(Baothanhhoa.vn) - Theo truyền thuyết sử, Hùng Vương dựng nước Văn Lang, chia quốc gia làm 15 bộ. Địa dư chí của Nguyễn Trãi, do Nguyễn Thiên Túng chú giải, Bộ Cửu Chân là Thanh Hóa. Đây là bộ lớn nhất trong 15 bộ vì thời đó Thanh Hóa từ núi Tam Điệp trở vào, gồm cả vùng đất Nghệ An, sau này dân số phát triển mới lập thêm Châu Hoan (Hoan Châu).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tỉnh lỵ Thanh Hóa - Bài 1: Đời Hùng Vương và thời kỳ đấu tranh chống xâm lược và đô hộ

Theo truyền thuyết sử, Hùng Vương dựng nước Văn Lang, chia quốc gia làm 15 bộ. Địa dư chí của Nguyễn Trãi, do Nguyễn Thiên Túng chú giải, Bộ Cửu Chân là Thanh Hóa. Đây là bộ lớn nhất trong 15 bộ vì thời đó Thanh Hóa từ núi Tam Điệp trở vào, gồm cả vùng đất Nghệ An, sau này dân số phát triển mới lập thêm Châu Hoan (Hoan Châu).

Tỉnh lỵ Thanh Hóa - Bài 1: Đời Hùng Vương và thời kỳ đấu tranh chống xâm lược và đô hộ

Hình minh họa.

Không có tài liệu nào nói lỵ sở bộ Cửu Chân đặt ở đâu. Sau chiến tranh Hùng – Thục kết thúc, nước Tây Âu và Lạc Việt (Văn Lang) hợp nhất thành quốc gia Âu Lạc hùng mạnh phương Nam. Nhưng An Dương Vương tồn tại chỉ 79 năm thì mất vào tay Triệu Đà xảo quyệt. Triệu Đà lấy nước ta cộng với một số đất đai của Trung Quốc, lập nước Nam Việt.

Quốc sử ta không chép đời An Dương Vương tổ chức hành chính như thế nào, chỉ biết Triệu Đà gốc người Hán ở huyện Chân Định (Trung Quốc), muốn trở về với nhà Hán, đem dâng Nam Việt cho Hán Vũ đế, ngoài đất Tần có cả Giao Chỉ, Cửu Chân của nước ta. Như vậy, có lẽ nước ta có 15 bộ, được Triệu Đà chia thành 2 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân. Sau này, theo thống kê dân số của sử Trung Quốc, dân số quận Cửu Chân bằng một phần ba dân số Giao Chỉ (tương đương vùng Bắc bộ). Chúng ta chú ý từ “quận”, chia nước ta thành quận, huyện, chắc do Triệu Đà, vì đó là tổ chức hành chính của Trung Quốc. Từ Triệu đến Hán, cũng không có tài liệu nào nói “quận trị” hay lỵ sở quận Cửu Chân tỉnh ta thời đó ở đâu. Thực tế tiếp theo nhà Hán, còn nhiều nhà: Tiền Ngụy, Thục, Đông Ngô, Tây Tấn, Đông Tấn, Tiền Tống, Nam Tề, Nam Lương, Hậu Lương... Họ tiếp tục xâm lược cai trị nước ta, biến nước ta thành đất đai của Trung Quốc. Thời kỳ này sử cũ gọi là “Nghìn năm Bắc thuộc”. Phong trào đấu tranh, chống xâm lược, đô hộ của phương Bắc, dân ta không ngừng nổi dậy, tiến hành cuộc chiến tranh trường kỳ, bất khuất, lúc âm ỉ, lúc bùng cháy, ngọn lửa yêu nước đấu tranh quyết giành lại độc lập, tự do cho đất nước, cho dân tộc. Và cuối cùng đất nước quê hương ta đã toàn thắng. Trong bối cảnh lịch sử phức tạp và khốc liệt ấy, chúng ta không thể tìm được một địa điểm cụ thể, địa danh chính xác, một vị trí tuyệt đối bất biến. Tất cả đều chỉ có ý nghĩa tương đối, không loại trừ khả năng tranh luận, bởi đây là vấn đề khoa học.

