế phối hợp với Trường Đại học Y dược Thái Bình đào tạo 127 bác sĩ tại 9 huyện, thành phố về chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình (thời gian đào tạo 3 tháng). Năm 2019, Sở Y tế phối hợp với Trường Đại học Y dược Hải Phòng đào tạo 77 bác sĩ tại 5 huyện, thành phố về bác sĩ định hướng y học gia đình (thời gian đào tạo 6 tháng). Năm 2020 dự kiến đào tạo khoảng 150 bác sĩ tuyến cơ sở về nguyên lý y học gia đình (dự kiến thời gian đào tạo 3 tháng).

Trên cơ sở nhân lực đã được đào tạo, thông qua nguồn lực xã hội hóa và hỗ trợ từ ngân sách đã đầu tư bổ sung một số loại trang thiết bị: siêu âm, xét nghiệm, điện tim cho một số trạm y tế xã, nhờ đó các trạm y tế này đã triển khai thêm các dịch vụ kỹ thuật bổ sung, tăng cường quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại tuyến cơ sở và cộng đồng như tăng huyết áp, đái tháo đường (tại 9 huyện, thị xã, thành phố thí điểm quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã. Hiện nay Sở Y tế đang trình UBND tỉnh phê duyệt triển khai phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân, tham gia mô hình thí điểm khám chữa bệnh từ xa giữa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với Trạm Y tế xã Quảng Trạch (Quảng Xương).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn, hiện nay mô hình y học gia đình đang trong giai đoạn được Bộ Y tế triển khai thí điểm. Tỉnh Thanh Hóa là địa bàn rộng lại không nằm trong 8 tỉnh thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ của Bộ Y tế do đó không được hỗ trợ nguồn lực cũng như đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ Bộ Y tế. Thêm vào đó, theo quy định nguồn nhân lực triển khai phải có bác sĩ đa khoa được đào tạo tối thiểu 3 tháng về y học gia đình; trạm y tế phải bảo đảm đủ nhân lực theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27-10-2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhưng đến nay nhân viên y tế xã trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được tuyển dụng thành viên chức, nhiều năm không được tuyển dụng bổ sung do đó nhiều trạm y tế không đủ nhân lực theo định biên. Nhiều quy định chuyên môn liên quan đến tổ chức, hoạt động cơ sở y tế theo nguyên lý y học gia đình chưa đầy đủ, đồng bộ, đã cản trở đến hiệu quả hoạt động của BSGĐ và cơ sở y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Phó Giám đốc Sở Y tế Đỗ Thái Hòa cho biết: Triển khai mô hình BSGĐ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Định hướng của y tế Việt Nam cũng như tại tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới là phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng - hiệu quả - phát triển - chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Bên cạnh phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, hiện đại thì cần phát triển y tế cơ sở để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại nơi sinh sống. Để góp phần đạt được mục tiêu đó chúng ta cần đầu tư phát triển ngành y tế theo hướng tăng chi tiêu công cho y tế, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho y tế; phát triển BHYT toàn dân, mở rộng dịch vụ y tế tuyến cơ sở để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế. Bên cạnh đề xuất bổ sung chi tiêu từ ngân sách đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực là BSGĐ, mua sắm bổ sung trang thiết bị, cần tiếp tục tìm kiếm các nguồn lực từ các nguồn trong xã hội để phát triển các cơ sở y tế như phòng khám BSGĐ ngoài công lập độc lập, phòng khám BSGĐ trong các bệnh viện ngoài công lập... Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tin học trong khám chữa bệnh, tư vấn từ xa, hồ sơ sức khỏe điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ chia sẻ, kết nối giữa hệ thống các cơ sở hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với các cơ sở khác trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhằm tiến tới quản lý sức khỏe người dân một cách đầy đủ, liên tục và toàn diện... Nếu tạo được niềm tin và uy tín với người dân thì việc tích hợp mô hình phòng khám BSGĐ với trạm y tế xã sẽ trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả cao.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]