(Baothanhhoa.vn) - “Xứ Thanh – bản thân tên gọi ấy đã nói lên rất nhiều điều có ý nghĩa. Chính cái nhìn địa – văn hóa này đã được cha ông ta từ xưa thấu tỏ, do vậy, dù trải qua bao nhiêu triều đại, qua bao cuộc sáp nhập và phân chia thì xứ Thanh vẫn là xứ Thanh, Thanh Hóa vẫn là Thanh Hóa”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tinh hoa văn hóa xứ Thanh – khác biệt nhưng không hề dị biệt

“Xứ Thanh – bản thân tên gọi ấy đã nói lên rất nhiều điều có ý nghĩa. Chính cái nhìn địa – văn hóa này đã được cha ông ta từ xưa thấu tỏ, do vậy, dù trải qua bao nhiêu triều đại, qua bao cuộc sáp nhập và phân chia thì xứ Thanh vẫn là xứ Thanh, Thanh Hóa vẫn là Thanh Hóa”.

Tinh hoa văn hóa xứ Thanh – khác biệt nhưng không hề dị biệt

Nét đẹp của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái (xã Xuân Phúc, Như Thanh).

Là một trong hai bộ phận hữu cơ cấu thành nên kho tàng di sản văn hoá dân tộc, di sản văn hoá phi vật thể được định nghĩa như là những sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Chính vì vậy, nếu di sản văn hoá vật thể ít khi chấp nhận, dung hòa được với những cải biến mang tính thời đại thì phương thức tồn tại của các di sản văn hóa phi vật thể lại khác hơn rất nhiều. Bởi tồn tại dưới dạng “là những sản phẩm tinh thần”, là “cái vô hình” nên nó cho phép dung nạp thêm những yếu tố ngoài thời đại nó được sinh ra. Nó có khả năng dung hòa và tiếp nối. Phải chăng vì thế nên hệ thống giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của xứ Thanh luôn tồn tại hết sức đa dạng, phong phú, vừa mang dấu ấn đậm nét của một “tiểu vùng văn hóa” lại vừa mang đậm hơi thở của thời đại.

Sự đa dạng, phong phú ấy trải đều trên nhiều phương diện khác nhau mà biểu hiện trước nhất nằm ở phương diện ngôn ngữ, chữ viết. Với lợi thế là một vùng đất cổ rộng lớn, dân số đông đúc, nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, xứ Thanh tựa như một cuốn từ điển ngôn ngữ, chữ viết. Và, bởi là vùng tiếp nối giữa khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ nên tiếng nói giữa các vùng nhỏ, giữa các huyện và nhiều khi giữa xóm, làng, xã trong một huyện cũng không hoàn toàn thuần nhất mà có những đặc điểm khác nhau khá sinh động. Tất cả hòa quyện với nhau làm nên hệ phương ngữ đặc sắc.

Lịch sử văn học xứ Thanh luôn là sự song hành và tiếp nối với lịch sử văn học nước nhà. Tuy nhiên, quá trình tiếp biến ấy không thể thiếu vắng vai trò của sự sáng tạo. Sáng tạo là nền móng chứng tỏ sự hiện diện và tồn tại hoàn toàn khác biệt của mảnh đất xứ Thanh này. Trong kho tàng văn học dân gian ấy, những câu ca dao, dân ca nổi bật hơn, cả về số lượng và nội dung. Ca dao, dân ca xứ Thanh, khi thì phóng khoáng dạt dào, bổi hổi bồi hồi, tha thiết; lúc thì chân chất yêu thương, bay bổng tình tứ, lạc quan yêu đời và có cả những khi châm biếm, mỉa mai hay bất bình, khắc khoải. Những dòng xúc cảm luân phiên hiện mình trong văn học dân gian như một tấm gương phản ánh chân thực đời sống tâm hồn của người dân xứ Thanh.

Nói về văn học dân gian xứ Thanh, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc nhớ về những tác phẩm tự sự dân gian với những câu chuyện về sự hình thành nên núi nên sông, đồng ruộng, làng bản, thôn xóm để từ những câu chuyện kể này thể hiện khát vọng, niềm tin của con người trong công cuộc khai phá đất đai, phát triển sản xuất và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng cuộc sống bình yên. Đó là những ông Tùng, ông Đùng quảy núi cày sông mà thành núi Nưa, sông Mã; đó là ông Tiên Nông cần cù khai khẩn đất hoang, mở rộng đồng ruộng cho người dân có cả cánh đồng Neo rộng lớn: “Qua cánh đồng Neo phải nheo mắt lại”. Người dân xứ Thanh mọi thế hệ sẽ còn lưu mãi bên mình những câu chuyện kể về chàng Go nghĩa hiệp, ông Tần lấp biển, ông Đùng, ông Vồm cao lớn, chàng Độc Cước xẻ thân giúp dân đánh đuổi loài quỷ biển... Ký ức cộng đồng được lưu giữ cùng sức sống bền bỉ của trang Sử thi đẻ đất đẻ nước (sử thi Mường), Khảm Hải (sử thi Tày)...