Trở lại vấn đề lỵ sở Cửu Chân đời Hùng Vương.

Thanh Hóa hiện còn đền thờ Hùng Trinh vương ở làng Hổ Bái thuộc xã Yên Bái, huyện Yên Định. Đền thờ qua tang thương biến đổi vẫn còn giữ được sắc phong, thần phả từ đời hậu Lê. Thần phả soạn trên cơ sở truyền thuyết, dã sử. Vua Hùng thứ 10 sai con trai Hùng Lạc hầu cai quản bộ Cửu Chân. Theo chế độ đời Hùng Vương: Nước có Lạc vương tức Hùng vương, Lạc hầu cai quản bộ, Lạc tướng cai quản huyện(?). Lạc hầu Hùng Trinh hầu được gọi về Văn Lang nối ngôi vua cha nên thành Hùng Trinh vương.

Đền thờ Hùng Trinh vương tọa lạc trên bờ sông cũ đã lấp, xưa kia dòng Cựu Mã giang chảy cuồn cuộn qua đây, thông suốt các huyện miền xuôi. Địa danh Hổ Bái theo các tài liệu địa chí, đời hậu Lê là xã Chân Bái, tổng Đan Nê, huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa. Quận Cửu Chân với bộ Cửu Chân, Triệu Đà chỉ đổi tên đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, có lẽ từ Cửu Chân là phiên âm từ Kẻ, từ Kẹo Chếnh tức Cửu Chân theo cách gọi của người Việt cổ tức người Mường xa xưa, từ lâu đã không còn phổ biến. Chân Bái căn cứ tài liệu dân tộc học là lỵ sở của bộ Cửu Chân, người đời sau theo dấu tích lập đền thờ Hùng Trinh vương ở Chân Bái tức Hổ Bái. Chúng ta ai cũng biết thời đại Hùng Vương, đất Cửu Chân nói chung, Chân Bái nói riêng, đất đai rộng bao la, người ở thưa thớt, nên Chân Bái là nơi tập trung dân cư đông đúc nhất phải bao gồm cả tổng Đan Nê, có thể mở rộng ra thêm tổng Đông Lý đời hậu Lê. Và đền thờ Hùng Trinh vương tức Hùng Trinh hầu ở Hổ Bái ghi nhận dấu tích nơi này và trung tâm điểm lỵ sở bộ Cửu Chân. Theo dã sử ngài ở đây lập ra 6 giáp tức vùng tổng Đan Nê sau này.

Đời An Dương Vương, Thục Phán dời đô từ Kinh thành Văn Lang xuống Phong Khê đắp thành Cổ Loa (Hà Nội), lỵ sở các bộ như Cửu Chân cũng có thể di chuyển từ Chân Bái đi nơi khác, nhưng hiện chưa tìm thấy cứ liệu, chúng ta hãy tạm gác vấn đề để sang thời kỳ đấu tranh chống phong kiến phương Bắc xâm lược và đô hộ.

Hán Vũ đế nhà Hán chia quận Cửu Chân làm 7 huyện: Tư Phố, Cư Phong, Đô Bàng, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Thiết, Vô Biên. Như vậy Tư Phố là tên huyện đâu phải tên quận trị tức lỵ sở của quận. Theo sách Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh (NXB Lao động) huyện lỵ Dương Xá (tức Giàng) là lỵ sở huyện Tư Phố. Sách Lịch sử Thanh Hóa và Tên làng xã Thanh Hóa (Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa) đều chép Tư Phố là huyện lỵ, cũng là quận trị quận Cửu Chân. Điều này có thể xảy ra. Nhưng địa danh Tư Phố và huyện Tư Phố đâu phải bất biến. Theo Đường thư – Địa lý chí của nhà Đường (Trung Quốc) cai trị nước ta từ năm 618 đến 907 cộng thêm Hậu Đường, cả thảy 300 năm, thì năm 622 đem đất huyện Tư Phố đặt ra Châu Tư, sau đó lại trở lại huyện Tư Phố. Năm Thiên Bảo (743-755) lại bỏ hai huyện Di Phong và Tư Phố. Từ đó (đầu thế kỷ 8) tên Tư Phố mất hẳn. Cho nên không thể nói một câu chung chung: Tư Phố là quận trị quận Cửu Chân và Châu trị Ái Châu suốt thời kỳ phương Bắc xâm lược, đô hộ nước ta. Các “nhà” từ Hán đến Đường, nói riêng tỉnh ta, đơn vị hành chính quận, châu, huyện thay đổi lung tung, vô cùng phức tạp. Kẻ Giàng – Dương Xá thực ra chỉ là nơi để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Tuy nhiên vùng đất Giàng – Dương Xá khá rộng, cuối đời nhà Đường địa giới gồm nửa cõi phía sông Mã ngày nay là hai huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa.

Mục đích của đế quốc thực dân phương Bắc từ Hán đến Đường xâm chiếm phương Nam để bóc lột kinh tế, nô dịch văn hóa. Quan lại “Thiên triều” sai sang cai trị nước ta hầu hết đều tham tàn, bạo ngược, một số tên sói già khéo đội lốt cừu non giả truyền bá lễ nghĩa, dạy dân làm ruộng... được sách vở Trung Quốc tô vẽ, tâng bốc lên mây.

Thái thú quận Cửu Chân đầu tiên được quốc sử ta chép tên là Nhâm Diên dạy dân nghề làm ruộng, biết lễ nghĩa, có tới hơn hai nghìn người lấy nhau một lúc. Năm ấy mưa thuận gió hòa, thóc lúa được mùa... Nhâm Diên cai trị được 4 năm, Vua Hán gọi về. Sự thực, hơn hai chục lưỡi cày cánh bướm khảo cổ phát hiện được ở di chỉ Thiệu Dương, Phà Công chứng tỏ từ sáu, bảy trăm năm trước CN, dân ta đã giỏi nghề làm ruộng. Phong tục Lạc Việt có lễ nghĩa của mình, đâu cần đến Nhâm Diên mới nên vợ nên chồng. Hơn nữa ông ta cai trị có 4 năm, dẹp loạn chưa xong nói gì đến chuyện “an dân”.

Năm 40 (sau CN) Hai bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi quân Hán. Nhân dân Cửu Chân nhiệt liệt hưởng ứng. Dưới cờ nghĩa, tướng soái Cửu Chân có bà Lê Thiện, Đô Dương, Đào Kỳ... nổi dậy đánh phá các huyện, san bằng các trị sở. Theo Việt sử thông giám cương mục, quận trị Cửu Chân bấy giờ ở huyện Cư Phong (nước Ngô 222 – 280 đổi làm huyện Di Phong). Quan lại nhà Hán thích ngọc trai, ngà voi và nhiều sản vật quý lạ phương Nam, bắt người Nam xuống biển, lên núi tìm kiếm, tình cảnh vô cùng khốn đốn. Người Cửu Chân thường liên kết với người các quận đánh phá thành ấp. Do đó, Thái thú quận Cửu Chân xây thành đắp lũy rất kiên cố. Nhưng thành lũy dù kiên cố đến mấy cũng khó bảo toàn quan lại, quân binh của địch. Sách Hậu Hán thư chép: “Trước kia huyện lệnh huyện Cư Phong là người tham lam tàn bạo, không biết thế nào là chán. Người trong huyện là bọn Chu Đạt họp nhau đánh giết huyện lệnh. Họ có đến bốn năm ngàn quân tấn công vào quận trị Cửu Chân (ở huyện Cư Phong). Thái thú Cửu Chân Nghê Thức ra đánh, bị tử trận. Nhà Hán sai đô úy quận Cửu Chân là Ngụy Lãng đánh phá tan được, nhưng tướng giặc (nghĩa quân) vẫn đóng chiếm Nhật Nam, thế lực ngày càng thịnh...”. Mỗi lần bị đánh phá, thành lũy giặc khó tránh khỏi hư hại, vì thế, chúng phải tìm nơi xung yếu hơn để xây dựng quận thành kiên cố hơn.