Có lẽ sự xuất hiện của trống đồng Đông Sơn là chứng tích xưa nhất ghi nhận truyền thống sân khấu diễn xướng của vùng đất xứ Thanh từ buổi bình minh dân tộc. Trên vùng đất ấy, nghệ thuật trình diễn dân gian chia làm hai cấp bậc: Sân khấu lễ tục và sân khấu lễ hội. Sân khấu lễ tục hình thành trước sân khấu lễ hội rất lâu. Càng về sau, nhất là từ các thời đại phong kiến, sân khấu lễ tục càng bị hạn chế, song không mất hẳn mà biến hóa đa dạng, tồn tại lâu bền cho đến ngày nay với các trò: Cướp cù, cướp hệch, trò chụt, chơi bông, chơi hoa... Trong khi đó, sân khấu lễ hội lại ngày một phát triển thành những quy mô sân khấu hoàn chỉnh. Các loại hình diễn xướng dân gian cũng có sự khác nhau giữa các vùng, miền. Ở miền núi, diễn xướng dân gian tiêu biểu như: Xằng khàm, cá sa, phấn chá, kin chiêng, pồn pôông, hồ là miên... đều xoay quanh tục lệ cổ sơ, hình thành nên sân khấu tâm linh trữ tình, có diễn xướng giao duyên trai gái. Diễn xướng dân gian ở miền xuôi thường gắn liền với các hội làng, hình thành và phát triển như sân khấu đích thực với các tích trò gắn với nét đẹp trong diễn xuất của các nhân vật. Yếu tố tục lệ vẫn còn song chìm vào chiều sâu, yếu tố tâm linh bao trùm, hòa trong không khí lễ hội. Thông qua các yếu tố lời thoại, cách diễn đã bước đầu phản ánh thân phận, tâm tư tình cảm của các tầng lớp người trong xã hội xưa. Có lẽ chính bởi sự đa dạng và đặc sắc ấy mà lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian của xứ Thanh đã xây dựng cho mình một thương hiệu và cũng là lĩnh vực có nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được vinh danh như: Trò Xuân Phả, trò diễn Pồn Pôông, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy, trò Chiềng, Ngũ trò Viên Khê (thường gọi là Dân ca, dân vũ Đông Anh)...

Tồn tại trong tâm thức người dân đất Việt nói chung, người dân xứ Thanh nói riêng, các tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội dễ dàng gợi lên những kí ức về làng quê suốt một tuổi thơ hồn nhiên, tha thẩn nô đùa. Tưởng như chúng chỉ là những hình dung đơn sơ, hời hợt nhưng chính không khí hội làng, niềm tin tín ngưỡng cùng các tập quán xã hội được hun đúc nên tự ngàn đời bỗng chốc thổi bừng lên điểm sáng lung linh, rung động, thôi thúc, giục giã mỗi người trong chúng ta biết hướng về nguồn cội. Có thể điểm tên rất nhiều lễ hội, tín ngưỡng diễn ra trên mảnh đất xứ Thanh này: Lễ hội làng Thiết Đanh (xã Định Tường, huyện Yên Định), lễ tục làng Vạc (xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa), lễ hội đền Mưng, làng Cổ Bôn (xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn), lễ hội Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân), lễ hội đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), lễ hội Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân), lễ hội làng Bố Vệ (TP Thanh Hóa)... Nền văn minh lúa nước, văn hóa nông nghiệp, văn hóa làng đã tựu trung trong các tập quán xã hội, lễ hội, tín ngưỡng một cách tự nhiên, hài hòa, phát triển theo hai chiều hướng song song cùng tồn tại. Đó có thể là các tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội được hình thành trên nền tảng các giá trị văn hóa nguồn cội, mang đậm tính chất bản địa. Hoặc có thể là những nét văn hóa được hình thành qua quá trình giao lưu, tiếp biến nhằm hướng tới sự đa dạng, kéo gần các yếu tố bản địa với yếu tố dân tộc lại với nhau. Hòa cùng nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, không khí mừng vui, rộn ràng và ý nghĩa ẩn sâu trong những vỉa tầng văn hóa của các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng đã đóng góp vào diện mạo văn hóa xứ Thanh nhiều di sản văn hóa phi vật thể xứng tầm quốc gia như: Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội đền Độc Cước...

Lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất xứ Thanh không thể thiếu bóng dáng khéo léo, tỉ mỉ của đôi bàn tay, óc sáng tạo và sự cần cù, chịu thương chịu khó vốn là nét đặc trưng trong tính cách người dân nơi đây. Bởi vậy mà từ xa xưa, vùng đất này đã nổi danh với hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống. Có những làng nghề đã sống và đi vào ca dao, dân ca Việt Nam như một thương hiệu của sức sống bền bỉ: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Lửa nghề của làng nghề đúc đồng Chè Đông (xã Thiệu Trung) trải qua biết bao biến thiên thời gian, lịch sử vẫn đủ sức thắp lên sắc màu di sản. Và còn đó những làng nghề truyền thống: Dệt may, đan lát, làm mộc, luyện kim, đồ đá mỹ nghệ, đồ trang sức, làm gốm, đan cót, sản xuất, chế biến nước mắm quyện vào không gian văn hóa làng, xã.

Từ những phương diện khác nhau trong hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đã phần nào khắc họa được diện mạo văn hóa xứ Thanh như là vùng đất của các giá trị tinh hoa văn hóa hội tụ. Đúng như GS. Ngô Đức Thịnh đã từng sâu sắc nhận định trong tiểu luận Tiểu vùng văn hóa xứ Thanh: “Xứ Thanh – bản thân tên gọi ấy đã nói lên rất nhiều điều có ý nghĩa. Chính cái nhìn địa – văn hóa này đã được cha ông ta từ xưa thấu tỏ, do vậy, dù trải qua bao nhiêu triều đại, qua bao cuộc sáp nhập và phân chia thì xứ Thanh vẫn là xứ Thanh, Thanh Hóa vẫn là Thanh Hóa”. Tính chuyển tiếp văn hóa đã làm nên tất cả những gì gọi là nét riêng của mảnh đất này, là “cá tính văn hóa” khác biệt nhưng không hề dị biệt mà phát triển rất đỗi hài hòa với nền văn hóa dân tộc.

*Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Địa chí Thanh Hóa, tập 2.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]