Năm 248, Giao Châu thuộc nước Đông Ngô, Bà Triệu họp dân làm lính, khởi nghĩa đánh phá các quận, huyện trị sở, đi đến đâu như gió lướt đến đó, làm rung động cả Giao Chỉ (Bắc bộ). Quan lại Trung Quốc sang cai trị nước ta, tên nào cũng ăn chơi hưởng lạc. Anh em, cha con Sĩ Nhiếp chia nhau cai trị các quận. Bản thân Sĩ Nhiếp được suy tôn là Nam Giao học tổ, là Sĩ Vương, mỗi lần đi ra khỏi thành, quân sĩ tiền hô hậu ủng, chiêng khánh khua dậy đất, cờ quạt tán lọng rợp trời, mang theo những 20 vợ hầu, cốt ra oai với thiên hạ. Sĩ Nhiếp làm thứ sử 50 năm, sống đến tuổi 90. Nhiếp chết, con em họ Sĩ tranh nhau quyền bính. Quân binh mỗi khi mâu thuẫn cũng chia bè cánh đánh nhau, trong thành cố giữ, ngoài thành cố đánh hàng mấy tháng trời không hạ được. Thế mà nghĩa quân Bà Triệu chỉ trong một trận đạp đổ cả huyện thành Cư Phong và quận thành Cửu Chân.

Sau khởi nghĩa Bà Triệu bị thất bại, Cửu Chân liên tiếp loạn lạc, quân Lâm Ấp (Chiêm Thành) cướp phá, đời nhà Tiền Tống (420-479) chuyển quận trị Cư Phong sang huyện Tư Phố (huyện Đông Sơn) trên vùng đất Tư Phố (nay thuộc xã Thiệu Dương). Đời nhà Tùy, Thái thú Cửu Chân Lê Ngọc (Lê Cốc) di dời quận trị sang vùng đất nay là Hữu Bộc – Trường Xuân. Lê Ngọc tôn sùng đạo Phật, chính sự tốt, được lòng dân, quân Lâm Ấp không dám xâm phạm. Lê Ngọc xây dựng Bảo An đạo tràng để thờ Phật và tu hành ở Trường Xuân. Tấm bia đá Trường Xuân được xem là cổ nhất nước ta hiện còn chứng minh sự kiện ấy.

Năm 618 nhà Tùy mất, nhà Đường thay. Vì cha con anh em nhà Lê Ngọc không thần phục, họp quân chống lại nên bị hy sinh cả. Dấu tích thành lũy hiện còn ở làng Trường Xuân, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn.

Nhà Lương (Trung Quốc) Lương Vũ đế đổi quận Cửu Chân làm Ái Châu thống lĩnh 6 huyện: Cửu Chân, An Thuận, Sùng Bình, Quân Ninh, Nhật Nam và Trường Lâm.

Các huyện thành luôn bị quân Chiêm Thành cướp phá. Đời Tùy lỵ sở Ái Châu ban đầu ở Đồng Pho. Đời Đường chuyển về đất cũ thành Tư Phố. Thành này ở gần sông Mã càng tiện đường thủy cho quân Chiêm cướp phá. Năm 801 nhà Đường dùng Bùi Thái làm An Nam đô hộ. Bùi Thái vừa đến nơi liền bắt quân sĩ lấp bỏ những hào rãnh ở trong thành Giao Châu. Tiếp đến, lại bắt quân sĩ xây đắp thành Ái Châu trên cơ sở huyện lỵ Tư Phố đã bỏ hoang phế từ trước. Bùi Thái vốn là Lang trung Bộ Binh dùng quân lệnh bắt ép tướng sĩ làm việc không kể ngày đêm. Thái bị quân sĩ than oán, bộ tướng trong châu là Vương Quý Nguyên nhân cơ hội đuổi Bùi Thái về nước để chiếm quyền châu mục tức Thái thú Ái Châu.

Huyện thành Tư Phố cũ ở vào khu vực Doanh Khánh sau đất này đổi tên Doanh Xá còn gọi là Dinh Xá, nay thuộc xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa bên cạnh xã Thiệu Dương cùng thành phố, cùng dải đất kề sông Mã. Cái tên làng Chành, Kẻ Chành cũng rất cổ như cái tên kẻ Giàng, giáp Dương Xá. Những địa danh Doanh Khánh, Dinh Xá tên chữ Hán là chứng tích ở đây vốn là một lỵ sở. Bến đò Cự Khánh rất gần bến đò Giàng (Dương Xá). Thành trì dựa vào dãy núi đá Thái Bình, Đại Khánh – Bàn A. Từ nghìn xưa, hai bến sông, hai chức năng khác nhau. Bến lớn Cự Khánh nơi đỗ thuyền của vua quan, quân sĩ, Giàng là bến đò ngang, đò dọc chở khách đi xa về gần. Nhà Đường mở mang bến lớn Cự Khánh nối vùng Hoan Ái với Giao Chỉ. Thời kỳ ấy, Ái Châu vẫn không yên cũng như đời nhà Hán. Chính sách Ki-mi (ràng buộc lỏng lẻo) thực tế thắt buộc ngày càng chặt, thuế má bóc lột tàn khốc, quan lại cai trị tham tàn, mỗi năm bắt hàng ngàn dân phu sang Trung Quốc xây nhà, đắp thành, đi lính... họ có đi không có về. Dân Ái Châu thường liên kết với Hoan Châu, Giao Châu tổ chức những cuộc khởi nghĩa lớn nhằm lật đổ chính quyền, tuyên bố độc lập tự chủ như Lý Nam đế, Mai Hắc đế...

Bắc quốc từ Hán đến Đường cai trị Giao Châu, phải dùng Nho giáo, Phật giáo. Thậm chí sai cả đạo sĩ nổi tiếng như Trương Tân sang làm Thứ sử Giao Châu. Trương Tân dòng dõi Trương Lăng sáng lập đạo phái Ngũ Đẩu Mễ. Sang An Nam, ông ngày đêm mải mê đọc kinh sách Đạo giáo truyền bá học thuyết khắp các châu quận rằng: “Vô vi hữu trị, thiên hạ đại trị” nghĩa là không cần trị người mà thiên hạ phải tuân theo, các nơi đều yên ổn. Một thời gian, lại mục cho là Trương Tân nói láo, đánh chết. Đời sau bịa ra truyền thuyết Trương Tân đắc đạo thành tiên! (Việt sử thông giám cương mục cũng chép Trương Tân sang cai trị Giao Châu bị đánh chết, triều đình ở quá xa không điều tra nổi án tích, đành cử viên quan khác sang thay). Có thuyết nói Trương Tân bị đuổi về nước.

Thời Mạt Đường con sư tử phong kiến Trung Quốc xâm lược bị già yếu, các phe phái chia nhau xẻ thịt, cướp đất chiếm thành, lập nước riêng: Liêu, Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu... Nhân thời cơ thuận lợi hiếm có ấy, Khúc Thừa Dụ, một đại hào trưởng ở Hồng Châu, đem quân chiếm đóng thành Đại La (Hà Nội) tự xưng Tiết độ sứ quản lĩnh đất nước, sau đó mới xin mệnh lệnh Đường Chiêu tông, ông vua cuối cùng nhà Đường. Họ Khúc tổ chức lại bộ máy Nhà nước, khuyến khích khai hoang lập làng, mời Dương Đình Nghệ ở Dương Xá (Giàng) làm nha tướng phụ trách Ái Châu (Thanh Hóa). Ông đổi đặt tên trấn sở Dương Xá, chấn chỉnh Doanh Khánh, giao cho con rể Ngô Quyền cai quản, luyện tập thủy binh chờ khi dùng đến.

Họ Khúc bị quân xâm lược Nam Hán tiêu diệt. Năm 931, Dương Đình Nghệ đem đội quân phụ tử 3.000 con nuôi kéo ra thành Đại La đánh đuổi quân Nam Hán, các tướng Lý Khắc Chính, Trần Bảo bị rơi đầu. Năm 937, Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ bị đầu độc. Nha tướng Ngô Quyền đem binh ra dẹp loạn, diệt quân Nam Hán, tự xưng Ngô Vương. Năm 944 Ngô Quyền mất, xảy loạn 12 sứ quân, Trấn sở Ái Châu không ai cai quản. Ngô Xương Xí chiếm giữ Bình Kiều (Triệu Sơn) lập giang sơn riêng...

Bài 2: Trấn sở Dương Xá.

PV



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]